Năm ấy mười bảy tuổi

Tôi ngập ngừng đứng ngoài khoảng sân, cũng không biết có nên gọi là sân hay không, vì nó chỉ là một khoảng đất nhỏ lổng chổng những gạch, đá, xi măng. Một tấm bạt lớn được mắc vội qua một cây tre già làm cái lều tạm, bên trong bừa bộn những quần áo, nồi niêu, xoong chảo. Thành gạt những vỏ nhựa, chủ yếu là sữa, mì tôm sang một bên để kê cái bàn gỗ cũ kỹ sứt một miếng thấy rõ vào giữa mớ bòng bong ấy. Hai cái chạc tự chế từ cốp pha được lôi ra từ đống xi măng, Thành kê một tấm gỗ mỏng lên rồi mời tôi vào ngồi.

Hương chè xanh nấu vội nồng chát, Thành nhìn tôi cười gượng. Cậu tới bất ngờ quá, Thúy ạ! Câu nói của Thành làm tôi chợt thấy bối rối. Đã mười bảy năm trôi qua chúng tôi mới gặp lại nhau, khi tạm biệt đứa nào cũng trong hình dạng thư sinh trong sáng mà bây giờ gặp lại thì những nếp nhăn đã chớm hình thành, dấu hiệu văng vật của những cơn sóng gió cuộc đời đang in hằn lên dấu mắt.

Tôi nhìn quanh, căn nhà đang xây dở, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang, Thành tinh ý bảo, tại mấy hôm nay trời mưa nên công trình tạm dừng thi công. Tôi hỏi qua vài câu về mùa vụ, thời tiết để chữa ngượng. Tôi đến thăm Thành chỉ đơn giản là vì tình bạn chứ không phải đến để săm soi xem cuộc sống của bạn tệ hại thế nào. Giàu nghèo với tôi đâu có quan trọng, trải qua nhiều bão giông, trái tim tôi đã hiểu ra chỉ có tình cảm giữa con người với nhau mới đáng trân trọng.

Tôi kể với Thành những kỉ niệm từ ngày còn đi học, từ chuyện cây mận tam hoa nhà cái Diệp vừa mới nhú quả ra bằng ngón tay cái, nó đã rủ chúng tôi đến vặt trụi; rồi cái hôm đi học về trời mưa to chạy vào nhà thằng Xum trú tạm, mẹ của Xum ra vườn bẻ ngô về nướng cho cả bọn ăn… Bao nhiêu câu chuyện vui vẻ, tinh quái của tuổi học trò hồn nhiên hiện về như rõ mồn một làm khoảng cách giữa chúng tôi tan biến. Ngồi trước mặt tôi vẫn là Thành của nhóm S4 khi xưa, gương mặt trái xoan điển trai, đôi mắt sâu cuốn hút cùng mái tóc bổ đôi lãng tử ngày nào dù da mặt có sạm đi nhưng vẫn thấp thoáng nét duyên thầm làm bao cô gái mê mệt.

Kết thúc học kỳ hai của lớp mười một, bố tôi chuyển công tác về xuôi, cả gia đình tôi cũng chuyển về theo bố, tôi tạm biệt Thành cùng những người bạn học để tới nơi mới. Những lưu luyến, những giọt nước mắt, những tình cảm bạn bè ấm áp viết đầy cuốn sổ tay tôi mang theo. Trong giây phút bịn rịn ấy của tôi, Thành gần như biến mất. Đến ngày cuối cùng, tôi chuẩn bị tạm biệt mảnh đất mình sinh ra để về với quê nội thì Thành đột ngột xuất hiện, chẳng nói chẳng rằng, Thành tặng tôi bó hoa bằng lăng khiến tôi biết bao xúc động.

Mười bảy năm trôi qua, mọi kỷ niệm cứ như mới xảy ra ngày hôm qua. Tôi hỏi Thành còn nhớ món canh hành không? Thành cười thành tiếng. Cái món canh hành chẳng có gì đơn giản hơn nữa, mười bảy năm rồi sao Thúy cứ thắc mắc. Nguyên liệu chỉ có nước, hành, một tí mỡ lợn, muối và mì chính thôi, quan trọng là thời điểm cho hành, nước sôi thả hành vào là bắc ra luôn, thế là có món canh hành thơm ngon chứ có cái gì đâu. Thì ai chẳng biết là như thế nhưng món canh còn do tay người nấu, Thành không biết sao, cùng công thức ấy mà có người nấu ngon, người thì nấu dở, chứ nếu không người ta tổ chức cuộc thi tìm kiếm vua đầu bếp làm cái gì. Tôi cãi.

