Mưa tầm tã suốt từ đầu mùa đến giờ. Ông An nghiêng thùng gạo vét nốt những hạt gạo cuối cùng ở đáy thùng vào rá. Chiếc rá nhỏ cũ kỹ đã phai màu, nan tre xỉn lại, bám đầy những rêu, những két đất bình thường đong đủ ba lon gạo giờ rộng rãi, thênh thang, lọt thỏm nửa lon ở giữa. Ông nén tiếng thở dài rồi chống tay vào gối cố đẩy cái lưng đã có tuổi đứng thẳng lên mà cảm giác những khớp xương chạm vào nhau lạo xạo như những hòn bi ở líp xe đạp lâu ngày không được tra dầu luyn rồi đi vo gạo cho vào nồi mà đôi mắt già nua vẫn hướng về phía cổng. Ông đang mong bà An về.
Mưa cả tuần, nước lũ ở con suối đầu bản đi vào rừng lên cao nên cả bản không ai đi rừng hay lên nương. Nhà ông An cũng thế. Bình thường, ông vẫn đi trên con đường ấy vào rừng lấy củi, hái măng, hái nấm rồi đưa ra đường lớn đổi gạo hay lên nương chăm sóc mấy ruộng ngô, ruộng lúa của gia đình. Nay mưa lớn kéo dài, số gạo trong nhà ăn dè sẻn suốt những ngày mưa cũng hết nên bà An bàn với ông:
– Ông ở nhà với con. Tôi đi dọc ven suối xem có kiếm được gì ăn không?
– Mưa gió thế này, bà đi làm gì, bà ở nhà với con, để tôi đi.
– Chân cẳng ông chưa lành, ông cứ ở nhà. Tôi đi một lúc thôi.
Thế là bà đội mưa đi. Đi suốt từ sáng sớm đến giờ cũng chưa thấy về. Ông vừa lo, vừa mong. Giá hôm đi vớt củi ở suối ông cẩn thận thêm chút nữa thì có khi không bị ngã, mà hai thằng con cũng có cái mà ăn. Suốt mấy ngày ăn cháo, chắc chúng cũng đã chán, chiều qua thằng Út đã định bỏ bữa, ông nịnh mãi nó mới chịu ăn nửa bát cháo hoa. Nhìn mấy nắm gạo trong rá, ông cứ thấy nghèn nghẹn ở cổ, tức tức ở ngực. Số gạo này, nấu cháo còn chưa đủ bữa cho bọn trẻ ăn chứ nói gì đến cơm. Đang nhen lửa thì có tiếng ho lụ khụ ở sân. Chắc chắn là bà An rồi. Trong nhà, tiếng thằng Út ấm ứ, la hét. Nó vặn vẹo người hết bên này sang bên khác khiến chiếc giường cũ rung lắc kêu ọp ẹp. Ông lắc đầu tự nói với mình:
– Cái thằng. Chắc đói lắm rồi.
Nhưng ông cố chờ cho củi bén mới đi lên nhà. Hành động của thằng Út đã quá quen với ông, chỉ khi nó đói hoặc khó chịu trong người nó mới lăn lộn như thế. Hôm nay thì nó đói thật. Chiều qua được lưng cháo hoa, đến giờ vẫn chưa có gì bỏ bụng. Đôi mắt nhèm nhèm khói cay xè cả sống mũi của ông cũng vui hẳn lên khi thấy bà An bước vào nhà.
Mưa ngoài trời vẫn chưa ngớt hạt, bà An cởi chiếc áo mưa được bà khéo léo khâu bằng những bao tải đựng thức ăn gia súc đi xin về treo lên vách. Bà vừa dỗ dành thằng Út vừa bưng mấy cái thau gần đầy nước hất ra sân rồi đặt vào vị trí cũ để hứng nước dột từ mái nhà xuống:
– Út ngoan, chờ mẹ tí tẹo thôi. Mẹ xong ngay đây! Xong mẹ luộc ngô non cho Út ăn nhé. Ngoan đi con.
Thằng Út nghe bà An nói vậy thì không la hét nữa nhưng tay chân vẫn múa loạn xạ, nó cố vặn cái thân mình lăn đi lăn lại mà cũng chỉ nghiêng được một chút lại về vị trí ban đầu. Bà túm túi ngô đưa cho ông An:
– Nay ăn tạm ngô non thôi ông ạ. Non nên ngọt lắm, ông đổ nhiều nước để uống nhé.
