Một chặng đường văn học nghệ thuật

Từ khi tách tỉnh đến nay, Hội Văn học – Nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã qua 3 nhiệm kỳ Đại hội và đạt một số kết quả đáng khích lệ. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội VHNT tỉnh (1981- 2021), phóng viên Tạp chí Văn nghệ Lai Châu phỏng vấn nhà thơ Đỗ Thị Tấc – Nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh về nội dung này.

Phóng viên (P.V): Hội VHNT tỉnh đã thành lập được 40 năm, xin nhà thơ cho biết một số sự kiện nổi bật của Hội?

Nhà thơ (NT) Đỗ Thị Tấc: Năm 1981 là năm mà thế hệ văn nghệ sỹ và những người làm công tác nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian ngày ấy và thế hẹ kế cận chúng tôi sau này rất vui mừng, hãnh diện bởi mình đã có một tổ chức riêng. Niềm vui ấy là ngày 20/07/1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 125/NQ-TU chính thức thành lập Hội VHNT tỉnh. Đại hội Hội VHNT tỉnh khóa I được tổ chức trang trọng từ ngày 4-6/9/1981 tại thị xã Lai Châu (cũ). Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 21 ủy viên. Nhà thơ Lương Qui Nhân được bầu làm Tổng thư ký và nhà văn Mạc Phi được bầu làm Phó Tổng thư ký.

Đồng chí Tống Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng giấy khen các cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong hoạt động văn học, nghệ thuật giai đoạn 2005 -2020.

Theo đường lối, định hướng văn nghệ đứng đắn, cởi mở, đầy khích lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, VHNT Lai Châu đã gắn quyện, phản ánh hiện thực đất nước – con người Lai Châu trong lao động, đấu tranh xây dựng cuộc sống mới, trong công cuộc đổi mới phong phú và sinh động. Dưới sự dẫn dắt của 2 nghệ sỹ lớn: nhà văn Mạc Phi và nhà thơ Lương Qui Nhân, Hội và các văn nghệ sỹ Lai Châu từng bước trưởng thành. Theo thời gian, đội ngũ tác giả từ lớp cao tuổi như: Vi Văn Phủ, Mào Ết, Mùa A Sấu… hăng say văn chương nghệ thuật. Những con người của Lai Châu sinh trưởng trong máu thịt của Lai Châu, được nguồn nước, hạt gạo, hạt bắp nuôi dưỡng thông qua tác phẩm của mình thể hiện rõ bước thay da đổi thịt của quê hương. Bằng chính cuộc đời và tác phẩm, họ là những minh chứng so sánh với cuộc đời tăm tối ngày xưa để thấy rõ giá trị của cuộc sống hôm nay. Lứa tác giả tiếp theo từ: Xuân Thậm, Trọng Mậu, Huỳnh Nguyên, Trương Hữu Thiêm… những anh em từ đồng bằng tự nguyện gắn bó đời mình với Lai Châu. Trong tác phẩm của họ, đất nước – con người Lai Châu từ trong truyền thống lịch sử đến nhịp điệu của cuộc sống mới, từ cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ đến những tai họa dữ dội và khắc nghiệt trên đất Lai Châu… luôn là đối tượng phản ánh ngợi ca, là những khám phá sáng tạo mê say, là nguồn cảm hứng không vơi cạn. Rồi đến lớp những cây bút như: Từ Thiện, Vương Khon, Tẩn Quý Dao, Tô Hợp, Chu Thùy Liên, Lê Hải Yến đến những mầm non văn học triển vọng: Vùi Anh Tâm, Lý Vần Tải, Tao Hải Yến… Tác phẩm của họ đã đem đến cho công chúng sự mới mẻ, đằm thắm và tươi tắn. Tác phẩm của các tác giả được tuyển chọn in ở các sách báo Trung ương, có những tác giả có tác phẩm in trong tuyển tập lớn có giá trị lâu dài. Đặc biệt là các tác phẩm mang giá trị tư tưởng, nghệ thật cao của các nghệ sỹ bậc thầy Mạc Phi, Lương Qui Nhân.

