Mùa chim én về

Cứ cuối tháng mười hai âm, khi ngoài cánh đồng chỉ còn trơ lại gốc rạ, một vài thửa ruộng sâu đã cày lật để phơi đất thì từng đàn cò bay về đậu trắng các bờ ruộng. Trên đồi, cây bông hôi nở hoa tím nhạt cả một vùng. Ở quê tôi, chỉ cần nhìn hoa bông hôi thì cũng biết tiết trời đang giao mùa. Đến khi hoa bông hôi chuyển từ màu tím nhạt sang màu trắng đục, lá rụng hết nhường chỗ cho những chồi non là tết đến xuân về.

Mùa đông ở miền Bắc lạnh cắt da cắt thịt. Thế nên, khi gió mùa đông bắc về là một số loài chim đưa nhau đi tránh rét và đến lúc xuân sang chúng lại kéo nhau về. Trừ đàn cò đậu trắng cánh đồng sau mùa gặt thì điểm đầu tiên các đàn chim tìm về sau thời gian trú đông là hang Bồn. Hang rộng, vách cao, thẳng đứng, sừng sững theo năm tháng. Giữa chúng như có một thỏa thuận bất di bất dịch. Trong hang rộng nhưng đó là địa bàn của lũ dơi, chúng không di trú nên thường nép mình trên các hốc sâu cuối hang nhưng chỉ cần có tiếng động ở cửa là cả đàn hàng nghìn con ùa ra đen kịt cả một khoảng như để bảo vệ lãnh địa của chúng. Ở các vách cao ngoài cửa hang là nhà của đàn sáo. Sau một thời gian vắng nhà, sáo về sớm nhất trong số các loài chim đi trú đông. Khác với loài dơi luôn trú ở trong hang, sáo về nhưng không vào tổ ngay mà chúng bay một vòng như thám thính rồi đậu hết lên các cành cây cao cùng nhau hòa tấu bản nhạc mùa xuân, sau đó chúng mới về tổ của mình đã để lại từ mùa trước.

Có lẽ, chim én là loài chim về hang Bồn muộn nhất. Khi thấy én về thì chắc chắn tiết trời đã ấm lên. Lúc ánh bình minh vừa hửng là từng đàn én xếp hình chữ V trên nền trời. Bố tôi ngồi chẻ lạt để chuẩn bị cho mùa thu hoạch mía thường gọi chị em chúng tôi ra xem chim én xếp hình. Én không có con chim đầu đàn nên trong đội hình chữ V ấy, chúng thay nhau bay ở vị trí đầu tiên. Bố tôi nói:

– Cũng như loài cò, chim én rất đoàn kết. Chim én bé nhưng quãng đường chúng phải di chuyển khá dài nên chúng thường bay thành đội hình để hỗ trợ cho nhau.

Én không đánh dấu lãnh địa của mình ở hang Bồn như chim sáo, như dơi mà chúng thường vào các nhà trong làng để làm tổ. Ở quê tôi, nhà nào cũng có vài ba tổ én, nhà nào én không làm tổ mùa xuân thì người ta bảo không có lộc. Nhà tôi cũng có cả chục tổ én trên các kèo nhà. Mẹ tôi hay cằn nhằn vì én làm tổ nhiều ở trên thì mẹ phải dọn dẹp nhiều ở dưới. Bố thì hay trêu mẹ:

– Bà cằn nhằn làm gì. Bà cho thì chúng mới dám làm tổ chứ?

Én cũng như người vậy. Dù đã có tổ sẵn nhưng khi về lại không bao giờ én vào tổ ngay mà chúng thường bay vài vòng rồi mới đậu ở tổ cũ hoặc vị trí chúng định làm tổ vài ngày nếu chủ nhà không đuổi thì những ngày sau chúng mới đưa bùn về làm tổ. Bố tôi giải thích với chị em tôi rằng:

– Đó là cách chim én xin phép đấy con ạ. Nếu không muốn én làm tổ thì chỉ cầm lấy gậy xua đuổi là chúng sẽ đi và không bao giờ trở lại.

