Lịch âm đã bước sang tháng chạp. Trời ngui ngút đùn hơi lạnh. Gió mùa đông phẩy nhẹ chút thôi là cũng đủ thoa tím tái lên da người. Lản lên núi Thau Cát lấy củi về. Địu củi trên lưng Lản là thứ củi cháy rất đượm. Củi này lấy để dành cho tết mà. Lản hạ địu củi nặng trên lưng xuống để dưới gầm sàn rồi lên nhà. Thín là chồng của Lản đang ngồi bên đống giang tươi, cầm con dao sắc, lúi húi chẻ lạt gói bánh chưng tết. Tết đang phả hơi đến rồi. Chuẩn bị dần những thứ cần cho tết là vừa.
Lản bước lại gần chồng, ngồi xuống, xoa thật mạnh hai bàn tay vào nhau cho đỡ tê buốt rồi nói:
– Trời lạnh ghê quá! Lạnh khiến các ngón tay bị cóng, cứng lại như chân gà khô của thầy mo vẫn treo gác bếp để xem bói. Lúc cầm nắm con dao chặt củi chỉ muốn rơi. Không biết tết này trời có ấm lên không? Có ấm thì mới mặc áo cóm đi chơi tết được chứ!
Thín đưa mắt nhìn kỹ bàn tay vợ. Bàn tay ấy gầy guộc nổi gân xanh hằn dấu vết của sự vất vả. Ngày nào Lản cũng chịu thương chịu khó làm việc từ sớm đến tối mịt chẳng ngại nắng sợ mưa. Tất cả cũng đều vì chồng con. Tết này nhất định Thín sẽ giục Lản nghỉ ngơi, mặc áo cóm mới đi chơi tết thật vui. Tới chỗ sân bản mà chọi mắc lẹ. Ra nơi bãi cỏ xanh mà tung còn đánh yến. Đến chỗ có giàn trống chiêng với vòng xòe mà đan tay nhún nhảy. Làm vất vả quanh năm rồi thì hãy chơi cho thỏa mấy ngày tết.
Thín buông dao, đi ra chỗ bếp, rót bát nước chè rừng nóng đưa cho vợ. Nước chè rừng nóng hổi được rót ra từ chiếc ấm nhôm ủ bên cạnh bếp lửa đang cháy rực.
– Uống cho ấm người rồi ra ngồi sưởi cho khỏi cóng tay!
Lản uống cạn bát nước chè chồng đưa thì ra ngồi sưởi, những ngón tay đang buốt cóng dần ấm mềm lại. Thín tiếp tục cắm cúi chẻ lạt. Rồi bất chợt Thín ngẩng lên nói với vợ:
– Em này! Anh nghĩ em hãy đi may bộ váy áo cóm mới để mặc tết! Lâu rồi em chưa may bộ mới nào.
Lản cười nhẹ tênh.
“Em vẫn còn bộ váy áo cóm mới cất trong rương mây. Không cần phí tiền may thêm. Tiền để dành cho con đi học!”.
Thín dứt khoát:
“Phải mua! Mình cũng phải biết nghĩ cho bản thân chứ!”
Lản lại cười. Lửa giúp Lản ấm bàn tay. Lời của chồng giúp Lản ấm lòng dạ. Rồi hai người cứ thế cùng nhau lan man chuyện tết. Đột nhiên từ bên nhà hàng xóm có tiếng cãi nhau. Xảy ra chuyện gì thế nhỉ?
Lản đoán:
“Chắc thằng Thùng lại gây ra chuyện xấu rồi”.
Thùng là con trai út của ông Tem và bà Bân. Hai ông bà có với nhau ba đứa con. Hai con gái thì đi lấy chồng xa, cảnh cũng nghèo nên họa hoằn mới về thăm bố mẹ. Lẽ thường ở đời con trai bao giờ cũng được trông chờ hơn con gái. Nhưng khổ thân cho vợ chồng ông Tem, con trai của họ lại nghiện ngập ma túy. Vợ chồng ông Tem vô cùng khổ sở bởi hắn ta. Hắn đi trộm cắp khắp bản. Cái gì có thể ăn trộm được là hắn trộm. Thỉnh thoảng lại có người tới tận nhà ông Tem để bắt đền. Vợ chồng ông chỉ còn biết cúi gằm mặt xấu hổ.
