Đêm chớm đông. Sau hồi gà gáy canh tư, chỉ còn tiếng suối chảy dội vào vách núi Hoàng Liên Sơn vọng lẫn tiếng rừng khuya rì rầm. Thỉnh thoảng có tiếng chó con kêu bên nhà hàng xóm… Dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu leo lét, chị Lợi loay hoay với túm tã lót cũ. Hết mở ra rồi lại buộc vào, rồi lại thần mặt nhìn ba đứa con đang ngon giấc. Hai tay chị ôm cái bụng to vượt mặt, nhăn nhó vẻ đau đớn. Thái độ và lời nói của ông Đạt quản lý đội lúc ban chiều lúc gặp chị gánh củi về: “Sao giờ này còn chưa đi viện hả? Lại bắt người ta phải khiêng đi thì tôi đẽo mặt ra đấy!” cứ hiện về, làm chị phiền lòng và thêm phần lo lắng. Bỏ túi trầu vỏ têm vào túi áo, chị lững thững quay ra cửa, bước xuống sân với vẻ khó nhọc. Chị ngửa mặt nhìn lên trời, đêm tối quá! Cả ngày nay âm u không thấy mặt trời. Gió đem hơi lạnh tràn ra từ khe núi. Những bông lau trắng xóa trước nhà giờ chỉ còn lờ mờ, gật gù theo chiều gió. Chị Lợi chần chừ, rồi khệ nệ ôm cái bụng, lầm lũi ra ngõ, lần đi trong đêm theo kiểu quen đường mà chẳng sợ đập mặt vào ai bởi giờ này có còn ai mò mẫm ra đường nữa đâu.
Chị Lợi đến sân nhà chú Thất. Con chó giật mình, vừa sủa vừa lui vào trong nhà qua cái lỗ khoét ở chân vách. Ở đây nhà nào nuôi chó cũng phải có cái lỗ như vậy. Tiếng chó sủa rát mà vợ chồng nhà Chè – Thất không thấy ai lên tiếng. Cũng dễ hiểu thôi, vì đêm hôm khuya khoắt thế này… Thoáng chút ngần ngại, chị Lợi quay ra ngõ, nhưng một lúc sau lại quay vào. Tiếng chó lại sủa inh ỏi. Lần này trong nhà có tiếng khua chậu loảng xoảng, chỉ chờ có thế, chị Lợi mới rụt rè.
– Cô Chè ơi! Cô dậy chị nhờ tý!
– Ai đấy?
– Chị đây! Lợi đây! Chị đau bụng rồi, có khi không chờ được đến sáng, cô ạ!
Sau mấy tiếng quát chó, cánh cửa đan bằng nứa, kẹp khung tre được mở ra.
Rồi tiếng bật lửa xoèn xoẹt cùng với tiếng cô Chè.
– Chị chờ em một chút! – Rồi cô gọi vào trong giường – Anh Thất ơi! Dậy đi xem nào!
Ngọn đèn dầu được châm lên. Chú Thất trong chiếc quần đùi bộ đội, áo ba lỗ, vừa đi ra vừa dụi mắt, chả là chú ấy đi bộ đội, được nghỉ phép ít ngày, mới về từ chiều.
– Chị đau bụng, chuyển dạ rồi hay sao ý, phiền cô đưa chị đi viện tý. Biết rằng đêm hôm thế này, chú lại mới về… nhưng mà không nhờ cô thì chả còn cách nào khác. Đi một mình thì chẳng biết lành dữ thế nào, từ đây lên đấy, bốn, năm cây số chứ ít ỏi gì đâu.
– Chị đau lâu chưa?
– Có khi cũng khoảng hai tiếng rồi! Định cố chờ đến sáng, nhưng càng ngày càng đau cô ạ! Thôi phiền cô, giúp chị tí!
– Thế mà chị không gọi sớm hơn! Mà phiền hà gì chị? Đau phải gọi ngay chứ! Đau đẻ chứ có phải đau gì đâu?
Nói xong, cô Chè quay sang bảo chồng:
– Hay là anh chịu khó đưa chị ấy đi, em ở nhà, sáng ra còn ba đứa trẻ nhà chị ấy nữa cơ mà. Anh lên đến nơi xem thế nào, xong quay về, cần gì thì sáng mai em lại lên.
