Mường Than tôi yêu

Mặt trời đuổi theo tôi về phía Mường Than. Lúc thì nấp sau đám mây, lúc thì ló ra nhìn như sợ tôi trốn đi mất. Có lẽ mặt trời muốn theo chân tôi ngắm nhìn cánh đồng lúa xanh mượt mà kia và ghé vào ngửi khói bếp của những ngôi nhà sàn dưới rặng tre bên chân núi…

Một buổi chiều như thế. Hoàng hôn xuống dần. Mặt trời như quả bóng đỏ thỉnh thoảng ló ra khỏi những đám mây trắng bạc rồi lại bị mây che mất. Tôi đi vòng khắp Mường Than chỉ để hít căng lồng ngực mùi hương lúa đang thì con gái và chìm đắm trong màu xanh bất tận của cánh đồng. Mường Than của tôi. Mường Than thân yêu của tất cả người dân Than Uyên tự bao đời.

Mường Than là cánh đồng được nhắc đến trong câu ca của người Tây Bắc “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” – Mường Than là niềm tự hào, vựa lúa lớn nhất của người dân quê tôi. Cánh đồng trong thung lũng, nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, bên kia thung lũng là dải rừng thấp của dãy Pu Sam Cáp. Không biết cánh đồng này có từ bao giờ, chỉ biết người dân quê tôi nghề nông trồng lúa nước được truyền từ đời này sang đời khác. Dòng suối Nà Khằm trong vắt chảy qua Mường Than từ khi nào mà mang tinh túy ngọt lành từ lòng núi Hoàng Liên Sơn nuôi dưỡng bao mùa lúa ngọt lành? Mây gió núi Hoàng Liên Sơn tràn xuống đây bao nhiêu mùa, đã quyến hương lúa Mường Than đi mà trải khắp đất trời Tây Bắc?

Mường Than là tên gọi cánh đồng này từ xa xưa, vốn kéo dài từ bản Khiêng (bây giờ thuộc thị trấn Than Uyên), bản Đông (xã Mường Than) đến hết bản Nà Ít, bản Nà Dắt (thuộc xã Phúc Than bây giờ), dọc theo hai bên quốc lộ 32, chiều dài chừng trên 8km. Tôi sinh ra, lớn lên ở đây, đã thấy Mường Than ngay từ thơ bé. Tôi yêu Mường Than trong từng hơi thở, trong cả giấc mơ. Tôi đi làm qua đây, mỗi ngày chứng kiến Mường Than thay đổi. Từ lúc cánh đồng xám màu bùn đất, trơ gốc rạ mùa trước cho đến lúc mỗi thửa ruộng lại có vài luống đất được bừa nhuyễn để gieo mạ, rồi những tấm bạt nilon trắng được trùm lên trên những thanh tre uốn cong cong làm vòm… ấy là lúc Mường Than chuẩn bị vào mùa mới. Tôi thích ngắm những mái vòm trắng kia mỗi ngày, chờ đến lúc chúng được dỡ ra và tôi được thỏa thích ngắm cái màu xanh mơn mởn đầy sức sống của những luống mạ non. Cái cảm giác nhìn thấy sự sống bắt đầu một vòng hồi sinh mới thật thích thú vô cùng. Tôi mê mẩn nhìn các chị nhổ mạ, các anh gánh mạ, các êm cấy thoăn thoắt trên đồng, chân tay lấm bùn mà đôi má đỏ bừng, mồ hôi lấm tấm mà nét mặt vẫn tươi vui. Tôi biết, từ những giọt mồ hôi kia, ngày mai, ngày kia, những thân mạ mỏng manh, yếu ớt sẽ loang ra cả cánh đồng một màu xanh bát ngát, trù phú. Tôi có thể ngồi say sưa bên bờ ruộng hay bên con đường nhỏ mà ngắm nhìn thật lâu những người dân làm cỏ lúa. Những dáng người cúi khom lưng, những bàn tay vơ cỏ dường như đẹp hơn cả những bài ca, điệu múa. Phải lang thang ở Mường Than, ngắm đàn cò bay thong thả và bầy trâu gặm cò tung tăng mới thấy yêu Mường Than đến nhường nào.

