“Mùa gieo chữ” nơi vùng cao Tây Bắc

Là tỉnh vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay Lai Châu là một trong những tỉnh không ghi nhận trường hợp nhiễm mới. Những ngày này, hòa chung niềm vui năm học mới cùng với tất cả học sinh trên cả nước, thầy và trò nơi vùng cao biên giới Lai Châu đang nỗ lực cho một “mùa gieo chữ” mới.

Về trường Anh hùng Lao động 

Rời thị trấn Mường Tè, ngược Đà Giang vượt hơn 80 km, theo cung đường Mường Tè – Pắc Ma, chúng tôi lên thăm những thầy cô giáo cắm bản ở Mù Cả. Miền đất cách đây hơn 60 năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, chàng thanh niên Nguyễn Văn Bôn đã rời thành cổ Bắc Ninh, dùng máu viết thư, xin đi dạy học đưa “miền núi tiến kịp miền xuôi”. Với những cống hiến của mình, thầy giáo Nguyễn Văn Bôn, được Nhà nước phong danh hiệu “Anh hùng Lao động”. Sau này, tên và danh hiệu của ông được ngành giáo dục Lai Châu lấy làm phong trào phát động thi đua trong toàn tỉnh.

Mù Cả là xã vùng cao biên giới của huyện Mường Tè, với dân số hơn 2.600 nhân khẩu, dân tộc Hà Nhì chiếm 80%, còn lại là đồng bào (H’Mông, La Hủ, Si La và Mường). Năm học 2021 – 2022, toàn xã huy động được 772 học sinh với ba cấp học (Mầm non, Tiểu học và THCS), riêng bậc THCS học tại điểm trường trung tâm, còn lại bậc được học và nuôi dưỡng tại hai điểm trường trung tâm là bản Mù Cả và Gò Cứ.

Học sinh trường PTDTBT Tiểu học Mù Cả (Mường Tè) bước vào năm học mới.

Trên con đường nông thôn mới về bản trung tâm Mù Cả, những chiếc  xe máy nối đuôi nhau đèo con em từ bản về nhập học, ai cũng thực hiện nghiêm 5K. Chủ tịch UBND xã Mù Cả Pờ Khừ Xá phấn khởi: “Không như những năm trước, riêng bậc Tiểu học chia làm hai trường (Tiểu học Mù Cả và Tiểu học số 2 Mù Cả), phải chia các cháu học ở 8 điểm bản. Các thầy, cô cứ phải cắm bản cả năm vận động, thì người dân mới cho đi học. Ba năm trước, hai trường được sáp nhập thành Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBT TH) Mù Cả, đã huy động học sinh toàn xã về học ở hai điểm bản chính. Bà con ai cũng vui vì con em được Nhà nước hỗ trợ ăn ở, sinh hoạt, được thầy, cô giáo chăm sóc”.

Nghệ nhân Ưu tú Pờ Lóng Tơ, người Hà Nhì duy nhất, được các thầy, cô giáo và dân bản gọi bằng “bố”. Năm nay, bố Tơ đã bước sang gần 84 mùa rẫy, nhưng giọng nói và ánh mắt còn tinh anh. Hễ xã, bản, trường có việc gì khó lại đến nhờ ông kiến giải. Khi có dịp quây quần cùng thầy, cô và con em Mù Cả, ông không quên căn dặn: “Đến nay, Hà Nhì ta có nhiều người làm cán bộ to, có học hàm học vị cao, có được điều đó là nhờ cái chữ của Bác Hồ, nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Chúng ta phải tự hào đất Mù Cả ta là nơi đặt dấu chân đầu tiên của Anh hùng Lao động – Nhà giáo Nguyễn Văn Bôn năm xưa không quản ngại khó, khổ để mang cái chữ về với bản!”.

Đến giờ này, thầy giáo Đào Long Hải – Bí thư Chi bộ – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Mù Cả như trút được một phần gánh nặng. Thầy chia sẻ: Năm học này cùng với các cấp, các ngành, Chi bộ nhà trường tiếp tu tục quán triệt thực hiện Đề án  “Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020” của Ban Chấp hàng Đảng bộ tỉnh. Và mới đây nhất là Kết luận Số 112-KL/TU Lai Châu, ngày 03 tháng 6 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về tiếp tục thực Đề án “nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn”. Qua đó, Chi bộ quan triệt tới toàn thể cán bộ, giáo viên thực hiện hiệu quả việc đảm bảo tỷ lệ giáo viên theo quy định, có đủ giáo viên dạy các môn năng khiếu như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục; huy động học sinh lớp 3,4,5 ở các điểm trường lẻ về học tại điểm trung tâm, tỷ lệ học sinh lớp 3 được học ngoại ngữ theo chương trình mới; xây dựng đáp ứng nhu cầu phòng ở cho học sinh bán trú.

Được biết, để chuẩn bị đón hơn 185 học sinh bán trú về tựu trường. Mới đây, thầy Hải cùng với các thầy cô giáo nhà trường đã sửa sang nơi ở, khu bếp ăn bán trú cho học sinh. Tranh thủ cấp ủy, chính quyền xã và Công ty Thủy điện Pắc Ma, giáo viên và phụ huynh góp công, góp của, nhà trường đã hoàn thành xong gần 360 m2 bê-tông làm sân chơi cho học sinh.

