Tại buổi gặp gỡ, thay mặt Chương trình “Mai Vàng tri ân”, ông Phạm Hồng Kỳ, Uỷ viên Ban Biên tập, Trưởng văn phòng đại diện Báo Người Lao Động khu vực miền Bắc, đã thăm hỏi, động viên và trao số tiền hỗ trợ (mỗi người 10 triệu đồng) tới nhạc sĩ Vương Khon và nhà văn Huỳnh Nguyên, hiện đang sinh sống tại TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu.

Ông Phạm Hồng Kỳ, Uỷ viên Ban Biên tập, Trưởng văn phòng đại diện Báo Người Lao Động khu vực miền Bắc (bìa phải) cùng bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Chủ tịch Hội văn học – nghệ thuật tỉnh Lai Châu, trao tiền hỗ trợ 10 triệu đồng cho nhạc sĩ Vương Khon

Nhận quà từ Chương trình “Mai Vàng tri ân” do đại diện lãnh đạo Báo Người Lao Động trao tặng, nhạc sĩ Vương Khon đã bày tỏ sự xúc động.

Qua các phương tiện truyền thông, nhạc sĩ Vương Khon cho biết cùng với chương trình “Mai vàng nhân ái”, chương trình “Mai Vàng tri ân” đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho nhiều văn nghệ sĩ, trí thức có đóng góp, cống hiến cho nghệ thuật trên cả nước. Đây là chương trình vô cùng ý nghĩa, đã động viên tình thần, giúp cho văn nghệ sĩ có thêm động lực để tiếp tục sáng tác, cống hiến cho xã hội”.

Thay mặt nhạc sĩ Vương Khon, nhà văn Huỳnh Nguyên bày tỏ xúc động khi nhận quà tặng của chương trình “Mai Vàng tri ân”, bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới chương trình và Ban Biên tập Báo Người Lao Động cùng Ngân hàng TMCP Nam Á. Ông cho biết sẽ tiếp tục có những tác phẩm hay viết về con người, mảnh đất quê hương và vùng Tây Bắc.

Cùng dự buổi trao quà của Chương trình cho 2 nghệ sĩ, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Chủ tịch Hội văn học – nghệ thuật tỉnh Lai Châu, đã gửi lời cảm ơn đến chương trình “Mai Vàng tri ân” do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á. Bà Vân bày tỏ sự xúc động vì dù xa xôi gần 500 km nhưng đại diện chương trình đã vượt đường xa, khó khăn đến thăm hỏi, trao quà tặng cho nhạc sĩ Vương Khon và nhà văn Huỳnh Nguyên, những người có nhiều đóng góp cho hoạt động văn học, nghệ thuật của Việt Nam nói chung và cho tỉnh Lai Châu nói riêng. Càng ý nghĩa hơn khi sự tri ân này diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm 133 năm ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu.

Nhạc sĩ Vương Khon sinh năm 1948, quê ở Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, dân tộc Thái Trắng. Ông đã trải qua quá trình công tác tại Đoàn Văn công Nhân dân Khu Tây Bắc (1966), Phó đoàn, rồi Trưởng đoàn Nghệ thuật Lai Châu.

Nhà báo Phạm Hồng Kỳ trò chuyện với nhạc sĩ Vương Khon và nhà văn Huỳnh Nguyên

Nhắc đến Vương Khon, không chỉ nhân dân Tây Bắc mà rất nhiều người yêu thích văn hóa nghệ thuật truyền thống cũng đều biết tiếng. Ông là một trong những nhạc sĩ đặc biệt thành công trong việc đưa giai điệu và ca từ của dân ca dân tộc thiểu số vào các ca khúc, nhất là dân ca Thái.

Nhạc sĩ Vương Khon sáng tác hơn 200 ca khúc mang đặc trưng về vùng đất và con người Lai Châu nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Nhạc sĩ người dân tộc Thái này đặc biệt thành công trong việc đưa giai điệu và ca từ của dân ca dân tộc thiểu số vào các ca khúc, nhất là dân ca Thái. Trong đó có các ca khúc nổi tiếng như: “Người đẹp Mường Then”, “Điệu xòe thương nhau”, “Điện Biên mùa ban trắng”, “Bên suối Mường So”, “Say Mông dạy chữ”, “Sìn Hồ quê anh và em”…

Ông đã được tặng: Giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2002) với tác phẩm Người đẹp Mường Then; Giải A cuộc thi sáng tác về đề tài dân tộc miền núi do Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH-TT-DL) tổ chức (2004-2005), 5 Huy chương Vàng, nhiều Huy chương Bạc trong các kỳ hội diễn toàn quốc và khu vực.

Ông Phạm Hồng Kỳ trao tiền hỗ trợ 10 triệu đồng cho nhà văn Huỳnh Nguyên

Còn nhà văn Huỳnh Nguyên tên thật là Nguyễn Văn Tịnh, sinh năm 1940, một chàng trai gốc Huế nhưng đã sớm đến Lai Châu với lí tưởng của sự nghiệp trồng người, gieo chữ trên những rẻo cao Lai Châu.

Thuộc thế hệ tiên phong của văn học Lai Châu, nhà văn Huỳnh Nguyên khai thác nhiều góc cạnh của cuộc sống miền sơn cước, và bằng nhiều thể loại khác nhau. Những năm tháng công tác ở ngành giáo dục, trong vai trò là một thầy giáo cắm bản, sống gần gũi với nhân dân đã khiến cho nhà văn Huỳnh Nguyên có một vốn sống sâu sắc về cuộc sống của đồng bào nơi đây. Bằng tình yêu ông đã cống hiến hết tuổi thanh xuân cho miền núi, góp phần vào sự phát triển của Lai Châu nói chung, vào nền móng của văn học nghệ thuật tỉnh nhà nói riêng.

Nhà văn Huỳnh Nguyên đã xuất bản 6 tập thơ: Đất núi, Khúc hát sông Đà, Lửa hoàng hôn, Không nói lời yêu, Vầng trăng Pu Sam Cáp, Xuân thì và 1 tập trường ca Tiếng vọng non ngàn. Đặc biệt, ông là tác giả tiểu thuyết tiêu biểu của Lai Châu với 4 tác phẩm: Tình sử một vùng đất – 2001, Lửa Pu Ta Leng – 2012, Đại bàng núi – 2015 và Núi rừng thân yêu – 2019.

Nhà văn Huỳnh Nguyên đã nhận các giải thưởng về văn học nghệ thuật của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2002, 2012, của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2009, 2018 và các giải thưởng văn học nghệ thuật của tỉnh Lai Châu năm 2012, 2017.

Văn Duẩn – Minh Chiến – Ngọc Thắng