Vào những ngày trời Mường Than cao và trong, bầu trời xanh ngắt và màu xanh tươi của lúa như cộng hưởng với nhau để tạo nên một sắc xanh ngây ngất. Lúc bấy giờ, chỉ muốn chụp thật nhiều ảnh, muốn hát thật to, ôm cả cánh đồng vào lòng mình. Những ngày trời mát, bầu trời đầy mây xám bạc như phủ một lớp màn tuyn trắng, từng vầng, từng dải mây Hoàng Liên Sơn dày đặc cứ nhởn nhơ, chầm chậm mà sà xuống thật thấp xuống chân núi như muốn bảo ta rằng “chúng tôi cũng muốn trườn xuống kia, muốn len vào từng gốc lúa mà tươi xanh như lúa”…

Từ Mường Than, ta nhìn ra xung quanh, lúa như muốn chạy lên rừng, vì ruộng đã len vào khe núi rồi leo lên cao hơn. Lúa theo chân người dân Mường Than đến mọi góc rừng, thổi thêm màu xanh cho cây cỏ. Từ Mường Than, ta nhìn lên núi. Hoàng Liên Sơn như người cha trầm lặng, như bức tường thành vững chãi bao đời che chắn cho mảnh đất này. Những con đường mòn lên núi, rẽ bao nhiêu lối, ngoằn ngoèo, màu đường đất đo đỏ, vàng vàng, những lối đi nhỏ xíu vắt vào nhau, nhẵn mòn như những đường chỉ tay của người trên núi. Đường chỉ tay ấy dẫn người ta lên núi, để rồi từ trên núi vén màn mây ra nhìn xuống là thấy Mường Than như cả một thế giới kì diệu, một thế giới xanh biếc đầy sức sống.

Rồi một ngày Mường Than thơm ngọt là lúc lúa đã trổ đòng. Tuốt một đòng lúa, thưởng thức thật chậm thôi, sẽ thấy vị ngọt ngào trời đất ban cho thấm trong từng tép lúa. Xong cứ ở đấy mà hít hà, mà tham lam, muốn vơ cả hương vị thơm dịu thanh mát ấy vào lồng ngực. Trở về nhà, vẫn thấy hương lúa đâu đây, ta biết đã đem thân mình ướp trong trời chiều nồng nàn hương lúa.

Lúa chín, Mường Than vàng rực như một tấm thảm được căng dưới vòm trời, mỗi góc một màu vàng với các sắc độ khác nhau, chỗ vàng đậm, chỗ vàng xanh, vàng tươi… tất cả nồng đượm màu trù phú. Lúc ấy, đàn cò thong dong hơn, đàn trâu đủng đỉnh hơn, cánh đồng lại mong chờ những tiếng máy tuốt lúa nổ giòn, những đống rơm thơm ngòn ngọt chất dọc hai bên đường và những sân phơi lại vàng rực nắng.

Mường Than, ngày xưa là nếp tan, séng cù, bao thai, gạo đỏ, giờ thêm J02, tám bắc, … Mường Than là thóc gạo đầy bồ, là no ấm. Là hoa nở ven đường Sen Đông, Phương Quang, là tiếng gà gáy vang Cẩm Trung, Én Nọi. Là lợn ụt ịt đầy chuồng bản Ngà, Én Luông. Là ấm áp khói bếp nhà sàn, rộn ràng tiếng mõ trâu về bản Lằn, bản Giẳng.

Mường Than, là hội xòe chiêng tết xíp xí xíp hả tháng giêng, là tết rằm tháng bảy, là nhịp trống chiêng rộn ràng như thúc giục ta nhanh tới; là vồng ngực tròn căng, là vòng eo con gái nhỏ xíu trong áo cóm cúc bạc, là nhịp đánh yến ngày xuân, là quả còn ngày hội; là nồng nàn tay nắm trong đêm xòe quanh đống lửa hồng. Mường Than, là tay vịn cầu thang lên nhà sàn nhẵn bóng, là bếp lửa hồng ấm hơi cơm nếp trong coóng khẩu, là vị cá nướng, măng đắng chấm chẩm chéo bùi bùi…

Mường Than, là bàn tay bố, mẹ nhăn nheo, xù xì, là ánh mắt mẹ reo vui khi thấy con trở về, là cái nhắm mắt lâng lâng khi bố húp một hớp rượu từ ché rượu cần làm bằng lúa mới. Mường Than là tiếng reo vui của lũ trẻ tan học trở về, là bước chân đuổi nhau chạy rầm rập trên con đường nhỏ…

Mường Than, là ta say mê, yêu quý, cội nguồn tâm hồn ta, là khi ta cạn kiệt sức lực lại muốn trở về. Chỉ để ngồi im thật lâu bên bờ ruộng, lắng nghe gió hát, nghe hương lúa thấm vào từng tế bào để hồi phục năng lượng sống, để lại cất tiếng hát ngân nga, say sưa về cánh đồng của quê hương thân thuộc. Mường Than của ta! Mường Than đã chuốc rượu ai chưa, mà sao ta say mãi một đời?

ĐINH HỒNG NHUNG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.