Mùa xuân của Sú

– Sú ơi… Sú à …

Những tiếng gọi vọng vào vách đá, dội lại nghe như lời diễu nhại của núi. Cô Thương và nhóm học sinh gần như đã khản tiếng. Suốt mấy tiếng đồng hồ cơm không kịp ăn, họ cứ len lỏi qua các gờ đá, gạt cây để đi. Vấp vào dây rừng, ngón chân Phềnh đã bung một góc móng, máu rỉ ra, rỉ ra đau rát. Phừ thì chả kém, cái áo ấm mẹ mới mua hôm chợ phiên bị gai rừng cào đã rách mất một miếng bên cánh tay trái. Hai con gà trống choai mẹ định để tết mổ thịt thắp hương nhưng mấy hôm vừa rồi gió mùa đông bắc thổi về hun hút; bản làng, con đường, ngôi trường cả ngày không một tia nắng âm u âm u trong sương mờ. Thương con, mẹ mang đôi gà ra chợ bán lấy tiền mua cho Phừ cái áo này và túi bánh rán đường ngọt lịm. Sau buổi chợ, mẹ mang áo và bánh rán vào trường cho Phừ. Phừ sung sướng lắm, bánh thì ăn ngay và chia cho các bạn trong giờ ra chơi hết rồi, còn áo thì mặc luôn cho ấm. Mới mặc được hôm nay là ngày thứ hai, vậy mà … Tiếc đứt ruột, nhưng nghĩ đến Sú, Phừ lại quên ngay cái áo mới của Phừ, lại băm bổ cùng cô và các bạn trèo qua những dãy đá chông chênh, vạch từng bụi cây tìm Sú. Cô Thương mặt mũi lấm lem, áo cô cũng loang nổ màu xanh của lá, màu đỏ của hoa thấm vào, lá khô cỏ dại bám cả trên tóc.

– Sú ơ…i… Sú a…à à…

Tiếng gọi vẫn đều đặn thay nhau vang lên và tiếng vọng của núi dội về nghe não nề ghê rợn. Vài con chim không kịp đi tránh rét đang cố chờ mùa xuân ấm áp trong bụi xao xác bay lên.

Mệt mỏi…

Trên các bản người Mông, bố mẹ Sú cũng chia nhau đi từng nhà người thân quen dò hỏi về Sú. Pía – mẹ Sú dáng lầm lũi chịu đựng, khuôn mặt khắc khổ, mới chưa đầy ba mươi tuổi mà trông như người gần năm mươi, chốc chốc lại lần trong cái bọc đeo bên sườn, sờ sờ vào chiếc điện thoại xem có ai gọi hay nhắn tin gì không. Dù biết rằng nhạc chuông rất to, nhưng bà vẫn sợ có ai gọi hay nhắn tin đến mà mình không biết.

Đã gần nửa ngày trôi qua.

Tất cả vẫn là con số không.

Lo lắng, thương con nhưng chân tay đã rã rời. Pía muốn ngồi thụp xuống bậu cửa mà khóc thật to, mà gào lên cho âm vang cả bản làng, cả rừng đào trước mặt nghe thấy. Chu hậm hừ:

– Đứng lên, đi tiếp, tiếp nhà cậu. Đứa nào giấu con Sú tôi sẽ xử lý, phải xử lý…

Chiếc xe win lại chồm lên lao ra ngõ, xả ra làn khói mơ hồ đặc quánh hòa lẫn với làn sương rồi trộn vào nhau để lại trên mảnh sân đất bé tẹo một mùi hăng hắc của xăng đốt dở.

 

***

 

Dọc theo con suối dưới chân bản Mèo, cách bản chừng ba cây số theo đường chim bay còn đường núi thì cứ thả hết dốc là tới. Cuộc truy tìm của cô trò đã vượt qua bản, mở rộng xuống suối. Vẫn những tiếng gọi âm vang. Mệt lả, cô Thương cùng lũ học trò thẫn thờ nhìn dòng nước trong vắt, những bãi đá tai mèo lô nhô vượt lên khỏi mặt nước. Khói từ mặt suối bốc lên nghi ngút như dưới lòng đất có hàng ngàn hàng vạn bếp lò được đốt lên đun nóng cả con suối này. Hoa cỏ tim tím dày đặc hai bên bờ. Những bông lau trắng phóc, tím nhạt, nâu nâu đung đưa hiu hắt trên nền trời đùng đục. Trong làn sương mờ giăng phủ, cô giáo tưởng đến đôi mắt trong veo của Sú. Sáng nay, Sú đến lớp với cặp mắt sưng mọng. Em không vào lớp mà ngập ngừng ngoài cửa, thấy có bóng người, cô Thương bước ra. Cô thấy em ôm mấy quyển vở trong lòng, co ro đứng đó, cái váy sặc sỡ bồng bềnh mọi ngày giờ không đủ ấm, bàn chân không đeo tất tím đi vì giá lạnh.

