Màu hoa năm ấy

Sớm nay gió lạnh đã về, những căn nhà ven đường đã khép cửa, ánh điện hắt ra dưới sương mờ càng thêm hiu quạnh. Hình như, mỗi khi se lạnh, đất trời rỗng hơn, khoảng trống vắng ấy như một cõi xa xăm vô cùng của hoài niệm. Đám trẻ đầu ngõ ban nãy còn nhốn nháo vây quanh đốm lửa của bác thợ mộc già đốt ít gỗ vụn, giờ lửa tàn, mỗi đứa đã tản về một nhà, chỉ có nghe loáng thoáng chúng kháo nhau: “Ở trường có một cây bằng lăng to bị gió quật đổ, cây ấy mà đốt lửa thì chắc cháy được lâu lắm”. Một đứa tỏ ra thông thạo: “Cây bằng lăng đem nhóm lửa không tốt đâu, chắc chỉ toàn khói thôi”. “Sao mày biết?” – có đứa vặn lại. “Thì… cây nào có hoa đẹp chắc gỗ sẽ không tốt, chỉ được một cái thôi…”.
Những lời nói vu vơ của đám trẻ như vọng vào lòng tôi. Phải rồi, đã cuối thu, những hàng bằng lăng trên sân trường đang khẳng khiu trong gió lạnh. Mùa xuân lá bằng lăng đỏ sắc, mùa hạ hoa nở tím như mực học trò, nhưng chỉ tiếc thân cảnh không chắc khỏe nên khó mà qua được mùa thu với những trận bão lớn này. Còn với riêng tôi, sắc hoa ấy là biết bao kỉ niệm buồn vui tuổi học trò…
Chính tôi cũng chẳng thể tin nổi, mình sẽ trở thành một giáo viên, lại còn là giáo viên giỏi ở huyện. Nơi tôi sống là một thị trấn nhỏ khá xa thành phố, nhưng được cái dễ đi lại, cuộc sống khá bình yên. Nhưng mười năm trước, khi ấy tôi đang là một cô học trò miền núi chân tay lúc nào cũng lấm lem bùn đất.
Tôi sinh ra trong một gia đình có mẹ là giáo viên tiểu học, bố tôi làm vườn. Bởi thế mà từ nhỏ, hai chị em tôi đã lấm lem với đất đồi khi bố mẹ tôi phát cỏ trồng xoan, keo, rồi sau này là cam, chanh… Lên năm tuổi, chẳng biết bằng cách nào, bố mẹ đã khai đủ tuổi để tôi vào ngồi lớp một với cái đám “anh, chị” mà thực ra cũng chỉ đáng “mày, tao”với tôi. Suốt những năm đi học, tôi luôn ám ảnh bởi cái cảm giác mình kém tuổi. Có lẽ vì vậy mà dù viết làm văn hay giải toán, nhảy cao, nhảy xa hay chạy dài, nói tiếng Anh… việc gì tôi cũng là người không nhất thì nhì trong lớp. Có điều, dù học khá thế thì tôi vẫn là đứa lúc nào quần cũng bám cỏ may, áo cũng vương mùi hăng hăng của nhựa cây.
Ấy thế mà, vào học cấp III trường huyện, tôi lại được một người bạn trai để ý, lại là một “hot boy” của trường. Thoạt đầu, tôi chẳng mấy cảm tính với đám trai thị trấn đứa nào cũng béo trắng, quần áo đắt tiền và ham chơi. Trông chúng nó không khác gì một con chuột bạch nuôi nhốt trong chuồng.
Một hôm, nhà có giỗ bà, tôi ra muộn. Cái Thúy nhắn tin, mai phải đến lớp sớm hơn mọi khí vì có buổi ngoại khóa nhân ngày văn hóa đọc. Chiều ấy dọn dẹp xong, tôi hớt hải đạp xe hơn mười cây số ra thị trấn. Con đường từ nhà tôi đến trường mấy bữa nay thường bị tắc nghẽn bởi những lúc phải cấm đường để các chú công nhân nổ mìn phá đá. Thị trấn nhá nhem giờ gà lên chuồng, kẻ xuôi người ngược đến hoa mắt. Qua cái ngõ hẹp là lối tắt về khu trọ, vừa lách được bánh xe ra, tôi đâm vào một người cũng đang đi xe đạp. Cả hai xe đạp đổ, hai cái thúng sơn phía sau chiếc xe kia đổ ra bắn tung tóe vào cả quần áo tôi. Lúc ấy, tôi chỉ kịp khó chịu vì nhận ra cái mùi quen thuộc từ các khu nuôi lợn.
Thế mà từ đó tôi với Tuấn lại hóa thân. Hóa ra, chiều tối nào cậu ấy cũng mấy lượt đi xin nước gạo, cơm canh thừa từ các nhà quen về phụ mẹ nuôi đàn lợn. Nhìn Tuấn thư sinh, trắng trẻo lại học giỏi, ai ngờ cậu ấy mồ côi bố từ sớm, nhà lại nghèo. Học khác lớp nhưng chúng tôi vẫn hay gặp nhau. Tuấn rụt rè, tôi vốn lạnh lùng khó gần ấy vậy mà găp nhau lại tự nhiên nói cười. Có chuyện gì vui chúng tôi cũng kể cho nhau nghe, nhưng chuyện buồn thì có lẽ chỉ mình tôi kể.
Nghe nói, trong đợt thi thử vừa rồi, điểm môn toán của Tuấn thấp nhất khóa. “Đấy! Đỏ cái này thì đen cái kia, gái gú lắm vào”- tụi con trai mỗi khi thấy tôi đi qua lại tung một status bằng mồm như thế. Chúng tôi không phải là mấy đứa hư hỏng quen cập kè để mà bị người ta moi móc thế. Nhưng đúng là đợt này Tuấn lơ là chuyện học thật. Không biết vì bạn việc nhà hay có ai, có vẻ Tuấn hờ hững cả với tôi.
