Mùa xuân Nậm Bó

Trước đây nhắc đến cái tên Nậm Bó (xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ, Lai Châu), người ta lại mường tượng ra cảnh đói nghèo, tệ nạn, hủ tục… . Nậm Bó ngày ấy là mối quan tâm, nỗi lo của các cấp chính quyền. Lần này trở lại Nậm Bó chúng tôi thật ngỡ ngàng trước sự đổi thay trong diện mạo của bản Nông thôn mới.

Nhắc lại chuyện xưa

Mỗi khi có dịp quây quần cùng cháu con, cụ Lù A Dình, 85 tuổi người già nhất bản Nậm Bó lại kể câu chuyện về bản mình hơn 10 năm trước. Ngày ấy, Nậm Bó là một trong những bản khó khăn, phức tạp nhất của huyện biên giới Sìn Hồ (Lai Châu). Nạn hút thuốc phiện còn nhiều, tỷ lệ thất học cao. Số hộ đói nghèo của bản trên 80% , tháng ba ngày tám phải đến quá hai phần ba số hộ đứt bữa.

Nghèo là do trình độ dân trí thấp và những hủ tục lạc hậu như đã ăn sâu bám rễ vào tâm trí họ. Mỗi năm người Nậm Bó chỉ trồng một vụ, làm nương rẫy theo tập quán cũ, gieo trồng các loại giống địa phương nên năng xuất  rất thấp; còn lại đất đai bỏ hoang, gia súc thả rông. Cứ năm nào mất mùa dịch bệnh lây lan, người dân lại đổ tất cả nguyên nhân là do con ma rừng về quấy phá. Khi có chuyện như thế, dân bản lại lục tục đi rước thầy mo về cúng, với họ chỉ có thầy mo mới xua đuổi được những vận hạn và con ma rừng không về phá bản nữa. Có năm thời tiết thay đổi, chuyển mùa dich bệnh phát tán làm trâu, bò, lợn, gà trong bản chết hết. Cái đói bò đến tận cửa, bát cơm trong mỗi gia đình chỉ toàn ngô, sắn độn, rồi ngô sắn cũng chẳng còn. Những lúc như vậy người dân chỉ biết vào rừng lấy măng, đào củ mài và săn thú để duy trì cuộc sống. Vì đói, nghèo nên việc học hành của con trẻ gặp nhiều khó khăn, nhiều cháu bỏ học giữa chừng. Khi cán bộ bản và các thầy cô giáo đến nhà vận động con em đi học tiếp. Hầu hết chẳng gia đình nào mặn mà với việc học “cái chữ” của con em. Có người còn nói: “Cái chữ có ăn được đâu. Học không ra gạo, ra ngô, đi nương mới có cái ăn”.

Áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới vào canh tác là bài toán giúp bà con bản Nậm Bó, xã Lùng Thàng (Sìn Hồ Lai Châu) thoát nghèo.

Năm 2012, Nậm Bó là bản cuối cùng của xã Lùng Thàng có điện lưới Quốc gia. Bà con vui như ngày hội, bởi bao năm đèn dầu tập tịt, giờ thì điện thắp sáng, loa phóng thanh rọi tới từng nhà. Các công trình giao thông, trường học được nhà nước quan tâm hơn, cuộc sống của bà con Nậm Bó ngày càng khởi sắc.

Tấm lòng của “bố bản”

Có lẽ người ngấm cái đói nghèo bủa vây bao năm là “bố bản” Tao Văn Xanh cái tên mà bà con dành để gọi ông như một sự kính trọng. “Bố bản”  có ngót 30 năm làm trưởng bản Nậm Bó. Tuổi thơ “bố” là những buổi trưa nắng chang chang ra suối mò cua, bắt ốc, lên rừng lấy măng, tìm nấm: “thèm cơm vàng cả mắt, thấm cảnh đói nghèo truyền kiếp. Nay trong căn nhà gỗ khang trang có đủ phương tiện nghe nhìn, ngồi nhâm nhi chén trà, “bố” trải lòng về những năm tháng cùng bà con lao động sản xuất thoát khỏi đói nghèo, rời bỏ hủ tục…

Nhận thấy Nậm Bó có nguồn nước dồi dào từ các khe núi chảy ra, là điều kiện thuận lợi để canh tác lúa nước và tăng gia sản xuất. Lúc đầu dân chưa quen với việc trồng cây lúa nước, nhiều người chưa dám tin, bố Xanh cùng gia đình khai hoang thêm ruộng, đào ao vừa thả cá, vừa trữ nước cho cây lúa trong mùa khô. Thấy “bố” miệng nói tay làm thực sự mang lại hiệu quả kinh tế người dân trong bản ai nấy đều làm theo.