– Ờ! Thế cũng được! Chị về chuẩn bị đi, xong em sang.
– Chị chuẩn bị xong cả rồi, giờ chỉ việc đi thôi! Chị về trước, xong chú sang nhé!
Chị Lợi lại mò mẫm đi về. Đến nhà, chị đánh thức thằng lớn dậy căn dặn:
– Mẹ đi viện đẻ em đây. Sáng dậy sớm rang cơm cho các em ăn. Ăn xong, đem em đi gửi rồi đi học luôn nhé! Trưa về, có ba anh em thôi, đong lưng bò gạo với một bò ngô nấu mà ăn. Bảo ban các em, đừng đánh nhau đấy!
Chị Lợi ngoắc túm tã lót và tay, châm bó đuốc đã chuẩn bị sẵn từ khi nào. Chị đi ra cổng cũng vừa lúc Thất đến nơi.
– Đi chú!
– Chị đưa cái túm kia đây!
Đưa túm tã lót cho Thất, chị Lợi một tay giơ bó đuốc, một tay bê bụng, lê từng bước nặng nề. Thất tỏ vẻ hài hước:
– Đưa nốt bó đuốc đây em cầm, lấy tay mà bê bụng nào!
Thế là Thất khoác túm tã lót, cầm đuốc đi trước, vừa đi vừa đợi chị Lợi hai tay bê bụng, ì ạch đi sau. Chị Lợi cố hỏi chuyện để cho Thất đỡ sốt ruột. Mà hỏi toàn những chuyện đâu đâu, nào là Miền Nam xa lắm phải không chú? Chú được gặp Bác Hồ lần nào chưa? Rồi là tất cả tại thằng Mỹ… Sau lại quay về chuyện nhà mình:
– Tôi lo cho nhà tôi quá! Từ hôm anh ấy viết thư về bảo là đi C mà… Không nhận được lá thư nào nữa! Thế… đi C là đi đâu hả chú?
– Đi C là sang Lào, chị ạ! Lần này em về ít ngày rồi cũng đi C đấy!
Chả là anh Tường chồng chị là bộ đội, năm 1954 đánh Pháp ở Điện Biên xong thì theo trung đoàn 81 lên vùng Tây Bắc thực hiện nhiệm vụ: “Tiễu phỉ, trừ gian, đặt nền móng xây dựng vùng kinh tế mới, chi viện cho chiến trường Miền Nam”. Năm 1960, trung đoàn làm lễ hạ sao, chuyển thành nông trường quân đội. Theo yêu cầu của cấp trên, anh cùng đồng đội về quê đưa vợ con lên. Chị Lợi có mặt ở đây từ ngày đó. Từ ga Bảo Hà vào đến đất này, hơn trăm cây số đường rừng, chỉ có lối mòn, đi bộ phải mất bốn đến năm ngày ròng rã. Vùng này vốn là một lòng chảo heo hút toàn lau lách, bao quanh là núi, thỉnh thoảng có những bản người Thái sống dọc theo hai bên bờ suối. Trước năm 1954, chốn này là nơi đồn trú của thổ phỉ. Thú rừng thì nhiều vô kể, trong đó, người ta còn thấy có con hổ già rụng hết cả răng…
Sau chiến dịch tết Mậu thân, giặc Mỹ kéo quân cùng lính chư hầu vào chiến trường Miền Nam hòng đè bẹp quân giải phóng. Trước tình thế ấy, theo lời Đảng và Bác Hồ kêu gọi: “Cả nước ra trận”. Thế là tháng sáu năm ấy, anh Tường nhận nhiệm vụ tái nhập ngũ. Từ đó, anh gửi lại hậu phương người vợ hiền cùng bốn đứa con nhỏ, đứa lớn nhất mới lên bảy, đứa nhỏ mẹ nó mới có mang nó được bốn tháng. Bàn chân anh đi qua hai cuộc chiến với hai kẻ thù thực dân và đế quốc. Từ ngày anh đi, tính đến hôm nay vừa tròn năm tháng.
Không biết chị Lợi đã hỏi bao nhiêu chuyện. Thất vừa đi, vừa ngáp dài, những cành lá đẫm sương ngả ra đường, quệt vào làm hai người thấm ướt. Bó đuốc trên tay Thất đã cháy quá nửa, mà họ mới đi qua được mấy lô cà phê. Thỉnh thoảng Thất phải đứng lại, chờ cho chị Lợi qua cơn nhăn nhó rồi nhẫn nại đi tiếp.