Sống bên cạnh kẻ nghiện nên nhà Thín cũng lây vạ bị mất cắp. Đã cẩn thận trông chừng mà vẫn mất. Ức không để đâu cho hết. Ức nhất là lần mất con chó mà cả nhà đều yêu quý. Con chó ấy tên là Báng. Chó Báng rất tinh khôn. Nó như thể hiểu được tiếng người, phạm lỗi là biết ngước nhìn chủ bằng cặp mắt xin được tha thứ. Hai đứa con nhỏ của Thín thường xuyên chơi đùa vui cùng chó Báng. Đủ mọi thứ trò. Đến bữa là chó Báng được san sẻ cơm canh cho ăn cùng luôn, không bao giờ phải ăn sau.
Rồi chó Báng bị mất. Cả nhà Thín buồn rười rượi bởi chó Báng từ lâu đã là con vật quý của gia đình. Chó Báng rình chuột không cho chúng cắn hạt ngô hạt thóc để trong bồ. Chó Báng đuổi gà không cho phá vườn rau chủ trồng. Chó Báng theo chủ lên nương. Chó Báng cùng chủ ra ruộng. Hai đứa con của Thín khóc nhớ chó Báng. Nhất là đứa em. Nó nằm lăn ra sàn khóc tức tưởi. Mẹ dỗ không nín. Bố hứa ngày mai sẽ đi mua con chó mới nó cũng không nín. Nó tấm tức vừa khóc vừa nói. Con chỉ muốn chó Báng thôi. Thín cố vớt vát hy vọng rằng chó Báng chỉ đi lạc đâu đó. Và Thín lại cất công đi tìm tiếp. Cuối cùng thì tuyệt vọng. Có người nói cho Thín biết là họ đã nhìn thấy Thùng đem chó Báng đi ra chợ. Đã ra đấy bị bán vào hàng thịt chó thì làm sao chó Báng trở về được. Thín lập tức sang nhà bên gặp Thùng. Thín không to tiếng mà chỉ hỏi Thùng bán chó Báng cho ai để còn xin chuộc lại. Thùng cười nhạt. Tao không trộm chó Báng của nhà mày, đừng nghĩ oan cho tao. Vẻ mặt thằng Thùng lì lợm không biết xấu hổ. Thín nhìn ức lắm mà chẳng làm được gì.
Ôi, nhớ lại chuyện cũ mà ức đầy lồng ngực. Nhưng nói thật, ức vậy thôi chứ Thín vẫn thấy thương cảnh vợ chồng ông Tem. Không biết người già còn phải chịu khổ vì con hư đến bao giờ nữa?
***
Chỉ còn mươi ngày nữa là Tết.
Bên nhà ông Tem bất ngờ nổi lên tiếng khóc xé lòng. Đó là tiếng khóc của bà Bân. Bà khóc bởi thằng Thùng ăn trộm trâu nên bị bắt. Bà hận ma túy. Cái thứ chất độc đó đã biến thằng Thùng thành kẻ hư hỏng, biếng lười, chỉ biết rình mò trộm cắp. Ban đầu nó chỉ ăn trộm cây rau trong vườn, cân gạo trong bao, rồi sau đấy ăn trộm con gà con chó, nay thì ăn trộm cả con trâu. Gan của nó còn to hơn gan con trâu. Cái thứ gan liều lĩnh làm chuyện xấu xa. Cuộc đời của vợ chồng ông bà thật khổ khi có đứa con hư.
Bà Bân cứ vậy khóc dai dẳng, tiếng khóc của bà nghe còn buồn thảm hơn cả tiếng chim khảm khá kêu trong đêm. Thín sốt ruột nên sang xem sao. Bước chân Thín thình thịch trèo cầu thang lên nhà. Bếp sàn lạnh tanh không tí lửa. Chuyện gì đang xảy ra thế này? Thín đánh tiếng chào. Ông Tem ngoái nhìn Thín bằng đôi mắt rầu rĩ. Còn bà Bân thì vẫn khóc dấm dứt chẳng buồn ngoái đầu nhìn khách. Bà ngồi rũ như ngọn cỏ mùa đông, héo, úa, khô, tàn, không còn tươi sức sống.
Thín tự đi lấy ghế mây đặt ngồi cạnh ông Tem
– Nhà… mình có chuyện gì… vậy bác?
Thín ngập ngừng hỏi.
Ông Tem buồn bã đáp:
– Thằng Thùng bị bắt rồi! Nó ăn trộm trâu của người ta. Nhục lắm cháu ơi! Cái mặt già này đi ra đường chỉ còn biết nhìn cắm xuống đất mà bước.
– Vậy giờ Thùng đang ở đâu?
Thín hỏi thêm.
– Nó đang bị giam trong trại tạm giam của công an huyện. Vợ chồng tôi ra đấy xin gặp nó nhưng công an không cho.
