Người Mảng ở Lai Châu trong một năm có những lễ têt cụ thể như sau: Tết Nguyên đán, tết rằm tháng giêng và tết ăn lúa mới. Đây là những lễ tết có ý nghĩa và quan trọng nhất trong đời sống của người Mảng.
Tết Nguyên Đán “Xá chương tụ”
Theo tiếng Mảng thì “Xá” có nghĩa là ăn, “chương” có nghĩa là tết và “tụ” có nghĩa là “to”. Dịch đúng nghĩa là “Ăn tết to”, đây là tết lớn nhất trong năm của người Mảng. Do đó để chuẩn bị cho Tết, nhà nhà, người người đã rậm rịch chuẩn bị tết từ tháng 12 (tức tháng chạp) âm lịch. Thực ra những tháng trước đó họ cũng đã chuẩn bị các thứ như củi đóm, lợn, gà, lương thực, sửa sang lại nhà cửa… Con cái thì thì tích cực hơn trong việc thêu thùa may vá, làm trang phục mới đẹp nhất… Song thực sự bận rộn và tấp nập nhất vào quãng thời gian từ 26 tháng chạp đến ngày 30 tháng 1 âm lịch. Theo lịch của người Mảng thì thời gian diễn ra tết Nguyên đán từ ngày 30 tháng 1 âm lịch và kéo dài đến hết ngày mồng 5 hoặc mồng 6 tết tùy theo từng gia đình. Gia đình có lợn to nhiều rượu sẽ tổ chức ăn tết nhiều ngày. Buổi tối ngày 30 tết mỗi gia đình sẽ tiến hành mổ một con gà làm thịt nấu chín bày mâm mời anh em đến ăn tết. Không hề có hoạt động cúng bái tổ tiên hay cúng ma gì.
Phu nu Mang đảm đang trong ngay Lễ tết. ảnh: Ngọc Tháng
Khác với các dân tộc khác, nếu những dân tộc khác mổ lợn trước ngày tết một vài ngày thì người Mảng mổ lợn ăn tết vào chính ngày mồng 1 tết đầu năm mới. Khi đó, các gia đình sẽ tiến hành mổ lợn, có thể mổ buổi sáng hay buổi chiều tùy thuộc vào từng gia đình. Nếu gia đình có đông thành viên phải mổ lợn to, gia đình không có điều kiện thì mổ lợn nhỏ. Thịt lợn mổ thường chế biến món tiết canh, thịt lợn luộc, gỏi, xào, xương nấu canh…
– Thịt lợn luộc “Chỉ giuộng xe mậm”:
Cách chế biến món thịt luộc của người Mảng đơn giản, thịt được pha thành miếng nhỏ thành miếng rồi cho vào nồi luộc, đun từ 20-25 phút là thịt chín, vớt ra thái nhỏ thành miếng rồi chấm với muối ớt hoặc ăn với cơm, món này có thể dùng để nhắm rượu.
– Thịt lợn gỏi “chi pờ xá”:
Nguyên liệu: Thịt lợn nạc thăn, quả me, lá chua chát, muối, mỳ chính, lá chanh, hành củ, hạt tiêu, củ tỏi. Cách chế biến: Miếng thịt thăn để nguyên rồi lấy nước sôi nhúng thịt thăn vào đó rồi vớt ra để ráo nước, đặt lên thớt gỗ dùng dao thái mỏng. Đem những miếng thịt thái mỏng đó trộn lẫn với gia vị lá chua chát, hạt tiêu, muối, mì chính, hành, tỏi trộn cho đều rồi để khoảng 25-30 phút cho thịt và gia vị ngấm. Món gỏi thường chỉ làm cho người lớn ăn, gỏi dùng để làm đồ nhắm rượu, tác dụng giúp dễ tiêu hóa được nam giời và người già ưa thích.
