Mô hình của sức trẻ thanh niên Hua Nà

Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua xã Hua Nà, huyện Than Uyên (Lai Châu) thành lập nhiều mô hình phát triển kinh tế làm thay đổi cuốc sống người dân. Tiêu biểu hình là mô hình Hợp tác xã Thanh niên Hua Nà với sản phẩm OCOP đặc trưng “ổi Hua Nà”. Mô hình này tạo công ăn việc làm cho từ 20 đến 25 lao động địa phương, đặc biệt là các bạn trẻ vùng đồng bào thiểu số.

gười đưa thương hiệu “ổi Hua Nà” về bản
Những năm trước đây, bà con người Thái ở xã Hua Nà, huyện Than Uyên vốn quen canh tác cây ngô, cây sắn được coi là cây chủ lực, giúp người dân xoá đói, giảm nghèo. Nhưng giờ đây khắp những triền ruộng ngô, sắn đã được thay bằng những vườn ổi sum suê – một sản phẩm có giá trị kinh tế trên thị trường hiện nay. Và người có công đưa giống cây ăn quả ngon, ngọt kia về “bám rễ” với thổ nhưỡng đất Hua Nà trở thành sản phẩm OCOP mang thương hiệu “ổi Hua Nà”, không ai khác là chàng trai người Thái Nùng Văn Nên – bản Hua Nà, xã Hua Nà.
Được biết, Nên là người có công đầu mang cây ổi từ đất Thủ đô về bản. Anh vốn là sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, đáng lẽ anh tìm một cơ quan nhà nước để cổng hiến. Nhưng với vốn kiến thức nông nghiệp được học, Nùng Văn Nên đã quay về nơi mình sinh ra để bắt đầu khởi nghiệp và thực hiện ước mơ làm giàu.

 Mô hình trồng nho đầu tiên được lãnh đạo xã Hua Nà và Huyện đoàn
Than Uyên phối hợp thực hiện mang lại giá trị kinh tế, tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên xã.

