- Tuyên là một con người sống kín tiếng và có phần hơi điên. Mấy người hàng xóm nhận xét về anh như thế, vì sau bữa sáng ngoài quán trà đá của bà cụ ngồi đầu phố thì người ta lại thấy anh vùi đầu trong nhà với sách vở, văn thơ. Anh trầm tính, ít nói, ai nói gì anh cũng cười, một nụ cười nhàn nhạt, đôi mắt xa xăm như đang suy nghĩ chuyện gì đó khác. Chính bởi thế nên họ vẫn rì rầm: “Thằng này hâm lắm”; “Đôi khi nó cười nghềnh nghệch như thằng Sài Ngẫn”; “Chả hiểu nó đang nghĩ gì, thế mới là người sống thâm nho đấy”; “Văn với chương, nghèo kiết xác ra lại còn…”; “Băm mấy tuổi mà chả vợ con gì cả, khéo nó sắp đi tu rồi chúng mày ạ”…
– Ôi dào, các chú cứ khéo lo, rồi nó lấy vợ đẹp lại tinh khôn cho các chú xem.
Bà cụ bán nước chép miệng. Mọi tiếng cười im bặt. Tuyên đi vội vào quán nước, ánh mắt dáo dác.
– Này, mọi người biết tin gì chưa?
– Tin gì là tin gì. Mày cứ làm như chết người ấy. Thót cả tim.
– Thì chết người thật còn gì nữa. Dịch bệnh bùng phát trở lại rồi đấy, lần này biến chủng mới, lây lan nhanh, người mắc dễ trở nặng hơn đây này.
– Ôi dào, tưởng chuyện gì, điện thoại ngày nào chả có tin báo. Mày là người biết muộn nhất khu này đấy.
Tiếng cười lại rộ lên ha hả. Tuyên chưng hửng ra về, tiếng nói chuyện ầm ĩ xa dần, trong lòng anh lại dấy lên một nỗi bất an mơ hồ.
Và điều lo lắng của Tuyên đã thành thật. Một F0 đã xuất hiện trong thành phố, vô tình lây lan dịch bệnh với một biến chủng vô cùng nguy hiểm mà không hề hay biết cho tới khi đi khám bệnh. Cả thành phố lại gồng mình chống dịch, hạn chế các dịch vụ không thiết yếu. Đường phố vắng tanh vắng ngắt, giờ cao điểm cũng không còn lo tắc đường, hô hấp cùng bụi và khói xe nữa. Ai cũng nhẹ nhàng, rón rén kì lạ, gương mặt đậm những ưu tư về cuộc sống cho ngày mai sẽ thế nào. Tuyên đeo chiếc khẩu trang mới mua của hiệu thuốc đầu phố, lượn qua con phố quen thuộc, anh khẽ khàng mở ra, hít thở không khí trong lành. Mới có một ngày không ra đây mà sao nhớ thế, ở nhà bức bối không thở được. Lại được cả lũ cháu bậu xậu, thằng Vui thì suốt ngày tích với chả tốc, con Hạnh thì sướt mướt với phim ngôn tình của Hàn, nhiều khi nó cười đấy rồi lại khóc như đứa dở hơi. Chỉ có thằng Tâm thì còn hay nói chuyện với chú của nó, mà nó bận. Nó bận cũng phải thôi, sinh viên trường Y không chịu khó thì sau này ra đời dễ nó lại vô tình hại người như chơi…
– Anh kia, anh đang làm cái gì đấy…
Tiếng còi và cái giọng ồm ồm này đúng là của ông tổ trưởng dân phố rồi.
– Dạ, cháu… cháu…
– Cháu cái gì, anh đeo khẩu trang như thế này à? Anh có biết bao nhiêu người khổ sở vì những kẻ vô ý thức như anh không hả?
Một giọng đàn ông khàn đục khác vang lên. Lần đầu tiên, Tuyên nghe phải những lời chất vấn nặng nề, mặt anh đỏ lên như gấc. Cái sự tự ái trong anh lớn lắm chứ, hàng ngày anh ăn nói và làm việc gì cũng cẩn trọng.
– À, ra là Tuyên, thằng cháu tôi đây mà, chắc nó vô tình. Thôi, tha cho cháu nó một lần anh ạ.
