Tối hôm qua, anh bạn đồng hương đi xem triển lãm mĩ thuật về có đưa cho tôi ngắm bộ ảnh anh chụp của các tác giả tham dự tại triển lãm. Anh bảo, không hiểu sao anh rất có ấn tượng với bức tranh có tên: “Bố ơi mình đi đâu thế”. Lời anh vừa dứt, chạm vào trái tim tôi một nỗi niềm ẩn sau khuôn mặt vui vẻ. Đưa tay đón chiếc điện thoại từ anh, tôi như một kẻ lạc đường bước vào thế giới của bức tranh vừa trầm ấm vừa sống động. Tôi đã trở về tuổi thơ bằng miền nhớ…
Ấu thơ trong vắt. Chiếc thuyền giấy thả trên sông. Tiếng sáo diều vi vu trong gió. Một ngôi nhà nhỏ đầy sắc màu bên cạnh vườn táo sai trĩu quả. Bức chân dung chị em tôi cùng với phong cảnh bến đò đợi khách… mà bố tôi là người tạo nên những nét đẹp tuyệt vời ấy.
Bố tôi, theo như mọi người nhận xét là một ông bố cực kỳ khéo tay. Khéo từ nét viết, chữ bố tôi rất đẹp chẳng khác gì chữ in trong sách giáo khoa. Ngày xưa, khi chưa có máy tính, máy in, nhà ai có công việc cần dùng đến chữ viết từ hiếu đến hỉ, bố tôi luôn được mọi người tin tưởng, cậy nhờ. Không những viết đẹp, bố truyền thần rất có hồn. Hồi ấy, bà nội tôi bảo bố, “Nhà đang khó khăn cứ nhận vẽ truyền thần, kiếm thêm chút tiền đong gạo”, nhưng bố tôi nhất quyết không nhận tiền của ai cả. Bố bảo, nhà nào cũng khó khăn như nhau nên ai cần thì bố giúp thôi.
Mùa Lễ Vu Lan đang cận kề, trong một ngày thu có mưa có nắng, bố tôi xa cõi trần gian thế mà cũng đã mười tám năm. Mười tám năm mà hình bóng bố trong tôi vẫn nguyên vẹn, hàng ngày vẫn gặp ánh mắt bố cười ở đâu đó. Bố vẫn gieo vào lòng tôi những hoài bão, bố vẫn động viên tôi cố gắng vững bước trên con đường đã chọn. Con đường tôi đi không như bố mong muốn, cũng không phải là tâm nguyện của bố. Bố bảo, con đã chọn thì con nhất định phải cố gắng. Nước mắt tôi lại rơi khi nghĩ đến những lời của bố, tôi chỉ nghĩ bố đang nghỉ ngơi ở một nơi rất xa nào đó, ở đấy thật yên bình không còn nữa những cơn đau hành hạ bố mỗi ngày. “Tháng tám về cố giấu nỗi đau/ Mùa vu lan con không còn bố nữa/ Mỗi sớm mai bước qua bậc cửa/ Ngỡ nơi xa bố đang ngóng đứa con gái hay buồn…”.
Tiếng chuông chùa ngân vang trong mùa vu lan báo hiếu, tôi ngồi lặng dưới gốc cây bồ đề, nghe tiếng chuông ngân như những tấm lòng đồng vọng. Hít căng lồng ngực mùi hương trầm ấm áp mà mường tượng bố cũng sẽ vượt mây, vượt núi lên thăm chúng tôi và bố cũng đang ở đâu đây tại ngôi chùa này. Cơn gió ngang qua như mang theo cả những nỗi niềm thương nhớ trong mùa Vu Lan. Mùa Vu Lan này lòng chùng chình nhớ bố nhiều hơn trong miền xa xôi ấy, với ký ức của tuổi thơ đong đầy mưa nắng, tiếng cười giòn tan muốn vỡ cả khoảng trời trong chiếc đèn lồng xinh xinh mà người cặm cụi làm cho chúng tôi. Tất cả dẫu đã thuộc về hai thế giới khác nhau nhưng vẫn như gần lắm, không hề có một khoảng cách nào về sự chia xa. Bố đã dành tặng cho tôi vô vàn mảng màu yêu thương để mỗi khi giữa dòng đời mỏi mệt tôi lại vịn vào ký ức tươi đẹp ấy để đứng lên và đi tiếp.
