Mây sắp sửa lấy chồng, việc này khiến dân bản bàn tán xôn xao. Bếp lửa nhà nào cũng được nghe chuyện về Mây. Lý do dân bản bàn tán cũng bởi người Mây sẽ lấy là lão Khừm. Lão ấy già rồi, nhiều hơn Mây gần ba chục tuổi. Vợ lão ấy mất đã lâu, lấy vợ mới là quyền của lão. Nhưng tuổi lão hơn Mây nhiều quá. Ngay cả Tòng, con trai của lão cũng hơn tuổi Mây. Lão Khừm và Mây lấy nhau thì sẽ là chuyện lạ xưa nay chưa từng thấy. Có người tò mò hỏi Tòng: “Bố lấy vợ trẻ như thế mà mày không cản à?”. Tòng cười: “Trẻ khỏe thì càng tốt chứ sao, họ sẽ có nhiều sức giúp tôi chăm sóc bố lúc ốm đau già yếu”. Người đó lại hỏi khích: “Phải gọi một người ít tuổi hơn là mẹ mà mày không xấu hổ à?”. Tòng vẫn giữ nụ cười. “Chẳng việc gì phải xấu hổ. Nhưng gọi là mẹ thì cũng hơi ngại thật nên tôi sẽ gọi là dì. Như thế được chưa?”. Người hỏi chỉ còn biết nói: “Mày đúng là một đứa con hiếu thảo”.
Nhà lão Khừm giàu, có nhiều của cải lại lắm trâu nên dân bản mới nghĩ rằng Mây tham giàu lấy lão làm chồng. Những lời nói xấu nói tệ theo gió lọt vào tai Mây. Nhưng Mây vờ như không nghe thấy. Mặc kệ thôi, mọi người có sống hộ thay Mây được đâu. Số Mây khổ từ bé. Mới hai tuổi Mây đã mất mẹ. Đến khi Mây lớn, được bố kể lại cho nghe, một cơn lũ cụt đầu đã cuốn mẹ Mây đi. Thế là Mây mất mẹ mãi mãi. Dân bản quê Mây gọi lũ cụt đầu là “mả hô đổn”. Mây rất ám ảnh bởi ba tiếng ấy. Mỗi khi nghe ai nhắc tới ba tiếng “mả hô đổn” là tim Mây lại đập nhoi nhói. Mây thực sự rất sợ lũ cụt đầu. Bởi vì nó mà Mây mất mẹ.
Mãn tang vợ được chừng nửa năm thì bố của Mây tiếp tục nối sợi dây duyên. Mẹ kế của Mây là người tốt. Nhưng nghiệt ngã thay, Mây chưa kịp có thêm em thì bố Mây bị mất trong vụ tai nạn lên rừng chặt gỗ. Mộ của chồng được đặt nằm bên cạnh mộ vợ. Hai người họ sum họp trên Mường Trời, bỏ lại Mây lạc lõng chốn trần gian. May mắn thay, Mây được mẹ kế thương và chăm như con đẻ.
Còn trẻ nên mẹ kế của Mây lấy chồng mới. Người đó cũng cảnh góa bụa nuôi con gái nhỏ. Kể từ đấy Mây có bố dượng và em gái. Rồi mẹ kế và bố dượng của Mây sinh thêm con trai. Vậy là Mây có tới hai đứa em. Có điều, hai đứa em đó với Mây không hề chung dòng máu mủ.
Chuyện của Mây là thế đấy. Nay, mẹ kế và bố dượng đều không muốn Mây lấy lão Khừm. Họ không sợ người ngoài cười. Họ chỉ sợ Mây lấy chồng già sẽ khổ. Họ thực sự vì thương Mây nên mới không bằng lòng. Nhưng Mây đã chọn rồi. Kệ cho dân bản chê cười, mặc cho bố dượng mẹ kế phản đối, Mây vẫn sẽ lấy lão Khừm làm chồng.