Bác tổ trưởng nài nỉ người đồng sự. Anh này vẫn rất dứt khoát, khuôn mặt to bè, đỏ ửng, nhễ nhại mồ hôi vì nắng nóng:
– Tha là tha thế nào, ai cũng như thế này, dịch bùng phát mạnh hơn, ai là người gánh chịu hậu quả. Phải xử phạt hành chính thật nặng.
– Thôi lần đầu anh ạ, với lại cháu nó cũng đang đeo khẩu trang mà, bình thường nó sống cũng nguyên tắc lắm. Tuyên, đi về nhà ngay, không có việc gì không được ra đường nghe chưa, có tập thể dục thì ra ban công thôi, nhớ kỹ đấy.
Bác tổ trưởng dân phố vừa nài nỉ, vừa kéo người đồng sự trẻ tuổi đi, quay lại mắng khéo Tuyên vài câu. Tuyên kéo khẩu trang lên, ba chân bốn cẳng chạy về. Tới nhà, Tuyên tháo bỏ khẩu trang, lấy xà phòng lifebuoy rửa tay thật kỹ. Anh đi vào phòng, nằm vật ra giường, mắt ngân ngấn nước. Chính ra, thà là bác tổ trưởng dân phố cứ để cho anh công an viên trẻ tuổi kia xử phạt thì anh còn đỡ thấy hối hận như lúc này. Anh ấy nói đúng, nếu ai cũng vô ý thức như anh, dịch bệnh càng dễ lây lan và bùng phát mạnh. Lúc ấy thì không chỉ người mắc bệnh khổ, các y bác sỹ khổ, các cán bộ trực tiếp phòng chống dịch khổ, những người dân cũng sẽ khổ vì sự ảnh hưởng kinh tế sẽ kéo dài hơn nữa vì dịch bệnh. Và ai dám chắc thảm cảnh của Ấn Độ sẽ lặp lại nếu người dân cứ vô ý thức như thế. Tuyên vùi mặt vào gối, anh nghe lòng mình đau đớn quá, nhức nhối quá, còn hơn cả những lần anh vô tình nghe được những lời người bạn nhận xét về anh, trong khi trên facebook lúc nào hắn ta cũng tỏ vẻ đồng cảm và quan tâm anh như một người thân. Ảo thật. Tuyên tự nhủ mình.
– Ai, đứa nào vứt cái khẩu trang y tế đi đấy hả? Chúng mày có biết nó đáng giá bao nhiêu không mà lãng phí như thế. Còn mới tinh như thế này.
– Thôi bà ơi, khẩu trang này dùng được một lần thôi ạ, bỏ đi là phải rồi..
– Cái gì? Một lần thôi á? Mẹ nó, thế mà nó bán cho tao trăm ba cái hộp khẩu trang năm mươi cái. Đúng là giết người mà.
– Thôi, lỡ mua rồi mà. Lần sau đi ra ngoài mình dùng khẩu trang vải cũng được, nếu phải đến cơ sở khám bệnh và cảm thấy mình có dấu hiệu của bệnh cúm thì mới nên đeo khẩu trang y tế, bà của con ạ.
– Ừ, rồi. Bà sẽ nghe lời con. Ôi! thằng cháu quý tử của tôi, chả bù cho thằng chú vô tích sự của mày…
Tuyên đang hào hứng nghe ngóng cuộc hội thoại của hai bà cháu, chợt nghe mẹ nhắc tới mình, khiến anh chưng hửng. Có lẽ anh cũng thua kém thằng Tâm thật, nó học giỏi, quyết đoán. Không như anh, ra trường bao nhiêu năm vẫn không tìm được việc làm ổn định. Mà sao con bé ở hiệu thuốc nó bán khẩu trang giá cắt cổ như thế không biết. Bình thường Tuyên đi mua có năm mươi nghìn một hộp mà giờ nó bán gấp đôi, gấp ba. Cũng không thể trách nó, vừa nghe tới có thông tin về chỉ thị giãn cách thành phố, dân tình đã đổ xô đi tích trữ lương thực, thực phẩm và hàng hóa. Cầu vượt quá cung thì ắt giá cả sẽ leo thang dù muốn hay không. Chỉ trách là nhiều người lợi dụng để kiếm chác tí lợi nhuận trên mồ hôi nước mắt của đồng bào mình thôi. Tuyên nhắm mắt lại, thế giới này đáng sợ quá, anh cần những cơn mê, nó sẽ đưa anh tới thế giới khác, ngọt ngào và sạch sẽ hơn.
