Mây độc

Một sáng nơi miền biên ải bỗng nghe tiếng hát quen thuộc của đám thanh niên ở bản trong vùng… Bài hát mà thế hệ ông, cha họ đã từng hát trong những ngày giải phóng, tiễu phỉ, trừ gian. Bài hát dài, nội dung ca ngợi công ơn cách mạng đã giải phóng quê hương, hồi sinh lại vùng đất một thời dưới bàn tay tàn bạo của đế quốc, phong kiến tay sai phản động và thổ phỉ trong vùng.

Sau ngày giải phóng, núi rừng sáng tươi kỳ lạ, những đám mây dần tan. Ngọn gió lành trong thung lũng thổi qua rừng già, vách đá, hang sâu như xóa đi từng dấu vết thời gian. Núi rừng xứ sở đồng bào các dân tộc, con Noọc Pạy bay qua đã cất lên tiếng hót thanh bình. Lối đi trong bản lại hằn dấu chân người dân, màu xanh của ruộng lúa, nương ngô mang lại mùa no ấm. Bản Mông vang lên tiếng khèn, tiếng sáo, bản Giáy hoan ca kèn pí kẻo đêm về, bản Thái thì thầm đàn tính hòa trong tiếng guồng quay kéo sợi  vải vi vu.

Nghe tiếng hát của đám thanh niên, chị Bức bước ra cửa nhìn, rồi  hát theo khe khẽ, giọng hát của chị êm êm. Bỗng chị xúc động, miệng méo xệch, giọng nghẹn ngào, chị nhớ lại một thời hoạt động sôi nổi. A Lùng – chồng  chị – là công an viên, A Lềnh, Sùng Chu, Mấy Há, Mấy Pén, công an xã ở bản San Thàng. Anh Lực, cán bộ công an Châu đã dìu dắt anh chị em trưởng thành vừa là người phụ trách vừa là chỗ dựa tinh thần của tổ. Sau giải phóng, chị Mấy Há, Mấy Pén đi học trường Văn hóa khu, chị Bức có con nhỏ nên ở lại nhà. Chợt có tiếng gọi “mẹ ơi!”. Thì ra hai con của Bức đi chơi về, con chị là Mấy Chi đang dắt tay em trai là thằng San tung tăng trước sân. Hai đứa trẻ dễ thương, hồn nhiên xúng xính với bộ quần áo còn mới. Bức nhìn hai con, như có cơn giông nổi lên trong lòng chị. Bức đứng lặng choáng váng. Niềm hạnh phúc, nhục nhã xen cả với đớn đau xoắn lòng chị. Bức nghĩ: “Có bao giờ kẻ thù trở thành bạn hữu anh em, máu mủ ruột rà lại mang thù hận, chúng nó là chị em mà! Con người với bao điều tốt đẹp, lòng nhân ái, vị tha có xóa nổi vết nhơ hãi hùng trong tâm khảm. Chúng nó vô tội mà”.

San Thàng là vùng đất đẹp của châu Phong Thổ, có dòng suối lớn chảy qua. Bản San Thàng, Sin Chải, Thèn Pả, Hồ Thầu dọc theo dãy Pu Ta Leng là cửa ngõ vào vùng đất. Các dân tộc: Giáy, Dao, Mông… đông đúc. Nơi này giao thương rộng, quan hệ làm ăn, gia tộc rải các địa bàn, nhiều  đường ngang lối tắt qua núi hiểm trở sang Bát Xát, Mường Khương tỉnh Lào Cai, tận bên kia biên giới. Chợ phiên San Thàng, cửa hàng mậu dịch, tổng kho lương thực, trường Văn hóa tập trung của châu… làm nơi đây thêm sầm uất, lắm kẻ thù nhòm ngó. Thời chống Pháp từng có đội quân du kích của Việt Minh, Pháp nhảy dù Điện Biên củng cố ngụy quyền, cấu kết với bọn phỉ hòng phá hoại thành quả cách mạng. Đất này từng có trùm phỉ khét tiếng. Nơi đây cũng là quê hương của cán bộ dân quân tiễu phỉ trừ gian người bản địa. A Lùng – chàng trai bản Sin Chải cần cù làm ruộng nương, hăng hái tham gia hoạt động kháng chiến. Ở bản Tả Chải, Tẩn Mìn là bạn cắt cỏ chăn ngựa thời nhỏ với A Lùng. Nhà Mìn khá giả, bố Mìn đi buôn, hay chứa chấp giang hồ về ăn chơi cờ bạc, Mìn ỷ thế cũng ăn chơi trác táng mang nhiều tai tiếng. Mìn thích Bức nhưng Bức không thích Mìn, Bức thích A Lùng. Về sau Bức lấy A Lùng thì Mìn thù ghét hai vợ chồng ra mặt. Biết chuyện, anh Lực nói:

– A Lùng không nên giáp mặt với Tẩn Mìn, thằng này theo phỉ rồi, có tin vào ngày phiên chợ Mường Lự, khi hai cán bộ y tế của châu dắt ngựa thồ thuốc về Nà Tăm chống dịch, chưa vào đến xã đã bị ba người chặn lại. Anh y tá mặc áo Thái nói: “Chúng tôi đi chống dịch ở Nà Tăm, để chúng tôi đi cho kịp”. Người đi cùng chợt hiểu ra nói “phỉ” rồi anh quất mạnh vào mông con ngựa, bất ngờ con ngựa phóng nhanh về phía trước, chúng lao theo ngựa, hai anh y tế lui lại phía sau. Ba thằng đuổi theo con ngựa chạy khắp đồi cỏ, không bắt được, hai thằng nữa chạy ra có súng, chúng bắn ngựa ngã, khênh thồ thuốc đi, mổ thịt ngựa tại chỗ. Có người dân đi tìm trâu nhận ra mặt thằng Tẩn Mìn nổ súng bắn ngựa. Bọn chúng mang thồ thuốc vào hang núi trình báo thằng quản hang phỉ A Thào, A Thào sai mở thồ thuốc không thấy đồ ăn được quát tháo om sòm: “Thứ này không ăn được mà, chúng mày lấy làm gì, gây ra chuyện lộ hết. Thằng Mìn đã cho dọn sạch dấu vết ngoài hang chưa? Ông trùm biết sẽ phạt chết cả”. Có thịt ngựa, buổi tối bọn chúng uống rượu rồi đánh chắn sát phạt nhau. Để dảm bảo an toàn cuộc vui, A Thào cho canh gác cẩn thận ngoài cửa hang. Thằng nào cũng ngấm hơi men, nói năng lè nhè thô lỗ, lòng dạ thế nào nói tuột ra hết. Thằng  mới vào thì thăm dò thế sự, thằng cũ thì khoe khoang tài cán. Tẩn Mìn nịnh bợ: “Tôi vào đây là theo các ông rồi. Tôi nghe ông Lù Tả. Chính phủ không thích ông Lù Tả. Ông Lù Tả thích tôi!”.

Thằng Mìn kéo A Thào vào góc hang hỏi:

– Ông  có nhớ mặt thằng A Lùng chứ? Thằng lấy cô Mấy Bức ấy?

– Vẫn nhớ mà. Nhớ cả hai mà.

– Có lần tôi nói với ông tôi thích Mấy Bức, nhưng nó không thích tôi, nó lấy thằng Lùng rồi. Thằng Lùng làm cán bộ Châu rồi. Nó về bản vận động dân, dân bản nghe theo nó ghét chúng ta gọi ta là thổ phỉ xấu lắm mà!

Rồi Tẩn Mìn ghé miệng vào tai Thào nói thầm. Thào kinh ngạc nhìn Mìn.

– Sao làm thế được! Là ta chết trước đấy!

Mìn đưa cho Thào con dao găm sắc nhọn trong bao gỗ gạo nói:

– Con dao này theo tôi đi buôn thuốc phiện, có người chết vì nó đấy!

A Thào do dự không cầm dao,nhìn Mìn dò xét, Mìn lại bảo:

– Người khác dùng, chứ tôi chưa dùng con dao này bao giờ, việc gì phải sợ. Con dao không biết nói mà!

– Sợ chứ, người dùng dao nói đấy!

