Tây Bắc mùa nào cũng đẹp và đam mê đến nao lòng. Nhưng mùa xuân nơi đây đẹp hơn bao giờ hết. Tự xuân Tây Bắc đã là một bức bích hoạ tuyệt mĩ về sự sống. Trước cảnh xuân ấy, ta bỗng chốc hóa thi nhân, thi sĩ. Dưới ngòi bút hào hoa, tinh tế của các nhà thơ miền Tây Bắc, thiên đường mùa xuân nơi đây lại càng ẩn chứa biết bao tình.
Cảnh xuân biêng biếc…
Có lời thơ đã hóa thành lời hát. Bởi chính nó đã đầy nhạc điệu của sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Tây Bắc mùa xuân:
Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào đẹp hơn
Khi mùa hoa đào nở
(Chiều biên giới – Lò Ngân Sủn)
Thật không quá khi nói mùa xuân ở Tây Bắc đẹp như một miền cổ tích. Ta nhớ mênh mang lời ca “Rừng xanh cây lá muôn đóa hoa mai chào đón xuân về” trong khúc “Tình ca Tây Bắc”. Mùa xuân Tây Bắc như thiên đường hoa trên mặt đất. Những rừng mận trắng tinh khôi trải dài khắp các sườn đồi, rừng đào phai như trên tiên cảnh. Mùa xuân theo hoa đào trên núi – Hát gọi – Tình ơi (Những cánh đồng – Đỗ Thị Tấc). Góp cùng muôn đóa hoa xuân ấy, có cả sắc trắng mà ít người biết tới. Không phải hoa lê trên cao nguyên núi đá, mà là hoa táo mèo bé nhỏ nở cùng tiếng khèn mùa xuân:
Tiếng khèn mùa xuân
Gọi rừng hoa táo mèo nở trắng
(Hoa táo mèo – Hoàng Anh Tuấn)
Phải là người am hiểu tường tận, yêu mến sâu sắc vùng núi rừng Tây Bắc mới thấy được vẻ đẹp bình dị, khiêm nhường, kín đáo trong thung sâu của những bông táo mèo. Thung lũng Tây Bắc còn miên man những vạt cải: Gió xuân lách qua đá tai mèo – Nở hoa vạt cải – Xuân rộ trên môi em gái Giáy xuống chợ – Bung trên váy áo rực rỡ em gái Mông (Phùng Hải Yến). Biết bao loài hoa đẹp tô thắm núi rừng khi xuân về. Nhưng có lẽ chỉ có hoa ban mới được người Tây Bắc xem là chúa của các loài hoa. Mỗi khi hoa ban nở ta biết xuân đang chín, xuân hiện hữu nghìn đoá hoa cười bên mắt lá hình tim: Đầu sàn hoa ban – Múa xoè trong gió – Én chở mưa xuân – Đánh rơi vạt cỏ. (Mùa xuân vùng cao – Hoàng Anh Tuấn). Theo tiếng Thái, “ban” có nghĩa là ngon, đẹp đẽ. Tất cả những gì ngon ngọt, đẹp đẽ đều gọi là “ban”. Hoa ban còn là biểu tượng cho những khát vọng, ước mơ cháy bỏng trong tâm hồn người vùng cao. Với tuổi trẻ, hoa ban là biểu tượng của tình yêu chung thủy và hạnh phúc lứa đôi. Trong vốn cổ văn hóa dân gian Thái, thì truyền thuyết hoa ban là truyền thuyết đẹp nhất về tình yêu, đức hi sinh, lòng hiếu thảo:
Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở
Không thấy ngày ban tàn
Không tính tháng, không tính năm
Mãi như mùa ban đầu đôi ta yêu nhau.
Nhà thơ Sầm Nga Di cũng có lúc ví tình yêu trong sáng, tươi đẹp như “mùa ban nở”: Tình ta đẹp như mùa ban nở (Lời em hát). Chính bởi những ấn tượng tốt đẹp về con người và hoa ban Tây Bắc mà nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã tặng xứ sở này những dòng trữ tình ngợi ca tha thiết:
Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu
Hoa ban nở thành người con gái Thái.
