Mùa quả sơn tra chín

Sìn Hồ ngày đầu thu, những cơn mưa mùa hạ vẫn còn vấn vương nên chẳng nỡ chia tay với cao nguyên lộng gió. Nó dùng dằng chán chê rồi ỉ ôi khóc lóc vào trưa và tối. Mưa chợt đến, chợt đi như người lữ hành cô độc và vô định. Mưa giúp sơn tra mọng nước, nắng khiến sơn tra chín vàng. Quả sơn tra chín mà chưa kịp ở trong lu cở là rụng kín dưới gốc cây. Những thảm quả vàng ươm, ngủ ngon lành bên bụi cỏ dại, rồi bình yên trở về đất mẹ để hồi sinh kiếp khác.
Ngày tôi mới đến Sìn Hồ, người ta nô nức đón táo mèo người Mông hái ở rừng về phơi. Rồi đến đâu người ta cũng mang theo bọc táo mèo khô hoặc bình rượu ngâm táo mèo làm quà. Tôi cũng chẳng khác. Về quê sau mấy tháng đi công tác vùng cao, có đến chục cân táo mèo khô trong ba lô về quê như món quà quý của núi rừng Tây Bắc gửi gắm tấm lòng với người dân quê chỉ quen dùng những thứ từ vườn nhà. Biếu mỗi người một cân ngâm rượu, ấy mà mùa sau các bác hay uống rượu ở quê cứ nhắn qua bố mẹ, nhắc tôi mang về cho ít táo mèo. Ngày ấy, táo mèo rừng bé lắm, hạt lại nhiều, vị chát nhiều hơn vị chua nhưng người ta vẫn thích. Có lẽ, cái gì lấy từ tự nhiên vẫn luôn cho người ta cảm giác an toàn và quý giá. Thế nên, cuộc sống càng hiện đại người ta càng chuộng những thứ thuộc về tự nhiên vĩnh hằng. Trừ táo mèo. Và táo mèo được gọi bằng cái tên rất sang trọng: Sơn tra.
Bây giờ, những nương sơn tra cứ lần lượt hiện lên xanh mướt mát cả mùa xuân khắp các dải đồi quanh thị trấn, Làng Mô, Tả Ngảo thì không còn ai nhớ đến những cây táo mèo nằm lặng lẽ trong rừng sâu, núi khuất. Người ta lại chê táo nhỏ và chát nếu lỡ chạm ánh mắt sơn nữ thẹn thùng mời khách ghé mua hàng. Không người hỏi, chẳng người ngã giá, những quả táo mèo nho nhỏ với lớp vỏ nám đen nằm ngơ ngác trong lu cở nhìn từng người đi chợ lướt qua mình. Chúng vẫn luôn thích thú mỗi lần được trở về với đất mẹ hơn là việc cơ thể bị chia thành từng lát rồi tung khắp mặt đường, mái nhà nóng như chảo rang. Đau đớn nhưng dưới cái nắng cao nguyên, sơn tra dường như hiểu nhiệm vụ của mình nên cứ thơm vàng cánh gián khi đã trút hết nước và nhẫn nại nằm lặng lẽ bên góc chợ đợi người đón về xuôi. Một đời sơn tra chưa thật sự kết thúc nếu hành trình từ biệt cao nguyên của nó bị dở dang.
Tôi chợt nhớ đến Tủa. Cậu học trò có đôi mắt ướt, khuôn mặt buồn buồn. Những năm đầu cấp ba, Tủa như trái táo mèo của rừng già Tả Ngảo. Đôi mắt vời vợi nỗi niềm đủ để chạm vào lòng người đối diện những nghĩ suy. Những chiều Sìn Hồ không mưa, Tủa vẫn dạo quanh bờ hồ để nhìn ngắm mọi người tập thể dục. Nhìn người khác để thỏa nỗi mong ước có một gia đình đầy đủ của Tủa khiến tôi luôn hi vọng em sẽ trưởng thành, vững chãi để đi trọn vẹn hành trình mà em đã chọn. “Không đỗ đại học em sẽ đợi năm sau nhập ngũ có được không cô?” Được, được chứ! Rất tuyệt vời nữa là đằng khác. Tôi không hỏi lí do nhưng tự lòng cũng hiểu, làm sao một mình mẹ em có thể gồng gánh để em học hành thêm được nữa? Trông bề ngoài Tủa thế thôi nhưng ẩn bên trong vẫn là bản lĩnh của một chàng trai đầy kiêu hãnh. Không nhận sự giúp đỡ nếu mình không quá cần. Trước khi về bản em vẫn gọi cho tôi với giọng đầy ái ngại: Số tiền cô nộp học cho em. Đợi em đi làm sẽ gửi về trả cô được không ạ? Được! Em đừng nghĩ về điều đó nữa, hãy sống thật tốt, khó khăn quá lại về đây, cô nhất định sẽ đồng hành cùng em. Mỗi lần Tủa mở lời đều là một câu hỏi và bao giờ tôi cũng trấn an em như thế. Tôi ít hứa với người khác, nhưng với Tủa, tôi chợt nhận ra lời hứa của tôi rất có ý nghĩa với em.
Mùa thu dắt theo gió về cao nguyên. Ở Sìn Hồ, đi đâu cũng được hít căng lồng ngực hương thơm của sơn tra đan hòa trong gió. Đến sương còn phả hương táo mèo dịu ngọt vào đêm rồi đọng lại trên khóm lá vào buổi sớm mai. Trong nhóm zalo của lớp, tụi nó í ới: Lớp ăn táo mèo không tớ mang lên. Cây nhà tớ ngọt lắm! Hình như, chúng nó vẫn ái ngại với thức quà từ nương lán nhà mình nên tôi tham lam: Mang hết lên nhé! Thế là buổi tựu trường đầu tiên, trong lớp ngào ngạt mùi sơn tra. Nhựa ở quả bám đen móng tay của cả cô và trò. Vị chua ngọt hơi chát của sơn tra đầu mùa chấm chẩm chéo quyện lại với nhau như tấm lòng trong trẻo của học trò vùng cao. Tủa nhắn cho tôi: Táo mèo nhà em năm nay chín lắm cô ơi! Một mình mẹ ở nhà chẳng mang cho cô được. Tôi cười vui khoe với Tủa lớp chủ nhiệm năm nay để em chắc rằng tôi vẫn luôn có những trái sơn tra ngọt lành bên cạnh.
Cũng như mùa quả sơn tra chín, những đứa trẻ này sẽ lại lớn lên và tiếp tục hành trình như những trái sơn tra đã hoàn thành sứ mệnh của mình với cao nguyên

CHÂM VÕ


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.