Khi những cơn mưa thưa dần. Nắng trong veo hong khô màu đồi núi. Hương mùa thu man mác tràn về. Rẻo cao bước sang thu. Những tia nắng non đầu thu vẫn còn vương chút ẩm ướt của mưa cuối hạ vừa ấm áp vừa mát lành. Những tia nắng tinh khôi đầu mùa còn lạ lùng với đất trời rẻo cao đổi mới nên còn bẽn lẽn như nàng thiếu nữ trong bản nhỏ bắt gặp người lữ khách đường xa. Vậy nên nàng nắng cứ lúc ẩn lúc hiện. Lúc thì chói chang, lúc lại dịu dàng núp vào bóng mây đầy e thẹn.
Mùa thu sang, đây cũng là mùa thu hoạch ngô của đồng bào. Mùa vàng non cao. Mùa no ấm đã về. Khắp các triền đồi cao, dưới nương thấp, những cây ngô mới xanh mơn mởn trong mưa gió ngày hè giờ đổi sắc vàng nâu, báo hiệu bắp đã già cần được thu hoạch. Người dân vùng cao hân hoan bước vào vụ thu hoạch chính của năm trong rộn rã tiếng cười đùa.
Ngô ở vùng cao thường được trồng một vụ trong năm nên khi chín cũng đồng loạt. Không những thế hầu hết các gia đình vùng cao đều coi đây là cây lương thực chính nên trồng với diện tích lớn. Vậy nên vào vụ cần nhiều nhân lực để thu hoạch. Gia đình nào cũng tận dụng tối đa mọi nhân lực từ già đến trẻ phục vụ cho việc thu hoạch ngô. Bước tới rẻo cao những ngày này, đi đến đâu cũng thấy cảnh những gia đình dân tộc: Mông, Dao, Thái… hối hả thu hoạch ngô ở lưng chừng núi, đỉnh đồi, dưới thung lũng, bên khe suối. Từ người già móm mém, đàn ông cường tráng, phụ nữ địu con trên lưng, thanh niên lực lưỡng đến những em nhỏ đều thoăn thoắt tay bẻ, tay tước vỏ bắp ngô mà miệng thì vẫn nói cười, chuyện trò rôm rả. Những chiếc lu cở đeo sau lưng đầy ngô được dồn vào bao tải. Ngô chất thành từng đống lớn nhỏ. Ngựa thồ, xe máy nối đuôi nhau chở ngô về nhà. Đó hẳn là một trong những hình ảnh đẹp nhất của mùa thu vùng cao mà không ngòi bút nào có thể miêu tả hết mọi sắc nét. Màu vàng tươi của nắng, của ngô nhuộm vàng cả ánh mắt, nụ cười hân hoan trong niềm vui no ấm mang đến cảm xúc hạnh phúc ngập tràn khắp bản làng gần xa.
Bước vào mùa thu hoạch ngô, người dân lên nương từ khi con gà gáy gọi mặt trời. Cơm nắm mang theo ăn buổi trưa tại lán. Đến chiều muộn khi mặt trời tắt nắng đôi tay mới tạm ngừng nghỉ để đôi chân đưa lối về nhà. Thậm chí nếu nương đồi ở xa, nhiều nhà còn ngủ luôn trên lán nương cả tuần cho đến khi thu hoạch xong hạt vàng mới hạ sơn xuống núi.
Ngô phơi đầy sân, rải bạt phơi khắp các con đường, lối đi có nắng. Công đoạn phơi ngô cũng thật vất vả bởi người dân hiểu rõ tính khí của nắng đầu mùa, chẳng thế mà các gia đình phơi ngô lúc nào cũng phải cắt cử người trực trông thời tiết để chạy mưa. Bởi đang nắng chang chang là thế đấy nhưng bất chợt ông bố mặt trời cau mày, hắng giọng là nàng nắng vội chui vào vòm mây, trời lại có thể mưa rào được ngay. Những cơn mưa nặng hạt nhưng mau tạnh của tiết giao mùa gây ra bởi nàng nắng trẻ dại trong những lúc ngượng ngùng như trêu đùa sự nghiêm túc con người. Biết được nguồn cơn của thời tiết nên lòng người cũng rộng lượng chẳng nỡ trách hờn.
Ngô treo đầy gác, ngô cười góc nhà, ngô chất đầy kho là minh chứng rõ nhất cho biết sự đủ đầy, no ấm của những gia chủ. Dù cho những năm gần đây đã có nhiều cây trồng mới được đưa vào canh tác nhưng người dân rẻo cao vẫn ưu tiên cây ngô bởi nhiều lý do. Đây là cây trồng truyền thống vừa làm lương thực, vừa làm thức ăn chăn nuôi đã gắn bó với bà con từ nhiều thế hệ. Ngô là thức ăn chính chăn nuôi con gà, lợn, vịt, ngan. Bên cạnh đó, cây ngô không chỉ là biểu hiện cụ thể của đời sống vật chất cho bà con sự no ấm, góp phần quan trọng nâng cao đời sống kinh tế mà còn đi vào đời sống tinh thần gắn với cốt túy, cốt hồn của các dân tộc trên rẻo cao. Từ hạt ngô người dân vùng cao làm ra rất nhiều đồ ăn thức uống tinh tế như: mèn mén, bánh ngô, bỏng ngô, ngô bung, rượu ngô…
Trên những sườn núi đá dốc cheo leo cỗi cằn, nơi âm u bốn mùa mây phủ, nơi nếm trải những cung bậc khắc nghiệt của thời tiết, có loại cây lương thực nào vươn mình sống mạnh mẽ được như ngô? Chính bởi lẽ đó cây ngô ăn sâu bám rễ vào đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào đầy thủy chung, son sắc. Thời gian trôi qua, nhiều điều có thể thay đổi nhưng hình ảnh mùa thu hoạch ngô mãi là những hình ảnh đẹp trong những ngày thu vàng khắp rẻo cao. Đó là mùa vàng non cao.
TRƯƠNG HUY