Cô ôm em vào lòng, Sú cứ thế nức nở. Vuốt mái tóc dài ngang lưng buông xõa cho Sú, cô Thương động viên:

– Cô biết rồi, cô hiểu mà. Lau nước mắt đi em rồi vào lớp, sắp đến tiết học đầu tiên rồi em.

– Hu…hu…Em đau lắm cô ơi, em không học được nữa rồi. Hu…hu…

Vừa nói, Sú vừa kéo cái váy lên để lộ bắp chân trần những vết lằn thâm thâm, tím tím của máu đọng qua lớp da. Không cầm được, cô Thương ôm ghì Sú vào lòng, giọt nước mắt cô lăn tròn qua má, nóng hổi rơi xuống vai áo Sú.

– Em đến chào cô và các bạn.

– Thôi nào, nghe cô nói, giờ em lên phòng y tế nghỉ tạm, lát nữa đỡ đau rồi lên lớp học với các bạn Sú nhé! Đi, cô đưa em lên.

Cô dắt tay Sú lên phòng y tế, bảo Sú nằm lên giường và đắp chăn cho Sú rồi cô mới quay trở lại lớp với bài giảng đầu tiên trong ngày của cô.

 

***

 

“Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi vẫn có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước…”. Mỗi nhân vật trong Lặng lẽ Sa Pa mang một vẻ đẹp rất riêng, rất đáng để chúng ta khâm phục, tự hào và hơn thế nữa…

– Cô giáo. Con Sú nhà tôi lại xuống đây rồi phải không? Nó đâu, tôi đánh què chân nó ra mà nó vẫn không chịu nghe lời tôi. Cô dỗ nó để nó không nghe tôi  hử? Cô bảo nó về nhà. Về ngay.

Người đàn ông nhỏ thó, mới sáng sớm đã nồng nặc mùi rượu với cái quần đen rộng đũng lao vào lớp cắt đứt lời giảng bài say sưa của cô giáo. Bọn trẻ ngơ ngác tròn mắt nhìn người đàn ông rồi lại nhìn cô giáo, có mấy đứa xì xầm to nhỏ điều gì đó với nhau. Cô Thương bước đến gần người đàn ông:

– Bố Sú à, bố Sú ra ngoài cửa cô giáo nói chuyện với bố Sú nhé.

Đảo mắt nhìn quanh lớp không thấy Sú. Giật tay khỏi tay cô giáo giận dữ, người đàn ông hỏi luôn:

– Con Sú không đến đây à?  Giàng ơi!

Tiếng gọi được người đàn ông kéo dài ra phần như bực dọc, phần như tiếc nuối và lại có cả phần như khẩn cầu. Rồi đó, ông ta đi thẳng ra phía cổng trường không ngoái lại một cái mặc kệ cô giáo gọi với theo.

 

***

 

Sú đang thiếp đi trên chiếc giường ga đệm trắng tinh cách lớp nó học có mươi bước chân. Cô y tế trường học hôm nay đi huyện từ tinh mơ để lấy thuốc về cho các bạn trong trường chứ nếu không cô đã ngồi ở cái ghế kia và chắc chắn cô sẽ ân cần hỏi han, chăm sóc Sú. Nghe tiếng bố lèo nhèo trên lớp, Sú hoảng hồn, vùng dậy và chạy ra sau, men theo sườn núi cứ chạy và chạy như sợ bố nó sẽ túm ngay lấy nó để lôi về nhà. Gió và lá rừng quất vào mặt. Mặc kệ. Sú cứ chạy. Sú sợ, sợ lắm từ cái hôm người đàn ông lạ hoắc đến nhà nó, thì thụp với bố nó cái gì ấy mà mẹ con nó nghe không được. Ông kia đi để lại cho bố bọc giấy báo to to bằng phần tư chiều dài quyển sách của Sú nhưng dày cỡ hai ba quyển sách chồng lên nhau. Bố Sú len lén mang vào buồng.