- Vừa về tới nhà, lão Mậm đã đóng sập cửa lại. Lão lần mò sột soạt mãi trong bóng tối. Cạch… cạch… tạch. Cả gian nhà sáng choang, khắp nhà bừa bộn những hàng hóa chưa kịp sắp xếp. Một thứ mùi tanh tanh, hôi hám tỏa ra khắp gian nhà. Bà Nụ đi vào với đôi dép lê loẹt quẹt khó chịu. Mặc kệ vợ với những túi to nhỏ nặng nề, lão Mậm vẫn ngồi ăn uống như không hay biết gì, mùi thịt thơm ngon hòa quyện với vị cay cay của rượu, đời còn gì thú hơn nữa.
– Ối chu choa làng ơi…
Bà Nụ bỏ được đống đồ xuống mà như gỡ bỏ được những khổ ải trầm luân của kiếp mình. Nhìn lão chồng vẫn điềm nhiên ăn uống, bà hậm hực:
– Dịch dã như thế này, người ta thì lo kiếm ăn từng đồng, cơ hội trời cho có một không hai phải tranh thủ từng giây từng phút, thế mà bố mày vẫn ngồi đây mà lai rai thịt chó mắm tôm. Giời ạ, xem có khổ cho cái thân tôi không cơ chứ?
– Mày có câm họng ngay không. Bố lại vả cho mấy cái bây giờ.
Cái âm cuối nghe nặng nề vì lão Mậm vừa nói vừa kịp nuốt chửng miếng dồi chó. Cay thật, lão còn chưa cảm nhận được cái dai mềm, lột sột của nó đã bị con mụ vợ hám tiền phá hỏng. Lão tức tối đưa đôi mắt vằn đỏ gườm gườm vợ. Bà Nụ định chửi lại như bản tính của người đàn bà đanh đá chạy chợ bao nhiêu năm nay. Bắt gặp khuôn mặt dữ tợn như muốn ăn tươi nuốt sống của chồng, bà im bặt. Nuốt cục tức xuống bụng, bà giả lả đem mớ rau con cá, chia lại cho nhỏ ra. Nghĩ đến khoản tiền sắp kiếm được từ việc bán chúng được giá gấp ba bốn, thậm chí nhiều lần, bà thấy lòng hồ hởi trở lại, tay bà làm việc nhanh thoăn thoắt.
Hiên vừa mới chợp mắt được một tý đã bị ánh sáng từ cái đèn huỳnh quang làm cho chói mắt. Nó hậm hực trùm cái vỏ chăn lên che đầu, trả lại bóng tối cho đôi mắt cả đêm qua phải thức với Hiên, lạch cạch bên máy tính với trò chơi điện tử đang hot. Nghe tiếng bố mẹ nói nhau qua lại, Hiên lẩm bẩm “ngủ một tý cũng không yên”. Hiên với tay lấy chiếc smartphone. Nó lại vào chơi bài trên mạng. Với nó, thà đắm chìm trong thế giới ảo còn hơn chứng kiến cuộc sống giả tạo giữa bố và mẹ nó mỗi ngày. Ông bố lúc nào cũng chải chuốt mướt mượt, vàng đeo đầy người, ăn mặc sang trọng như một người giàu có. Bà mẹ thì quần áo lôi thôi, lụng thụng, cứ chỗ nào, việc nào kiếm được tiền là làm, làm đến quên ăn quên ngủ, làm tới nỗi thân thể cũng già nua héo quắt. Từ lúc nó có nhận thức tới bây giờ, chưa bao giờ thấy bố mẹ nó ăn cơm cùng nhau, nhà nó chưa được một ngày sống đúng với cái nghĩa là một gia đình.
Rảnh rỗi thường hay nông nổi, sự buồn chán gia đình dẫn dắt Hiên vào con đường chơi bời lêu lổng. Cần thời gian chơi nhiều hơn học nên Hiên sớm lựa chọn nghỉ học ở nhà chơi. Bà mẹ thì bảo:
– Học ra cũng không xin được việc, thôi mày nghỉ sớm cho đỡ tốn tiền con ạ.
