Chiếc xe taxi xịch ngay ở con ngõ nhỏ ngoằn nghèo dẫn lên xóm núi. Vừa ra xuân nên trước cửa mỗi nhà vẫn thấy màu hoa đào phai, cúc vàng óng, hoa ly phớt hồng… Người đàn ông trạc tuổi trung niên chân khập khiễng bước từ trên xe xuống, gọi đứa con trong xe:
– Thy Xuân, xuống bê đồ rồi vào đi con.
Anh lái xe nhìn cậu nhóc choai choai tóc cắt ngắn y như bố nó, mặc quần bò đen, áo phông trắng, đi giày thể thao đỏ nhảy phốc từ trên xe xuống. Đúng là nhìn kỹ mới nhận ra nó là con gái. Bọn trẻ bây giờ thật khó hiểu. Thời trang kiểu gì thế không biết.
Thanh toán tiền xe xong, Xoang cùng con gái bước qua cánh cổng, hai bên rực đỏ hoa rạng đông. Bà Sương đứng chờ ở cửa từ khi nào. Bà Sương đỡ cái vali trên tay Thy Xuân, còn ông Minh thì ôm chầm lấy Xoang như hồi nó còn bé, trong vòng tay ông bà. Cái ôm gói gọn cả sự trìu mến, sẻ chia.
Nghĩ đến vụ tai nạn khiến cậu con cả bị tật ở chân, ông bà vẫn xót xa. Cũng là thời điểm này của ba năm trước. Người ta bảo đầu năm phải duy trì truyền thống trồng cây. Chẳng hiểu sao Xoang lại chọn tháng ba để chặt bớt cành lòa xòa trên cái cây chỗ gần năm mươi bậc thang dẫn lên ngôi nhà lưng chừng núi. “A lô, em đang ở đâu thế? Chiều em có về nhà không?”. Tiếng Xoang ân cần trong điện thoại. “Em đang đi với bạn bè giao lưu tý. Chắc đêm về nhé”. Tiếng Ngân ngọt ngào. Xoang còn nghe giọng nói của Tiến – một cán bộ cùng huyện với mình. “Ngân ơi, lên xe đi thôi em”. Trái tim Xoang dập dồn, bao nhiêu mạch máu cùng căng lên. Anh đã nghe người ta đồn thổi tin Ngân qua lại không nghiêm túc với Tiến. … Rắc, tiếng cành khô vang lên, chiếc cưa trong tay Xoang rơi ra. Anh tự thấy thân mình nhẹ bỗng. Rầm, rầm. Xoang rơi qua mái hiên nhà. Rồi đau thấu tận xương tủy. Anh chỉ tự nói thầm: “Chắc gẫy xương rồi!”.
Xoang tỉnh giấc ở trong bệnh viện huyện. Ánh mắt mẹ đau đớn nhìn làm anh càng thêm đau trong lòng. Con trai suýt soát bốn mươi tuổi vẫn làm cho bố mẹ phải lo lắng nhiều điều. Lại tự trách mình sao vừa ra Giêng đã chặt cành cây? Sao cứ vừa làm vừa nghĩ quẩn, ghen tuông để chân tay lóng ngóng xảy ra cơ sự này? Với các mối quan hệ và tiền bạc sẵn có, Ngân cũng tận tình đưa Xoang về Hà Nội chữa trị, khiến anh vơi đi phần nào nỗi giận cô. Nhưng mọi sự lại nhen lửa trong hơn năm tháng anh phải nằm nhà điều trị. Đối với một người đàn ông khỏe mạnh bình thường, nằm liệt giường năm tháng quả là những tháng ngày đau khổ nhất. Xoang tự hiểu điều này. Nước mắt tự lặn vào trong tim khi Ngân vẫn đi công tác vắng nhà thường xuyên, vẫn những cuộc điện thoại thơi thới nói cười với giọng đàn ông trong máy. Đỉnh điểm là khi bà Sương không yên tâm, lên chăm sóc Xoang. Anh dò hỏi ý bà: “Mẹ có buồn không nếu con bỏ vợ?”. Bà Sương bảo: “Nhà mình gia giáo, mẹ không bao giờ nghĩ đến chuyện này. Nhưng sĩ diện hão làm gì hả con? Người ta hay nói là có kiếp sau. Mẹ chỉ tin trong kiếp này. Nếu giải phóng làm con hạnh phúc, mẹ sẽ ủng hộ con”. Chỉ một câu nói của bà, đã giúp Xoang mạnh dạn làm điều mà một người không vững lập trường như anh, tưởng như không bao giờ dám làm.