(Gửi Lai Châu – Trần Mạnh Hảo)
Xuân tới, muôn loài hoa rừng khoe sắc đua hương đẹp như một ý thơ Đường: “Hoa đồi như dải gấm thêu” (Lý Bạch). Và rồi cảnh xuân ấy hóa thân vào trong mỗi nụ cười duyên, mỗi làn da trắng hồng, mỗi búp tay thon như búp măng rừng, mỗi đường nét tuyệt vời trên tấm thân ngà ngọc của người sơn nữ. Xuân Tây Bắc đẹp vô ngần. Ta như bị bỏ bùa mê trong bộn bề cảm xúc. Trước cái đẹp của đất trời, ta khát khao được sống, được yêu, được dâng hiến.
Xuân là mùa của lễ tết, hội hè. Ngày Tết xứ lạnh, mọi người thường trở về bản làng, về quê, nhà, xúm xít quanh bếp lửa hồng. Ngôi nhà gỗ hoặc tre nằm giữa lưng chừng núi có thể tuềnh toàng nhưng vẫn mang lại hơi ấm, xua cái lạnh đi ngang qua khe cửa. Vị nếp xôi mẹ nấu tan trên đầu lưỡi, vị bùi thơm ngọt mát của các món ăn đầu xuân chế từ cỏ hoa, rêu đá, cá sông… Mọi người mời nhau cùng nhấp chén rượu ngô cay nồng, khi ấy, xuân dường như đang tan hòa trong huyết quản mỗi người : Tết trên bản làng – ... Mẹ nhen bếp lửa – Thơm nồng nếp xôi (Mùa xuân vùng cao – Hoàng Anh Tuấn).
Tết đến, xuân về, các bản làng mở hội. Ta nhớ những đêm xòe trong tiếng hát: “Inh lả ơi! Sao noọng ời! Khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời, mùa xuân đến ngàn hoa hé cười...” rộn rã, dặt dìu khắp bản.
Bát nữa rồi bát nữa
Rượu đầy như tình đầy
Vòng xòe làm bằng lửa
Tiếng đàn cháy trên dây.
(Phiên chợ Giào San – Trương Hữu Thiêm).
Và bao tình yêu nảy nở từ những đêm xòe. Điệu xòe cho ta gần nhau hơn, cho gắn kết con người, cho nên duyên đôi lứa. Nghe tiếng tha thiết này, sao ai nỡ có thể buông tay em giữa vòng xòe:
Chớ buông tay em nhé
Em buông tay làm đứt vòng xòe
Em buông tay rời rạc mường bản
Lẻ loi sẽ cô độc vực đá
…Vòng xòe cộng đồng gắn kết
Em ơi chớ buông tay
Vòng xòe mênh mông tình mặn
(Vòng xòe – Lò Cao Nhum)
Bởi thế mà có chia xa, cũng nhớ mãi hơi ấm cầm tay trong điệu xòe là vậy: Khách về – Bẽn lẽn úp mặt vào cái siết tay – Tưởng hơi ấm sau điệu xòe nằm lại (Siết tay – Phùng Hải Yến). Cho nên thật dễ hiểu cho cảm xúc: “Ai lên Tây Bắc mùa xuân ấy, hồn về xứ ấy chẳng về xuôi ” (Tây Tiến – Quang Dũng).
… Tình xuân ấm nồng
Vì cảnh xuân như thơ ở xứ sở Tây Bắc, mà lòng người thêm nỗi khát khao. Vì yêu mà người đến tìm nhau:
Mê mải vì tình…
Bay vòng quanh núi
… dốc cạn đêm xuân
Say đàn môi.
(Đàn môi – Chung Tiến Lực)
Mùa xuân – mùa khát khao hạnh phúc. Không ai muốn đơn côi, lẻ bóng. Giống như Mị (Vợ chồng A Phủ) trong đêm tình mùa xuân, hơi men, tiếng sáo càng làm cô bồi hồi nhớ những buổi hò hẹn với câu hát chơi vơi: Anh ném pao, em không bắt – Em không yêu, quả pao rơi rồi. Xuân làm mỗi trái tim khát vọng yêu và hạnh phúc. Bởi vậy mà người núi đến chợ tình. Chợ tình nhiều phiên, nhưng phiên chợ mùa xuân là vui nhất, là được mong chờ nhất:
Mỗi năm mười hai tháng
Mỗi tháng có một phiên
Suốt từ ba giờ sáng
Náo nức một vùng biên
(Phiên chợ Giào San – Trương Hữu Thiêm).
