Mùa xuân mang màu xanh lá

Trung Úy Sùng khệ nệ bê cái loa thùng để lên xe, lấy cái dây cao su kéo chặt lại buộc cho thật chắc. Sùng cẩn thận cắm thêm một lá cờ nhỏ ở đuôi xe máy. Thế là xong cả rồi. Sùng lên chiếc xe win màu đen rồi nổ máy bắt đầu thực hiện suy nghĩ mà Sùng ấp ủ bao nhiêu lâu nay: Tuyên truyền pháp luật tới bà con dân bản người Mông ở biên giới bằng tiếng bản địa.

Trung úy Sùng cũng là người Mông. Ngày Sùng còn bé, cha Sùng là người uống rượu giỏi nhất vùng, thế rồi vì cái danh ấy dần dần bố Sùng đâm ra nghiện rượu. Mỗi lần cha Sùng cắp con gà, con lợn từ bản đi xuống chợ phiên thì kiểu gì mẹ Sùng cũng phải đi theo. Chờ cha Sùng bán gà, bán lợn, ăn uống hể hả với bạn bè rồi say khướt, mẹ sẽ để bố lên ngựa để con ngựa thồ bố về nhà. Thế rồi con ngựa cũng đi theo con gà, con lợn, bị bán đi để nuông chiều sở thích uống rượu của bố Sùng. Mẹ Sùng lại kiên nhẫn địu cả con nhỏ đi theo, ngồi đợi bố Sùng những lần bố Sùng say quá ngủ gục ở ven đường. Cả tuổi thơ của Sùng đã chứng kiến cảnh đồ đạc trong nhà đội nón ra đi theo những cơn say của bố Sùng. Lúc bố của Sùng chết, cái bụng trương phình, làn da nhợt nhạt, vàng vọt, cả người gầy tong teo như que củi.

Bố chết, gánh nặng trong gia đình đổ cả lên vai mẹ. Sùng là anh cả nên Sùng cũng nhanh chóng cùng mẹ đi rừng, phát nương, bừa ruộng. Đôi vai nhỏ nhắn giờ phải vác cày, gùi củi nặng. Sùng làm việc quên ngày giờ, mẹ Sùng cũng quên cả việc Sùng đã đến tuổi đi học, Sùng phụ mẹ nuôi các em khôn lớn đến khi Sùng mười hai tuổi thì được các chú bộ đội biên phòng xuống bản vận động đi học xóa mù chữ. Thầy Thuyên chính là thầy giáo dạy Sùng những chữ cái đầu tiên, thầy cũng mang quân hàm xanh. Thầy thương Sùng, nhận Sùng làm con nuôi, lo cho Sùng ăn học tử tế nên mới có Sùng của ngày hôm nay. Sùng đã trở về tỉnh, trở thành một người lính biên phòng như thầy Thuyên, đúng như ước mơ thủa niên thiếu của Sùng. Sùng mong muốn sẽ cống hiến hết mình cho quê hương.

***

Trung úy Sùng dừng xe trên con đường mòn ngay giữa đèo. Nhìn xung quanh toàn những núi là núi, màu xanh của cây cối trải lên bạt ngàn mướt mắt. Những đám mây giăng giăng chậm rãi chảy từ đỉnh núi này sang đỉnh núi nọ. Những mái nhà lợp ngói pờrôximăng màu xám trắng nhấp nhô ở lưng chừng núi, xung quanh vẫn là màu xanh bao la của núi rừng. Người dân bản thật thà, tình cảm nhưng cái nghèo từng đeo vào người họ mãi từ đời ông cha tới đời con cháu mà vẫn còn nghèo. Đã có nhiều chính sách tới, đã có nhiều dự án mới với sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng trồng cây dược liệu, trồng cây ăn quả ôn đới thay cho cây thuốc phiện ngày xa xưa, cuộc sống người dân đời nay đã đổi khác, đã khấm khá lên nhiều lần. Thế nhưng một số kẻ hám lợi trước mắt vẫn bất chấp pháp luật cấu kết với kẻ xấu để thu lợi bất chính về mình.