Tẩn Mìn sống hai mặt, chỉ thấy mặt giả, mặt thật nó giấu nên người ta dễ tưởng nhầm về nó. Vùng đất qua hàng trăm năm biến động, quan hệ họ hàng, sắc tộc, giao thương. Bên kia biên giới có biến thì chạy sang bên này, thành phần bất mãn, bất hảo, gian tặc, cướp bóc trà trộn, từ giặc cờ vàng, quốc dân Đảng, bọn phong kiến phản động địa phương câu kết với nhau chống phá cách mạng làm phức tạp thêm tình hình trật tự an ninh của một vùng. Ai vì dân được dân tin, dân theo, dân bảo vệ. Cũng có người dân bị kẻ xấu mua chuộc, nhẹ dạ cả tin, không phân biệt được chính tà, là cơ hội cho phỉ mua chuộc làm phản, xuyên tạc chính sách của chính phủ, kích động lôi kéo. Ở nhiều nơi trong Châu như: San Thàng, Mường Lự, Dào San, Hồ Thầu… chúng hô hào dân nổi dậy phá phách. A Lùng bám dân, giữ dân tuyên truyền giải thích. Công an, cán bộ chính trị, cán bộ đoàn thể quần chúng cùng anh không rời bản. Anh hiểu rời bản lúc này là tạo cơ hội cho chúng hoạt động chống phá. Chính quyền nhân dân được thành lập vài năm sau ngày giải phóng, công tác an ninh, quản lý địa bàn còn thiếu kinh nghiệm. Điểm nóng Hồ Thầu còn trì trệ nhiều mặt và có những thông tin cần  phải quan tâm.

Trong hang phỉ nhốn nháo, trùm phỉ đến gặp A Thào và Tẩn Mìn giao việc. A Thào bảo Tẩn Mìn:

– Thằng A Lùng nó phá ta, tuyên truyền dân không theo ta. Sau chợ phiên ta lùa dân đi cướp cửa hàng mậu dịch, không có dân thì hỏng hết mưu kế của ta rồi.

Tẩn Mìn nói:

– Không cần dân thì sao, ta đi đánh cướp nhanh rồi về thôi!

A Thào trợn mắt:

– Mày định làm như thế nào đấy?

Một hôm A Lùng đi cơ sở công tác như mọi lần. Lúc đi qua cây đa đôi thì gặp Dua – một thanh niên cùng bản. Lùng hỏi:

– Dua đi đâu đấy?

– Em chờ anh thôi mà!

– May quá gặp được anh, em báo tin này, có một toán người về bản Mà Phô gọi dân ra tập trung ngoài suối cạn. Chúng xua từng nhà anh ạ, em ra đây tìm cán bộ.

Lùng nghĩ: “Ai mà táo tợn thế?”. Lùng bảo Dua:

– Để anh vào bản xem sao, em đi luôn xuống San Thàng báo tin giúp anh nhé.

Dua đi rồi, Lùng một mình vào bản cũng cảm thấy mạo hiểm. Trước mắt anh là cảnh tượng nhốn nháo. Lùng chợt hiểu bọn chúng là phỉ. Chắc bọn chúng bắt ép người đi làm bia đỡ đạn. Bọn chúng đông nên đã quây được một số người. Lùng lên tiếng:

– Các ông làm gì đấy, không được ép người!

Bọn chúng sững lại chỉ giây lát rồi hùa nhau lấn tới, hai tay cầm ngang  khẩu súng đẩy người… Lùng giơ cao hai tay trước mặt bà con:

– Bọn này chống chính phủ, phá hoại cuộc sống bình yên của bà con. Bà con ta về nhà thôi.

Bỗng hai phát súng nổ vang… Lùng lảo đảo, vươn mình nói to lên:

– Bà con dân bản không nên nghe theo bọn phỉ..

Không nói, nhưng ai cũng đoán ra thủ phạm giết Lùng. Một nỗi đau đớn xé lòng cha mẹ, vợ con và cả đồng đội anh. Mấy Bức ôm con khóc ngất bên quan tài. Lễ tiễn đưa A Lùng về nơi an nghỉ cuối cùng có nhiều  cán bộ Châu, châu đội, công an, phụ nữ… Ông Ngân nói trong đám tang:

– Đồng chí A Lùng hy sinh là sự mất mát lớn đối với chúng ta, nhưng việc này càng lộ rõ bọn phỉ rất ác độc và liều lĩnh.

Đau đớn mất chồng làm cho tinh thần Mấy Bức suy sụp nhưng bằng nghị lục và thương con, Bức đã tự gượng dậy, công tác tốt hơn.

Một buổi chiều, Bức nói với mẹ chồng là chị đi thăm mộ A Lùng.

– Bà trông cháu cho con.

Mấy Chi còn dại cứ bám riết mẹ, Bức bảo con:

– Bà nội có quà gì cho con kìa? Cứ quấy thế này mẹ không về đâu đấy!

Mộ A Lùng trên gò đất cao gần đường, mỗi khi người thân, đồng đội đi qua vẫn rẽ vào thăm anh. Một lần thăm mộ anh, ông Bí thư Châu ủy nói: “Đồng chí Lùng đã trở thành ngôi sao sáng của núi rừng quê hương!”.