Ông bố thì gầm gừ:
– Đúng là con hư tại mẹ.
Hiên chả quan tâm lắm, tương lai là cái gì? Nó chỉ cần mẹ chu cấp cho những thú chơi của nó là đủ vui rồi. Điện thoại lại hiện lên tin nhắn của những kẻ cho vay tiền qua mạng. Bình thường Hiên sẽ xóa ngay, nhưng với thời điểm hiện tại, mối nợ đi chơi bài hôm nọ chưa trả được, nó cũng không dám xin mẹ, sợ ông già biết được sẽ làm ầm lên như lần trước, con Hạnh hàng xóm nghe được sẽ lại cười vào mặt nó thì nhục lắm.
– Ôi trời ơi, cô có nhầm không? Quả dứa bé tẹo mà ba mươi ngàn, thế còn mớ rau muống này ạ?
Hiên ghé mắt ra nhìn xuống bên dưới nhà, vừa nghĩ tới Tào Tháo là Tào Tháo tới liền.
– Năm mươi ngàn, không bớt. Cô mua hay không để tôi còn đóng cửa.
– À vâng, khoan đã, để cho cháu một mớ rau muống, hai quả chanh, với… quả dứa này.
– Cả gói muối kia nữa là một trăm hai.
Bà Nụ vừa nói vừa gói tất cả vào cái túi ni lông màu đỏ, nhanh tay lấy tiền. Hạnh vừa ra khỏi bà đẩy cửa xuống làm cái “rầm”.
– Hàng xóm láng giềng, dịch dã người ta đã bán rẻ cho còn không biết điều.
– Ơ con tưởng, “càng quen càng phải lèn cho đau” chứ mẹ.
– Cha bố mày, không thế thì có mà ăn cám à. Tiền đâu ra để cho mày ăn chơi bạt mạng.
Hiên ngồi dậy, vươn vai kêu nay trời sao mà nóng thế, đánh trống lảng khỏi câu nói đầy trách cứ từ mẹ. Cứ như thể mọi nỗi khổ và những việc tệ hại mà mẹ nó đã và đang làm đều tại nó cả.
- Một con cá mập nhảy lên cát nóng, nó giãy cái đuôi lên vài cái như kiểu đang khiêu vũ chào khán giả mấy vòng rồi mới nhảy xuống bể nước bên cạnh. Những con cá mập khác đều vui vẻ và hành động của chúng lại thành thục hơn nữa, đều đều và rất đẹp mắt. Bỗng nhiên, có một con cá mập màu xám xấu hoắc ở đâu nhảy ra, đầu nó có một cái bướu nhìn như cái búa đinh trông rất đáng sợ. Nó trợn trừng đôi mắt màu đỏ nhìn quanh, lũ cá mập khiêu vũ rúm ró dồn lại một góc bể. Nó há cái miệng rộng ngoác tới mang tai đầy những chiếc răng nhọn hoắt, lởm chởm lao về phía khán giả.
Bin bật dậy, run rẩy nhìn xung quanh. Toàn người lạ hoắc, mỗi người một chiếc giường. Giường ở đây có hai tầng, mỗi một chiếc giường chỉ có độc một cái chiếu và vừa đủ một người lớn nằm. Không giống giường ở nhà bà ngoại Bin, cả Bin, chị Hạnh, anh Vui nằm hết trên giường cũng không hết chỗ. Con cá mập màu xám trong giấc mơ làm Bin sợ lắm. Bin muốn khóc quá, nếu ở nhà Bin đã hét thật to, khóc lóc cho cả nhà chạy tới an ủi, cưng nựng Bin cho em đỡ sợ. Nhưng ở đây khác. Nếu Bin khóc, có phải Bin đã không ngoan và sẽ bị họ nhốt lại không?