Ông An đón túm ngô:
– Bà đi thay quần áo đi, rồi vào bếp mà sưởi lửa, ướt hết rồi. Cảm lạnh đấy.
Phía đầu nhà, Tiến đang ngồi ở góc cửa cũng ấp úng nói theo bố:
– Phải… phải đấy. Mẹ… thay… đồ…
Bà An nhìn Tiến cười:
– Mẹ biết rồi. Mẹ thay quần áo khô cho con trai mẹ vui nhá.
Nghe bà nói vậy, Tiến cười. Thằng Út nằm trên giường thấy thế cũng hềnh hệch cười rú trong cổ họng, nét mặt vui vẻ hẳn lên chứ không khó chịu như lúc thấy bà An về….
Ở bản Dao, không ai không biết gia đình ông An. Ông bà là người Kinh ở miền xuôi lên vùng cao để xây dựng kinh tế, tính đến giờ cũng ngót nghét mấy chục năm. Ông An vốn là bộ đội nên từ hồi lên vùng này, ông làm kinh tế giỏi lắm nhưng đường con cái lại không thuận do di chứng ông mang theo từ chiến trường về. Bà An sinh nở mấy lần đầu đều hỏng, cuối cùng thì được Tiến và thằng Út. Tiến sinh ra thì bình thường, khỏe mạnh nhưng càng lớn, các cơ bắp tay, bắp chân lại càng nhỏ đi, không tự đi lại được nên hơn ba mươi tuổi rồi Tiến chỉ quanh quẩn ở nhà. Mấy năm gần đây, cơ mặt của Tiến cũng có biểu hiện co rút nên việc giao tiếp ngày càng khó khăn. Còn thằng Út, từ khi sinh ra người nó đã mềm như cọng bún nên quanh năm suốt tháng nó chỉ nằm một chỗ, tay chân nó cứng cáp hơn thân thể thì cũng có lúc cử động được. Suốt bao nhiêu năm nay, ông bà làm đến đâu chữa bệnh cho con đến đó nên gần bảy mươi tuổi ông bà vẫn ở trong cái nhà dột nát, lợp cỏ tranh với những cột tre, phên nứa xiêu vẹo ở cuối bản.
Thay xong quần áo, bà An vào bếp chất thêm mấy cây ngô khô vào bếp củi đang cháy khiến ánh lửa bùng lên lút cả nắp nồi. Ông An lấy thanh củi khô chưa đun đến đưa cho bà làm cái ngồi. Như chợt nhớ ra điều gì, ông nhìn thẳng vào mắt bà hỏi bằng giọng đầy nghiêm khắc:
– Bà lấy ngô nhà ai à? Ngô nhà mình làm gì đã ăn được.
Bà An im lặng chất thêm mấy cây ngô khô vào bếp rồi lại nhìn Tiến đang ngồi ở góc cửa. Ông tiếp:
– Bà làm thế này người ta biết người ta cười cho đấy. Rồi sau có dám nhìn mặt người ta không?
Bà An vẫn chăm chăm nhìn bếp lửa đáp như nói thầm:
– Tôi đi suốt từ sáng mà có kiếm được gì đâu ngoài nắm rau rừng. Không làm thế, các con lấy gì mà ăn bây giờ? Mà tôi cũng hái có mấy bắp, nào dám lấy nhiều.
Ông An nãy giờ vẫn ngồi cạnh bà bỗng đứng dậy:
– Thế không có cái ăn thì bà có quyền ăn cắp, ăn trộm à? Một bắp cũng là lấy.
Vừa nói ông vừa vung tay chỉ vào mặt vợ:
– Nghèo cho sạch.
Bà An ấm ức ôm mặt khóc:
– Ai chả biết nhưng nhà ai cũng khó, vay mượn không được, tôi chỉ muốn bữa trưa con được chặt bụng một bữa thôi. Rau cháo cả tuần rồi, ông giận tôi thì cũng phải xót con chứ.
