Đến Tây Bắc để thưởng thức hoa ban nở ngọt ngào, dịu dàng trong tiết trời biên giới. Thưởng hoa ban bằng thị giác, thính giác, xúc giác, và cả vị giác với món gỏi nộm hoa ban ngon, lạ tuyệt cú. Trong bập bùng chếnh choáng, điệu khắp cất vang sườn núi, vọng sườn đồi, réo rắt gọi mời trọn vòng xòe ngây ngất… Thì đấy, lên Tây Bắc là rộn ràng nỗi niềm văn hóa Thái. Chẳng phải “Hoa Ban nở thành người con gái Thái” và điệu khắp là niềm tự hào bao lâu nay của người Thái khắp bản mường? Điệu khắp nuôi dưỡng dòng thi ca, dân vũ, âm nhạc Thái, từ đó làm nên tên tuổi các nhạc sĩ, thi nhân, biên đạo múa miền biên viễn…
Không ngoa khi nói văn hóa Thái chiếm dung lượng lớn và nổi danh khắp mảnh đất Tây Bắc nói chung cũng như tỉnh Lai Châu nói riêng. Với số lượng đồ sộ, phong phú từ chữ viết đến các loại nhạc cụ, dân ca, dân vũ, những người con dân tộc Thái miền đất này đã không ngừng tìm hiểu, quảng bá và gìn giữ tinh hoa dân tộc. Đó là những người trăn trở với chữ viết, văn hóa dân tộc Thái và trở thành các thầy, cô giáo không lương. Nơi ấy, còn rất nhiều cụ già không thông thạo tiếng phổ thông đang trăn trở về việc tìm người kế cận để truyền lại cái hay, cái đẹp của kho tàng văn hóa mà bao thế hệ cha ông để lại chỉ qua cách truyền miệng.
Văn hóa dân tộc Thái đậm màu sắc từ những tập tục hay trong đám cưới, đám tang, lễ hội với những làn điệu dân ca, điệu múa xuyến xao hồn người. Chỉ tính riêng trong sinh hoạt văn hóa Then đã được miêu tả giống như một lễ hội tổng hợp những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái. Then hội đủ hát bè, hát đế, nhạc thì có tính tẩu, xóc nhạc kết hợp với múa đã tạo nên bản hòa âm phối khí ấn tượng với bất kỳ một nhạc sỹ đương đại nào. Với 27 điệu hát, 23 điệu múa, những nét tinh hoa trong sinh hoạt văn hóa Then ngày nay đã được khai thác trong các bài múa trên sân khấu. Với tính nghệ thuật cao, hát Then – đàn tính trở thành nét đẹp văn hóa, là ngày hội chung của dân tộc Thái và hội tụ cùng với nền văn hóa nước nhà. Các nghệ nhân có dịp đưa lời hát, điệu nhạc bay xa hơn đến mọi miền đất nước.
Ẩm thực xứ vùng cao khéo léo trong kết hợp gia vị, ở khía cạnh này, không thể không nhắc đến ẩm thực văn hóa Thái với những bản làng nhỏ đã gắn tên du lịch vùng cao như bản Vàng Pheo, xã Mường So (huyện Phong Thổ. Nơi yên bình giữa trập trùng đồi núi với con suối nhỏ róc rách chảy đầu bản. Nơi các mẹ nướng cơm lam trên than đỏ hồng, những chàng trai vạm vỡ quăng chài bắt cá bên suối. Em gái nhỏ nhanh tay giã mắc khén làm “chẩm chéo” và khéo léo mổ, nhồi rau thơm vào bụng cá rồi nướng trên than hồng. Những món đặc sản như: cá bống vùi gio, thịt trâu sấy, cá nướng, xôi nếp, canh rêu đá, nậm pịa… cũng lưu danh trong sổ tay của khách du lịch ưa thăm thú, thưởng thức. Hay chỉ đơn giản như búp măng ngọt, măng đắng vào mùa mưa với đủ món luộc, om, xào, nướng thơm lừng mỗi gian bếp…
Trong tâm thức tôi, dân tộc Thái lạc quan hơn bao giờ hết bởi ngay khi lam lũ đồng áng họ vẫn ngân nga tiếng hát đối, trong những lễ hội bản mường là rộn rã tiếng nói cười. Là uống rượu mời khách thì nhiệt tình hết mình và sẵn lòng mang đệm bông gạo, gối thổ cẩm mời khách ở lại với gia đình. Là khi đêm xuống, bập bùng lửa trại cất lên cũng là lúc tay nắm tay gắn kết điệu xòe như trong lời hát: “Điệu xòe, điệu xòe có tự bao giờ, mà vẫn mê say như thuở nào. Điệu xòe, điệu xòe như thuở ban đầu, chân đi nhịp nhàng mà sao bối rối” – (Điệu xòe thương nhau, nhạc sỹ Vương Khon).