***
Nói đến Xoang, phải nhắc về niềm hãnh diện của cả nhà. Từ bé đã ngoan ngoãn, hiền lành, bố mẹ bảo sao nghe thế. Chẳng bướng bỉnh như Thương. Hai anh em đúng là đối lập. Thương tính thẳng thắn, thích gì làm nấy, hồi bé quả thật làm ông bà lo lắng chẳng nguôi. Đến cái áo, quần định mặc, bố mẹ góp ý mấy nó cũng vẫn mặc theo ý mình thì đến khi lớn cũng vậy. Sau khi ra trường với tấm bằng loại giỏi, Thương tự liên hệ xin việc ở Ngân hàng thành phố. Rồi cũng nhanh chóng như vậy, Thương đưa bạn trai về ra mắt bố mẹ, xin hỏi cưới luôn. Ngày hôm ấy sương giăng trắng xóa khu vườn, ông Minh thẫn thờ bảo bà Sương:
– Con bé làm tôi buồn quá! Cái gì cũng đến ngày, đến tháng là tự làm. Con gái mà quá quyết đoán. Không chịu yếu đuối, nhờ vả bố mẹ bất cứ việc gì. Cũng không cho tôi quyết định hộ cái gì. Nhẽ ra, bạn trai phải đến thăm nhà nhiều lần, đợi bố mẹ hiểu rõ thông gia rồi mới tính đến chuyện cưới xin…
Bà Sương thì chép miệng:
– Ông biết tính con gái quá rồi còn gì. Thôi cuộc sống của nó. Thời đại này khác rồi. Cứ để con tự lập. Miễn là nó biết chịu trách nhiệm và không về ăn vạ bố mẹ là được.
Cuộc hôn nhân của Xoang thì ngược lại với cô em út. Sau khi ra trường, bố mẹ xin việc cho ở một thị trấn nhỏ, nơi ông bà đã cống hiến trọn vẹn tâm huyết cuộc đời mình. Cuộc đời như trải thảm đỏ với anh chàng vốn được bố mẹ chăm nom từ tấm bé. Với tính cách rụt rè, anh cũng không chơi bời lêu lổng gì. Hết thời gian làm việc là về nhà cùng bố chăm vườn rau, đánh cờ tướng rồi quẩn quanh vào bếp nấu ăn cùng mẹ, tối xem thời sự và đọc báo online. Cả ông Minh, bà Sương đều sốt ruột vì con trai không giao du bạn bè gì nhiều. Một hôm, đi làm về, Xoang thấy trong bếp có cô gái dáng người dong dỏng, gương mặt trái xoan đang cùng nhặt rau với mẹ. Bà Sương đon đả giới thiệu:
– Xoang, vào đây đi con. Đây là Ngân, con gái của chú Phạ, làm cùng bố trong ngành giáo dục đấy.
Xoang chỉ ừ hử cho qua chuyện. Bản thân anh cũng chỉ thấy Ngân ưa nhìn, có vẻ lễ phép. Rồi ngày nào cũng thấy Ngân xuất hiện ở nhà bên mẹ anh. Lúc là mang bó hồng nhạt cắm trong nhà cho có không khí. Lúc lại thấy ngồi bàn chuyện thơ văn – đề tài yêu thích của mẹ. Lần nào bà Sương cũng chèo kéo Xoang vào ngồi cùng Ngân. Lạ thế! Dù không thích Ngân lắm mà vì lịch sự, Xoang vẫn nghe lời mẹ. Đám cưới Ngân và Xoang diễn ra trong sự ngạc nhiên của cô em gái khi về dự. Vừa tan tiệc, Thương kéo Xoang ra góc hội trường hỏi:
– Anh yêu cô này từ khi nào mà em không biết? Qua cách đi đứng ngượng nghịu ở đám cưới, em thấy anh có vẻ bối rối?
– Mẹ đưa Ngân về mối lái cho anh. Thấy gia cảnh cũng được, bố cũng vun vào, nên…
– Ôi thời buổi nào rồi mà lại kết hôn nhanh thế hả anh? Anh phải có sự rung động từ con tim chứ. Bố mẹ giới thiệu chỉ để tham khảo thôi.
– Anh Xoang ơi! – Nghe tiếng Ngân gọi. Xoang ra hiệu cho em gái và luống cuống đi vào. Thương thở dài nhìn anh. Thương rất yêu quý, kính trọng anh, nhưng không thể hiểu nổi cái tính lúc nào cũng ba phải, dĩ hòa vi quý của Xoang. Cô tự nói với mình: “Mong là hôn nhân của anh Xoang được bền lâu”.
Hơn mười năm trôi đi cũng như gió thoảng. Năm nào gần tết, gia đình Xoang cũng chở nhau mang quà về thăm bố mẹ rồi xin phép về ăn tết cùng bên ngoại. Lý do của Ngân là bố mẹ ở xa, ít được gặp mà nhà nội thì tuần nào cũng có thể về thăm rồi! Ông Minh có lúc chép miệng: “Lẽ ra phải thuyền theo lái, gái theo chồng chứ!”. Nhưng cũng chẳng dám nói ra. Bà Sương, hễ mà nói đến Xoang, liền lên tiếng bênh vực ngay khiến cả nhà chẳng ai dám nói thêm lời nào. Gia đình Thương thì ở xa cả bên nội, ngoại nên thống nhất mỗi năm ăn tết một quê. Cũng vì thế, năm mà gia đình con gái về nội ăn tết, thành ra còn mỗi ông Minh, bà Sương lủi thủi luộc gà, nấu xôi cúng giao thừa. Bà Sương có lúc thở dài thườn thượt rồi bảo ông Minh:
– Thời chúng nó chưa lập gia đình, bữa cơm tất niên tôi chú trọng nấu món này món kia vì còn thấy chồng, con trai, con gái sum họp cùng ăn. Ăn là ăn cái không khí đầm ấm, chứ giờ ngày thường món nào mà chả có. Giờ còn hai ông bà già quạnh hiu, xem chương trình tết xong ngủ gật. Đến giờ thắp hương xong cũng đi ngủ luôn chứ chẳng còn thiết tha bày biện mâm cỗ gì nữa.