Xuống chợ phiên mà nghe như trong lòng hát. Cảnh vật cũng cứ thế mà rộn ràng theo bước chân: Mặt trời hồng lưng vách núi, lững lờ làn mây trắng – Con chim gì mà hót vui vang cả cánh rừng – Vui chân, vui chân ta cùng xuống chợ – Bướm trắng bay quanh bên những rừng mơ (Gặp nhau giữa rừng mơ – Bảo Chung). Nhà thơ vùng cao Hoàng Anh Tuấn cũng cùng cảm hứng ấy: Đường xuân xuống chợ – Váy hoa nở đầy – Núi già sợ rét – Cổ choàng khăn mây (Mùa xuân vùng cao – Hoàng Anh Tuấn). Một chút nhân hóa mà cảnh vật hữu tình hay lòng người hữu ý. Ta dường như bị cuốn theo không khí đi chợ phiên rộn ràng, đầy sức sống ở một vùng biên trong thơ Trương Hữu Thiêm:
Vó câu khua rầm rập
Nhạc dồn dập lưng mây
Trai mười mường phầm phập
Gái chín bản phây phây
Người đi chợ xuân, có khi chẳng mua bán gì, chỉ đi chơi, chỉ để gặp gỡ, trao nhau lời hát, tiếng khèn: Có vợ, đem theo vợ – Có chồng, rủ cả chồng – Chẳng có cứ đến chợ – Sẽ gặp người đi không (Phiên chợ Giào San – Trương Hữu Thiêm). Nhưng thường thì, mỗi người đến chợ để tìm tình yêu:
Chợ xuân
Gửi nhau lời hát
Trao nhau tiếng khèn
Dắt nhau về phía tình yêu…
(Chợ Xuân – Nông Quang Khiêm)
Áo bên hoa sặc sỡ
Khèn theo gió véo von
Thề nguyền trao giữa chợ
Nỗi niềm cuốn lên non.
(Phiên chợ Giào San – Trương Hữu Thiêm).
Theo văn hóa người Mông miền cao, chợ tình còn là nơi để những người yêu nhau không lấy được nhau gặp lại để tâm tình, chia sẻ:
Những tình xưa dang dở
Hẹn nhau về Khau Vai
Những tâm hồn vụn vỡ
Tìm nhau về Khau Vai
(Chợ tình Khau Vai – Nông Quang Khiêm)
Chợ tình Khau Vai mỗi năm chỉ có một phiên vào mùa xuân: … Gom bao mùa xa… nhớ… – Đổ vào trong một ngày. Họ gặp nhau vội vàng rồi chia tay, ai lại về với cuộc sống riêng của người ấy, hẹn ngày xuân năm tới gặp lại:
Mỗi xuân về em nhé!
Hẹn một ngày Khau Vai
Rồi đường xa thăm thẳm
Ai lại về với ai!
(Chợ tình Khau Vai – Nông Quang Khiêm)
Gặp nhau ở chợ tình Dào San
Một ngày dài hơn vạn nẻo
Dáng người khuất trong tiếng lục lạc ngựa
Em ngược hoàng hôn trở lại bình minh.
(Gặp nhau ở chợ tình – Phùng Hải Yến).
Mỗi năm một lần gặp mà có những người: Chợ tình tâm sự mấy mươi phiên – Yêu thương gập ghềnh còng dáng núi (Chợ tình – Lò Cao Nhum). Nhưng rồi ai ai cũng vẫn tới mỗi dịp chợ phiên về. Đó là tấm lòng sắt son, chung thủy của những mối tình dang dở. Mà người vợ, người chồng đều cảm thông, không khi nào ghen tuông, trách móc. Hình ảnh người vợ sau chợ phiên, dắt người chồng đã say mềm trở về thật không hiếm gặp ở vùng non cao này: Vợ tất tả dắt ngựa, đưa chồng về ngôi nhà nhỏ – bên kia dãy núi (Xuân về ngách núi Phùng Hải Yến).
Có thể nói, bao nhiêu bài thơ về chợ tình là bấy nhiêu câu chuyện tình yêu. Có nghe kể mãi, cũng chưa bao giờ thấy chợ phiên miền cao thôi quyến rũ. Có những tình yêu đắm say, cuống quýt, vội vàng:
Một đêm xuân bên nhau
Con mắt nhìn con mắt
Cái tai nghe cái tai
Tóc cuốn tóc không rời
Da thịt mài da thịt
Trái đất xoay tít mù.