Tại sao Mây lại chấp nhận lấy lão Khừm? Nguyên do thế nào chỉ tự mình Mây biết. À mà không, còn cả lão Khừm biết nữa chứ. Mây cho rằng mọi chuyện là do định mệnh sắp đặt. Nếu không phải vậy thì tại sao hôm ấy người gặp Mây ngồi khóc bên bờ vực đá lại là lão Khừm chứ không phải ai khác. Phải buồn tủi ra ngồi khóc tức tưởi bên vực đá cũng bởi Mây dại khờ, yêu lầm phải kẻ bội tình. Kẻ ấy đến với Mây đem theo những lời ngọt tựa như miếng dưa hấu giữa cơn khát. Đang tuổi yêu đương, nghe những lời ngọt rót tai ai mà không rạo rực cơ chứ. Và Mây đã khờ dại trao thân cho kẻ ấy. Mây tin rằng kẻ ấy sẽ ở bên Mây cho tới tận lúc già, da héo tóc rụng. Thế rồi Mây có thai. Mây vui mừng nói cho kẻ ấy biết. Cái miệng hắn ta tưởng chỉ biết nói lời ngọt đã nhiếc rủa Mây chẳng tiếc lời. Hắn ta nói Mây ngu dại thì tự chịu, hắn ta sẽ chẳng đời nào lấy thứ gái lẳng lơ như Mây làm vợ. Lời nhiếc rủa của hắn khiến Mây như cây khô chết đứng. Hóa ra những lời ngọt của hắn ta từng nói vào tai Mây chỉ là lời gió, lời nước bọt không đáng tin. Mây quá thất vọng, tìm đến chỗ vực đá ngồi khóc cho tủi buồn trôi ra theo nước mắt. Đúng lúc ấy lão Khừm vô tình đi qua. Lão đang lên đồi lùa trâu về chuồng. Thấy Mây thổn thức khóc bên bờ vực đá, lão tưởng Mây định gieo mình xuống đấy. Lão hốt hoảng, vội nhào tới kéo Mây ra xa khỏi mép vực. Rồi lão mắng Mây: “Mày định chết à? Sao ngu thế?”. Mây càng khóc tức tưởi. Kẻ bội tình chửi Mây ngu. Nay lão Khừm cũng chửi Mây ngu. Đúng là Mây ngu thật. Nhưng Mây không nghĩ tới cái chết đâu. Mây ra đây chỉ để ngồi khóc cho vơi tủi nhục uất ức mà thôi. Mây cần phải sống chứ, sống thật tốt để cho kẻ bội tình phải cảm thấy hổ thẹn. Lão Khừm bảo: “Có chuyện gì mày kể tao nghe xem”. Mây vẫn sụt sùi khóc, chẳng nói gì. Lão Khừm bực. “Thôi mặc kệ mày, tao tiếp tục đi lùa trâu đây”. Nhưng vừa đi được khoảng chục bước thì lão dừng chân. Lão không yên tâm về Mây. Nhỡ nó ngu thật, nhảy xuống dưới vực đá tan xác thì sao? Lão liền quay lại, khẽ khàng ngồi xuống bên Mây. Lão bảo: “Có chuyện gì mày kể tao nghe, biết đâu tao giúp được”. Mây dừng tiếng khóc, đưa mắt dè dặt nhìn lão Khừm. Khuôn mặt của lão ấy nom phúc hậu. Lão ấy thật đáng tin để biết chuyện của Mây. Kể hết mọi chuyện ra sẽ giúp Mây nhẹ lòng.
Vậy là Mây kể mọi chuyện trong tiếng nấc sụt sùi .
Lão Khừm chăm chú nghe từng lời Mây kể. Nghe xong lão bảo: “Bây giờ tao sẽ đưa mày về nhà. Để mình mày ở đây tao không yên tâm”. Mây vẫn ngồi lặng tại chỗ. Lão Khừm cao giọng giục: “Đứng dậy mau lên! Đưa mày về xong rồi tao còn phải đi lùa trâu, nhanh kẻo tối”. Mây đứng dậy, cun cút bước theo sau lão Khừm trở về nhà. Lão đưa Mây đến tận cổng rồi mới quay lại tiếp tục leo đồi lùa trâu. Trước khi đi lão không quên dặn: “Mày đừng có nghĩ tới điều ngu dại, làm người dù sống khổ cũng tốt hơn là làm ma”. Mây không nói gì, cứ thế lầm lũi leo cầu thang lên nhà.
Chuyện giữa lão Khừm và Mây tưởng chỉ đến đây là dứt, nào ngờ, ngay hôm sau lão Khừm tìm gặp riêng Mây, rồi tần ngần nói: “Nếu không ngại thì Mây hãy làm vợ tôi”. Mây mở to đôi mắt nhìn lão Khừm. Lão lúng túng. “Mây không bằng lòng thì thôi”. Rồi lão định bỏ đi. Nhưng bàn chân của lão chưa kịp nhấc bước thì Mây lên tiếng. Mây hỏi: “Nếu tôi bằng lòng lấy lão thì lão có đồng ý giúp bố mẹ tôi dựng một ngôi nhà sàn mới không?”. Lão ớ người ra giây lát rồi lắp bắp: “Có… có chứ”. Mây liền nói rành rọt: “Vậy tôi sẽ chấp nhận lấy lão làm chồng”. Lão Khửm hỏi lại: “Chắc chắn chứ?”. Mây đáp: “Tôi sẽ không nói hai lời”.