Chuyện tan vỡ của gia đình Xoang khiến cả thị trấn bất ngờ, nhưng với bà Sương thì cũng không có gì là lạ. Chỉ gia đình bà mới hiểu, đó là những tích tụ bao năm của Xoang. Ngân nhanh nhẹn, tháo vát nên công việc thăng tiến, nhan sắc cũng tăng lên đáng kể, tần suất đi công tác tăng vọt và thời gian dành cho ngôi nhà giảm hẳn đi. Xoang lúc nào cũng vẫn chịu khó lúi húi nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc, dạy dỗ con cái, dần trở nên kém cỏi trong mắt vợ. Và cái tai nạn ngoài ý muốn, làm chân anh tập tễnh chỉ như cú hích để hai người có lý do xa nhau…
Năm mà hai bố con Xoang về ăn tết cùng ông bà. Tuy có thêm con, cháu đón xuân, nhưng vì nỗi buồn ly tán gia đình Xoang mà niềm vui của ông Minh, bà Sương vẫn không trọn vẹn.
***
Sim gặp Xoang lúc cả hai đã mất vài năm chới với ở hoàn cảnh nuôi con một mình. Cô gái có nụ cười tỏa nắng, ánh mắt hiền hậu cứ ám ảnh Xoang trong từng giấc mơ. Lần đầu tiên anh hiểu điều Sương – em gái mình nói về sự rung động của con tim, về tình yêu. Anh chợt nhận ra mình đã sai khi lập gia đình theo định hướng của mẹ. Thật may, anh còn gặp được Sim. Anh thầm nhủ mình phải mạnh mẽ lên, lần này không được để tuột mất hạnh phúc. Xoang lấy hết dũng khí bày tỏ cùng Sim và được cô đáp lại bằng cái gật đầu dịu dàng. Bữa cơm ra mắt hai gia đình giản dị trong mùa dịch covid-19. Những ngày hai bố con sống bên Sim và Hân – con gái riêng của Sim, người ngoài nhìn vào có thể cho là gá ghép, chỉ riêng Xoang hiểu đó là thời khắc hạnh phúc thật sự trong cuộc đời của anh. Các con lúi húi nhặt rau, nấu cơm, hai vợ chồng phơi quần áo và chọc ghẹo, trêu đùa nhau. Bao nhiêu năm sống cùng với Ngân, những phút giây đoàn tụ như này khó khăn làm sao… Nhưng nỗi đau trôi qua rồi. Cũng phải quên đi để sống mỗi ngày có ý nghĩa hơn.
– Năm nay cả nhà mình ăn tết với bên nội, anh nhé!
Sim gấp quần áo của Xuân và Hân vào vali rồi bảo chồng. Xoang nhìn vợ thầm biết ơn. Năm nay nhà Thương cũng bảo sẽ về ăn tết cùng bố mẹ… Hẳn là ông bà vui lắm!
Hôm nay, ông Sinh mặc áo chàm giản dị mà trang trọng. Vợ chồng Xoang và gia đình Thương, bốn đứa cháu líu ríu cùng bày mâm cỗ tất niên. Bà Sương lúc sai đứa này bê ghế, lúc lại chạy ra bày biện món này món khác. Cả mấy năm dịch bệnh rồi, nhà không được đông đủ như bây giờ. Lại cả những tháng ngày trong lòng hụt chỗ nọ, hẫng chỗ kia, nỗi buồn cứ đau đáu trong mắt bà thôi. Mùa đông miền núi sương muối thì dày, làm lòng bà lạnh lẽo lắm! Lúc bà lại thấy mình sai rồi khi tự quyết định niềm riêng cho con. Lúc nghĩ thương chúng nó tuổi trẻ bị vấp ngã, tổn thương khiến chính bà cũng day dứt.
Nắng đã về trên dãy Pu Ta Leng mờ xa góc chân mây kia, chiếu những sợi vàng óng ả làm lòng bà ngân nga tiếng hát. Nụ cười rực rỡ của Xoang, cái nheo mắt nồng hậu của Sim và bộ váy hồng tươi của con bé Hân cũng khiến bà phấn chấn. Không chỉ ba đứa cháu ruột, bé Hân luôn về bên bà, kể những câu chuyện cười khiến bà luôn tin cháu với mình có duyên phận và muốn bù đắp tuổi thơ của bé bên người bố vũ phu với cả hai mẹ con. Trẻ con là nắng ấm. Soi rọi năm mới, làm bà cũng trẻ lại.
VŨ NGUYÊN