Đáng mừng là cho đến nay, tác phẩm của hội viên, cộng tác viên đều mang ý tưởng hướng thiện, tác phẩm văn học phong phú hơn cả về đề tài và thể loại.

Các cụ ta có câu “Người ta là hoa đất”. Đất mẹ Lai Châu đã dưỡng nuôi một miền văn hóa, một miền văn nghệ dân gian mà thi ca là mạch nguồn đầy sinh khí. Kế thừa và phát huy mạnh mẽ nguồn thi ca truyền thống các dân tộc, những năm qua, bên cạnh đội ngũ sáng tác bằng tiếng phổ thông, bằng ngôn ngữ dân tộc lớp lớp tiếp bước nhau, dâng cho đời những mùa hoa trên cánh đồng văn nghệ, dẫu không dài rộng nhưng cũng muôn màu thắm sắc, ngát hương riêng. Nổi bật trong đội ngũ tác giả này là: Lương Qui Nhân, Vương Khon, Hà Mạnh Phong (dân tộc Thái); Lò Văn Chiến (dân tộc Pú Nả); Tẩn Quý Dao, Tẩn Kim Phu (dân tộc Dao); Mùa A Sấu, Mùa A Tủa (dân tộc Mông)…

P.V: Thưa đồng chí, còn công tác xuất bản của Hội?

NT Đỗ Thị Tấc: Từ tập “Sáng tác Lai Châu” lúc còn Ban Vận động thành lập Hội, sau đó là “Sáng tác Sông Đà”, “Sáng tác Lai Châu”, “Biên giới lòng người”, “Biên giới là quê hương”… trong nhiệm kỳ đầu. Hay “Văn hóa văn nghệ Lai Châu” nhiệm kỳ II xuất bản từ 1 – 4 số/năm với số lượng phát hành hạn chế.

“Tạp chí văn nghệ Lai Châu” hiện nay có chức năng nhiệm vụ tuyên truyền đường lối; chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; đồng thời chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh tới các cơ quan chức năng và cấp ủy – chính quyền các cấp thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Mỗi số Tạp chí đăng tải trên 50 tác phẩm thơ, nhạc, truyện ngắn, ký ghi chép văn học, nhiếp ảnh và tác phẩm nghiên cứu giới thiệu bảo tồn văn hóa các dân tộc ở Lai Châu cùng các bài phê bình văn học nghệ thuật, mỹ thuật, điền dã sưu tầm giới thiệu các tác phẩm song ngữ: Thái, Giáy, Mông, Dao, Lự, Hà Nhì… Xuất bản 12 số/năm, số lượng 1.200 cuốn/ số phát hành hàng tháng, Tạp chí Văn nghệ Lai Châu đã đến được hơn 400 địa chỉ là các cơ quan, ban ngành, các trạm, các đồn biên phòng, các điểm văn hóa xã, UBND các huyện, thị xã và các xã trên địa bàn toàn tỉnh và phát cho 163 hội viên của Hội VHNT tỉnh. Ngoài ra, Tạp chí Văn nghệ Lai Châu cũng đã gửi báo giao lưu với 84 địa chỉ là các cơ quan hội chuyên ngành Trung ương và các Hội VHNT trên cả nước. Nội dung các số Tạp chí Văn nghệ Lai Châu không ngừng đổi mới, sáng tạo trong trình bày, nâng cao chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm. Chính vì vậy đã thu hút giành được sự quan tâm của bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Hiệu quả tuyên truyền nhờ vậy được nâng cao.

Dù là báo hay tạp chí thì đây cũng là cơ quan ngôn luận của Hội, là nơi phổ biến, giới thiệu tác phẩm cho hội viên, cộng tác viên, nghệ nhân. Đây cũng là nơi phát hiện ra năng khiếu văn nghệ để đào tạo, bồi dưỡng bổ sung lực lượng văn nghệ sỹ kế cận. Vì vậy, Tạp chí luôn được chúng tôi chăm chút và tỉnh quan tâm cả về nội dung, kinh phí.