Tuổi thơ của chị em tôi gắn liền với những câu chuyện về chim én mà bố kể và những tổ én trên mái nhà. Mỗi lần trò chuyện bố thường nhắc nhở chúng tôi:

– Sau này lớn lên, các con sẽ có cuộc sống riêng, gia đình riêng nhưng phải luôn đoàn kết với nhau giống như chim én. Chỉ có đoàn kết, yêu thương nhau thì các con mới vượt qua được sóng gió của cuộc đời.

Rồi bố tôi ra đi vào mùa hè. Trước lúc nhắm mắt bố vẫn dặn mẹ:

– Năm nay, đàn én về bà không được đuổi chúng nhé.

Năm đó, năm sau và những năm sau nữa, đàn én vẫn kéo nhau về làm tổ trên mái nhà nhưng chuyện về chim én thì không mấy khi chị em tôi nhắc đến nữa. Có lẽ, một phần là để giấu đi nỗi nhớ bố trong lòng, nhất là mẹ, một phần là chúng tôi lớn lên, đi học rồi lập nghiệp, mỗi đứa một nơi. Vì thế, mâm cơm tất niên không khi nào được đủ đầy, ấm áp được như xưa.

Mẹ tôi ngày càng già yếu, từng nếp thời gian in đậm trên mái tóc, khóe mắt của mẹ. Mẹ không cằn nhằn mỗi lần dọn phân chim én trên nền nhà nữa. Với mẹ, ngày đàn chim én về làm tổ trong nhà như là ngày bố trở về để thực hiện lời hẹn ước. Mẹ ngồi trên ghế nhìn từng đôi én ríu rít, miệng móm mém nhai trầu, tay quệt nhẹ giọt nước mắt đang lăn trên gò má sạm màu, gầy guộc…

Năm nay, anh trai tôi xây lại nhà. Nhà anh xây ngay bên cạnh, cao hơn che khuất cái nhà ngói cũ bố làm, giờ anh giữ lại làm nhà thờ cúng tổ tiên. Đàn chim én về, có lẽ thấy có sự thay đổi nên chúng bay vòng quanh trên mái nhà rồi như nhận ra cái nhà cũ vẫn còn nên từng đôi một đáp xuống. Mẹ gọi cho tôi, giọng vui hẳn so với ngày thường. Mẹ kể, có thêm mấy đôi én làm tổ ở nhà mới. Xuân về, én về mà các con thì không về… giọng mẹ lạc đi giữa những câu chuyện về chim én hồi nào bố kể.

Mẹ ốm khi đàn én còn chưa hoàn thành tổ mới trên mái nhà. Chị em tôi lần lượt về. Từ khi bố mất, đây là lần đầu tiên chị em tôi về đông đủ, có đủ dâu, rể và các cháu. Mẹ nằm trên giường, miệng móm mém cố nở nụ cười mệt nhọc:

– Thế là mùa chim én về thật rồi các con ạ!

Tôi cầm bàn tay mẹ lả dần trong tay tôi. Hóa ra, với mẹ, mùa chim én về không chỉ là mùa chim én làm tổ trên mái nhà mà ngày gia đình tôi được đông đủ, vui vẻ như ngày nào. Cuộc sống hiện đại khiến chúng tôi mải mê tô vẽ cho bản thân mà quên đi niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của mẹ trong lời dạy của bố.

Giờ đây, khi mẹ cũng đi cùng bố, chúng tôi mới nhận ra giá trị của gia đình đơn giản chỉ là khi tất cả các thành viên được quây quần với nhau bên mâm cơm đạm bạc… Mẹ đi rồi, chị em chúng tôi tự động viên nhau, ngày giỗ bố, giỗ mẹ là ngày gia đình đoàn tụ giống như lời đàn chim én hẹn mùa để trở về.

Châm Võ


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.