– Đau quá à chị ? Bám vào em này!
Chị Lợi bám vào Thất, nhưng chỉ đi được mấy bước thì đứng lại:
– Nghỉ tí đã chú ơi! Đau… Chết mất!
Thất rút liều mấy mảnh rào nứa bên đường, để xuống đất, dẫm dập, chắp nối vào bó đuốc sắp hết. Đến khi bó đuốc cháy trở lại, anh nhìn thấy chị Lợi quỳ gối, hai tay chống xuống đất mà không nói được câu gì nữa.
– Cố gắng lên! Mới được phần tư đường thôi, chị ơi! – Anh ngửa mặt lên trời – Lại sắp mưa nữa chứ! Có đi được nữa không chị?
– Chú đợi chị đi vệ sinh tí!
Nói rồi chị Lợi lại nhếch từng bước vào lô cà phê. Thất hết đứng, lại ngồi mà chưa thấy chị Lợi trở ra.
– Lâu thế chị!… Chị ơi!… Xong chưa?… Sao lâu thế?
– Chết rồi chú ơi! Không ổn rồi!
– Sao?
– Tôi sờ thấy!… Hình như cái đầu nó!
– Thế thì gay rồi! Khoan đã! Để em về… Em gọi người! Chị ở đấy một mình được không? Cố gắng nhé!… Đừng đẻ vội đấy! Em về đây!
Chị Lợi chỉ còn biết nghe theo. Thất cầm bó đuốc, mang theo cả bọc tã lót, vừa đi vừa chạy về đơn vị. Còn lại một mình, chị Lợi quằn quại với cơn đau, hai tay ôm chặt gốc cà phê toàn mùi phân trâu pha thuốc DDT-666. Những cơn đau bây giờ không cuộn lên mà cứ thúc xuống dưới. Chị ngửa mặt nhìn lên trời qua kẽ lá, mưa đã bắt đầu nặng hạt, chị ước tính: Lúc ấy khoảng ba giờ sáng. Bên kia lối mòn là vạt rừng hoang. Dưới ánh chớp, chị Lợi nhìn thấy những dáng cây lù lù như hình người khom lưng nhìn chị. Tắt ánh chớp thì lại thấy trong bụi nứa những đốm lân tinh như ma trơi, xanh lè kinh dị. Nhưng chị đâu còn đủ tâm trí và thời gian để sợ, chị chỉ lo là lo “Con chị đang muốn ra, biết làm sao bây giờ?”. Chị đã bắt đầu muốn rặn. “Nhưng rặn nhỡ nó tuồi ra bây giờ thì sao?”. Bằng kinh nghiệm của người mẹ đã ba lần sinh nở, chị lại nghĩ: “Không rặn, nhỡ nó ngạt thì nguy hơn”.
Chị mở căng mắt, nhìn về phía đơn vị, Thất vẫn mất dạng. Trời tối đen như mực. Chỉ có tiếng gió rung cây và những hạt mưa pha lẫn sương đêm rơi xuống từ tán cà phê lộp bộp. Bất giác chị nghĩ: “Phải cứu con cái đã!”. Vẫn ôm gốc cây cà phê nhưng lần này chị Lợi đổi tư thế sang nửa nằm, nửa ngồi, khuỷu tay chống đất, hít một hơi thật sâu! Mắm môi rặn mạnh! Một hơi!… Hai hơi!… Hơi thứ ba!… Ra rồi! Nhưng bây giờ phải làm thế nào? Chị lấy nốt chút sức lực còn lại, ngồi dậy, đỡ con trong chiếc quần của mình. Lần sờ đến khuôn mặt của nó, vớ chiếc khăn vải đội đầu, chị lau cái mặt cho nó… Oe!… Oe…! Nó khóc rồi! Chỉ có mỗi hai mẹ con trong gốc cây cà phê. Chị nựng con:
– Ơi!… Mẹ đây! Mẹ đây! Mẹ biết rồi con ơi! Cố gắng tý nữa rồi mẹ cho con về nhà mình nhé!