Mấy Bức hái một bó hoa rừng tươi thắm đặt lên mộ chồng thủ thỉ :

– Anh Lùng ơi, anh ra đi lòng có trăn trở vì nhiệm vụ dở dang? Suốt đời em nguyện thay anh sống làm việc cho tương lai của quê hương và con chúng ta.

Bức khóc nấc.

Trời chiều đã nhạt, ánh tà dương khuất dần, nỗi buồn nặng trĩu trùm xuống tâm hồn Bức. Cô bước thờ thẫn xuống dốc. Tự dưng Bức cảm thấy trong người gai gai sờ sợ. Ngoài đường có người dắt ngựa đi. Tim Bức bỗng đập loạn nhịp, Bức lo lắng giữa núi rừng hoang vắng, xa bản, Bức nhìn quanh không có thêm ai. Người dắt ngựa đến gần Bức rồi hỏi:

– Đi đâu về mà tối vậy?

Lại có thêm một người nữa tự trên nương gần đấy đi xuống. Bức nhận ra người đàn ông tóc rậm định chắn lối Bức.

– Các ông làm gì, tránh ra cho tôi đi

– Gần tối rồi lên ngựa đi cho nó nhanh.

Nói xong chúng xấn lại người xốc nách, kẻ cầm chân  hất Bức lên lưng ngựa. Bức vùng mạnh xuống đạp một thằng ngã dúi rồi nhào qua vệ cỏ ven đường định chạy. Hai thằng lao theo kéo tóc Bức lại. Bức vùng lên, nó càng xiết chặt như bong cả mảng da đầu. Bức quay đầu đấm vào mặt một thằng. Nó không dám đánh Bức, cũng không dám ôm… Giằng co mãi, chúng vật Bức ngã, trói chặt chân tay Bức đặt cô lên lưng con ngựa, Bức lại vật xuống đường. Một tên nổi cáu tát vào mặt Bức một tát nảy lửa, tối tăm mặt mày. Hai tên nói gì với nhau rồi chúng buộc chặt chân tay Bức hơn đến độ không cựa quậy được. Bức đã mệt nhoài,chúng đặt cô ngang lưng ngựa, đánh ngựa đi… Chân tay Bức mỏi rời, lưng đau như dần.

Trời đầy sao, sương núi đêm rừng lạnh buốt, Bức bỗng tỉnh táo, cô thét:

– Chúng mày bắt tao đi đâu, thả tao về với con.

Bức khóc.

– Đưa mày về với Tẩn Mìn nhá!

Bức kinh hãi, tủi hờn và thất vọng, nhìn thấy cái chết lơ lửng trước mặt. Bức giãy mạnh, chúng càng quất ngựa chạy nhanh.

– Thả tôi ra, ai cứu tôi v…ớ…i…

Hai thằng cười hô hố, một thằng nói:

– Ai cứu được, để ông Tẩn Mìn cứu mày thôi!

Chúng quất con ngựa nhảy chồm lên:

Đi nhanh về cho chúng tao lĩnh thưởng.

Bức kêu cứu, nhưng chỉ nghe đáp lại bằng tiếng gió rừng xào xạc…

– A… đau quá, cởi dây trói cho tôi!

–  Im đi, con hoẵng này mày kêu to thế, lộ hết!

Chúng vơ vội nắm lá ven đường nhét vào miệng Bức. Đau đớn, mệt mỏi khiến Bức ngất lịm đi. Khi bừng tỉnh lại trời đã mờ mờ sáng, Bức đau khắp cả thân mình, cô rên nhè nhẹ, muốn trở mình nhưng không nhấc nổi người lên. Tiếng cót két của cây vầu đập giập lót sàn dưới lưng làm cô bừng tỉnh. Bức gọi:

– Mẹ à! Mấy Chi ơi!

Không gian vẫn yên lặng. Bức bỗng sực tỉnh, cô định ngồi dậy nhưng không nhấc nổi cái lưng đau điếng. Nhận ra mình đang nằm trong hang núi, Bức chợt hiểu. Một người đi lại gần Bức nói:

– Nó tỉnh rồi, được lĩnh thưởng rồi, mày chết thì chúng tao cũng chết mà.