Bin nhớ lại, hôm những người lạ với khẩu trang che mặt và ai cũng mặc bộ quần áo mưa màu xanh nhạt trùm kín từ đầu tới chân tới nhà mình với đôi mắt ráo hoảnh, khuôn mặt mệt mỏi, đầy những lo âu. Họ đưa cho chị em Bin hai bộ đồ giống hệt họ. Bin ngoan ngoãn chui vào bộ quần áo quá khổ. Chị Hạnh dặn dò Bin trong nước mắt rằng Bin phải ngoan, nghe lời mọi người trong đó, Bin dũng cảm lắm mà, Bin đi chơi vài ngày rồi mọi người sẽ đón em về nhà, chị Hạnh còn hứa sẽ mua một bộ sưu tập khủng long mới nhất cho Bin. Tiếp đó là khi Bin lê từng bước chân vướng víu, nặng nề ôm chiếc balo đầy những sữa và kẹo bánh lên chiếc ô tô màu xám với đèn báo động màu đỏ. Bin quay lại thấy chú Tuyên đang đỡ bà ngoại khóc nấc, Bin quay lại vẫy tay chào tạm biệt mọi người dẫu lúc ấy Bin thấy sợ và hoang mang lắm.
Bây giờ, ở đây một mình, giữa những người lớn xa lạ, Bin muốn quên những điều đã hứa với chị Hạnh. Bin sợ, Bin có một cảm giác lo lắng mơ hồ. Thời gian dài quá, vẫn chưa thấy bố mẹ và mọi người tới đón Bin. Có phải tại Bin hay tranh đồ chơi với các bạn, tại Bin hay khóc lóc ăn vạ chị Hạnh mỗi khi chị không cho Bin chơi điện thoại hay tại mấy hôm trước Bin đái dầm làm mẹ phải giặt hết một đống chăn đệm không nhỉ? Có phải vì Bin hư mà mọi người bỏ rơi Bin ở trong này, như một hình phạt mà chị Hạnh hay dọa khi em hư, rằng sẽ cho Bin đi ở với ông ba bị không? Bin chưa trông thấy ông ba bị bao giờ, em chỉ biết đó là thứ gì đó rất khủng khiếp và chuyên bắt những đứa trẻ còn non nớt như Bin. Bin muốn về nhà.
Lúc này Bin cần tìm một góc tủ nào đó, một không gian nhỏ để ẩn mình khỏi những người xa lạ, khỏi thực tại cô đơn và những thứ đáng sợ mơ hồ.
– Thằng bé con đâu rồi nhỉ?
Một anh thanh niên bỗng ngồi dậy sau khi nhận ra sự vắng mặt của Bin.
– Nó vừa ở đây mà.
Mọi người trong phòng cùng nháo nhác. Bin nghe rõ tiếng tim mình đập thình thịch, em đưa hai bàn tay nhỏ nhắn bịt chặt mồm để kiềm lại tiếng thét sợ hãi phát ra từ cổ họng.
– Ôi, chiến binh nhí, em chui vào gậm giường làm gì thế?
Đôi mắt Bin ầng ậc nước, xém tý nữa thì Bin đã khóc. Nhưng kìa, anh ấy gọi Bin là gì nhỉ? “Chiến binh nhí”. Wow. Chiến binh giống như siêu nhân nhện ấy nhỉ, luôn mạnh mẽ, dũng cảm và đem đến niềm tin và hạnh phúc cho mọi người. Chị Hạnh từng nói với Bin như thế. Thế thì Bin phải chứng tỏ mình là một chiến binh nhí siêu ngầu luôn ấy chứ. Mọi nỗi sợ trong Bin đã được an ủi phần nào khi các anh chui vào gậm giường, đưa Bin ra ngoài, khích lệ động viên em cùng chiến đấu với một con vi rút xấu xa giống như siêu nhân nhện chiến đấu với những kẻ thù độc ác để bảo vệ bình an cho mọi người, dù vẫn giữ một khoảng cách nhất định để không phải chạm vào người em.
Bin thiêm thiếp đi vào giấc ngủ an lành, thi thoảng các anh cùng phòng cách ly lại nghe thấy tiếng em cười khanh khách thích thú dù đôi mắt vẫn lim dim. Hẳn là thằng bé đáng yêu đang mơ thấy tương lai tươi đẹp hay là nó đã cảm thấy an toàn trong vòng tay yêu thương, gần gũi của những con người mà mới vài phút trước đó nó còn thấy xa lạ.