Tiếng bà Bân khóc to hơn. Thín định nói lời an ủi hai người nhưng rồi thôi. Nói lời an ủi vào lúc này ư? Chắc sẽ không ích gì. Có nói lời an ủi thì lòng người già vẫn buồn rầu rĩ. Nước mắt của người già vẫn chảy. Nên làm điều gì đó giúp thì hay hơn.
Thấy nhà ông Tem chưa nấu cơm Thín bèn bảo:
– Muộn rồi mà hai bác chưa nấu cơm. Không phải nấu nữa! Mời hai bác sang nhà ăn cơm cùng chúng cháu.
Bà Bân thôi khóc, quay mặt về phía Thín, nói:
– Cháu tốt quá, Thín ơi!
Ông Tem thì nhìn Thín như thấy một ngôi sao. Ngôi sao ấy còn sáng hơn cả đao Lú, đao Ủa[1] vào đêm quang mây. Ông ước ao có được người con trai hiền lành tốt bụng như Thín. Ông định nói ra điều đó nhưng môi miệng cứ mím chặt lại. Ôi cái lý ở đời thật trái ngược làm sao. Nhà Thín là hàng xóm tốt của nhà ông. Nhưng nhà ông lại là hàng xóm xấu của nhà Thín. Con trai ông đã nhiều lần trộm cắp của nhà Thín. Ông ngượng mặt với Thín lắm. Khi nào thằng Thùng được thả về nhất định ông sẽ bắt nó sang nhà Thín nói lời tạ tội. Ông tin chắc chắn Thín sẽ rộng lượng tha thứ.
Một khoảng lặng im. Gió lạnh mùa đông hun hút thổi ngập tràn không gian, vậy mà bếp sàn nhà ông Tem lại không chút lửa đỏ làm ấm xung quanh. Chỉ có những hơi thở dài nối đuổi theo nhau. Lòng dạ người già đang buồn trĩu nặng. Làm sao để dịu vơi nỗi buồn ấy?
Đứa con nhỏ của Thín tồng tộc chạy sang gọi bố về ăn cơm. Thín mời vợ chồng ông Tem đi cùng luôn. Bà Ban mắt đỏ hoe nhìn Thín.
Một lần nữa bà nghẹn ngào nhắc lại lời ban nãy:
– Cháu tốt quá Thín ơi!”
***
Quá buồn vì chuyện con trai nên ông Tem ốm nặng. Cả ngày ông nằm ệp trong gian buồng nhỏ, thân già co quắp trên tấm đệm lau tưởng như không thể cũ hơn được nữa. Cơm cháo ông chẳng thiết ăn, nước cũng chỉ uống nhấp môi cầm chừng. Bà Bân nhìn chồng mà thở dài não ruột. Khóc nữa ư? Làm gì còn nước mắt nữa mà khóc. Gió mùa đông từ phía núi Thau Cát thổi lại buốt lạnh tái tê. Bà Bân nhỏ nhoi giữa căn nhà trống, co ro đưa tay kéo cao cổ áo rồi tiếp tục thở dài. Hơi thở dài của bà hòa tan vào gió lạnh. Bà thầm than vãn: “Sao đời lại khổ đến thế này?”. Bà cảm thấy cô đơn ngay trong nhà mình. Đã rất nhiều lần bà định nuôi một con chó để làm bạn. Nhưng rồi chẳng dám. Bởi bà biết con chó ấy sẽ không làm bạn được lâu với bà. Thằng Thùng sẽ lại bắt trộm nó đem đi bán lấy tiền thỏa cơn nghiện ma quỷ. Như thế càng thêm xót lòng vì tiếc con vật thân thiết mình nuôi. Thà không nuôi còn hơn.
Biết ông Tem ốm nên Thín vội sang thăm. Nom ông gầy sọp hốc hác. Nhìn bà Bân cũng tiều tụy chẳng kém. Thân già phải chăm chồng ốm lấy đâu ra khỏe. Thín đưa mắt liếc quanh nhà. Vẫn chưa có một thứ gì được chuẩn bị cho tết. Lòng Thín ái ngại thương cảm. Có lẽ mình nên làm gì đó để giúp.
Trở về nhà Thín nói với vợ:
– Lản này! Bên nhà bác Tem không ai lo tết. Anh nghĩ hay là mình giúp bác ấy. Đồng ý không Lản?
Lản đưa tay vén lọn tóc mai ra sau vành tai cho gọn lại rồi đáp:
– Giúp cũng được thôi. Nhưng nghĩ tới chuyện bị mất trộm là thấy tức không muốn giúp.