– Món tiết canh lợn “ham mậm”:
Mổ lợn không thể thiếu món tiết canh này, tuy nhiên ở mỗi dân tộc lại có cách chế biến và ăn uống cũng khác nhau. Dù ngày thường hay ngày tết, khi mổ lợn món tiết canh là món khoái khẩu của nhiều người, trong mâm cổ ăn ngày tết món tiết canh được làm ngon và hấp dẫn. Cách hãm tiết: Chuẩn bị lấy tiết lợn thì lấy một cái nồi lớn rửa sạch cho vào dúm muối để hãm tiết không bị đông. Lượng muối không mặn quá với số tiết hãm. Khi lấy tiết chỉ lấy tiết đỏ tươi, không lấy tiết đen nữa, khuấy đều tiết trong nồi. Chế biến tiết canh: lọc lấy xương sống, ức, sườn, xương cổ con lợn băm nhỏ, hạt tiêu rừng (pluc pchuộc) hoặc thảo quả nướng chín giã nhỏ, rau thơm mùi tàu (lá hom lạo), lá chanh thái nhỏ. Bắc chảo lên bếp rang xương băm nhỏ, đảo đều cho chín khi nước cạn thơm và giòn, rắc hạt tiêu, thảo quả vào đun cho chín, bắc ra rắc mùi tầu lá chanh thái nhỏ vào trộn đều, xúc ra bát để nguội.
Lấy bát nước sôi để nguội hoà vào tiết theo công thức một bát tiết thì hoà thêm một nửa bát nước sôi. Cho mỳ chính hoà đều rồi đổ vào bát nhân xương băm. 15 phút sau tiết canh đông chặt thái gan mỏng phủ lên trên.
Ngôi nhà của người Mảng
Cách ăn: Người Mảng để bát tiết canh ở giữa mâm, mọi người ăn thì dùng thìa xúc. Món tiết canh thường là người lớn và người già ăn vi họ có uống rượu giúp dễ tiêu hoá. Trẻ con không ăn vì là món sống, rất khó tiêu hoá. Tiết canh là món ngon và quý lại rất bổ dưỡng vì tính mát, các gia vị như hạt tiêu rừng vừa nóng vừa thơm, cay, uống với rượu rất hợp.
Trong ngày tết một loại bánh không thể thiếu của người Mảng là bánh dày, bánh được làm từ gạo nếp. Gạo nếp nương ngâm nước cho thật mềm rồi đem đồ chín kỹ đổ ra cối. Người ta dùng chày giã bằng tay, giã liên tục khi cơm xôi còn nóng. Khi cơm nhuyễn bắt đầu dính chày, thỉnh thoảng họ lại rắc vừng hạt rang chín vào cối để chống dính. Khi thấy cối bột dẻo nhuyễn, nhấc chày lên cũng kéo dài bánh lên theo là được. Cối bột được nhấc ra mẹt có trải lớp lá chuối đã hơ chí qua lửa. Người Mảng dùng chút mỡ xoa vào lòng bàn tay, bắt từng nắm tròn, mỗi chiếc bánh dầy bằng miệng chiếc bát nhỏ để ăn cơm. Bánh dày có thể ăn ngay lúc nóng hoặc để lâu cho bánh rắn lại, người ta đem nương trên than lửa cho phồng lên, bánh nóng, dẻo và thơm như cũ. Bánh dày để ăn được lâu, có thể ăn cả tháng. Ngày tết người Mảng thường làm nhiều bánh để ăn, để làm quà biếu cha mẹ, họ hàng ngày tết.
