Lưu giữ kỷ niệm

Thu về quê động thổ xây nhà cho mẹ. Khi ngược lên Lai Châu cô mang theo lỉnh kỉnh vài thứ giống cây, giống hoa lên trồng. Chuyến xe khách chạy ngày cập bến xe Lai Châu đã muộn. Ánh mặt trời cuối cùng đã chìm khuất sâu trên những dãy núi trập trùng. Phố lên đèn trong thưa thớt bóng người. Hít hà hương phố núi trong lành, những mệt mỏi của chuyến xe đường dài dần tan biến. Thành phố biên cương lúc nào cũng chậm rãi bình yên khiến lòng người thong thả.

Về đến nhà, buông hành lý xuống cửa, Thu ôm luôn túi cây lỉnh kỉnh ra vườn trồng. Cây hoa bỏng trồng vào cái chậu nhựa mầu nâu. Vài cây rau rền xanh trồng vào cái thùng xốp đang gieo rau cải. Cành chanh chiết được trồng vào giữa luống rau muống. Bó rau ngót được trồng thành hàng giáp chân tường. Mấy dây lá lốt được dúi vào gốc cây sung cảnh. Dây trầu không được trồng vào chân trụ cổng… Mảnh vườn nhỏ bé đã được tận dụng tối đa diện tích trồng rau xanh, giờ càng chật chội hơn khi phải nhường đất cho những thứ cây mang từ quê lên. Vừa tưới tắm cho những cây mới trồng, Thu vừa hồi tưởng về mảnh vườn nhỏ trước sân nhà ở quê ngày nhỏ.

Thu sinh ra trong gia đình thuần nông ở vùng trung du. Những đồi đất thoai thoải không cao không thấp được canh tác qua bao đời đã cỗi cằn chai cứng chỉ có sim, mua mọc được. Ruộng nước ít. Canh tác nông nghiệp may lắm chỉ đủ ăn nên nhà Thu nghèo. Mà cả xóm nghèo, nhìn ra làng xã cũng đều nghèo khó như nhau. Tuổi thơ của gia đình Thu sống trong sự thiếu thốn vật chất đủ đường. Những giấc mơ về bát cơm trắng không bị độn ngô, sắn, chuối xanh đã là xa xỉ. Bát cơm có thịt, có cá nằm ngoài những giấc mơ. Tuy cuộc sống nghèo khó về vật chất như vậy nhưng gia đình lúc nào cũng đầm ấm, thuận hòa. Ba chị em được sống đủ đầy hạnh phúc trong tình yêu thương của bố mẹ, ông bà, họ tộc.

Nhà Thu có một mảnh vườn nhỏ nằm ở góc sân trước cửa. Góc vườn đó là khoảng xanh mát mắt khi đi từ cổng vào nhà. Nó có từ thời ông bà nội, đến đời bố mẹ Thu vẫn được gìn giữ. Xóm làng qua bao thế hệ chẳng mấy ai thoát ly. Người cứ sinh sôi, lớn lên, lấy vợ lấy chồng, được cắt đất dựng nhà ra ở riêng ngay trong xóm. Đất ở ngày càng chật chội hơn. Chính vì vậy nhà nào có được mảnh vườn nhỏ trong khuôn viên là rất quý giá, chứ thông thường toàn bộ khoảng trống trước nhà sẽ được tận dụng làm sân để đến mùa còn phơi nông sản.

Ở góc vườn đó trồng mấy cây thuốc nam như cây bỏng chữa những bệnh thông thường. Có dây trầu cho bà têm ăn. Có cây cau cao vút. Có mấy khóm hoa hồng nhung, thược dược, đồng tiền tô điểm sắc màu. Có vài cây rau ngót, rau thơm. Có cây tía tô cuối xuân lên xanh tốt, sang đông già chết tự rụng hạt để giống cho năm sau. Có cây rau dền xanh nhìn như không tuổi bởi nó sống rất kiên cường, chỉ cần một nắm lá đủ cho mẹ nấu bát canh khi nhỡ bữa. Góc vườn nhỏ bé thôi nhưng lại có rất nhiều ý nghĩa với cả gia đình.