Thín nhẹ nhàng.
– Đừng nghĩ lại chuyện đó nữa! Người tốt như cây quế thơm giữa rừng. Kẻ xấu như cọng rơm khô giữa ruộng. Hai chúng mình cùng làm cây quế thơm có được không?
Lản nhìn chồng. Đôi mắt của Thín hiền như lá. Đôi tai của Thín đang đợi nghe câu trả lời từ Lản. Ngần ngừ gì nữa, Lản gật đầu:
– Thôi được! Vợ chồng mình sẽ cùng làm cây quế thơm. Anh là thân cây còn em sẽ là cành lá.
Hoa mận đã nở trắng bên khung cửa sổ nhà sàn.
Cánh bướm đủ màu đã quấn nhau dập dìu dưới nắng nhẹ đùa hoa.
Người già trêu lũ trẻ, tết đã trèo qua núi Thau Cát rồi, đã đến cổng bản rồi, chỉ còn chờ leo lên cầu thang từng nhà nữa thôi. Lũ trẻ cười vang khoái chí đợi tết leo lên cầu thang nhà mình. Có đứa còn hét thật to: “Tết ơi mau đến đi!”. Đối với lũ trẻ thì tết là dịp có thêm quần áo mới, được ăn nhiều món ngon, được đi chơi chỗ này chỗ nọ, vậy nên đứa nào cũng rạo rực mong tết.
Tết là dịp mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm. Dân bản rủ nhau ra chợ sắm tết như thường lệ. Lản cũng ra chợ sắm tết và sắm luôn phần cho vợ chồng ông Tem. Rồi chính Lản thay chồng đem phần quà ấy sang biếu họ. Vợ chồng ông Tem xúc động lắm. Món quà này quý hơn cả ngà voi, ngọc đá. Họ thay nhau nắm lấy bàn tay Lản và nghẹn ngào nói lời cảm ơn. Họ còn bảo sau này sẽ tìm dịp trả ơn. Lản bối rối xua tay. “Có gì đâu mà hai bác nói vậy”.
Trước khi ra về Lản không quên dặn:
– Hai bác cũng đừng lo gói bánh chưng. Cháu sẽ gói luôn cho hai bác. Tết thì không thể thiếu bánh chưng.
Lời của Lản giúp lòng dạ của đôi vợ chồng già thêm ấm áp.
Nhà Lản bắt đầu gói bánh chưng tết. Lạt giang Thín chẻ sẵn được đem ngâm nước cho dẻo lại. Hai đứa con nhỏ của Lản háo hức cùng mẹ chuẩn bị mọi thứ để gói bánh. Lá dong xanh mướt. Nếp nương trắng thơm. Đậu xanh bùi bùi. Thịt lợn ướp thảo quả. Đủ những thứ cần thiết rồi chỉ còn mỗi việc ngồi gói. Bàn tay của Lản thoăn thoắt gói những chiếc bánh chưng gù mang dáng đồi hình núi. Hai đứa nhỏ nhìn mẹ gói bánh lòng hân hoan đợi tết. Chúng tranh nhau đòi trông nồi bánh chưng. Rồi chúng trêu nhau cười khanh khách. Có một con chó cứ nhũng nhẵng chạy tới chạy lui xung quanh mọi người và sủa những tiếng vui vẻ. Nó được nuôi thay cho chó Báng. Tên của nó là Pẹng, mang ý nghĩa là thương yêu.
Cuối cùng thì bánh chưng cũng đã được gói xong. Lản gói bánh chưng thật khéo, những chiếc bánh ấy đem xếp bên nhau nhìn đều tăm tắp. Lản chọn ba hòn đá suối thay kiềng, bắc bếp đun nồi bánh chưng ngay dưới gầm sàn. Củi chất để đun toàn là thứ củi gộc cháy đượm cháy lâu. Lửa reo phần phật. Lửa cháy to nên chẳng mấy chốc nồi bánh chưng đã sôi ùng ục. Luộc bánh chưng gù không mất quá nhiều thời gian. Chỉ vài tiếng thôi là bánh chín. Đợi được bánh Lản sẽ cùng con nhỏ đem sang biếu vợ chồng ông Tem. Tình nghĩa hàng xóm sẽ giúp họ thêm ấm lòng mà vơi bớt buồn trĩu nặng. Ngoài trời kia đang bay bay bụi mưa. Không phải thứ mưa đông lạnh lẽo mà là thứ mưa xuân thanh khiết tưới nước cho cỏ cây nẩy mầm lộc mới.
Hà Phong