P.V: 40 năm qua, Văn nghệ Lai Châu trải qua nhiều thăng trầm do điều kiện, hoàn cảnh lịch sử. Nhưng có thể nói Văn nghệ Lai Châu được chia làm 2 thời kỳ. Thời kỳ đầu từ khóa I – III, thời kỳ tiếp theo là sau khi chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu (mới). Ở miền đất này, văn nghệ sỹ Lai Châu và Hội VHNT tỉnh đã có những thành tựu gì?

NT Đỗ Thị Tấc: Thực hiện mục đích, tôn chỉ của Hội, suốt 40 năm qua, Hội VHNT Lai Châu, văn nghệ sỹ Lai Châu trong hoạt động xây dựng, phát triển phong trào cũng như trong lao động sáng tạo tác phẩm luôn ý thức sâu sắc rằng: VHNT phục vụ sự nghiệp chính trị của Đảng bộ, phục vụ cuộc sống của Nhân dân các dân tộc Lai Châu. Vì vậy, trong những nhiệm kỳ qua Hội luôn coi trọng bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho hội viên.

17 năm qua, đã 3 nhiệm kỳ thành lập, củng cố, định hình về tổ chức của Hội, Ban Chấp hành luôn coi trọng và đề cao nhân tố con người trong mọi hoạt động. Sản phẩm của VHNT là tác phẩm, là một loại sản phẩm đặc thù.  Sự hay –  dở, thành công hay thất bại phần lớn phụ thuộc vào vai trò chủ quan của chủ thể sáng tạo. Bởi vậy, VHNT Lai Châu có được duy trì và phát triển hay không là do đội ngũ văn nghệ sĩ quyết định. Với mong muốn xây dựng Hội trở thành “mái nhà chung ấm áp, tràn đầy hứng khởi và năng lượng sáng tạo” cho hội viên nên việc phát hiện, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ tác giả luôn được coi là nhiệm vụ hàng đầu, là nỗi trăn trở thường trực, xuyên suốt mỗi nhiệm kỳ của Ban Chấp hành và Thường trực Hội.