Chuyện bản Nậm Tảng, Nậm Cười

Theo dòng suối Nậm Bụm, chúng tôi về thăm thầy trò trường PTDTBT TH xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn. Năm học này, nhà trường có 13 lớp/283 học sinh, trong đó hơn 149 học sinh bán trú, các em thuộc bốn dân tộc chính là H’Mông, Mảng, Hà Nhì và Dao. Số học sinh ra lớp đến giờ đạt hơn 97%. Để đón được học sinh từ bản Nậm Tảng, Nậm Cười về trường trung tâm Hua Bum, các thầy Vàng Văn Xôn, Đao Văn Phú, phải vượt hơn 80 km đường dân sinh, có những cung đường gặp ngày mưa, lốp sau xe phải bọc xích như… xe tăng thì mới đi được.

Mỗi khi có dịp nhắc về chuyện học chữ, chuyện tên bản, Trưởng bản Nậm Tảng Tẩn Sài Quân lại bồi hồi. Bởi từ lâu, bà con ở Hua Bum vẫn ví hai bản Nậm Tảng, Nậm Cười là bản “vô gia cư”. Trước ngày thành lập huyện Nậm Nhùn, vùng đất dọc ven suối Nậm Tảng, Nậm Cười là điểm trung gian giữa hai huyện Mường Tè và Sìn Hồ. Mới đầu có khoảng năm hộ đến khai hoang dựng nhà, sau này cứ đông dần lên, họ sống khép kín, ít giao tiếp. Nhiều đứa trẻ được sinh ra, lớn đến cả chục tuổi mà vẫn chưa có giấy khai sinh, các em “biệt lập” với cổng trường và lớp học. Có một nghịch lý là suốt bao năm, những hộ trên sống tự do chẳng thuộc quản lý của một chính quyền địa phương nào cả. Năm 2012, huyện Nậm Nhùn được tách thành lập, từ hai huyện Mường Tè và Sìn Hồ. Phải giải quyết như thế nào với những nhóm hộ di cư tự do trên là băn khoăn của chính quyền huyện mới. Thời điểm này, số hộ di cư đến đây khoảng hơn 40 hộ, phần lớn là đồng bào Mảng, Dao, đến từ Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ, có hộ còn di cư từ Sơn La, Lào Cai sang. Năm 2013, các hộ di cư tự do được chính danh hợp pháp là công dân của hai bản mới mang tên Nậm Tảng và Nậm Cười.

Cô và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Phìn Hồ chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới

“Năm học mới biết bao thứ phải lo, từ sách giáo khoa mới, bàn ghế, trang thiết bị dạy học. Đặc biệt là chỗ ở cho các em từ bản về. Đáng lẽ năm học này, nhà trường có 9 phòng ở bán trú. Nhưng do năm học trước cho trường mầm non mượn hai phòng nội trú để bảo đảm cơ sở vật chất khi lên chuẩn. Thế nên, bài toán về chỗ ở cho các em mùa tựu trường này khá nan giải. Bước đầu, nhà trường sẽ tăng thêm giường cho các em ở, tạm ổn định để duy trì sĩ số, rồi sau sẽ tính tiếp…”, thầy Bùi Văn Nhiệt, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH xã Hua Bum trăn trở.

Còn nhiều cái phải lo, nhưng niềm vui đã hiện trên gương mặt bà con đồng bào dân tộc H’Mông xã biên giới Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ khi tuyến đường tỉnh lộ 129 đã được trải nhựa phẳng trước mùa mưa, giúp bà con đi lại thuận lợi hơn khi có việc. Người vui nhất hôm nay là già bản Giàng A Lềnh, Trưởng bản Pa Phang 2, bản xa trung tâm xã nhất. Gặp chúng tôi khi đưa cháu đến tựu trường, không giấu nổi niềm vui, già bản Giàng A Lềnh phấn khởi: “Không như ngày trước, mỗi khi có việc lên xã, lên huyện, đường đi vất vả lắm, giờ chạy xe máy khoảng một tiếng đồng hồ là đến xã. Đưa đón con cháu về đi học cũng được thuận hơn”.

Có lẽ vui hơn cả là thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Phìn Hồ. Bởi bao năm qua mặc dù số học sinh nhà trường đủ tiêu chuẩn thuộc trường bán trú, nhưng phải đến ngày 1/9/2021, nhà trường mới được công nhận tiêu chuẩn này. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Huyền cho biết: Tạm thời các em sẽ ổn định để bước vào năm học mới, theo lộ trình, trường sẽ được đầu tư, xây dựng các hạng mục đúng với tiêu chuẩn, cũng như mọi chế độ các học sinh được thụ hưởng theo quyết định thuộc trường Bán trú.

Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: Năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có 344 trường với tổng số 150.273 học sinh. Chuẩn bị cho năm học mới, ngoài công tác bồi dưỡng chính trị, kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành bằng hình thức trực tuyến, Sở đã phối hợp NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 cho cán bộ quản lý, giáo viên. Bên cạnh đó, Sở chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm và có hiệu quả việc cải tạo môi trường trong và ngoài lớp học, công tác vệ sinh phòng, chống dịch Covid-19, vệ sinh trường, lớp, khu nội trú…

 

Hà Minh Hưng


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.