Những điều kiêng kị trong cuộc sống hằng ngày của dân tộc Giáy đã trở thành Luật tục của dân tộc từ lâu đời được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến nay, dân tộc Giáy vẫn tuân thủ, bảo tồn và phát huy các Luật tục tốt đẹp đó:
Một là: Anh chồng, em dâu không được ngồi ăn cơm cùng một mâm, không được vào buồng của nhau.
Hai là: Người con gái đã đi lấy chồng không được về sinh đẻ và chết ở nhà bố mẹ đẻ. Vợ chồng không được ngủ chung ở nhà bố mẹ đẻ. Con gái Giáy khi đã đi lấy chồng là mang họ nhà chồng (lúc đó đã thành dòng họ khác – ma khác), nên không về đẻ và chết ở nhà bố mẹ đẻ được. Riêng trường hợp ở rể thì không có sự kiêng cấm đó. Trường hợp ở rể, người con gái vẫn phải mang họ nhà chồng.
Ba là: Nhà người Giáy thường làm ba gian, có nhà bếp riêng. Gian giữa, phía trong từ cửa chính nhìn vào là bàn thờ tổ tiên, đằng sau bàn thờ tổ tiên có một buồng nhỏ chỉ dành người già, con trai và con gái chưa lấy chồng mới được ngủ. Hai gian bên cạnh có thể ngăn thành nhiều buồng, tùy gia đình nhiều hay ít người. Giường ở gian chính, tuyệt đối con gái không được nằm ở đó, vì đã là con gái phải nằm trong buồng nơi kín đáo.
Gian giữa nhà của người Giáy kiêng mắc màn trắng và nằm thẳng chính giữa nhà trước bàn thờ. Lý do, người Giáy khi có người qua đời, trước khi nhập quan, đem ra nằm chính gian giữa, chân hướng ra cửa, đầu hướng về bàn thờ và phủ vải trắng, mắc màn che. Nên bình thường có hình ảnh màu trắng và người nằm ở nhà xem ra hình ảnh không đẹp, mặt khác trước bàn thờ là nơi thiêng liêng…
Bốn là: Kiêng ngồi trên ngưỡng cửa chính, đặc biệt là phụ nữ. Lý do, đó là nơi ra vào của mọi người, nếu ngồi vào đó sẽ cản trở lối đi.
Năm là: Nhà người Giáy ngày tết kiêng nói tục, bôi nhọ, trêu đùa suồng sã ở trong nhà, người lớn không được khóc ở trong nhà. Nếu trong nhà người lớn có khóc cũng kiêng không được gọi tên bất cứ ai. Vì người lớn trong nhà chỉ khóc khi có đám hiếu.
Sáu là: Người Giáy kiêng phụ nữ trèo lên gác khi ở dưới có người già, đặc biệt là bố chồng, anh chồng, chồng, chú bác của chồng, của mình. Nhưng nếu ở dưới toàn là nữ với nhau thì một phải xin phép các cụ; hoặc mời các cụ tạm tránh sang chỗ khác. Nếu cần lấy một cái gì đó thì nhờ người khác lấy hộ, đối với nam giới thì không kiêng, nhưng vẫn phải một xin phép các cụ; hoặc mời các cụ tránh sang chỗ khác.
Bảy là: Nam giới nếu là bậc trên kiêng cấm sờ vào quần áo phụ nữ, kể cả quần áo đang phơi mà bị mưa cũng mặc.
Tám là: Người Giáy trong bữa ăn, những người ít tuổi không bao giờ được ngồi đầu bàn, tức là phía bàn thờ nhìn ra. Nơi đó chỉ để dành người cao tuổi… Trong bữa ăn miếng nào ngon thì để dành cho trẻ con và người già.
Chín là: Người Giáy kiêng dùng đũa cả, kiêng dùng đũa ăn cơm đánh trẻ con.
Mười là: Người đang ở cữ không được đi qua gian có bàn thờ. Hết thời gian ở cữ mới được đi qua, khi đứa trẻ đã được 30 ngày “trình báo tổ tiên” ngày đó cũng là ngày làm lễ đặt tên đứa trẻ .
Mười một là: Nhà có tang người đeo tang không được vào nhà người khác, chỉ sau khi đưa ra đồng và làm ba ngày rồi mới được đeo tang vào nhà người khác.
Mười hai là: Người Giáy 1 người trong 1 năm không được đeo tang 2 lần. Do đó khi có người thân qua đời thường không phải tất cả con cháu đều đeo tang, mà chỉ một số thôi. Nếu ai đó đã đeo tang rồi, nếu là ông bà, bố mẹ có qua đời cũng đành phải chịu.
Mười ba là: Trên bàn thờ người Giáy, ngoài bát hương ra chỉ được để hương, ấm chén, bánh kẹo, hoa quả, chứ không được đặt bất cứ thứ gì lên đó. Khi quét dọn cũng chỉ được quét qua mà không được xê dịch, di chuyển bàn thờ và bát hương. Chỉ ngày cuối năm, tức là ngày 30 Tết mới được đem cọ rửa bằng nước thơm (lá bưởi, lá chanh).
Mười bốn là: Bàn thờ nhà người Giáy không bao giờ được cúng bằng thịt sống và thịt trâu, bò, chó, dê. Tất cả mọi đồ cúng đều phải được nấu chín.
Mười lăm là: Người Giáy kiêng không cho con cắt tóc cho cha và chú bác, anh trai. Riêng chú bác anh trai có thể cắt tóc được, nhưng trước khi cắt tóc, người cắt tóc phải quỳ lạy xin phép mới được cắt. Xin phép là tôn ti trật tự, vì con cháu không được phép sờ lên đầu người bậc trên của mình.
Việc thực hiện những điều kiêng kỵ trong luật tục của dân tộc Giáy, tuy không thành văn bản, nhưng đã tồn tại từ lâu đời. Cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay, nhưng người Giáy vẫn tự giác tuân thủ và chấp hành tốt các Luật tục của cha ông. Đó là nét văn hóa độc đáo, riêng có của dân tộc Giáy cần được giữ gìn và bảo tồn.
LÒ VĂN CHIẾN