Mấy ngày sau thì lão Khừm nhờ ông mối cùng đến nhà Mây thưa chuyện. Họ gặp bố dượng, mẹ kế của Mây. Ông mối nói xa rồi nói gần rằng lão Khừm muốn được làm rể nhà này. Dây trầu cũng đã đồng ý quấn thân cây cau. Chỉ mong được người lớn của nhà này chấp thuận.
Nét mặt bố mẹ Mây tối sầm khi nghe những lời ông mối nói. Họ thay nhau thẳng thừng từ chối. Làm sao họ có thể gả con gái cho một lão già được. Con rể còn nhiều tuổi hơn bố mẹ vợ, thật trái đạo lý. Cái Mây mà lấy chồng già thì đời nó sẽ khổ. Họ đuổi lão Khừm: “Về đi! Lần sau tới chơi thì được, nếu còn định nói tới chuyện này nữa thì đừng bước lên nhà”.
Bị đuổi, lão Khừm cùng ông mối đành muối mặt, tiu nghỉu ra về.
Sau cuộc nói chuyện không thành, lão Khừm lại tìm gặp Mây. Lần này lão bảo: “Người lớn trong nhà không muốn gả Mây cho tôi thì thôi. Nhưng nếu Mây cần gì thì tôi vẫn giúp”. Mây hỏi: “Lão còn muốn lấy tôi không?”. Lão gật đầu. Mây liền bảo: “Vậy tôi sẽ có cách”.
Mây về nhà liền nói với bố dượng, mẹ kế: “Trong con nay đang có giọt máu của lão Khừm. Con phải lấy lão ấy. Xin bố mẹ hãy cho con một lần bất hiếu làm trái lời”. Bố mẹ Mây cùng thảng thốt. Cái Mây dại quá! Nhưng biết làm sao bây giờ? Họ chỉ còn biết ngậm đắng nuốt chát, chấp thuận gả Mây cho lão Khừm.
Để rồi bây giờ, chuyện Mây lấy lão Khừm khiến cả bản bàn tán xôn xao, chủ yếu là những lời nói xấu, ít lời hay. Nhưng, Mây sẽ để những lời nói xấu đó bay trượt phía ngoài tai. Mây sẽ tự lo lấy cuộc đời mình.
Ngày cưới tới gần.
Lão Khừm cùng Mây bàn chuyện làm đám cưới. Lão Khừm thì muốn mổ trâu làm cỗ mời đông người, nhưng Mây bảo, chỉ cần chục mâm mời họ hàng là đủ rồi. Lão Khừm gật đầu nghe theo. Lão biết Mây sợ dân bản cười chê. Chồng già lấy vợ trẻ, làm đám cưới thật to chắc gì đã vui.
Hôm đám cưới, bố mẹ Mây chỉ đến dự một lúc rồi về. Đưa quà họ cũng không cầm. Lão Khừm biết là trong lòng họ còn giận chưa vui. Nhưng lão tin, sau này họ sẽ hiểu là lão chỉ muốn làm điều tốt cho Mây.
Sau đám cưới, lão Khừm giữ đúng lời hứa với Mây. Lão bỏ tiền ra dựng ngôi nhà sàn mới cho bố mẹ vợ. Mây thầm mừng. Vậy là Mây đã trả được một phần ơn nuôi dưỡng cho bố dượng, mẹ kế. Họ không còn phải lo làm nhà nữa. Tiền bố dượng, mẹ kế kiếm được sẽ để dành nuôi hai đứa em của Mây ăn học. Mây mong chúng gắng học thật giỏi. Bạc đổ đầy sàn không bằng có con chữ trong bụng. Việc học hành quan trọng lắm.
Vậy là Mây chính thức thành vợ lão Khừm.
Từ khi có Mây đến ở, nhà lão Khừm được dọn dẹp gọn gàng hẳn lên, không còn bừa bộn nữa. Tòng rất quý dì Mây. Nhờ có dì ấy mà trong ngôi nhà này có thêm tiếng cười và những bữa cơm ngon. Hai bố con Tòng đều vụng nấu nướng nên kể từ khi mẹ Tòng mất, bữa cơm của hai bố con thường nguội ngắt, món ăn lúc mặn muối lúc nhạt. Nay, nhờ dì Mây mà bữa nào hai bố con Tòng cũng được ăn cơm dẻo canh nóng.
Mây sắp tới kỳ sinh. Lão Khừm mua thật nhiều thứ tẩm bổ cho Mây.