Thành cười, một nụ cười từ tốn rồi nhấp một ngụm chè xanh, thứ chè chát đắng, nồng mùi khói bếp, nhưng sạch, chẳng lo thuốc sâu thuốc sủng gì cả. Hai cây chè to vật vã trồng đã hơn hai mươi năm cành lá um tùm, xum xuê, hàng xóm đến xin, Thành sẵn sàng cho không lấy tiền, thậm chí nhiều khi quen quá rồi thì cứ vào mà lấy, lấy càng nhiều càng tốt, Thành đỡ phải chặt bớt đi khi đầu mùa mưa đang tới, lũ sâu róm lại tìm đến làm tổ.

Nhắc tới sâu róm làm tôi thấy gai cả người, Thành học giỏi nhưng từng là học sinh cá biệt, hay mang sâu róm đến lớp để vào ngăn bàn trêu bọn con gái chúng tôi. Tôi lúc ấy là bí thư chi đoàn lớp, tôi vốn rất căm ghét Thành và những hành động của Thành đã khiến tôi phải tìm gặp riêng Thành với một trận tranh cãi nảy lửa, đa số là lời của tôi vì Thành đã thề không bao giờ đánh con gái. Sau đận ấy, tôi và Thành trở nên thân thiết, Thành cũng không còn nghịch ngợm nữa mà tập trung vào học hành. Tình cờ cô giáo bắt ghép cặp “đôi bạn cùng tiến” nhóm tôi, Thành và Phương cùng trao đổi về học tập.

Kỉ niệm bao giờ cũng khiến con người ta cảm thấy yêu mến, nuối tiếc. Khi xa nhau, chúng tôi vẫn liên lạc cho tới khi tôi học lên đại học thì mới chấm dứt bởi lịch học tập của tôi quá bận rộn. Cuộc sống ở quê cũ bao nhiêu đổi khác, con người cũng bị cuốn theo làn sóng sôi động của sự phát triển kinh tế. Cuộc họp lớp sau mười lăm năm ra trường, vắng mặt Thành. Phương bảo với tôi Thành không giữ được lập trường, vào trại cai nghiện mấy lần đâm ra tự ti không muốn tới họp lớp.

Tôi và Thành đang nói chuyện thì một cậu bé tầm học lớp hai đi vào, cậu bé hồn nhiên gương mặt rất sáng, chào chúng tôi một cách lễ phép. Cậu bé cất cặp xong, tự nhiên sà vào lòng Thành rất tình cảm.

– Con trai cậu đấy à?

Thành lại cười, một nụ cười đầy mãn nguyện. Thành xé vỏ hộp bánh, đưa cho con trai rồi dặn con sang nhà bà nội chơi. Nhìn bóng dáng cậu bé tung tăng đi khuất khỏi con đường mòn đầy cát đá, Thành mới trả lời tôi, gương mặt đầy suy tư. Năm ấy, Thành thi tốt nghiệp xong nhưng vì điều kiện hoàn cảnh gia đình không đủ khả năng cho cậu nuôi tiếp mơ ước đi học đại học nên Thành đành hoãn lại để đi làm kiếm tiền. Thành đã dự định, kiếm tiền một năm rồi năm sau ôn thi lại. Thành xin đi làm phụ hồ một thời gian, thấy công việc vất vả mà chẳng kiếm được bao nhiêu, Thành nghe bạn bè rủ xuống thành phố làm bưng bê cho quán hát.

Ánh sáng thị thành lung linh rực rỡ quá Thúy ạ. Nó làm cho ước mơ của nhiều người thành sự thật nhưng trong số những con người may mắn đó lại không có Thành. Thành sa đà vào ma túy lúc nào chẳng biết. Biết bao mùa hoa nở hoa tàn, bầu trời trong xanh đã chuyển thành màu xám đục, trong đầu Thành chẳng thể yêu nổi vẻ đẹp của một màu hoa tím, nó chỉ toàn dòi bọ, nó thôi thúc Thành làm mọi thứ để thỏa mãn cho cơn nghiện, dù công việc ấy có khốn nạn, nhục nhã tới đâu. Cuộc đời cứ thế dúi Thành xuống vũng bùn lầy nhơ nhớp. Nhiều lúc, Thành tưởng Thành không còn sống nổi, Thành chán ghét bản thân, bản thân đâu còn là của Thành nữa cơ chứ, Thành đã định kết thúc tất cả.