Nó cười sằng sặc. Bức khóc như đứa trẻ, hiểu mình đã bị đã rơi vào tay thằng Tẩn Mìn. Bức nghĩ, cuộc chiến đấu này với Bức là cuối cùng, chắc Bức sẽ phải chết… “Mẹ có biết con bị nạn không? Mấy Chi con ơi, mẹ có làm sao ai nuôi dạy con? Con phải khôn lớn, phải thành người tốt, đi theo con đường của bố con. Con ơi mẹ làm sao bây giờ?”.

Đã qua mấy ngày, Bức chỉ khóc, không chịu ăn uống. Tẩn Mìn muốn lấy lòng Bức liền đến gần hỏi thăm bị Bức chửi rủa, sức kiệt nói không thành lời, Bức nghĩ đến cái chết. Bỗng Bức nhớ đồng đội vô cùng, nhớ lại lời anh Lực bảo ban:“…làm công an các em phải mạnh mẽ lên!”. Bức tự nhủ: “Tôi không thể chết. Tôi chết ai nuôi dạy con tôi? Ai trả thù cho chồng tôi? Tôi không muốn xa rời đồng đội mà”. Bức như bừng tỉnh cơn mê, mệt  nhọc bưng bát nước nhấp môi. Bọn phỉ mừng ra mặt. Bức không chết, nhưng không chịu nói gì làm Tẩn Mìn tức tím mặt. Tẩn Mìn sai bọn phỉ chuốc thuốc mê làm Bức ngủ mê mệt rồi lật ngửa Bức ra, kéo giang hai chân, hai tay cô buộc chặt vào bốn góc sàn. Bức bắt đầu cuộc sống lưu đày trong hang phỉ, cô có chửa với Tẩn Mìn và sinh một thằng con trai. Trong tâm trí Bức nghĩ nó là tội đồ, ghét thằng bé mới sinh đỏ hỏn, khóc thét huơ chân huơ tay bởi nó không phải là kết tinh của tình yêu mà là hậu quả của bạo lực và tội ác. Bức muốn bỏ mặc nó… Gió lùa vào hang lạnh buốt, Bức nhìn thằng bé, bản năng làm mẹ trỗi dậy. Cô rơm rớm nước mắt. “Con làm gì có tội tình gì? Con cũng là giọt máu của mẹ” – Bức khóc.

Bức mất tích đã lâu vẫn chưa tìm ra manh mối, cuộc sống trên dải đất này chưa thực sự bình yên khi vẫn còn bóng dáng thổ phỉ. Rồi bọn chúng sẽ bị tiêu diệt, nhưng gia đình và đồng đội của cô Bức vẫn canh cánh trong lòng về số phận của Bức, về việc giải thoát cho cô.

Một hôm, anh Lực cán bộ an ninh đi công tác lên xã Hồ Thầu. Con đường mòn quanh co vượt dốc, qua xã Tả Lèng đám ruộng bậc thang xanh tốt, lúa đang thì con gái mơn mởn, Lực bỗng nhớ quê nhà Phú Thọ đến thắt lòng, sao giống ruộng nhà Lực thế, nước đầy, lắm rêu, nhưng ruộng vùng cao không có con cà cuống như dưới quê nhà. Lực nghĩ bao giờ mới lại được nếm hương vị cà cuống. Mới ngày nào đi bộ đội chuyển ngành công an tạm biệt quê hương lên Tây Bắc được khu phân công vào châu Phong thổ, thế mà đã qua bốn năm rồi… Đang nghĩ ngợi, trước mặt Lực đã là đồn giặc Pháp Giang Ma bị ta san phẳng, chỉ còn đống đổ nát. Bỗng thấy người đi ngược chiều trước mặt từ phía bản Hồ Thầu đến, Lực nhận ra ông Lý Lở -người dân bản Tả Chải làm nghề thầy cúng.

– Chào cán bộ Lực. Cán bộ lên bản Hồ Thầu à?

– Ông làm lý cho người ta sao hôm nay về sớm thế?

– Tôi có hẹn bản dưới mà!

Hai người qua mặt nhau dăm bước, ông Lý Lở dừng lại gọi:

– Cán bộ  Lực…

Lực quay người lại nhìn :

– Tôi đây, gì đấy ông? – ông Lý Lở  vẻ ái ngại.

– Cán bộ à, có gió rét, cán bộ  giữ sức khỏe  nhá, cẩn thận đấy..

Lực thoáng chút băn khoăn nghĩ thầm, ông này vui tính, thường cũng nhanh nhẩu và cẩn trọng, sao hôm nay lại dặn cẩn thận, tình hình này cũng phải cẩn thận cảnh giác thật!