Rồi Mây chuyển dạ. Nữ y tá bản đến tận nhà giúp Mây sinh nở. Oa oa. Mây sinh con trai. Lão Khừm rất vui. Lão nói với Tòng: “Con làm anh thì phải biết thương em”. Tòng gật đầu. “Vâng, con biết mà”.
Mấy ngày sau. Lão Khừm bảo Mây đặt tên cho con. Mây liền nói: “Lão hãy tìm tên cho nó”. Lão Khừm ngẫm nghĩ một lát rồi bảo: “Vậy đặt tên nó là Xanh có được không? Xanh tức là ngọc ấy mà”. Mây chớp chớp mắt. “Cái tên ấy thật hay! Lão khéo chọn quá!”. Rồi Mây nựng con: “Xanh ơi! Con đúng là viên ngọc quý của mẹ”.
Thấm thoắt thằng Xanh đã lên ba. Có người rỗi việc trêu lão Khừm: “Vợ còn trẻ thì phải đẻ thêm nữa chứ nhỉ”. Lão Khừm thản nhiên đáp: “Ừ, có lẽ vợ chồng tôi nên đẻ thêm vài đứa nữa”. Rồi lão cười khà khà.
Nái trong đàn trâu của nhà lão Khừm lại đẻ thêm một nghé. Tự tay lão mổ gà mừng nghé mới. Thằng Xanh được gặm còng gà cười tít mắt. Và, đàn trâu của lão Khừm còn ba nái nữa cũng sắp đẻ. Mọi chuyện đang thật tốt đẹp thì lão Khừm lăn ra ốm. Tòng và Mây lập tức đưa lão đi viện. Cần phải có người coi nhà, quản đàn trâu nên Tòng bảo Mây: “Dì ở bệnh viện chăm sóc bố. Việc nhà con sẽ lo. Và dì cứ để em Xanh ở nhà cho con trông”. Mây ngần ngừ: “Dì sợ thằng Xanh nó quấy con không làm được việc”. Tòng nói: “Dì đừng lo, thằng Xanh ngoan lắm, con trông được”.
Lão Khừm nằm điều trị mười ngày thì được ra viện.
Con đường về bản nay đã được mở rộng. Mây thuê xe tắc xi chở lão Khừm về nhà. Căn nhà sàn quen thuộc của lão đây rồi. Sau trận ốm đôi chân của lão bước vẫn còn run. Tòng vội chạy xuống dìu lão Khừm leo cầu thang lên nhà. Thằng Xanh reo ầm lên khi thấy lão Khừm về. Nó nhao tới ôm lấy chân lão Khừm. Mây nhắc nó: “Bố đang mệt, con đừng có nghịch”. Lão Khừm cười hiền lành: “Kệ nó thôi, tôi cũng nhớ nó lắm”. Thằng Xanh càng được thể ôm chân lão Khừm chẳng chịu buông. Những ngày qua nó rất nhớ lão Khừm. Lão ngồi thụp xuống ôm siết lấy nó. Ôi dô, cặp mắt của nó nhìn linh lợi chưa kìa. Nửa tháng rồi nay lão mới được ôm nó vào lòng. Lão siết lấy như sợ nó biến mất. Cũng giống như thằng Tòng, thằng Xanh sẽ mãi là đứa con yêu của lão. Có một bí mật được giữ kín tận bây giờ không ai biết. Trừ vợ cũ của lão ra. Nhưng vợ cũ của lão thì đang ở cõi Mường Tiên rồi. Bí mật đó như đáy vực nước sâu không ai chạm tới được. Thằng Tòng chỉ là con nuôi chứ không phải con đẻ của lão. Bản thân lão không thể có con. Cũng như bao trai bản khác, lão hò hẹn yêu đương rồi lấy vợ. Các đôi khác cưới nhau chưa tròn năm thì có con. Nhưng vợ lão thì mãi chẳng thấy chửa. Bố mẹ lão sốt ruột mong mỏi có cháu nội. Họ buồn ra mặt. Vợ chồng lão rất khổ tâm vì chuyện không con. Cứ thế dai dẳng gần chục năm. Rồi vợ chồng lão đưa nhau xuống tận Hà Nội để khám chữa. Nhờ vậy mới biết lý do không thể có con là tại chồng chứ không phải tại vợ. Lòng lão tái tê ngậm ngùi cay đắng. Ôi nghiệt ngã quá, số phận lão chẳng thể có con.