- “Hằng, phải mạnh mẽ lên nào”. Cô tự động viên mình. Biết là vậy mà sao nước mắt cứ muốn rơi ra thế này. Cô mệt mỏi và sức lực cạn kiệt khi lượng bệnh nhân mỗi ngày một tăng, cả cơ thể như muốn đổ sụp xuống bất cứ mặt phẳng nào, chỉ để chợp mắt trong giây phút nào đó thôi. Một chút thôi, nhưng lý trí không cho cô được nghỉ ngơi. Nếu trong giây phút nào đó cô lơi là, một bệnh nhân ngừng hô hấp, cô sẽ cảm thấy bất lực và đau lòng đến thế nào?
Hằng không thể để điều ấy xảy ra, nó là điều khủng khiếp với lương tâm nghề nghiệp của cô. Khi bệnh nhân đang chịu đựng những sự đau đớn bởi bệnh tật, niềm hi vọng duy nhất của họ bây giờ là các y, bác sỹ chứ không phải ai khác. Nếu một giây phút nào đó cô và đồng nghiệp gục ngã, thì cái mất không chỉ là tính mạng của một bệnh nhân, mà còn nhiều người khác sau cánh cửa phòng cấp cứu kia, khi mà con virus vô hình vẫn đang lang thang ngoài không khí và biến đổi mỗi ngày một nguy hiểm hơn. Cuộc chiến này không có tiếng súng, nhưng đầy thử thách, cam go và khốc liệt không kém gì chiến trường.
Có vài giây phút cô thấy yếu lòng khi chứng kiến một bệnh nhân trẻ khóc vì nhớ con. Cô gái ấy nói với cô rằng, cô ấy là mẹ đơn thân, cô ấy lo sợ vì nếu chẳng may cô ấy chết vì bệnh thì ai sẽ thay cô ấy chăm sóc con gái nhỏ ở nhà. Hằng cũng có con nhỏ, con bé vừa mới cai sữa. Trước khi đi, cô cũng mới chỉ kịp ôm con rồi vào viện thực hiện nhiệm vụ và cách ly với người thân. Thế nhưng Hằng vẫn kịp ghìm cảm xúc thương nhớ trong lòng mình xuống. Cô động viên bệnh nhân nên nghĩ tới điều tốt đẹp phía trước. Để chiến thắng được bệnh tật thì phải chiến thắng những suy nghĩ tiêu cực trước đã. Trên thực tế, đã có kỳ tích xảy ra trong việc chữa trị, nhờ năng lượng tích cực từ sự lạc quan của bệnh nhân. Những ngày sau đó, Hằng cũng yên tâm hơn vì không còn thấy sự ủ dột ở các bệnh nhân nữa, tinh thần họ đã phấn chấn trở lại, có người còn hát và nhảy vũ điệu “Ghen Co Vy” để động viên nhau nữa…
– Đổ nước lên mặt bạn ấy…
– Không được, có lẽ cậu ấy kiệt sức, mọi người hãy tản ra làm việc của mình, để lại một người ở lại chăm sóc cậu này. Hãy cố gắng, còn rất nhiều bệnh nhân đang chờ chúng ta.
Bác sĩ Nam dứt khoát. Hằng an ủi các thực tập sinh để họ yên tâm tiếp tục công việc. Họ là những sinh viên trường Y tình nguyện đi vào tâm dịch với trái tim đầy nhiệt huyết. Hằng nhìn thấy thanh xuân của cô trong họ. Tràn đầy năng lượng và sức sống, sẵn sàng hi sinh vì lý tưởng của bản thân. Cũng như cô ở hiện tại, khi bước vào công việc thì gác lại mọi thứ lo toan ngoài cổng viện, để tập trung sức lực và tinh thần vào việc cứu người. Các em còn trẻ, còn nhiều thời gian cho niềm vui cá nhân, nhưng các em sẵn sàng dành những thời gian nghe nhạc, đọc sách, xem phim ấy để khoác lên mình những bộ quần áo bảo hộ y tế, chịu đựng cái nóng bỏng khi ngoài trời nóng tới hơn bốn mươi độ, dầm mình trong những cơn mưa bão để đưa bệnh nhân tới cơ sở điều trị.