Những ngày xa ngái, tôi học xa nhà, sau mỗi kỳ nghỉ khi chuẩn bị lên trường, mẹ cặm cụi từ chiều hôm trước làm ruốc bông, rang thêm ít muối lạc bỏ vào bao gạo cho tôi mang lên trường. Còn bố, chưa khi nào bố quên dúi cho tôi một gói chè khô và bảo: “Mang đi lúc học cần thức thì pha”. Chỉ thế thôi mà tôi nghẹn ngào suốt dọc đường.
Trời đã chớm thu, heo may về càng thêm se lạnh, những chiếc lá vàng khẽ rơi trong cơn gió mùa. Giờ này mẹ đang làm gì nhỉ, bỗng nhớ mẹ đến xót xa. Tôi nhớ về mẹ với lòng biết ơn công sinh thành dưỡng dục, mẹ dành cho chúng tôi một tình yêu đầy trái ngọt. Dẫu tôi đã khôn lớn trưởng thành nhưng trong mắt mẹ tôi vẫn là cô con gái bé nhỏ ngày nào, mỗi khi gọi điện mẹ dặn dò đủ điều như những ngày tôi còn đi học, tấm lòng mẹ luôn rộng lớn như thể biển trời. Vẫn đọng nguyên vẹn trong tâm trí tôi dáng mẹ hao gầy trong chiều gió cả. Mẹ oằn lưng đạp chiếc xe mifa màu vàng chở tôi đằng sau. Mẹ tôi nhỏ bé mà vĩ đại. Tôi chưa bao giờ thôi nhớ mẹ ngay cả khi về thăm nhà và nằm cạnh mẹ. Tháng bảy có một ngày sinh nhật mẹ, đúng hôm ấy quê nhà có bão. Gọi điện về nói bao nhiêu mà cũng không nói hết được những lời muốn nói. Tôi soạn tin nhắn zalo mà ngập ngừng không dám ấn send, chỉ sợ khi đọc mẹ lại một mình khóc trong đêm khó ngủ. “Mẹ ơi, con nhớ mẹ! Con ở nơi này xa xôi, không phải cứ bảo ra bến xe lên xe là về đến nhà như người ta vẫn nói. Còn công việc còn các cháu học hành và bao nhiêu thứ khác níu chân con lại, để đêm về khi mọi việc xong, các cháu đã ngủ ngon giấc thì đây mới là lúc con được sống với những ký ức, với những đam mê của con. Nỗi nhớ mẹ trong con cứ âm ỉ cháy mỗi khi đêm về, muốn viết về mẹ với cái gì đó lớn lao nhưng con bất lực không thể nào viết nổi, con không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả hết tình yêu của mẹ. Cầm điện thoại lên định gọi cho mẹ thì đêm đã quá khuya, đành lặng im gói nỗi nhớ vào trong trái tim mà mắt thì nhòe ướt và như lúc này đây lòng chông chênh muốn về ngay bên mẹ, để cùng mẹ chống bão để cùng mẹ ăn bát cơm nóng hổi thơm mùi gạo mới, để được rúc vào lòng mẹ nghe mẹ kể chuyện xóm làng. Con cứ ngồi tưởng tượng thế thôi chứ nẻo về xa xôi quá, con đang về bằng ký ức, bằng nỗi nhớ mẹ trong con”.
Tiếng chuông chùa vẫn vang vọng đâu đây trong mùa vu lan báo hiếu, lòng se sắt nhớ. Tôi xin tạ lỗi với quê hương trong một chiều thu gió cả đã hứa mà không thể về. Tôi cảm ơn những nhành hoa cỏ dại luôn tỏa hương thơm đồng nội, che chắn nắng mưa trên mộ phần của bố. Tôi cảm ơn dòng sông quê đã cho tôi trọn vẹn ký ức tuổi thơ bên cánh đồng lúa mênh mang suốt thì con gái…
PHẠM ĐÀO