Tổ chức các hoạt động nhằm tạo điều kiện cho văn nghệ sỹ nâng cao năng lực sáng tác, nghiên cứu sáng tạo tác phẩm, công trình không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm quyết định sự sống còn của Hội mà còn là hoài bão của những người tâm huyết với văn chương. Song, đây cũng là một lĩnh vực gian nan nhất, đòi hỏi sự kiên trì, nhiệt huyết, tính năng động sáng tạo của những người làm công tác lãnh đạo, quản lý. Bởi, khác với các hoạt động tinh thần khác, văn chương không những phải có vốn sống, tinh thông nghề nghiệp mà còn phải có sự say mê, rung cảm mạnh mẽ, sự toàn tâm toàn ý, suy tư trau chuốt mới mong đạt được chút ít thành công. Trong khi đó, đời sống vật chất của hầu hết nghệ sĩ đều khó khăn, những lo toan thường nhật ảnh hưởng không ít đến điều kiện và cảm hứng sáng tác. Trải qua 3 nhiệm kỳ Đại hội, gần 20 năm qua, thành quả ban đầu nổi bật của Hội là đã duy trì và từng bước nâng cao chất lượng nghệ thuật và tuyên truyền của các số Tạp chí văn nghệ Lai Châu hàng năm; xuất bản và hỗ trợ xuất bản gần 100 đầu sách văn học và công trình nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian cho hội viên, cộng tác viên, nghệ nhân; Tổ chức thành công những sự kiện lớn mang tính khu vực như: Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Tây Bắc năm 2009 và Triển lãm mỹ thuật khu vực Tây Bắc – Việt Bắc năm 2016; thành lập 6 Chi hội chuyên ngành và 7 Chi hội VHNT cấp huyện, thành phố; Đặc biệt những năm gần đây, hệ thống Câu lạc bộ thơ ca, câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa, văn nghệ dân gian của các chi hội địa phương đã được hình thành và hoạt động có hiệu quả. Góp phần quan trọng vào việc cụ thể hóa Nghị quyết của trung ương, của tỉnh về Giữ gìn, phát huy di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc. Đồng thời, phục vụ đắc lực cho chiến lược phát triển du lịch văn hóa – sinh thái của tỉnh. Điển hình là: Chi hội VHNT Huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Tân Uyên, Than Uyên. Điều đáng phấn khởi là cho đến nay, Than Uyên là huyện duy nhất và đầu tiên trong cả nước có chủ trương thành lập “Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian” trong hệ thống trường học từ mầm non, tiểu học và THCS.  Hoạt động chuyên môn của Các Câu lạc bộ này do nghệ nhân, hội viên của Chi hội VHNT huyện thực hiện.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển hội viên, gần 3 nhiệm kỳ vừa qua, Hội bồi dưỡng, kết nạp mới được 125 hội viên (năm 2004, khi thành lập Hội có 38 hội viên. Hiện nay Hội có 163 hội viên). Trong đó, nhiều hội viên là tác giả mới đang khẳng định mình bằng những tác phẩm, công trình nghiên cứu được giới chuyên môn và công chúng, bạn đọc đánh giá cao như: Hà Mạnh Phong, Bùi Thị Sơn, Nguyễn Thị Thanh Vân, Phùng Hải Yến, Trương Huy, Phạm Đào, Đinh Hồng Nhung… (văn học); Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn  Văn Điệu, Hà Anh Tuấn, Nguyễn Thế Trúc, Hà Minh Hưng… (mỹ thuật); Trần Long, Lê Minh Cừ, Vũ Thanh Phương… (âm nhạc); Trần Ngọc Thắng, Tạ Hà Hải, Nguyễn Văn Thắng… (nhiếp ảnh). Đặc biệt, hàng năm, đều có hội viên tham gia và giành được giải thưởng tại các cuộc thi quốc gia, khu vực; giải thưởng của các Hội Chuyên ngành Trung ương. Đáng phấn khởi nhất là Hội đã tham mưu với tỉnh thành lập được Giải thưởng VHNT tỉnh Lai Châu trao giải lần thứ nhất vào năm 2012, lần thứ hai vào năm 2017. Để có được một số thành quả ban đầu như vậy, VNLC đã phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Nhưng cơ bản là Hội đã đoàn kết nhất quán trong việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của tổ chức và Nghị quyết của các kỳ Đại hội; Văn nghệ sỹ đã đôi lúc dẹp bớt cái tôi sáng tạo để vì sự phát triển chung của VHNT tỉnh nhà.

Có thể nói, đội ngũ tác giả và chất lượng tác phẩm của VHNT Lai Châu 17 năm qua, cùng với sự trưởng thành của Hội đã không ngừng bổ sung và ngày càng lớn mạnh. Với lòng say mê và trách nhiệm của mình trước Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc, văn nghệ sỹ đã vượt qua mọi khó khăn, không ngừng học hỏi, cố gắng vươn lên sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật và đậm đà bản sắc của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa dân tộc.

Qua cuộc trò chuyện này, tôi cũng một lần nữa khẳng định, mọi thành quả chúng ta thấy ngày hôm nay sẽ không đạt được nếu không có sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm chăm lo cả về vật chất và tinh thần của Đảng bộ, chính quyền các cấp; sự đồng hành, phối hợp, hỗ trợ của các ngành chức năng và nhân dân các dân tộc Lai Châu; đặc biệt là sự nỗ lực, đam mê, nhiệt huyết của lực lượng hội viên, cộng tác viên. Bốn mươi năm nhìn lại… Thật cảm động. Tôi tin rằng Hội VHNT Lai Châu sẽ tiếp nối, phát huy thành quả mà lớp lớp văn nghệ sỹ tiền bối trao truyền lại và ngày càng phát triển. Và cũng hy vọng sự nghiệp VHNT Lai Châu ngày càng rõ nét hơn dung mạo của mình.

P.V: Cám ơn đồng chí!


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.