Trưởng thành, con người ta sẽ có nhiều vùng cảm xúc được mã hóa bởi những mùi hương, những âm thanh, hình ảnh. Và trong đó, có những vùng cảm xúc của tuổi thơ gắn với dáng hình hao gầy, đôi tay gầy guộc tảo tần của mẹ, hay đó đơn giản chỉ là những âm thanh hay mùi hương thân thiện với từng nơ ron thần kinh đến nỗi, chỉ cần tưởng tượng là chực trào nhớ đến nao lòng. Với cô, mùi nước gội đầu của mẹ là mùi hương đánh thức cả một bầu trời tuổi thơ, là nỗi nhớ khôn nguôi về một vùng kí ức chẳng thể phai mờ. Hành trang ấy, cô gói gém giữa dòng đời xô bồ, tấp nập, mang theo nuôi dưỡng tâm hồn để thấy mình luôn trẻ dại trước bến đỗ mang tên “Mẹ”.
Thời buổi hiện đại, có mấy ai có thời gian gội đầu bằng thứ quả dân dã, truyền thống – bồ kết? Người ta bận rộn cùng với guồng quay của công việc, của gia đình, cùng những lo toan thường nhật. Hơn nữa, đủ các thương hiệu dầu gội đầu trong nước và nước ngoài với những mùi hương sang chảnh, đáp ứng thị hiếu của con người trong thời buổi công nghiệp hóa – hiện đại hóa này. Và nếu có ai đó trót phải lòng mùi nước gội đầu bình dị ấy, sẽ có một lựa chọn về chất liệu thiên nhiên được chiết xuất thành sản phẩm công nghiệp có mùi hương liệu đủ chanh, đủ sả và cả mùi bồ kết. Nhưng với cô, tất cả những thứ mùi đó không thể nào khiến cô lay động mà quên đi mùi đượm hương quê nhà giản dị. Mùi hương ấy còn chất chứa cả tình yêu thương của mẹ, là mùi mang lại cảm giác bình yên quê nhà. Mùi hương ấy nuôi lớn tuổi thơ cô, đánh thức tình yêu quê hương, yêu gia đình từ thẳm sâu trong trái tim. Mùi hương cô gọi là mùi hương mẹ.
Xa quê dễ mấy mươi năm, tha hương cầu thực là nỗi niềm của bất cứ người con xa xứ nào, trong đó có cô. Cuộc sống bon chen khiến cô có đôi lần quên cái chộn rộn của tháng năm, của những sợi tóc bạc ngày một nhiều nơi đầu mẹ, những khóe chân chim nơi mắt mẹ. Ánh mắt cả đời dõi theo từng bước trưởng thành của cô. Và cả đôi tay gầy guộc một đời hi sinh cho đàn con, chăm chút những năm tháng tuổi thơ êm đềm, bao bọc cho những dại khờ tuổi trẻ của cô. Đôi tay gầy guộc ấy của mẹ nâng niu từng lọn tóc mây mềm, thơm mát của cô trong hương thơm nước gội đầu bình dị, chân chất như chính con người mẹ vậy. Mẹ bảo, ngày mẹ sinh cô, bố trồng cây bồ kết trước nhà để sau này, trong nhà lúc nào cũng sẵn bồ kết cho hai mẹ con. Cây trồng trên đất của nhà, bố chăm chút, bám rễ hút từ nguồn mạch ngọt ngào trong đất để đơm hoa, kết trái thành những quả bồ kết thuôn dài, mẩy từng hạt, đều chằn chặn. Nên chăng, nồi nước của mẹ là kết tinh của những gì thân thuộc, gần gũi nhất với cô tựa như hơi thở. Hương thơm ngào ngạt của nồi nước gội đầu mẹ đun đượm cả mùi khói bếp rơm đầu hồi, quen thân đến nỗi chẳng thể bị pha tạp bởi những thứ hương bồ kết thị trường thiếu chân thật. Phải rồi, những thứ cỏ cây như: cỏ mần trầu xanh ngát; cây ngũ sắc mùi hăng hắc đặc trưng; cây hương nhu mùi thơm nức mũi; lá sả đặc vị quê hương; quả bồ kết nướng thơm ngào ngạt,… Tất cả chúng được mẹ chuẩn bị với thành phần vừa đủ đun cùng nước mưa ngọt lành ngoài hiên mẹ tích trữ, tạo nên thứ nước lá với mùi đặc trưng mà đầy dưỡng chất. Hương thơm ngào ngạt của nồi nước cứ thế nuôi dưỡng tâm hồn cô từ tấm bé, len lỏi giữa cuộc đời bất kể cô nơi đâu. Có đôi lần, giữa chốn phồn hoa đô hội, cô nhớ quá mùi hương ấy, chạy ra chợ, mua một nắm những lá tự nhiên của sạp hàng rau củ. Nhưng những thứ lá được trồng theo cách công nghiệp đâu có giống lá của mẹ sẵn ngoài vườn? Chưa kể, những lá đặc trưng của quê hương thì ngoài chợ đâu dễ có? Cô cố gắng hít hà mùi hương để được sống với những cảm xúc được gần mẹ nhưng dường như nó chẳng chạm đến tận cùng tâm khảm nơi cô? Phải chăng, vì nồi nước gội đầu của mẹ đâu phải chỉ có mùi thơm quyến rũ của những cỏ cây? Nó có cả tình yêu của mẹ trong đó, có mùi vị quê nhà khiến cô đau đáu cả đời không nguôi.
Gói gém những mệt nhoài nơi phố xá, những toan tính chật hẹp đời thường và cả những buồn vui thời cuộc, cô về với mẹ để được hít hà mùi hương quen thuộc nơi quê nhà, để được nắm đôi tay thô sần bên ca nước gội đầu mẹ chuẩn bị và để tắm mình trong những cảm xúc rất quê hương.
Nguyễn Hồng