(Một đêm xuân Pờ Sảo Mìn)
Lời thơ đầy hành động, yêu là “nhìn”, là “nghe”, là “cuốn”, là mài da thịt vào nhau. Cách diễn tả giản dị, đơn sơ, có cái phóng khoáng, hoang sơ của tự nhiên, của núi rừng. Bởi thời gian đời người hữu hạn, tình yêu thì mong manh: Một đêm xuân bên nhau – Thời gian dài đứng lại – Một trăm năm một khoảnh khắc – Một nghìn năm ngắn gang tay. Nên những người yêu nhau trân quý từng khoảnh khắc bên nhau. Ta nghe thấy sự vội vàng trong lời giục giã yêu Xuân Diệu: Nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ – Em, em ơi, tình non sắp già rồi. Đó là cảm xúc của những trái tim yêu mãnh liệt, muốn được sống, được yêu bằng cả con tim. Với người xứ núi, thì tình yêu ấy càng là tình yêu không tính tuổi:
Tình yêu không có tuổi
Bên cành xuân lộc biếc
(Bên cành xuân lộc biếc Nguyễn Thị Minh Thông)
Tình yêu ấy khiến ta nhớ những “bữa tình yêu” dào dạt, chân thành của Lò Ngân Sủn: Ngồi bên nhau – Nằm bên nhau – Quấn lấy nhau – Miệng húp nhau tới tấp”. Đây là những lời nói thẳng thật, đậm chất phồn thực, hoang sơ của người miền núi. Yêu thì nói là yêu bằng cái bụng thẳng thật, đã yêu thì cho dù “Em là củ mài trong đất – anh quyết đào lên – em là sao trên trời – anh quyết hái xuống”. Đã yêu thì đâu kể khó khăn: “hai ta yêu nhau giữa nều lương – Lều nương không phên vách – Ta cởi áo làm phên vách – Hai ta yêu nhau giữa lều ruộng – Lều ruộng không chăn chiếu – Ta cởi áo làm chăn chiếu (Lò Ngân Sủn). Vương quốc tình yêu khi đó chỉ còn thiên nhiên và tình yêu ngự trị. Người trai rừng “như cây thông mọc thẳng – nói lời yêu cũng thẳng – tao thích mày (Trai rừng – Bùi Thị Sơn). Những tình yêu mãnh liệt, chân thành có thể chinh phục bất cứ ai.
Mùa xuân là mùa yêu, nhưng có phải tình yêu nào cũng như mong ước. Trong đêm tình mùa xuân, hiu hắt những tiếng thở dài. Bởi đó có thể là tâm sự buồn của trái tim yêu mà không có được người mình yêu:
Chưa kịp bắt em về làm vợ
Khèn xuân đã hớp hồn em buổi Gầu tào
(Đàn môi – Chung Tiến Lực)
…Chiều nay tắt đường rừng qua bản Phố
Váy em kìa, phơi trước cửa người ta?
(Mùa phơi váy – Hoàng Anh Tuấn)
Sau Tết là mùa phơi váy. Váy thì sặc sỡ, em thì đẹp: Váy hoa nở trên bờ rào vẫy gió – Lũ bướm non hau háu mắt khát thèm – Đám trai bản muốn hóa thành lũ bướm – Bay lạc vào miền thổ cẩm trong em. Cho nên chỉ một lỡ bước: Anh xuống huyện theo bạn bè làm thợ – Nợ áo cơm ít có dịp thăm nhà là em về nhà người, mãi mãi không thể chung đôi. Nhưng cũng có khi em về nhà khác chỉ tại anh nông cạn, chẳng đủ yêu. Nhà thơ trẻ Mai Oanh (Yên Bái) trong “Lời yêu không để trong túi áo” đã kể một câu chuyện tình bằng thơ:
Ngày em hỏi anh
“Bếp tắt em về đốt lửa được không
Ướt áo em phơi cùng sào được không”
Anh bảo lời khắp anh chưa nên
Lời cọi anh còn chưa thuộc
Lới đáp anh tập chưa quen
Anh phải về học khắp khuyên trước đã
Một cô sơn nữ rất chủ động trong tình yêu, khao khát yêu. Chỉ vì anh nói phải về học khắp khuyên trước đã nên cô đã đợi chờ: Em đợi mùa quả còn bay qua bay lại – Em đợi mùa dê chọi đầu xuân. Vậy mà một ngày xuân, cô thấy anh hát chọi làng bên – với cô gái làng trên như hoa phặc phiền trên núi cao nở đẹp. Anh không yêu mà tuổi xuân em vội lắm nên em phải lấy chồng: Lời kết đôi có người nhặt rồi – Khăn lụa em vừa nhận hôm qua – Chân em bước chín bậc vào gian trong – Bồ vía em theo chính giỏ trái ngoài. Em nhận lời người chỉ vì anh: lời yêu để trong túi áo, chứ không phải trong lòng. Ngày xuân vì thế có lúc “đắng lòng” quay đi:
Em như hoa núc nác bên bờ giậu buồn lòng
Như cành cong con chim đôi không dậu
Lời anh ngọt rồi ai ăn
Dạ em đắng rồi anh có biết?