Nhìn hình ảnh cậu sinh viên với đôi mắt nhắm nghiền thâm quầng sau cặp kính cận, hai má gầy hóp lại, khuôn mặt nhợt nhạt mỏi mệt, nằm rũ xuống như một tàu lá, sống mũi Hằng chợt thấy cay cay. Trước khi quay lại với công việc, Hằng nói nhỏ với cậu bé mà như nói với chính mình: “Cố gắng lên!”.
- “Thành phố của chim sâu nằm lẫn trong một cánh đồng dâu tây trải dài…”. Tuyên ngừng lại rồi không chần chừ mà nhấn mạnh ngón tay vào phím del. Trí tưởng tượng giúp anh đi tới những miền đất mới lạ và quên đi những nỗi buồn dai dẳng ở thực tại. Thế nhưng điều kỳ lạ là Tuyên lại không hề thấy vui. Thằng Tâm đã đi vào tâm dịch. Nhìn bức ảnh nó cười rất tươi cùng bạn bè trước khi lên đường trên face book cá nhân mà Tuyên lại muốn khóc. Nó vẫn thường có những quyết định bất ngờ và khiến người khác phải xúc động như thế. Có lần Tuyên hỏi thì nó bảo cháu chỉ làm những điều trái tim mách bảo thôi. Thì ra trái tim của Tâm nhạy bén và rộng lớn hơn của Tuyên, vì trong lúc thằng cháu bận rộn cứu người thì Tuyên chỉ biết ngồi đây với công việc duy nhất là tưởng tượng.
Tuyên nhìn qua cửa sổ, những nụ xương rồng be bé đang nhú ra từ cái cây quanh năm gai góc tua tủa. Tuyên không hề thích xương rồng, đó là quà tặng từ một cô bạn cũ. Tuyên vứt lay lắt trên ban công, thi thoảng thằng Vui tưới cây lại rỏ cho nó ít nước, vậy mà nay nó ra hoa thật. Xương rồng đúng là loài cây có sức sống mãnh liệt. Tự nhiên, Tuyên thấy bức bối lạ thường. Cần có gì đó để giải tỏa, Tuyên nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, như một thói quen và anh chọn khỏa lấp cái dạ dày. Giờ này ăn một tô mì và nhâm nhi một cốc cà phê là tuyệt nhất.
– Chú dậy rồi à? Trưa nay chú chịu khó ăn cơm một mình nhé. Bà đi nấu cơm thiện nguyện cho người trong khu cách ly cùng với các phật tử trong chùa rồi.
– Thế còn mày, lại định đi đâu. Đang giãn cách, mày không thấy báo đài nói ra rả là không có việc gì cần thiết thì không nên ra đường à?
– Con đi có việc quan trọng thật mà chú.
Nói xong, nó vội vã đeo khẩu trang rồi ra khỏi nhà. Cái thằng này, lúc nào nó cũng hấp tấp như thế, không biết sau này nó có làm nên cơm cháo gì không. Nghĩ tới đây, Tuyên chợt nghĩ rằng trong mắt mẹ thì anh chắc cũng lông bông khác gì thằng Vui lúc này đâu. Tuyên bất giác mỉm cười. Đứa con dù có cộng thêm bao nhiêu tuổi thì trong mắt người mẹ nó vẫn là đứa trẻ dại khờ. Tuyên lấy hai gói mì, mở tủ lạnh lấy thêm trứng và… không còn cọng rau nào cả. Chắc mẹ đã mang hết đi để góp với nhà chùa. Rau mùa dịch mà hiếm và đắt hơn cả thịt. Làm thế nào bây giờ nhỉ? Ăn mì không thì nóng và xót ruột, anh không quen, mà ra ngoài đường thì nhỡ có người hỏi anh đi đâu, anh biết nói thế nào?
Kệ chứ, rau cũng là thực phẩm. Anh khoác áo, đeo khẩu trang chuẩn bị ra ngoài, trước khi đi anh còn cẩn thận kẹp nhiệt độ, khi thấy nhiệt kế hiện lên ba sáu độ tư anh mới yên tâm khép cửa. Đường phố vắng lặng, bình yên như những buổi trưa hè ở quê ngoại. Thi thoảng lắm mới có chiếc xe chạy qua. Ra khỏi bốn bức tường xi măng đúng là thoải mái thật. Mong rằng dịch bệnh sớm qua mau để cuộc sống trở lại bình thường. Anh vòng ra đầu phố, đến gần một sạp rau lớn có biển bằng mảnh bìa các tông đề hàng chữ nghuệch ngoạc lại còn sai chính tả tùm lum: “Lấy theo nếp, từ trên suống… Rau muống đột biến 5 tỷ 1 bó nay giảm giá 5000₫ 1 bó ai mua thì bán, ai sin thì cho. Lấy đủ dùng, không bới móc”.