Cuối cùng, tôi cũng nhận được từ Tuấn một câu trả lời:
– Tuấn sẽ không thi đại học, Tuấn phải đi bộ đội. Mẹ giờ yếu lắm. Tuấn mà đi học mẹ lo cho mẹ còn được chứ lo tiền ăn học cho Tuấn thì…
Ngày thi tốt nghiệp trôi qua với mấy môn suôn sẻ nhưng đến môn toán thì đúng là cửa ải lớn nhất. Run rủi thế nào, môn thi ấy tôi lại được ngồi gần Tuấn nhất. Ngay từ lúc phát đề, liếc nhìn tôi đã biết cậu ta đang run. Phải rồi, đúng đợt ôn thi thì nhà xảy ra bao việc, Tuấn có chuẩn bị được gì đâu.
Cả phòng thi im phăng phắc, thi thoảng có tiếng thở dài. Đang mải tính toán bỗng tôi nghe thấy tiếng gọi khẽ bên cạnh:
– Thảo…
Đúng là tiếng của Tuấn, ấm và thân thuộc. Trong lúc này, chỉ có thể là sự cầu cứu. Tuấn ngồi gần cửa ra vào, từ lúc nào gió đưa một đóa bằng lăng rớt xuống, tôi quay lại đã thấy Tuấn đặt giữa chỗ ngồi của hai chúng tôi. Giám thị coi thi hôm ấy là một cô giáo đã có tuổi và một thầy giáo trẻ. Thầy có vẻ lơ là nhưng cô giáo thì khá tinh, mấy lần lượn qua chỗ chúng tôi với ánh mắt dò xét.
Tôi đã giải xong mấy bài khó nhất, giờ tỏ ra chăm chú xem lại kết quả nhưng thực chất là lén lấy một mảnh giấy nhỏ xíu, ghi kết quả rồi đặt dưới bông bằng lăng. Chắc do có quy định phòng thi không được có các vật lạ, cô giám thị bước đến định nhặt bông hoa ném ra cửa thì thầy giáo trẻ bước đến:
– Sao đấy chị? – thầy hỏi.
Tôi nghe rõ tiếng cô giáo nói khẽ:
– Hình như, có cái gì đó giữa hai đứa, tại sao nó để bông hoa bằng lăng kia?
Tim tôi như thắt lại. Ngần ấy năm đi học, đây là lần đầu tiên tôi làm một việc cảm thấy xấu hổ, nhưng nếu tôi không giúp Tuấn, chắc chắn Tuấn sẽ không qua được môn toán. Chỉ là mấy con số thôi mà – tôi tự an ủi – còn bài toán cho cuộc đời phía trước, có lẽ Tuấn sẽ phải một mình.
– Có lẽ… chỉ là tuổi mộng mơ áo tím thôi, chị à!
Thầy giáo khẽ mỉm cười liếc nhìn chiếc áo màu tím của tôi. Có điều, cả buổi thi hôm ấy, tôi thấy Tuấn không hề động tới bông hoa dù tôi chắc nhẩm cậu đã nhìn thấy miếng giấy nhỏ ghi đáp số được tôi giấu rất khéo.
Kì thi ấy vội vã qua đi, đúng như dự cảm, điểm thi của tôi chỉ đủ vào một trường sư phạm. Tuấn phải thi lại lần hai mới đủ điểm tốt nghiệp. Không biết vì lẽ gì, sau cái buổi thi môn toán ấy, giữa chúng tôi có một sự ngần ngại vô hình. Ra trường, tôi về một thị trấn nhỏ ở quê để thi tuyển biên chế vào làm một giáo viên cấp ba, Tuấn chắc đang đóng quân ở một nơi nào đó. Trong những giờ coi kiểm tra, tôi thường hay bâng khuâng nhìn ra sân trường. Có lẽ chỉ loài hoa ấy hiểu có một lần trong đời tôi đã làm điều vụng trộm ấy, không biết Tuấn nghĩ gì. Tuấn sợ liên lụy đến tôi hay cảm thấy xấu hổ vì được tôi giúp chăng?
Sân trường hôm nay nhộn nhịp bởi có đoàn sinh viên về đây tham gia các hoạt động xã hội. Từ bao giờ, tôi mới được sống lại không khí sôi nổi của của tuổi trẻ ấy. Các bạn sinh viên có lẽ chỉ kém tôi chừng dăm, bảy tuổi nhưng lễ phép chào “cô” khi nhìn tấm thẻ đeo trên ngực áo tôi. Sau những tiết mục văn nghệ là một bài thuyết trình của thầy giáo giảng viên. Một người mặc áo sáng màu, nhẹ nhàng bước lên bục. Tôi đang mải cầm chiếc điện thoại trên tay thì một giọng nói ấm áp vang lên từ chiếc loa thùng. Mắt tôi mờ đi… trời ơi đấy là Tuấn. Cô bé sinh viên có khuôn mặt xinh xắn đứng bên tôi đang thủ thỉ với bạn.
– Thầy Tuấn ngày xưa từng qua lính nên nhìn “chất” thật, mày nhỉ?
Tôi bàng hoàng. Vậy là Tuấn đã vượt qua tất cả để có ngày hôm nay. Nếu như hôm ấy, Tuấn nhận sự giúp đỡ của tôi thì biết đâu… Tôi lặng lẽ giấu mình giữa đám đông cho đến khi đoàn xe ra khỏi sân trường. Hàng bằng lăng cuối thu xơ xác trong gió se lạnh mênh mang bao kỉ niệm…

BÙI VIỆT PHƯƠNG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.