Mẹ, em và mùng 8/3

Mùng 8/3, tôi đến nhà anh bạn cùng lớp, thấy hai bố con đang rửa bát, quét nhà, nấu cơm chờ bác gái về. Mọi người đều háo hức mong chờ đến phút giây tặng quà cho người phụ nữ trong nhà, san sẻ tình cảm thân thương này. Chia tay cảnh sinh hoạt gia đình đầm ấm ấy, tôi ra đường. Phố phường hôm nay đông đúc và ồn ào: những hàng hoa, hàng quà chật ắp người. Cánh đành ông, con trai dường như đều tìm cách thể hiện tình thương với ngày đặc biệt của “một nửa thế giới”. Tôi mua một bó viôlét rồi đem đến nhà người yêu. Mở cửa cho tôi, nhìn bó hoa, cô ấy hỏi: “Anh tặng gì cho mẹ rồi? Đã gọi điện chúc mừng mẹ anh chưa?” Tôi ngớ người…

Tôi chưa nói với em, quê tôi, xứ ấy sương mù trắng xóa. Sương giăng giăng phủ che những vách đá tai mèo, sương lạnh rợn từng hạt đất, từng lá cỏ. Xứ ấy, những người đàn bà dân tộc Mông như mẹ tôi bấm mười đầu ngón chân xuống đá sỏi, gieo cho cây ngô lớn, gieo cho hạt lúa nảy mầm xanh. Quanh năm người phụ nữ quê tôi tần tảo, lam lũ, thương chồng, nuôi con, chẳng nghĩ đến thân mình, chẳng quản gì mưa nắng. Sau này, từ những hạt thóc gạo quê hương ấy, tôi lớn lên, đi xa, mới biết sở dĩ ngày mùng 8/3 được nhân loại biết đến bởi người ta đã có sự bình quyền nam – nữ. Quê tôi, hoa không trồng theo hàng, theo lối, hoa chỉ dung dị mọc trên đá như hoa ban, hoa cải. Nhớ đến mẹ, bỗng chạnh lòng, ngậm ngùi, tôi muốn chạy bổ về, ra ngoài rẫy, hái một mớ rau dền, nấu nồi cơm gạo đỏ, chờ mẹ đi nương về ăn. Hoặc hái một bông hoa chuối đỏ tươi tặng mẹ – vẻ đẹp, niềm vui nơi núi rừng chỉ có vậy, dung dị mà chất phác biết bao.

Tôi chưa nói với mẹ, là tôi – người con mà mẹ đặt cả niềm tin và hy vọng, đã yêu thương mẹ nhiều lắm! Từ ngày bắt đầu biết nhận thức, đi học, tôi giấu diếm tình yêu thương đó đi, không thốt nổi thành lời. Tôi từng giấu bạn bè về xuất thân, về nguồn gốc. Bao lần mẹ tủi hờn, bao lần mẹ ngồi thái chuối nấu cám cho lợn mà lặng lẽ khóc vì sự vô tình của tôi, vì những ngày cha bê tha uống rượu. Tôi cũng nào hay biết. Mà cũng có thể, người phụ nữ dân tộc vùng cao mạnh mẽ như cỏ, ngã rạp, đau nhói, nhưng vẫn vươn thẳng trên đá. Hình ảnh cuối tuần mẹ thồ ngựa mang rau ra chợ bán, lúc về ngựa thồ cha say rượu men theo đường về bản là hình ảnh vốn rất quen thuộc với tôi, vậy mà khi nghe bài hát có hình ảnh đó, tôi vẫn vờ như ngạc nhiên. Hôm nay, trong ngày mỗi người đều nhớ đến hình ảnh người phụ nữ của đời mình, tôi nhớ về hình ảnh đôi tay mẹ. Đôi tay xoa đầu tôi, bú mớm. Đôi tay chốc chốc ngừng cuốc nương để chạy ra xoa xoa hai má bầu bĩnh của đứa con thơ ngủ bên góc ruộng. Đôi tay gạt nước mắt để tôi đi xa. Đôi tay chắn cho tôi khỏi ngã. Đôi tay ấy giờ chai sần lắm, in rõ những mệt mỏi tháng ngày, những cực nhọc hôm sớm…

Tôi lần đầu kể với em về mẹ, lần đầu biết, hơn hai mươi tuổi, trong trái tim tôi có hai người phụ nữ để hướng về trong ngày 8/3: là mẹ và em. Em nhìn tôi, ánh mắt hồn hậu, bàn tay nắm chặt tay tôi: “Tuy đã muộn rồi, nhưng tối nay em và anh đi xe đêm về quê anh nhé! Em muốn cùng về thăm mẹ, thăm vùng đất sinh ra anh…”. Tôi nhìn em, cười ấm áp, dù ngoài trời, rét nàng Bân mang theo khí lạnh tràn về.

VŨ NGUYÊN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.