Sáng hôm sau là thứ hai, như mọi tuần mẹ Sú dậy từ lúc còn dày đặc sương, con gà còn ngủ im trong chuồng để nấu cơm, Sú ngồi cạnh mẹ ôn bài, hôm trước cô giáo đã nhắc cả lớp là hôm nay có bài kiểm tra mà hôm qua Sú lên nương giúp mẹ cả ngày, tối về mệt nên chỉ học được sơ sơ, giờ phải ôn lại chứ. Sú vẫn là cô bé học giỏi nhất nhì trong lớp, lại là cây văn nghệ của lớp mà. Cô giáo còn giao cho Sú giúp đỡ bạn Phừ ngồi cạnh. Phừ lớp 6 phải thi lại nhưng cô giáo động viên và kiểm tra thường xuyên, với lại được Sú hỗ trợ ngoài giờ học Phừ tiến bộ rõ rệt. Lớp 7 Phừ không bị thi lại môn nào, lớp 8 Phừ được giấy khen học sinh tiên tiến cơ đấy. Cô giáo khen Phừ, khen cả Sú. Cô giáo vẫn nêu gương Phừ và Sú trước lớp và mong các bạn học tập “đôi bạn cùng tiến” này. Sú vui, Phừ cũng vui lắm. Sú và Phừ hẹn nhau học xong lớp 9 cùng nộp hồ sơ vào trường cấp ba huyện nhà học tiếp. Học xong cấp ba thì đi học để về làm thầy giáo, cô giáo ở bản dạy con em bản mình thôi.

– Bố ơi, con gà gáy rồi kìa, bố dậy chở con đến trường.

Sú vào gọi bố dậy. Thay vì vui như mọi ngày, sáng nay bố Sú gắt gỏng:

– Học hành gì, ở nhà, sang tháng tao cho đi lấy chồng. Chồng bên biên giới, nhà giàu không phải làm gì hết, không học hành gì cả.

Giật mình, Sú giãy nảy:

– Bố không nghe tivi tối qua nói à, cô giáo con cũng nói: Xã hội thay đổi mình phải học, học để làm giàu cho gia đình, cho làng bản, bố ạ. Với lại con chưa đủ tuổi lấy chồng, bố gả con là tảo hôn, là vi phạm luật hôn nhân và gia đình đấy. Con không đồng ý đâu. Con phải đi học để sau này còn làm cô giáo.

Pía đang quét sân, vừa nghe chồng và con gái đôi co, lẳng cái chổi xuống sân Pía vào trong nói đỡ con:

– Con Sú nói đúng đấy bố Sú ạ, tôi còn nghe nói, dịch… cô…

– Covid mẹ ạ!

– Ờ, đúng rồi, hôm qua tôi đi họp chị hội trưởng phụ nữ bảo là dịch Cô vít đang diễn… ra… phức tạp lắm, người dân chúng ta không được tự ý qua biên giới khi không có sự cho phép của chính quyền. Các anh bộ đội đang vất vả canh biên giới lắm. Người bên biên sang đây là phải được kiểm dịch đấy…

– Im mồm! Đàn bà biết cái gì mà bép xép. Mẹ con bà giỏi nhỉ, còn cãi cả tôi à. Ở cái nhà này phải có nóc.

Vừa nói, Chu vừa chỉ tay lên mái nhà.

Sú loanh quanh chờ bố nhưng thấy bố vẫn không động tĩnh gì. Sú ôm mấy quyển vở chạy dọc theo con dốc về trường. Sú chạy, gió táp vào má bỏng rát, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng, không phải Sú khóc mà vì gió, vì rét. Chạy được quãng khá xa thì Sú bị bố đuổi kịp lôi về. Lẳng Sú vào buồng, khóa trái cửa. Trong buồng kín như bưng, có chăn nệm ấm nhưng Sú thấy ngột ngạt. Sú thấy cuồng đôi chân, Sú muốn đi, Sú thấy nhớ. Nhớ lớp, nhớ cô giáo, nhớ Phừ, nhớ những bài thầy cô giảng.

Nửa buổi, bố đi đâu đó. Mẹ len lén lấy chìa khóa riêng mở cửa giúp Sú trốn ra ngoài. Chạy xuống đến đường cái, Sú đi nhờ xe của người bản bên đến trường. Sú khóc với cô Thương. Kể cho cô Thương nghe hết mọi chuyện nhà Sú.

Chiều ấy, cô thương và thầy Hiệu trưởng, cô phụ nữ xã, trưởng thôn Súa đưa Sú về nhà, giải thích nhiều lắm với bố Sú. Thấy đông người, có cả chính quyền xã đến vận động. Bố Sú ậm ừ nghe lời vận động cho Sú về trường đi học nhưng trong lòng vẫn còn hậm hực.

Ba tuần đã trôi qua. Năm sắp hết tết sắp đến. Người gã đàn ông xã bên quay lại thì thầm cùng bố Sú.

Sáng nay cô Thương không thấy Sú đến lớp, gọi điện bố Sú không nghe máy, cô xin phép nhà trường đến nhà vận động bố cho Sú đi học. Căn nhà vắng lặng, chín bậc thang im lìm trong gió. Cô thất thểu về trường lòng buồn bã, lo lắng. Cô mong sao, ngày mai Sú đến lớp. Ngày mai, bố Sú nghe điện thoại của cô.