Thời gian qua đi. Ông nội, bà nội già cả đã quy tiên. Bố Thu cũng mất vì bạo bệnh. Cả ba chị em Thu đều trưởng thành và thoát ly, chỉ còn mẹ ở nhà. Thỉnh thoảng về nhà lại thấy làng quê thay đổi nhiều. Nhà cửa xây mới cao tầng như phố sá. Đường xóm được mở rộng bê tông hóa theo chương trình nông thôn mới thuận tiện đi lại. Chỉ còn ngôi nhà cũ của gia đình Thu với mái ngói phủ rêu xanh màu mưa nắng lọt thỏm giữa những ngôi nhà hiện đại. Trong ngôi nhà đó, bóng mẹ Thu ngày càng già nua với mái tóc bạc phơ pha màu sương gió. Lưng mẹ ngày càng còng hơn sau những gánh nặng cả cuộc đời vì chồng vì con. Những đêm mưa mẹ thức trắng mang nồi niêu, xô chậu đặt quanh nhà hứng nước dột rồi lẩm bẩm một mình nói chuyện à ơi với bố. Nhất là mảnh vườn, mẹ nâng niu giữ gìn như báu vật. Mẹ tưới tắm chăm chút cho những cái cây hàng ngày. Mặc dù mẹ không ăn trầu nữa nhưng dây trầu không vẫn luôn xanh tốt, cây cau vẫn vút cao thách thức thời gian để đến ngày rằm, mùng một, ngày giỗ hái lá, hái quả thắp hương cúng tổ tiên. Bây giờ ốm đau có thuốc tây nhưng mẹ vẫn giữ những cây thuốc nam ông nội trồng chỉ để nó nở hoa làm cảnh. Qua bao thời gian năm tháng mảnh vườn gần như vẫn giữ nguyên hình hài, cốt cách. Nó kiên cường trụ vững như níu giữ bóng thời gian ngừng trôi lắng đọng trong một vệt ký ức diệu kỳ của tình thân.

Phá bỏ ngôi nhà cũ để xây cho mẹ ngôi nhà mới khang trang, tiện nghi hơn là tâm nguyện chính đáng của ba chị em. Là phận gái, nhưng lại là chị cả Thu đứng ra lo liệu công việc. Thuyết phục mãi cuối cùng mẹ cũng đồng tình trong sự luyến tiếc dùng dằng. Nhưng đâu chỉ có mẹ, mà cả Thu cũng thế, chỉ là cô cố giấu cảm xúc không nói ra sự luyến tiếc mà thôi. Cái sân gạch ngày nhỏ chị em chơi nhảy dây, chơi mốt. Khoảnh vườn xanh gắn với hình ảnh ông chiều chiều tưới tắm cho cây. Bà lật lên lật xuống từng lá trầu để chọn xem lá nào già hơn hái trước, lá còn non để lại hái sau. Bố buộc cái liềm vào cây sào dài mà vẫn không với tới buồng cau phải bắc thêm cái thang để hái quả. Những trưa hè nóng bức, mẹ mua đường về sai mấy chị em hái vài quả chanh pha nước uống giải khát… Bao ký ức thời thơ bé ùa về từ mảnh vườn nhỏ thôi thúc Thu phải làm một điều gì đó để lưu giữ lại phần nào kỷ niệm.

Sau khi làm lễ cúng động thổ, Thu nhờ các bác thợ đánh cho cây chanh mang đi gửi. Những loại cây khác cô cùng mẹ đánh bầu giữ lại giống trồng vào thùng xốp chờ xây xong nhà sẽ tính cách khôi phục lại mảnh vườn nhỏ. Thu cắt một cành chanh chiết, đánh cây rau dền xanh nhỏ, vài khóm lá lốt, dây trầu không, cành rau ngót mang lên Lai Châu trồng. Đối với Thu đó là cách gần gũi nhất để vơi bớt đi nỗi nhớ và sự tiếc nuối góc sân và ngôi nhà cũ, là cách để kỷ niệm được lưu truyền.

TRƯƠNG HUY


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.