Có một điều đặc biệt trong ngày tết của người Mảng là không có hoạt động tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên như nhiều dân tộc khác, mà thay vào đó ngày tết là ngày ăn uống sum họp của con cháu anh em trong gia đình, dòng họ. Sau khi chế biến các món ăn từ thịt lợn thì mời anh em vào mâm ăn uống, mâm của nam riêng, của nữ riêng, tất cả các mâm đều có rượu cần và rượu nấu để uống. Vò rượu cần là loại rượu truyền thống không thể thiếu trong ngày tết, tiếp khách quý…Trong những ngày tết anh em con cháu ở xa về thăm chúc tết bố mẹ, anh em và không quên sang thăm và ăn uống tại nhà hàng xóm. Nhà nào cũng mổ lợn, không khí ngày tết thật vui, cứ lần lượt ăn uống từ nhà này sang nhà khác, từ làng này sang làng khác…Mọi người ngồi quanh mâm, bên cạnh mâm có đặt 1-2 vò rượu cần để mời khách, bao giờ chủ nhà cũng là người chuẩn bị nước, cần uống để mời khách uống 3 hoặc 5 khau (sừng trâu rót nước tiếp vào vò rượu để 2-3 người cùng thi nhau hút rượu). Trước khi uống chủ nhà chúc các vị khách ăn uống vui vẻ, mọi người cùng chúc nhau sang năm mới làm ăn phát đạt, mạnh khỏe, trường thọ, nuôi lợn gà đều nhanh lớn, đi đâu cũng gặp may mắn… Khi chúc, người nói lời chúc chắp 2 bàn tay vào nhau thể hiện sự kính trọng. Cứ như thế lần lượt mọi người ai cũng chúc những người có mặt trong mâm cơm. Cuộc vui bên vò rượu cần cứ kéo dài tiếp diễn đến đêm, khi rượu đã ngà ngà người Mảng tổ chức múa xòe ngay tại gia đình hoặc họ có thể chuyển sang một gia đình khác có sàn nhà rộng hơn, tất cả những thành viên trong mâm rượu cùng vào vòng xòe, khi cuộc vui đang diễn ra với những âm thanh náo nhiệt thì những người dân trong bản cùng kéo nhau để cổ vũ và cùng thao ra vào hoạt động múa xòe. Mọi người cùng nhau múa, cùng nhau hát vui vẻ náo nhiệt. Trong khi nhảy, múa xòe những chàng trai cô gái nào có cảm tình với nhau sẽ ra hiệu cho nhau rồi tách khỏi đám đông múa xòe, tìm đến những chỗ kín đáo để thăm hỏi, tâm sự, có rất nhiều đôi sau ngày lễ tết, sau các cuộc múa xòe đã nên duyên chồng vợ, xây dựng gia đình hạnh phúc bên nhau. Đó cũng là một nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của dân tộc Mảng.
Trong những ngày tết từ mồng 1 đến hết ngày 5,6 các hoạt động vui mừng chào đón năm mới thể hiện tình cảm mời nhau đến ăn uống, cùng vui hội múa xòe, hát giao duyên đối đáp, ngày nào cũng vậy, đêm nào cũng thế những ngày tết này từ người trẻ cho đến các cụ già ai nấy đều vui tươi phấn khởi, ai cũng diện bộ trang phục mới và đẹp nhất gặp nhau bên mâm rượu cũng đều chúc nhau những lời tốt đẹp, tình người nhất.
Tết Rằm tháng giêng “Xá chương mể dị hẳn” vào ngày 15/1 (âm lịch)
Người Mảng gọi đây là tết nhỏ, người Mảng ăn tết nhỏ xong sẽ bắt tay vào một mùa vụ sản xuất mới, với mục đích cầu cho mùa vụ năm mới làm ăn được tốt hơn năm cũ. Tết này, người ta ăn những phần xương của con lợn mổ hôm tết nguyên đán.
Theo quan niệm của người Mảng, họ gọi tết này là tết sum họp hay còn gọi là “tết nhỏ” (chương hạ). Vào ngày này các thành viên trong gia đình đều phải có mặt ở nhà để sum họp cùng gia đình. Họ quan niệm rằng: Tết Nguyên Đán là tết chung của cộng đồng bản, mọi người trong bản đều tập trung ăn tết đông vui. Nhưng các thành viên trong mỗi gia đình không có cơ hội sum họp, tâm sự chia sẻ tình cảm giữa các thế hệ (bố mẹ, ông bà, con cái….) và giữa các thành viên với nhau. Bởi lý do đó mà tết này mới gọi là tết sum họp gia đình. Bất kể ai đi đâu xa cũng phải về nhà vào ngày này. Hơn nữa không khí xuân, năm mới vẫn còn vương vấn nên vẫn được gọi là năm mới gặp mặt.
Tết rằm tháng giêng chỉ diễn ra vào buổi tối ngày 15 tháng 1 âm lịch. Các gia đình mổ gà ăn một bữa cơm rau thân mật, qua bữa cơm mọi người sẽ chúc nhau năm mới mọi sự tốt lành. Các thế hệ trước dặn dò thế hệ sau những việc cần làm và những quy định gia đình.
Thanh Vân