Cùng với công tác phát triển kinh tế, bố Xanh không ngững tuyên truyền bài trừ tệ nạn xã hội. Từ lâu những người mắc nghiện ở bản, là do lối sống và tập tục xưa còn lại, trong đó nhiều đối tượng có con cháu đang đi học và công tác tại xã. Nắm bắt được tâm lý đó, ông không quản khó khăn kết hợp với những người thân trong gia đình, các già làng, người có uy tín trong dòng họ vận động tuyên truyền người nhà đi cai nghiện, uống thuốc Metalol theo chương trình của nhà nước. Thấy con cháu đang tham gia công tác xã hội vì mình mà ảnh hưởng đến gia đình, đến sự nghiệp của người thân, nên họ đã quyết tâm tử bỏ cái thứ chết người kia. Ngày trước, hễ bản có công việc lớn như: họp, phổ biến nghị quyết, phát giống mới, chiếu bóng lưu động… cũng lấy địa điểm nhà bố Xanh tổ chức. Nhưng ngặt nỗi nhà hẹp, người đến họp đông cứ phải chen chúc nhau. Nhiều lần ông đề nghị với xã xây dựng nhà văn hóa để bà con có nơi sinh hoạt tập thể, cái khó là chính quyền chưa tìm được địa điểm phù hợp.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông bàn bạc với gia đình hiến một phần đất cho bản xây nhà văn hóa, được gia đình đồng thuận, xã hỗ trợ mái tôn, bà con góp cột, ván, chỉ một tuần căn nhà gỗ 3 gian rộng hơn 80m2 đã hoàn thành. Đến nay, bản Nậm Bó đã thành lập được 3 đội văn nghệ, thể thao, hàng năm bản tổ chức giao lưu giữa các bản ngay tại nhà văn hóa.

Bản  Nậm Bó, xã Lùng Thàng (Sìn Hồ Lai Châu)  chủ yếu là bà con dân tộc Lự

Quyết tâm từ bỏ những hủ tục

Từ lâu, Nậm Bó vẫn mang nặng các hủ tục, là bản đa dân tộc, với 5 tộc người sinh sống (Mông, Thái, Dao, Lự,  Giáy, Kinh), nên những các thói quen, nếp sống trong sinh hoạt khá phức tạp. Thực hiện phong trào: “Toàn dân đoàn kết đời sống văn hóa khu dân cư”. Tranh thủ uy tín của các cao niên, già làng, ban lãnh đạo bản thảo ra quy ước chung của bản; trong đó có thực hiện nghiêm việc cưới, việc tang theo tinh thần đời sống mới, lấy đó là tiêu chí xét danh hiệu gia đình văn hóa. Trưởng bản Nậm Bó Phan Văn Vàng chia sẻ: “Trước đây, nhà có người chết, thường để ba đến bốn ngày mới mang đi chôn, khi chôn thì tự do chôn cất, tộc nào có người chết thì tộc đấy tự lo. Sau khi thống nhất quy ước, thực hiện đời sống văn hóa, trong bản nhà nào có người chết không được để quá 24 giờ và mỗi gia đình phải cử một người đến giúp. Đám ma phải chôn tại một địa điểm chung của bản”.

Qua câu chuyện với các đồng chí thôn bản và lãnh đạo cấp ủy chính quyền xã cùng người dân nơi đây trong ngày đầu xuân, niềm vui như lan tỏa khi cái ăn cái mặc với bà con Nậm Bó không phải lo như trước. Hiện cả bản có 82,6ha đất sản xuất nông nghiệp, 6,5 ha diện tích mặt ao nuôi cá nước ngọt, cùng hệ thống tưới tiêu đảm là điều kiện vô cùng thuận lợi trong phát triển kinh tế vươn lên làm giàu. Giờ thì người dân đã quen với canh tác lúa nước hai vụ, biết tranh thủ các chương trình của nhà nước để đưa những cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất chăn nuôi; đàn gia súc, gia cầm không còn thả hoang. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư vào phát triển kinh tế và kết quả đã thấy rõ. Điển hình như gia đình chị Thàng Thị Nòn với đàn trâu hàng trục con, tiền thu nhập từ chăn nuôi mang về cho gia đình chị đầy đủ cacxs phương tiên sinh hoạt và các con học hành đầy đủ, hay ông Lù A Sình, hàng  năm thu nhập trung bình mỗi năm từ 70 đến 80 triệu đồng từ ao cá, chăn nuôi trâu, dê, lúa, ngô. Riêng năm 2019 cả bản đã gieo trồng, ngô, lúa tận dụng đất khai hoang gần 100ha thu được hơn 300 tấn lương thực, số thóc, ngô này không những chỉ giúp bà con đủ cái ăn mà từ lâu Nậm Bó còn là nơi có nguồn hàng dồi dào cung cấp cho thị trường bên ngoài.

Trên đường đi thăm bản, chúng tôi gặp bà con người Giáy, Lự, Mông đang cắm cúi phơi những lù cở ngô đông vàng óng mặt đường bê tông. Nghe bào con kháo: bắp phải hong được nắng thì cật mẻ rượu đầu xuân mới thơm! Ngơi tay bà con rôm rả, ai ai cũng cũng kể chuyện đón xuân Canh Tý với những thắng lợi trong chăn nuôi sản xuất. Còn với ông Phạm Bá Hùng- Bí thư Đảng ủy xã Lùng Thàng  khẳng khái nói với chúng tôi trong sự quyết tâm của một người cầm lái: “Nậm Bó giờ với 4 Không: Không còn hộ đói, Không có trẻ em thất học; Không người học và truyền đạo trái pháp luật; Không còn người nghiện ma túy. Tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ổn định. Từ khi thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa, bản Nậm Bó luôn đoàn kết một lòng. Điều quý nhất là tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc”.

Chia tay bà con Nậm Bó, khi nắng xuân đã nhuộm vàng trên những sắc đào, mận còn rung rinh trong gió. Đường về Nậm Bó nay đẹp hơn xưa không hoàn toàn vì là con đường bê tông mà là con đường của ý Đảng lòng dân của sự đồng thuận một lòng. Có thể câu chuyện xưa Nậm Bó nhiều người không con nhớ nữa. Nhưng với các thế hệ con em nơi này xem như một “giai thoại” của thời kỳ khốn khó đã qua!

Minh Hưng & Văn Thắng

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.