Chị định kêu lên “Có ai không, giúp mẹ con tôi với!” Nhưng chị ý thức được rằng quanh đây, làm gì có ai? Chỉ có bên kia là rừng, bên này là đồi cà phê… Mãi một hồi lâu mới thấy tiếng cô Chè:
– Chị Lợi ơi! Ơi chị Lợi!
Chị mừng hơn vớ được vàng.
– Ơi! Chị đây em ơi! Nhanh lên cứu cháu.
Cô Chè tay cầm bó đuốc giơ lên trên đầu, lần theo tiếng gọi của chị Lợi. Gần đến nơi, đã nghe tiếng trẻ oe oe trong gốc cà phê.
– Chết thôi! Sao lại thế này?
Chè loay hoay tìm chỗ gác bó đuốc, định đón đứa trẻ từ tay chị Lợi.
– Chị đưa cháu đây cho em! Thế tã lót đâu?
– Không biết chú Thất chú ấy để ở đâu? Lấy tạm cái khăn của chị này.
Chè tỏ ra rất hoạt bát, cô lấy cái khăn cuốn cho đứa trẻ.
– Ôi! Nó to lắm chị ạ! Chị bế cháu để em cởi áo em ra mới được.
Chè cởi phăng chiếc áo đang mặc, cuốn cho đứa trẻ, rồi ấp nó vào ngực như thể vừa che mưa, vừa truyền hơi ấm cho nó. Lúc ấy cô mới phát hiện vẫn còn dây rốn thòi lòi nối với mẹ nó.
– Chị cố gắng tý nhé! Nhà em đang đi gọi thêm người, chắc cũng nhanh thôi!
Cứ như thế, chị Lợi nằm tơ hơ trên đống lá khô, cô Chè mình trần co ro, một tay ôm đứa trẻ, một tay lựa bó đuốc sắp tắt, chờ người đến ứng cứu. Trời mưa mỗi lúc một to hơn. Một hồi lâu mới thấy có tiếng người. Hình như có cả ánh đèn pin. Đúng rồi! Không phải một người, mà cả một tốp mấy người. Trong đêm tối, họ gọi nhau í ới. Chị Lợi nghe rõ, có cả tiếng cô Lụa y tá đội. Đến nơi, chị nhận ra có thêm cô An, chú Bé, họ lại mang theo cả áo mưa. Thì ra, Thất chạy về, không ngại đêm hôm, chú ấy đi khua cả xóm cùng ra giúp. Dưới ánh đèn pin tù mù của chú Bé, cô y tá Lụa kẹp panh, cắt rốn cho đứa trẻ.
– Khổ chưa! Toàn lá khô dính vào người cháu thế này! Không cẩn thận, nhiễm trùng thì chết. Cuốn tã cho cháu rồi chị Chè bế cháu về trước đi, tã đâu? – Cô Lụa hỏi.
– Tã chú Thất cầm. – Chị Lợi trả lời.
Không ai bảo ai, mỗi người một việc, người bế đứa trẻ, người che nón, người trải áo mưa, họ khiêng chị Lợi đặt vào. Cô Lụa nói:
– Chờ anh Thất mang võng ra thì cáng ngay chị Lợi về. Mưa rét thế này, vừa sinh xong. Khổ thế chứ!
Thất hổn hển ra đến nơi đã hỏi ngay:
– Đẻ rồi à? Biết ngay mà! Trai hay gái?
Lúc này mọi người mới ớ ra, còn chưa biết là trai hay gái nữa. Cô An đứng lên bảo chú Bé:
– Soi đèn xem nào! Hình như là con gái!
– Tã đâu anh Thất? – Cô lụa hỏi.
– Thôi chết! Tôi bỏ đâu không biết?
Thất đưa võng, đưa đòn cho mọi người buộc, còn mình cởi chiếc áo bộ đội khoác cho vợ. Cô Chè thì một tay bế con bé, một tay che nón đợi mọi người khiêng chị Lợi cùng về.
Câu chuyện xảy ra cách đây năm mươi năm nhưng những ân tình của mọi người, gia đình tôi đều còn nhớ. Mẹ và em gái tôi luôn kể lại trong những câu chuyện sau này. Tình làng nghĩa xóm là như thế, luôn hiển hiện và nâng đỡ con người vượt qua khó khăn của cuộc đời này…
XUÂN CƯỜNG