Sợ bố mẹ thêm buồn nên lão đã giấu kín chuyện đó không cho họ biết. Rồi lão khuyên vợ nên đi lấy chồng khác. Vợ lão lắc đầu, bảo rằng cả đời này chỉ làm vợ lão thôi. Rồi sau đấy vợ lão rụt rè nói với chồng: “Hay là chúng ta nhận con nuôi?”. Lão ngẫm kỹ điều vợ nói. Ừ đúng rồi, vợ chồng lão sẽ nhận một đứa con nuôi, nhưng nên làm thế nào để mọi người tưởng đó là con đẻ của vợ chồng lão. Và lão bàn bạc với vợ. Vợ lão sẽ giả vờ có thai, rồi sau đó kín đáo xin con nuôi không để ai biết, kể cả bố mẹ. Vợ lão gật đầu nghe theo lời chồng. Tính toán của vợ chồng lão lập tức được thực hiện. Vợ lão báo tin cho bố mẹ chồng biết mình đã mang thai. Cả hai người họ cùng mừng rỡ, giục nhau nuôi thêm mấy đàn gà để bồi dưỡng cho con dâu.
Vợ mang thai giả được 8 tháng thì lão tìm được chỗ xin con, là một bé trai. Vợ chồng lão liền cùng nhau đi đón con nuôi. Lão nói lý do với bố mẹ là đưa vợ đi khám thai. Khi trở về, vợ chồng lão bồng theo đứa con nhỏ oe oe khóc. Bố mẹ lão vừa vui mừng vừa ngạc nhiên. Chưa tới ngày mà đã sinh? Lão giải thích. “Vợ con bất ngờ sinh non”. Vợ lão không có sữa cho con bú. Đứa bé được nuôi bằng sữa ngoài. Mẹ lão hỏi tại sao thế? Lão lại phải giải thích. “Vì vợ con sinh non nên không có sữa”. Mẹ lão lập tức bảo người nhà mổ lợn, rồi tự tay hì hục ướp ướp, sấy sấy. Món thịt lợn sấy đem ninh với búp vả, sản phụ ăn vào sẽ có nhiều sữa. Nhưng, số thịt lợn sấy hết rồi mà bầu vú của vợ lão vẫn không có một giọt sữa nào về. Tuy vậy, mẹ lão cũng không phải thất vọng nhiều. Bởi, dù chỉ được nuôi bằng sữa ngoài nhưng đứa bé rất khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, bụ bẫm kháu khỉnh.
Đứa bé ngày ấy chính là Tòng bây giờ.
Cho đến nay, mọi bí mật của lão Khừm vẫn được giữ kín bưng tựa đáy hang sâu. Thằng Tòng vẫn đinh ninh nó là con đẻ của lão. Và nó nghĩ thằng Xanh thực sự là đứa em cùng bố khác mẹ với nó. Thằng Tòng là đứa con ngoan hiểu lý lẽ. Lão tin rằng, nếu nó biết lão chỉ là bố nuôi thì cũng sẽ không bao giờ rời xa lão. Nhưng để lộ bí mật làm gì chứ? Bình yên vui vẻ thế này chẳng tốt lắm sao? Hãy cứ để thằng Tòng tin rằng lão là bố đẻ của nó. Nó là đứa giỏi nhiều thứ, có mỗi việc lấy vợ là chần chừ, lần nào bị giục nó cũng cười khì khì bảo từ từ đã. Rồi còn Mây nữa. Lão biết tình cảm Mây dành cho lão không phải là yêu, chỉ là nghĩa. Tuổi Mây còn trẻ lắm. Nếu như có một ngày nào đó Mây muốn rời bỏ lão thì sao? Lão làm gì có quyền giữ Mây lại. Lão sẽ để Mây đi. Có điều, lão mong Mây hãy cùng lão giữ kín mọi chuyện để thằng Tòng và thằng Xanh mãi coi nhau là ruột thịt.
Trời ngả cuối chiều. Trong bản đã lác đác có vài nóc nhà dâng khói bếp. Nhìn những làn khói đẹp tựa những dải lụa màu lam đang bay.
Tòng đội mũ, xỏ giầy vải, leo đồi lùa đàn trâu về chuồng.
Bé Xanh quấn quít chơi đùa bên lão Khừm.
Còn Mây thì lục tục chuẩn bị nấu bữa cơm tối. Mây nổi lửa rồi đi lấy rêu khô ra ngâm nước cho mềm lại để nấu canh. Lão Khừm rất thích ăn món canh rêu nấu với bột. Trong những ngày nằm viện, lão thường xuyên nhắc tới món này, nói là thèm ăn. Nay về nhà rồi, rêu khô lúc nào cũng cất sẵn trên gác bếp, khó gì đâu, tối nay Mây sẽ nấu món canh rêu thật ngon để mừng lão Khừm ra viện.
HÀ PHONG