Đang loay hoay lấy một bó rau muống, thì người đàn ông trung niên kê ghế ngả người cạnh sạp rau bỏ cái mũ lưỡi chai đang che sụp trên mặt xuống.
– Ôi, tưởng ai, ra là anh Tuyên con bà cụ Truy đấy à.
Thì ra là lão Mậm hàng xóm, hôm nay lão cởi trần mặc quần ngố thô chứ không chỉn chu như mọi ngày, hèn gì Tuyên không nhận ra. Thường ngày, có đi qua nhau cũng chỉ chào hỏi khách sáo, Tuyên loay hoay chưa biết nên trả lời lão Mậm như thế nào thì vừa lúc Hiên chở mẹ tới. Bình thường bà Nụ ngoa ngoắt, buôn bán cái gì giá cả cũng chặt chẽ lắm. Tuyên tò mò chờ xem bà ta định “xử” lão Mậm thế nào.
– Ông về nghỉ ngơi đi, để tôi với thằng Hiên trông cho.
Bà Nụ từ tốn. Lão Mậm gắt:
– Hai mẹ con mày về đi, chỉ ngồi chứ làm gì đâu mà nghỉ.
– Con đã bảo mẹ rồi, có gì đâu mà mẹ lo, bố khỏe như thanh niên ấy chứ.
– Bố anh, chỉ được cái mồm miệng đỡ chân tay.
Vừa chạy con xe máy với tiếng pô nổ lạch pạch, Hiên vừa nói với lại:
– Tối về sớm ăn cơm với mẹ con con nha bố.
Lão Mậm nở nụ cười, quay sang Tuyên.
– Coi thằng bé vậy mà nó sống tình cảm lắm chú ạ. À, thằng Vui mới vừa mua rau ở đây, nó đi xe máy chở đồ cùng bác tổ trưởng dân phố tặng quà cho người nghèo trong hẻm đó. Chú cũng đi cùng nó à?
Tuyên bất ngờ tới sửng sốt. Mọi chuyện không hề diễn ra như anh dự đoán. Dường như càng khó khăn con người ta lại càng xích lại gần nhau hơn. Dịch bệnh càng khốc liệt, càng gieo rắc những hoang mang, sợ hãi vô hình, thì trong cơn hoạn nạn ấy người ta càng đối xử với nhau nhẹ nhàng và đầy nghĩa tình hơn. Quan tâm đến những điều tưởng chừng như giản đơn mà bình thường vì cuộc sống bận rộn mà người ta lãng quên. Tuyên ậm ừ trả lời qua loa rồi rút tờ năm mươi ngàn đồng ra trả dù lão Mậm liên tục xua tay từ chối. Anh bảo coi như để anh đóng góp một chút cùng ông giúp đỡ những người khó khăn. Tuyên về tới nhà rồi mà vẫn nghe đâu đây tiếng nói của lão Mậm:
– Cùng nhau chiến thắng đại dịch nhé.
Hình ảnh cô bạn cũ tên Hằng, người đã tặng anh chậu xương rồng, trong bộ đồ bảo hộ màu trắng, trả lời phỏng vấn trên ti vi hôm qua lại hiện lên rõ ràng trong đầu Tuyên.
Tuyên đẩy mạnh cánh cửa sổ, từng làn gió nhẹ thoảng qua. Tuyên thấy như từng đợt cảm hứng đang ùa vào người. Ai đó từng nói văn thơ cũng là vũ khí sắc bén, nó giúp con người ta có động lực và tự tin để chiến đấu. Anh không thể thờ ơ với thời cuộc, anh sẽ cống hiến cho xã hội bằng tài năng của mình, Tuyên phải viết. Anh mở máy tính ra và bắt đầu gõ: Những ánh lửa hồng…
THÙY TIÊN