Tiếng cãi vả qua lại của ông bà khiến cả Tiến và thằng Út chú ý. Tiến nhìn bố đang giận phừng phừng, nhìn mẹ uất ức ngồi khóc bên nồi ngô lại nhìn ra con đường vào bản trước mặt đầy bất lực. Thằng Út nằm im được lúc, nghe tiếng ông An nó cũng gồng cái lưng mềm nhũn đã hằn đỏ những vết nan giường rồi lại để phần vai vừa nhấc được lên rơi tự do xuống giường ú ớ như khó chịu lắm. Bà An chất thêm một lần củi ngô vào bếp rồi đi lên với thằng Út mà không dám nhìn thẳng vào mặt ông An đã đến ngồi ở góc nhà với Tiến.
– Út đói lắm à! Chờ chút nữa con nhé, lần củi này cháy hết mẹ lấy ngô chín cho Út ăn tạm. Chiều mẹ kiếm gạo nấu cơm cho hai anh em nhé!
Tuy nói không rõ nhưng Tiến lại hiểu hết những gì đang diễn ra nên cố giơ hai bàn tay mà các ngón co cắp gần hết xua xua trước mặt cố nói một câu dài mà mãi mới nói được:
– Con… không… đói… không… ăn… để… Út.
Ông An nhìn Tiến, khuôn mặt đau khổ:
– Để bố đưa con lại giường cho đỡ lạnh. Ở nhà cứ ăn đi, bố đi công chuyện chiều bố về.
Nói xong ông cúi xuống nhấc Tiến một cách khó nhọc đặt lại giường, chưa kịp quay lưng, Tiến níu tay bố:
– Thương… mẹ… mẹ… tốt… bố đau… đau…
Ông An nuốt nỗi xót xa vào lòng khiến cái lồng ngực nhăn nheo chỉ còn trơ xương cứ phồng lên lại hóp xuống, ông cố nở nụ cười để Tiến thấy yên tâm.
– Được rồi. Bố sẽ cẩn thận. Bố đi chiều bố về với các con.
Rồi ông với chiếc nón đã rách vành treo ở vách nhà dặn với bà An:
– Mấy mẹ con cứ ăn đi. Tôi đi có tí việc.
Bà An đang vớt ngô đã luộc ra rá cho con. Nghe ông nói vậy, bà thả cả rá ngô nóng xuống chạy theo ông:
– Ông ơi! Tôi biết lỗi rồi. Tôi không dám làm thế nữa. Ông đi đâu giữa lúc mưa gió này?
– Tôi đi xin lỗi người ta. Đó cũng là mồ hôi công sức của người ta kia mà. Rồi tôi xin khất nợ ít gạo, bà ở nhà trông bọn trẻ đi.
Mưa đổ dày hạt hơn, mấy cái thau đặt trong nhà hứng nước dột cũng gần đầy. Thằng Út được ăn no nên đã lim dim ngủ, còn Tiến vẫn ngồi ở góc giường nhìn mẹ. Bà An vừa lấy khăn lau mặt cho Tiến vừa nói:
– Mẹ sai rồi. Mẹ xin lỗi con trai…
Tiến lắc đầu nguầy nguậy:
– Lỗi… lỗi… của… con…
Bà An đứng vội dậy đi ra ngoài, mưa vẫn không ngớt hạt, phía con đường đi vào bản, bóng ông An nhòe mờ lẫn trong mưa. Cảm giác vừa tội lỗi vừa xót xa cắt cứa trong lòng khiến bà chỉ biết ôm mặt khóc…
Mỗi mùa mưa đến với bà là cả một nỗi lo lớn. Lo con không có cái ăn, lo mưa lũ về nhà cửa không đủ sức chống chọi với gió bão, rồi hai đứa trẻ lại quằn quại đau đớn bởi những thay đổi của thời tiết. Ông An cũng thế, cơ thể ông đều có dự báo cho ngày mưa, ngày nắng. Nhiều đêm, bà ngồi canh mấy chậu nước dột từ mái nhà mà thắt lòng khi thấy ba người đàn ông trong nhà ngủ mê mệt sau những cơn tê buốt, đau nhức của cơ thể. Bà ước những đau đớn của các con, của chồng bà có thể gánh hộ, gánh hết cũng được để chúng được vui đùa, chạy nhảy như đám trẻ con trong bản, còn ông có thêm chút sức lực mà chống chọi với tuổi già. Đám bạn cùng trang lứa với thằng Tiến đã yên bề gia thất, vợ con đàng hoàng mà con bà thì ngày càng nhỏ lại, nói năng cũng khó… Nếu mưa là nước mắt của trời thì những chậu nước từ mái nhà dột xuống là giọt nước mắt đau khổ mà bà muốn hất đi để có thêm sức mạnh mà sống và chăm lo cho hai thằng con.