Nhận thấy đất đai địa phương màu mỡ bấy lâu mà chỉ trồng cây nông nghiệp quen thuộc, giá trị kinh tế thấp. Anh quyết định tập trung vào mô hình này để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Năm 2012, Nên mang 100 gốc giống ổi Đài Loan từ Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội về trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Thời gian đầu, do chưa biết cách chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho cây ổi nên mô hình không mang lại hiệu quả. Không nản chí, anh tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc ổi qua nhiều kênh thông tin, cũng như học hỏi thêm về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ổi với bạn bè, các nhà chuyên môn… anh từng bước xác định phương pháp chăm sóc phù hợp.
Hiện nay, Nùng Văn Nên là Giám đốc HTX Thanh niên xã Hua Nà với ngành nghề chủ yếu về phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động có thu nhập từ 4 – 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc chăm lo sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, anh Nùng Văn Nên luôn vận động các hộ trong và ngoài xã cùng làm theo. Hỗ trợ các hộ về cây giống, đặc biệt là hướng dẫn, tư vấn cho các hộ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh vườn cây ăn quả.
Để “mục sở thị”, anh dẫn chúng tôi ghé thăm vườn thanh niên HTX Nùng Văn Minh. Sinh năm 1998, năm 2018, Minh xuất ngũ về địa phương. Sau 2 năm xa quê, anh nhận thấy quê mình chẳng thay đổi gì, đồng đất màu mỡ, phì nhiêu là thế mà người dân vẫn nghèo, nhìn lớp thanh niên trong bản lớn lên không đi bộ đội, thì tìm việc làm trong các khu công nghiệp dưới xuôi. Khi ấy, Minh bắt gặp mô hình trồng ổi của anh Nên, được anh Nên tận tình chỉ bảo, chuyển giao kỹ thuật, Minh quyết định chuyển đổi diện tích cây trồng. Bước đầu Nùng Văn Minh trồng thử nghiệm 720m2, sau 1 năm cây cho quả, trừ chi phí nhân công anh thu về gần 20 triệu đồng tiền bán ổi. Như vậy vẫn diện tích ấy cây ổi mang lại giá trị kinh tế cao hơn ngô, sắn nhiều. Nắm được quy trình anh mạnh dạn mở rộng diện tích, sau 4 năm diện tích ổi của gia đình anh là 1ha. Anh Minh chia sẻ: “Việc chăm sóc cây ổi của gia đình mình được thực hiện theo quy trình ViệtGAP nên các loại quả có độ đồng đều cao, chất lượng đảm bảo. Cùng với đó là việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tăng tỷ lệ đậu quả đã khắc phục tình trạng mất mùa và thực hiện nghiêm nguyên tắc trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.
Hiện nay, sản phẩm ổi Hua Nà đã đạt Occop 3 sao. Mô hình phát huy giá trị đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ gia đình góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp đoàn viên thanh niên xã Hua Nà vươn lên phát triên kinh tế làm giàu. Với những đóng góp chia sẻ cho cộng đồng, năm 2018, Nùng Văn Nên được Tỉnh đoàn Lai Châu tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong triển khai và tham gia Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệm sáng tạo Thanh niên”.
Cây nho hạ đen bén dễ trên đất Hua Nà
Tháng 10/2020, Đoàn công tác gồm lãnh đạo xã Hua Nà, Huyện đoàn Than Uyên đã sang tỉnh Sơn La tìm hiểu, học tập kinh nghiệm 3 mô hình công nghệ cao như: dâu tây, dưa lưới và nho hạ đen. Sau khi đánh giá thổ nhưỡng, khí hậu cũng như thị trường tiêu thụ, nho hạ đen chính thức bén rễ trên đồng đất của Hua Nà với 450 gốc trồng trên chân ruộng 1 vụ lúa.
Là người đồng hành cùng thanh niên trong chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa, đặc biệt sản phẩm nông nghiệp sạch. Anh Đỗ Văn Tuấn – Phó Bí thư Huyện đoàn Than Uyên cho biết: “Khi bắt đầu mô hình, chúng tôi cũng tin tưởng rằng, nho hạ đen sẽ mang lại một giống cây trồng mới có nhiều giá trị kinh tế cũng như có khả năng phát triển đại trà trên địa bàn huyện Than Uyên. Thời gian tới, huyện đoàn tiếp tục phối hợp với UBND xã Hua Nà cũng như đơn vị khác tiếp tục triển khai mô hình nho hạ đen cũng như các mô hình khác để đoàn viên, thanh niên và nhân dân phát triển kinh tế”.
Xã Hua Nà có tổng diện tích cây ăn quả là 22,4ha. Trong đó, 52 hộ tham gia trồng ổi Loan 12,27ha, bưởi da xanh 7,1ha với 48 hộ tham gia, riêng nho hạ đen mới đưa trồng thử nghiệm là 2.500m2. Thời gian qua, để nhân rộng diện tích cây ăn quả, UBND huyện Than Uyên, trực tiếp là Huyện đoàn đã hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc, thực hiện gắn kết giữa nhà sản xuất, nhà khoa học và doanh nghiệp để tạo dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sạch.
Giai đoạn 2017 – 2022, Huyện đoàn Than Uyên đã thành lập được 11 HTX thanh niên với 112 thành viên, góp phần tạo công ăn việc làm cho trên 200 lao động với mức thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu 11 sản phẩm OCOP do thanh niên làm chủ, nhiều sản phẩm đã trở thành đặc sản, có giá trị cả về chất lượng, thương hiệu.
Ông Lò Văn Hưởng – một trong 3 hộ trồng thử nghiệm nho hạ đen trên đất Hua Nà chia sẻ: “Đối với mô hình nho hạ đen, đây là năm đầu tiên chúng tôi được thu hoạch cũng đã nhận thấy đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế rất cao trên cùng đơn vị diện tích. Hướng thời gian tới chúng tôi cũng kết hợp mở rộng diện tích. Ngoài ra cũng triển khai đến bà con triển khai trên diện rộng”.
Sau khi mô hình thành công, cấp ủy, chính quyền xã cũng như tổ chức Đoàn của huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để đoàn viên, thanh niên và Nhân dân mạnh dạn đầu tư, nâng cao thu nhập. Từ đó, tạo hướng đi mới phát triển kinh tế cho người dân và hướng tới đưa nho hạ đen không hạt trở thành đặc sản của địa phương.
Thành công của mô hình HTX Thanh niên Hua Nà là kết quả thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa phù hợp với kinh tế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Những mô hình này đã và đang được xã Hua Nà, Huyện đoàn Than Uyên tuyên truyền nhân rộng trong những năm tiếp theo. Đây là mô hình tiêu biểu giúp thanh niên vùng DTTS phát triển kinh tế, xoá đói nghèo, làm giàu trên quê hương mình và đặc biệt là hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững

HÀ MINH HƯNG

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.