Sùng làm công tác dân vận của đồn biên phòng nên càng cảm thấy rõ những nguy cơ khi bà con không hiểu biết mà vi phạm pháp luật. Như vụ cháu Vừ, cháu Dính đang học tại điểm trường tiểu học bị kẻ xấu khống chế bắt vận chuyển ma túy qua biên giới. Lúc bị bộ đội biên phòng bắt được chúng sợ hãi không nói lên lời. Sùng phải dùng tiếng Mông hỏi han chúng mới kể rõ sự tình. Là một người con sinh ra, lớn lên ở bản làng, gặp những câu chuyện người dân vì nghèo khó mà vi phạm pháp luật, Sùng vừa thấy buồn, vừa thấy trong lòng nảy sinh một phần bất lực. Sùng đã suy nghĩ nhiều đêm về vấn đề làm thế nào để người dân hiểu biết pháp luật? Làm sao tuyên truyền cho cả người già, trẻ nhỏ, cả những người mù chữ hoặc không thông thạo tiếng phổ thông đều có thể hiểu được những quy định của pháp luật, những chính sách của Đảng và Nhà nước ta?

Sùng tranh thủ giờ nghỉ để ghi âm những nội dung chính sách vào điện thoại rồi bỏ một buổi để chạy xe xuống trung tâm huyện vào quán điện thoại chuyển sang thẻ nhớ để gắn vào chiếc loa kéo. Thế rồi Sùng lại rong ruổi khắp các bản làng, nương rẫy để mở loa tuyên truyền cho người dân. Con đường núi nhỏ, chỗ thì ngoằn ngoèo, cua vội tay áo, chỗ lại dốc đứng cứ như lao thẳng lên trời, con xe min khờ nặng nhọc cõng Sùng và cái loa bền bỉ chạy bất kể nắng mưa.

***

Những giọt mồ hôi thấm ướt màu áo xanh của Sùng, chẳng hề gì cả. Khi Sùng vào giữa bản Can Tỉ, vừa bật loa lên một lúc, thì một người thanh niên đi tới vỗ vai Sùng, lời nói phả ra toàn hơi rượu:

– Cán bộ à, tao lại tưởng mày đi bán kem chứ. Mấy thằng đi bán kem cũng có cái loa to như này đấy!

Nói xong, gã cùng mấy người bạn cười hô hố. Những lời nói của gã thanh niên nọ như cái gai của cây rừng đâm xuyên vào lòng tự trọng của Sùng. Sự tức giận dâng lên đến tận cổ. Sùng tự dặn mình phải giữ được bình tĩnh. Sự rèn luyện trong quân đội đã giúp Sùng cứng rắn đến như thế mà sao nước mắt cứ chực trào ra. Sùng lại nhớ đến bố, đến cái chết khổ sở của người đã đẻ ra Sùng. Từng âm thanh phát ra đều đặn nhưng Sùng đã không còn nghe thấy gì nữa, tâm trí Sùng đang để tận đâu đâu. Làm sao để người dân hiểu được việc Sùng làm là không vô ích? “Tận tụy với dân”. Lời Bác Hồ dạy bộ đội biên phòng như đang vang lên trong đầu Sùng.

Kể từ ngày hôm sau, Sùng đã không còn để ý tới lời nói đâm thọc của những người không có thiện ý nữa, Sùng vẫn chở loa đi khắp các bản. Tới nơi, Sùng bật loa để trên đường, xem người dân đang gặt thì lao vào gặt giúp, đang phát nương thì cùng phát nương. Công việc gì cần tới sức lực Sùng đều sẵn sàng giúp sức. Khi rảnh rỗi thì vào uống nước trò chuyện cùng người dân, tiện thể tuyên truyền chính sách pháp luật luôn. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa đông lạnh giá cũng như ngày hè nóng nực, cứ hết việc ở cơ quan là Sùng lại đi làm công tác dân vận, gần dân, vì dân.