 

***

– Alô, mẹ Sú à, trên bản đã thấy Sú chưa?

– Cô giáo ơi, tìm hết nhà người thân quen rồi, không có Sú. Chị chết mất. Cô giáo ơi, hu hu…

Chiều. Cơn gió bấc càng lúc càng rít mạnh hơn. Thương đứng dậy chạy dọc con suối với một niền hi vọng trào dâng:

– Sú ơi…

Lũ trẻ chạy hối hả theo cô, thay nhau gọi. Tiếng gọi như vút lên trời cao, như hòa với gió bấc, như lặn xuống dòng suối trong vắt nhưng mờ mờ ảo ảo giữa làn hơi nước.

– Cô giáo ơi, nhìn kìa!

– Phềnh ơi, có thấy không?

Tiếng Phừ hối hả, cuống quýt chỉ về giữa dòng, hình như…

Cô giáo lao xuống, Phừ lao ra. Phềnh và hai đứa khác túm lấy cô kéo lại:

– Cô để chúng em, cô không biết bơi.

Cô Thương vùng vằng nhoài ra, cố thoát khỏi tay bọn trẻ nhưng hai đứa con trai của rừng đủ sức ghì cô lại.

Trong căn chòi của già Khoa bên bờ suối, chính quyền địa phương, cô giáo Thương, bọn trẻ, các thầy cô giáo khác và cả cô y tế, bố mẹ Sú đều có mặt. Bên ánh lửa bập bùng, từng cơn gió dập vào vách lứa nhưng không át tiếng khóc nghẹn ngào vì sung sướng của mẹ Sú, tiếng cười run run của cô Thương và lũ trẻ với bộ quần áo chưa kịp khô giòn. Cả tiếng bố Sú hứa chăm chỉ làm ăn, yêu thương vợ con, và lời hứa quyết tâm cho Sú học để sau làm cô giáo.

– Mẹ sẽ chết mất nếu con không trở về. Sú của mẹ dại lắm. Nếu cô giáo và các bạn chậm vài phút nữa thôi cái rét sẽ đưa con về với đấng tối cao. Chúa ơi!

 

***

 

– Alô, ờ ờ. Tối nay thứ bảy, một giờ đêm các ông đến đưa con bé đi. Nhớ mang nốt số tiền còn lại cho tôi.

– Được rồi, tiền, tiền, lúc nào cũng tiền.

Đầu bên kia tắt phụt.

Sương nặng hạt như mưa bay. Cái rét rừng tái tê, như cắt từng thớ thịt. Nhà của Sú im lìm nhưng đâu đó vẫn nghe tiếng than hồng bừng lên rồi lại chìm vào tĩnh lặng.

Một giờ. Cánh cửa he hé mở, hai gã đàn ông lẻn nhanh vào trong nhà. Cửa ập lại rồi chốt chặt như cũ. Tiếng then cài rin rít trong đêm. Bếp than hồng hơn, một ánh lửa được thổi lên, cái bóng điện quả nhót vàng vàng bật sáng, ánh sáng mờ mờ nhưng đủ soi rõ mặt hai gã đàn ông mới vào nhà: một gã đậm người mắt một mí, gã còn lại mặc quần đũng rộng tới gối. Gã mặc quần đũng rộng có vạt vải vắt chéo phía trước đặt vào tay bố Sú sấp tiền. Sau một tiếng ho khan của Chu, Pía đưa Sú từ buồng ra với cái túi vải nho nhỏ đeo trên vai. Sú cúi gằm mặt bước. Hai gã đàn ông đứng lên bắt tay bố Sú, rồi mỗi gã túm một tay Sú lách ra khỏi cửa. Pía thẫn thờ nhìn theo con gái. Khi gã thứ hai bước được xuống khỏi bậc cuối cùng của chiếc thang gỗ thì:

– Giơ tay lên, các người đã bị bắt.

Các anh bộ đội biên phòng nhanh như cắt bẻ chéo khóa tay hai gã ra sau. Trước khi đưa hai kẻ này đi thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 không quên cảm ơn bố mẹ Sú và Sú.

Sú vào nhà ôm bố mẹ trong niềm vui hân hoan. Đầu nhà, qua ánh trăng mờ mờ Sú thấy cây đào rừng thân xù xì mốc thếch đang rung rinh trong gió, Sú nghĩ đến một cái tết thật viên mãn. Cái tết rất gần đây thôi, dịch bệnh sẽ không còn. Và một cái tết rực rỡ hoa đào sau này, Sú sẽ trở thành một cô giáo bản. Sú và Phừ sẽ đi đến từng nhà các em học sinh tặng chúng những chiếc kẹo ngọt lịm và những quyển sách thân thương. Sú sẽ mang cả mùa xuân về bản Vèn Thầu của Sú.

THANH TÁM


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.