Lực lên bản hôm nay cảm thấy bất ngờ khi nghe trong bản ồn ào. Thấy mấy người mang súng đi ra, anh hỏi:

– Mọi người mang súng đi đâu vậy?

Xã đội trưởng Lý A Phù từ trụ sở Ủy ban xã đi ra như muốn chặn chân  Lực. Mặt Phù lúng túng lạnh  lùng:

– Cán bộ  Lực… Anh vừa lên à?

– Súng này mang đi đâu thế?

Lực hỏi vì biết có súng châu đội để tại đây, chuyện này chẳng lành.

Phù nói:

– Súng mang đi phát cho anh em dân quân đấy!

–  Lệnh của ai thế, bao nhiêu khẩu vậy Phù?

– Tự khắc phát mà!

Lực đi tìm chủ tịch xã, cả đến nhà cũng không thấy. Có người mang súng đi cùng, Lực biết mình đang ở trong tình cảnh nguy hiểm. Phù có cơm gà rượu mời Lực, Lực ăn cơm nhưng không uống say…

Đêm xuống, căn nhà rộng trống trải, bên đống lửa, Phù không nói chuyện với Lực, việc gì cũng bảo hỏi chủ tịch. Hai dân quân và Phù nói chuyện  tiếng Dao, Lực nghe câu được, câu chăng, hiểu ý sẽ giết, sẽ cướp. Tuy không hiểu hết được nhưng Lực giật mình bừng tỉnh. “Giờ mình phải thoát ngay về báo cáo tình hình với cấp trên để có phương án ngăn chặn”. Khoảng ba giờ sáng, anh vờ vẫn mặc quần đùi may ô đi về sinh, chúng dõi theo nhưng không nghi ngờ, còn Lực thì theo dõi bọn chúng. Hai “dân quân” đang bị cơn buồn ngủ hành hạ. Chúng bảo nhau rít thuốc lào cho đỡ buồn ngủ nhưng bị say thuốc đang chống điếu gật gù. Không do dự, nhanh như sóc Lực nhảy một cú vượt qua bức tường xếp đá cao, luồn sang rừng vầu  theo hẻm núi có lạch nước nông chảy về Sin Chải mà chạy. Do một lần đi săn lợn cỏ với Lùng mà Lực biết đường này. Trời phù hộ anh, mây mù bao phủ các ngả. Lực thoát ra khoảng chỉ vừa cháy hết que đóm, chúng đã biết, đánh động, xả súng bắn loạn xạ xuống đường… Lực trải qua gian nan, vất vả vừa đói và mệt, về đến  nhà, Lực nhận được tin báo: Buổi sáng bọn phỉ tấn công đánh cướp cửa hàng mậu dịch bách hóa San Thàng. Lực nghĩ: “Linh cảm của mình không sai. Bọn chúng nhanh và thật táo tợn”.

Trong những năm sau đó, cán bộ ta đã tuyên truyền, vận động, cảm hóa, làm tan rã, bắt cải tạo hàng trăm tên phỉ, tiêu diệt những tên đầu sỏ, cố thủ ngoan cố. Lần này bộ đội địa phương, công an, dân quân tự vệ đánh đuổi chúng đến tận sào huyệt cuối cùng. Mỗi lần bọn phỉ ra khỏi hang, chúng trói chân tay Mấy Bức vì chúng sợ cô tẩu thoát. Bức đã cảm hóa được một số người, trong số ấy có người ở lại gác hang, một lần họ cởi trói, giúp cô mang con trốn ra ngoài… Chị Mấy Há, Mấy Pén mừng, tủi đón hai mẹ con. Bức ngượng ngùng khó nói với các đồng đội cũ. Chị Mấy Há biết ý bảo:

– Bức đừng nghĩ ngợi gì đấy nhé! Bức không có lỗi mà.

Các anh chỉ huy gặp Bức, nghe cô kể về tình trạng bọn phỉ ở trong hang. Cả việc Bức đã làm trước khi rời hang là cất giấu những hòm đạn còn lại của chúng, tạo cơ hội cho ta đánh hang thuận lợi… Cuộc đấu tranh tiễu phỉ trừ gian giành thắng lợi. Sào huyệt phỉ ở San Thàng, Hồ Thầu bị xóa sổ, thể hiện rõ tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí của công an bộ đội địa phương. Thổ phỉ – đám mây độc đã tan biến, trả lại sự bình yên cho núi rừng.

HUỲNH NGUYÊN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.