(Lời yêu không để trong túi áo – Mai Oanh)
Đọc thơ xuân mà cứ thấy “ngực rỗng”, thấy xót xa, trầm lặng có lẽ phải nhắc tới thơ của nhà thơ trẻ Bùi Việt Phương (Hoà Bình). Anh viết từ xứ núi, với những cảm xúc của người trẻ hiện đại nhưng cũng đầy sâu lắng về những chiêm nghiệm giữa cuộc đời:
Trên cành xuân
Dưới nắng vàng
Đàn kiến lại rủ rỉ ra đi
Mà ta nghe ra trong mình
Trống ngực…
(Tháng Hai – Bùi Việt Phương).
Ám ảnh mùa xuân của Việt Phương có cái long đong, vất vả của cô gái mình yêu: Cách một nhành hoa là chạm tết – Thế mà em bươn chải cả năm trời,- Cách bàn tay em điều nuối tiếc – Anh cũng lao đao nửa cuộc đời (Sớm xuân – Bùi Việt Phương). Cho nên Tết có lúc buồn, cô đơn, thấm mệt, là mùa chưa gặt hái tình yêu : Chỉ có những nỗi buồn lang thang – Đi mãi chưa chạm vào được Tết – Chỉ những long đong thấm mệt – Đi mãi chưa chạm tay tới những mùa màng (Giêng – Bùi Việt Phương). Bị trầm trong cảm xúc ấy nên cho dù hoa bưởi mùa xuân đẹp thế mà đọc lên cứ thấy day dứt, đau tận đáy lòng:
Chỉ có chạm vào
Cánh hoa bưởi trắng
Rơi, một chiều gió lặng
Thế mà tần ngần
Đau.
Có ai nói
Hoang dại là gai đâu
Mà nhỏ máu
Thì nỗi buồn lại đọng
Hương bay hết
Thì họa mi mất giọng
Đâu cứ mùa xuân
Là phải xanh.
(Hoa bưởi – Bùi Việt Phương)
Đâu cứ mùa xuân là phải xanh. Nên mùa xuân còn có cả những nỗi buồn dâng kín. Mùa xuân vẫn là lúc người ta khát khao hạnh phúc, cần một trái tim ấm nóng, đủ đầy yêu. Thế ra, cái ta cần là mùa xuân của lòng người, giữa xuân của đất trời.
Xuân Tây Bắc đẹp như một tứ thơ. Thiên nhiên như mơ, rực rỡ. Tình người sắt son, nồng ấm nghĩa tình. Lời thơ của những nhà thơ bản xứ đã dẫn độ ta đến một thế giới đầy tình yêu. Ở đó có mọi cung bậc cảm xúc: yêu mến ngỡ ngàng, mãnh liệt cháy bỏng, đến trầm tư sâu lắng… Tất cả đó là thế thái nhân tình ở cõi trời Tây Bắc độc đáo và đậm đà bản sắc. Trước xuân hữu ý, mỗi ý thơ là một nét vẽ cho bức tranh thơ xuân thêm màu sắc. Mỗi đóng góp là cả một khát vọng, trăn trở về thơ, đóng góp vào nền văn học nước nhà, khiêm nhường mà lớn lao, cao cả: “Ta làm con chim hót – Ta làm một nhành hoa – Ta nhập vào hoà ca – Một nốt trầm xao xuyến”.
Thùy Giang