Những người dân nơi vùng cao biên giới nơi đây đã coi trung úy Sùng như người nhà mình, đến mùa gặt, ăn cơm mới hoặc nhà làm lý đều mời trung úy Sùng tới nhà ăn cơm, khi thì biếu gạo, khi thì con cá, con chuột rừng, của nhà làm ra cả, đơn sơ giản dị mà ấm áp tình cảm quân dân.

***

Hôm nay trời chuyển sang một màu u ám, mùa đông đã về chạm núi nên dù đã bảy giờ sáng mà sương mù vẫn phủ kín mọi lối đi, con đường trước mặt Sùng hiện ra mờ mờ trong ánh sáng từ đèn pha xe máy. Đến đầu bản, Sùng dừng xe, Sùng lấy đôi tay đỏ lên vì cóng lạnh xoa xoa vào nhau rồi hà hơi thổi vào cho đỡ lạnh. Sùng đi vài động tác thể dục để làm nóng người. Bỗng một bóng người ập tới Sùng từ phía sau, Sùng nhanh chóng thủ thân đề phòng.

Bóng người chớp mắt bị hẫng, khuôn mặt người phụ nữ trung niên sượt qua mắt Sùng. Sùng bắt lấy cánh tay cho người này khỏi ngã, người phụ nữ mất đà loạng choạng ngồi thụp xuống đất, đôi mắt nhìn Sùng hoảng hốt rồi òa khóc nức nở. Cô ta nói trong tiếng nấc nghẹn rằng con gái cô đi chơi nhà bạn bè được hơn một ngày, tới giờ vẫn không thấy về. Cô ta muốn nhờ chú bộ đội đi tìm con giúp mình. Nhìn người phụ nữ rúm ró trong chiếc váy thổ cẩm đã bạc màu, đôi tay đen đúa nhuốm màu chàm nhuộm vải liên tục đưa tay quệt ngang nước mắt khiến trong lòng Sùng cũng thấy thương hại.

– Không phải nhờ tới nó. Nả(*) về nhà đi, ra đây khóc làm gì người ta cười vào mặt tôi đấy!

Một giọng nói quen thuộc vang lên từ phía sau lưng, Sùng quay đầu lại nhận ra ngay người thanh niên hôm trước đã chế giễu Sùng ngay giữa bản Can Tỉ. Người phụ nữ dường như không thèm để tâm tới những lời nói của con trai, tiếp tục níu tay Sùng nài nỉ. Sùng nắm tay người phụ nữ quả quyết:

– Nhiệm vụ của chúng cháu là đảm bảo bình yên cho nhân dân, cô yên tâm, ngay bây giờ cháu sẽ về báo cáo với đồn trưởng để lập tức đi truy tìm tung tích con gái cô. Có thông tin gì cô liên lạc với cháu, số điện thoại 0988765xxx.

Chiếc xe máy của Sùng rẽ sương lao đi. Người thanh niên tên Thàng cùng người mẹ thẫn thờ nhìn theo bóng Sùng mãi cho tới khi phía trước chỉ còn tiếng động cơ vọng lại từ màn sương bùng nhùng mờ mịt.

***

Nhận được tin báo của nhân dân, ngay lập tức đồn trưởng Nguyễn Mạnh Trung đã trực tiếp chỉ đạo Sùng và đồng nghiệp lần theo tung tích của cô gái. Đồng thời liên hệ với bộ đội biên phòng nước bạn đề phòng trường hợp xấu nhất là cô gái đã bị bán sang bên kia biên giới.