Mưa bắt đầu tạnh, mặt trời xé mây mà thả nắng yếu ớt xuống mấy thửa ruộng bậc thang lúa đã bám rễ lên xanh. Tiến thấy trời tạnh lại muốn ra cửa ngồi nên bà An lại bế Tiến đặt ở chiếc ghế cạnh bậu cửa. Thằng bé ít nói nhưng nét mặt nó lại nói lên tất cả, mỗi ngày nó chỉ quanh quẩn trong nhà ra đến bậu cửa nên thấy nắng là đôi mắt nó cười như thấy người bạn lâu ngày đến thăm. Nó lắc lư cái đầu vẹo sang một bên khi thấy đám chuồn chuồn đang la đà trên giàn su su trước nhà.
– Mẹ… mẹ…!
Tiến bất chợt gọi mẹ và cố dùng đôi tay co cắp chỉ về phía con đường vào bản. Bà An đang đang giắt lại mấy cái phên vách cũng bị giật mình bởi tiếng gọi của Tiến. Ông An đang đi cùng với mấy người về phía nhà. Bà chột dạ, hay ông ấy gọi người đến bắt bà vì tội trộm ngô? Con người ông ấy khảng khái, chính trực không vì vợ con mà bao che đâu. Nhưng sao có mấy bắp ngô non mà ông ấy lại làm lớn chuyện đến thế? Bao nhiêu là suy nghĩ khiến người bà bắt đầu run run, hai tay luống cuống thừa thãi, muốn nói gì đó với thằng Tiến mà giờ lưỡi bà cứ cứng lại trong miệng. Thằng Tiến thấy mẹ thay đổi sắc mặt hình như cũng hiểu ra vấn đề. Nó cố điều khiển cả hai cánh tay cứng đơ về phía mẹ:
– Mẹ… đừng sợ…
Bà ngồi thụp xuống cạnh Tiến, người run bần bật khi vừa nhìn Tiến vừa nhìn thằng Út đã ăn no, ngủ ngon lành trên giường…
Về đến sân, thấy vợ con ngồi ở cửa, ông An hồ hởi:
– Bà ơi, Tiến ơi! Nhà mình có khách quý!
Gương mặt thằng Tiến đang căng thẳng vì lo cho mẹ giờ giãn ra, nó cười tít cả mắt:
– Khách… quý… mẹ… ạ!
Bà An chưa hết lo vì cả nhà Thanh cũng đi cùng với ông An và mấy người lạ. Chả phải bà vừa lấy ngô nhà Thanh ư? Sao giờ ông ấy lại bảo khách quý? Ông An nhìn vợ đứng bần thần ở cửa, ông vội giải thích:
– Tôi nói chuyện với anh Thanh rồi. Anh ấy không trách bà đâu. Anh ấy còn giới thiệu cho mấy anh chị nhà báo đang tác nghiệp trên mình đây này. Các anh chị ấy muốn vào thăm nhà nên tôi đưa vào.
Bà An thấy xấu hổ, cúi mặt nói lí nhí trong miệng:
– Cảm ơn anh Thanh. Tôi thành thật xin lỗi. Lần sau tôi không dám bí quá hóa liều nữa.
Thanh vừa bế Tiến đặt lại giường đến bên cạnh bà An an ủi:
– Bác ạ! chuyện qua rồi mà, với lại, cháu cũng hiểu hoàn cảnh của bác. Kể cả hôm nay bác trai không ra gặp cháu thì chúng cháu cũng có dự định vào thăm hai bác và các em.
Bà An lấy tay áo quệt vội giọt nước mắt… Hóa ra, các anh chị ấy vào để giúp đỡ gia đình bà. Ông An trước giờ còn không nhận hộ nghèo, ông bảo, còn sức còn làm được, để cho những nhà khó hơn. Chả biết các anh ấy đã thuyết phục thế nào mà giờ ở góc nhà đã có thêm bao gạo và ít đồ ăn. Chỉ nghĩ đến chiều nay, thằng Út được ăn cơm là nước mắt bà lại trào ra.
CHÂM VÕ