Buổi chiều hôm ấy, một buổi chiều ánh nắng chan hòa, gió thổi đều nhưng vẫn không xua đi được cái nóng oi ả của ngày hè. Thành dừng lại ở đỉnh đèo, định bụng sẽ vào bản Mông thừa cơ ăn trộm lợn mang xuống thị trấn bán đi để lấy tiền thỏa mãn cơn nghiện. Thành nhìn tôi, nhấp một ngụm chè. Đúng vậy, Thúy không nghe nhầm đâu, Thành từng là một kẻ đê hèn như thế đấy. Vừa định bụng giấu xe vào bụi cây ở gần mặt đường thì Thành nghe thấy tiếng kêu èo ẹo như con mèo con. Thành đã định mặc kệ, song tiếng kêu càng lúc càng yếu ớt, một phần lương tâm của Thành thức dậy muốn cứu vớt lấy một sinh mạng. Thành lần theo tiếng kêu và bắt được một đứa trẻ đỏ hỏn, còn nguyên dây rốn, bầy kiến đã bò xung quanh người đứa nhỏ.

Tới bây giờ, Thành cũng chẳng còn nhớ Thành đã đưa đứa nhỏ tới viện bằng cách nào với một bên là cơn phê thuốc vật vã đang tới gần và một bên là một sinh linh đang kề miệng hố tử thần. Thành để nó vào tay của cô y tá có gương mặt của một thiên thần rồi bỏ đi với sự ngạc nhiên tột độ của cô ấy cùng những người trong bệnh viện. Thành đã để cho số phận của đứa trẻ cho người tốt hơn Thành định đoạt. Thành trở về với mớ bùng nhùng đen tối của mình mà chẳng suy nghĩ gì cả. Suốt mười năm trời Thúy ạ, Thành đã loanh quanh trong đêm tối của đời mình, loanh quanh không lối thoát.

Đôi mắt Thành nhìn ra khoảng không trống rỗng như đang hồi tưởng lại quãng đời tồi tệ nhất của mình. Tôi không biết nên nói gì cho phải vào lúc này. Tôi không ngờ cuộc đời của người bạn thân thiết một thời lại bi đát đến như thế. Tôi đã từng có lúc buồn đến tuyệt vọng, có lúc đứng bên bờ vực sa ngã, cuộc sống này làm gì có êm ả mãi, thế nhưng những lúc như thế, luôn có một cánh tay đưa ra kéo tôi trở về. Với Thành, đứa trẻ có lẽ là cánh tay ấy chăng? Thành mở đôi mắt thật to cố ghìm lại những đợt sóng nước định trào ra ngoài.

Đứa bé đã không có người nhận, Thúy ạ. Tiếng khóc của nó đêm nào cũng ám ảnh Thành. Tự nhiên, một tình cảm lạ lắm, Thành muốn che chở cho nó. Có lẽ vì đồng cảm, nó cũng bị hắt hủi, cũng cô đơn giữa cuộc đời này như Thành. Nhưng ai sẽ điên mà tin tưởng mà giao lại cả cuộc đời, tương lai đứa trẻ tội nghiệp cho một thằng nghiện. Thành đã phải quỳ lạy, van xin bố mẹ Thành nhận nuôi thằng bé, Thành đã hứa sẽ thay đổi.

Từ lời hứa tới hiện thực nó gian nan vất vả lắm. Con ma túy đã được cấy vào người Thành gần mười năm, để chia tay cuộc tình này thật vật vã, chết đi sống lại. Những lúc không chịu nổi, Thành cố nhớ đến gương mặt đỏ hỏn, cái miệng nhỏ xíu đang cố hớp lấy những ngụm không khí để bám lấy sợi dây sống mong manh. Thành đã vượt qua được, tất cả nhờ nụ cười của thằng bé. Thúy thấy đấy, cuộc sống của Thành bây giờ vẫn đầy rẫy khó khăn nhưng Thành đang hạnh phúc vì được là chính mình, được sống cuộc sống của mình, được che chở người mình yêu thương. Thế là đã quá đủ!

Tôi chia tay Thành khi trời đã sang chiều, chuyến xe cuối cùng đang đợi tôi ngoài thị trấn. Cuộc sống của Thành ở hiện tại đã khá hơn rất nhiều so với tưởng tượng của tôi. Thành tiễn tôi ra tận ngõ, tôi động viên Thành quay lại cùng tập thể lớp, mọi người đều mong bạn bè trong lớp trưởng thành, ai cũng ngưỡng mộ những con người biết vượt lên hoàn cảnh để sống tốt không chỉ cho cuộc đời của mình. Thành gật đầu, nụ cười tỏa nắng, đôi mắt sâu hun hút long lanh những tia nắng như khi chúng tôi chia tay nhau lần đầu tiên, năm ấy mười bảy tuổi.

ĐẶNG THÙY TIÊN

 

Xem thêm


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.