Tầng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đồ sộ của dân tộc Thái, không thể không nhắc đến vòng xòe đoàn kết. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nghệ thuật xòe Thái được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được Chính phủ đồng ý cho xây dựng hồ sơ quốc gia trình UNESCO để xét duyệt vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vòng xòe trong những lễ hội như sợi dây nối khiến mỗi người xích gần nhau hơn. Vòng xòe với bàn tay xiết chặt bàn tay, nhịp chân đi rộn ràng, lời hát ngân da diết…
Trong câu chuyện với những người nông dân mộc mạc bên dòng Mường So (huyện Phong Thổ) – nơi có bề dày văn hóa trầm tích theo thời gian, chúng tôi được nhắc nhớ lại rằng điệu xòe thuộc về nhân dân. Từ xa xưa lắm, sau những buổi lao động vất vả trên nương, rẫy, bà con lại tụ tập bên khoảng sân rộng, dưới góc nhà sàn và điệu xòe trở thành “món ăn tinh thần” ngẫu hứng mà trở nên rất quan trọng. Điệu xòe đơn giản để ai cũng có thể hòa vào nhưng lại đem đến ý nghĩa cực to lớn, khẳng định tính cố kết cộng đồng. Vòng xòe làm mỗi người trong làng bản thêm thân thương, gắn bó. Đây có lẽ là cách hòa giải tuyệt vời nhất và khiến mỗi người thêm yêu quê hương, làng xóm mình.
Hội xòe thường được tổ chức trong những dịp lễ hội: Nàng Han, Then Pin Pang, Kin Khẩu Lẩu Mẩu hay trong dịp tết. Tiếng nhạc thu hút mọi người cùng nhảy múa khiến vòng xòe chẳng phân biệt lứa tuổi, trẻ già, trai gái, chủ – khách. Khi bóng trăng lên cao, tiếng hát “Inh lả ơi” vẳng vọng vách núi, người đi xòe cũng thấy hồn lâng lâng trong tiếng nhạc rộn rã. Trong đêm xòe rộn tiếng nhạc, tiếng trống, dưới ánh lửa, những khuôn miệng cười vui vẻ, hàng cúc bướm trên chiếc váy áo cóm thêm lung linh những đôi mắt sáng ngời nhìn nhau càng thêm ấm áp… Vòng xòe vui hơn khi về đêm, dưới ánh trăng thanh, ngọn lửa bập bùng tỏa lan hơi ấm, các bàn tay như xiết chặt hơn, điệu hát ngân xa hơn theo nhịp chân bước. Trong đêm xòe ấy, bao đôi trai gái bản xa bản gần đã quen biết và bén duyên chồng vợ. Để khi về già, họ ngồi ôn lại những hoài niệm thuở đôi mươi với vòng xòe, ánh mắt, bàn tay ngượng ngập trao nhau buổi ban đầu gặp gỡ… Thời gian trôi qua, nhịp trống hội xòe vẫn rộn rã, thu hút mọi người khắp bản đến với vòng xòe như tìm về nét văn hóa giàu bản sắc, đậm đà tính dân tộc, thể hiện tình yêu lứa đôi, lao động sản xuất và những ước mơ của con người…
Lai Châu được du khách trong và ngoài nước biết đến như một tỉnh địa đầu biên giới với mênh mang biển mây lẩn khuất sau trập trùng núi đồi. Nơi tình người chân thật, mộc mạc, yêu đời, quý người. Nơi nhịp trống hội xòe ngân dài, khiến bước chân người bản trên, người mường dưới chộn rộn, thu xếp công việc để đến với vòng xòe như tìm về nét văn hóa giàu bản sắc, đậm đà tính dân tộc. Vòng xòe của tình yêu lứa đôi, lao động sản xuất và những ước mơ của con người.
Trong phiên chợ tình vùng cao, giữa miên man thổ cẩm, tôi lại say trong sắc trắng của áo, hàng cúc bướm lấp lóa, váy đen che đôi chân thon nhỏ miên man và má hồng rực e ấp giấu sau chiếc khăn piêu sặc sỡ… Lục lạc ngựa khua ngân không nỡ rời chân bước trước vẻ đẹp hư ảo của con gái mường Trời.
Hải Yến