Thàng đến cung cấp thông tin và xin đi cùng Sùng vì có thể cô em gái của Thàng đã bị đưa đi theo đường mòn lối mở. Mà con đường này Thàng có trốn qua mấy lần để sang bên kia biên giới đi làm thuê. Sùng và đồng đội dắt theo chó nghiệp vụ rẽ cây rừng mà đi, lội qua những khe nước đá rêu trơn trượt mà đuổi theo những kẻ bắt cóc. Trên đường đi, Thàng không dám mở lời nói chuyện với Sùng, anh ta cúi mặt, cố gắng để đi nhanh nhất có thể. Trong lòng Thàng có kiến bò, trong lòng Sùng cũng như đang có lửa đốt. Chẳng cần nói ra nhưng ai cũng hiểu phải tranh thủ đi thật nhanh trước khi đám người xấu kia kịp đưa em gái Thàng qua bên kia biên giới.

Cả đội băng rừng xuyên đêm, tới gần sáng thì phát hiện ra nơi dừng chân của bọn tội phạm ngay giữa cánh rừng già nằm ngay sát biên giới. Sùng ra hiệu cho đồng đội để lặng lẽ bao vây. Bằng kinh nghiệm của mình, Sùng phỏng đoán chúng sẽ thực hiện giao dịch tại đây. Những chú chó nghiệp vụ cũng im lặng dõi theo từng hoạt động của bọn tội phạm. Ở phía bên kia, những tên tội phạm vẫn túm tụm đánh bài sát phạt nhau mà không biết rằng nhất cử nhất động của bọn chúng đang bị theo dõi.

Vòng vây khép chặt. Trời sáng hẳn, sương núi thả mình xuống đều đặn bên cạnh Sùng và đồng đội. Có tiếng bước chân, những kẻ cầm đầu cuộc giao dịch đã xuất hiện, ngoài những cô gái trẻ, chúng còn mang theo ma túy để trao đổi. Nhìn thấy người em gái yếu ớt của mình trong tay bọn tội phạm, Thàng nóng ruột định liều mình xông ra thì bị Sùng kéo người lại ngăn cản. Ánh mắt Thàng lúc này như hai hòn than rực lửa, bắt gặp ánh mắt Sùng như ngọn thác đổ mùa mưa lũ, Thàng nắm chặt hai tay ghìm cơn giận vào lòng chờ thời cơ thích hợp.

Khi cuộc trao đổi đang diễn ra, thấy thời cơ đã tới, Sùng cùng đồng đội nhanh chóng ập tới để bắt quả tang thu giữ vật chứng, bắt giữ tội phạm. Bọn chúng chống trả quyết liệt, để đảm bảo an toàn cho con tin, Sùng rút súng ra bắn hai phát chỉ thiên. Biết không còn cơ hội trốn thoát, đám tội phạm ngay lập tức đầu hàng và tự nguyện giao nộp vũ khí cùng tang vật vụ án.

***

Những cô gái bị bắt cóc đã được trung úy Sùng và đồng đội mang về trao trả tận tay gia đình trong sự cảm động và vui mừng khôn xiết của nhân dân trong bản. Thàng đỏ mặt ngượng ngùng lắp bắp xin lỗi Sùng về những lời nói khiếm nhã hôm nào và tự hứa từ nay sẽ vận động cả bạn bè từ bỏ rượu chè chí thú làm ăn xây dựng kinh tế mới. Mẹ Thàng cảm động nắm tay Sùng không ngừng nói lời cảm ơn những anh bộ đội biên phòng cứu con gái bà thoát khỏi hang ổ của bọn buôn người.

Từ trong lòng trung úy Sùng cũng cảm nhận được sự ấm áp của tình cảm của nhân dân dành cho mình và đồng đội. Những vất vả, gian nan vẫn còn đó nhưng dường như anh và những người lính biên phòng đã được tiếp thêm một sức mạnh kỳ diệu từ tình cảm quân dân. Những cành đào mốc khô khốc trên núi cao bỗng bật chồi lên những búp hồng hồng tươi tắn, báo hiệu một mùa xuân mới đang về…

ĐẶNG THUỲ TIÊN

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.