Dân tộc Thái Việt Nam nói chung và người Thái ở Lai Châu nói riêng là tộc người có tổ chức xã hội và nền văn hóa phát triển, đặc biệt là văn hóa dân gian. Nhiều lễ hội dân gian mang đậm bản sắc dân tộc được lưu truyền trong cộng đồng như: Tết nguyên đán, Lễ hội Nàng Han, Lễ hội Then Kin Pang, Lễ hội ăn cốm mới, Lễ hội quăng chài và đua thuyền đầu năm mới…
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gian khổ cùng với phong trào cách mạng văn hóa, bài trừ mê tín dị đoan, phần lớn các lễ hội bị thất truyền trong thời gian dài, chìm vào quên lãng. Hiện nay, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và nhà nước đối với văn hóa cổ truyền của các dân tộc, Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 17/2/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ: Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là xu hướng thời đại, để nâng cao ý thức tự hào dân tộc, góp phần nâng cao mức sống cả tinh thần lẫn vật chất cho người dân. Nhiều địa phương đã phục dựng lại các lễ hội dân gian đặc sắc, hoạt động lễ hội đã đi vào nề nếp, trở thành món ăn tinh thần trong cộng đồng và xã hội.
Trong kho tàng di sản văn hóa lễ hội đa dạng của dân tộc Thái các lễ hội mang đậm tín ngưỡng tâm linh, tôn vinh anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bản mường, ăn mừng mùa vụ, thi đấu thể thao…, như: Lễ hội Nàng Han, lễ hội Then Kin Pang, lễ hội xuống đồng, ăn cốm mới, đua thuyền… đều mang ý nghĩa nhân văn là cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, muôn dân mạnh khỏe, trẻ nhỏ sinh sôi, người già thượng thọ.
Trong các Lễ hội nêu ở trên, Lễ hội quăng chài đánh cá và đua thuyền đầu năm mới có nguồn gốc xuất xứ như sau: Từ xa xưa, người Thái chọn nơi định cư ở gần sông xuối để làm ruộng, đánh cá kiếm ăn như câu tục ngữ khẳng định:
“Tsả kin toi pháy
Tay kin toi nặm”.
Nghĩa là:
Người Xá ăn theo lửa
Người Thái ăn theo nước.
Đua thuyền trên sông nước. Ảnh: Hoàng Phi Hùng
Lai Châu ngày xưa, mảnh đất địa đầu phía Tây Bắc Tổ quốc, đất rộng người thưa, đồi núi trập trùng, rừng già âm u. Đường giao thông là đường mòn men theo sườn đồi vách núi. Hệ thống sông suối, có sông Đà và sông Nậm Na, cả hai con sông bắt nguồn từ phương Bắc chảy xuống hợp lưu trước mỏm núi đá có dinh thự của dòng họ Đèo rồi được mang tên chung là sông Đà đổ ra sông Hồng. Sống trong lưu vực hai con sông phần lớn là dân tộc Thái. Đi lại thông thương chủ yếu bằng thuyền gỗ. Thực phẩm, phần lớn dựa vào săn bắn thú rừng và đánh bắt cá trên sông suối. Trong đó, cá là nguồn thực phẩm chính, như câu tục ngữ:
“Bek nả báu lệnh khek
Bek he chắng lệnh hớn”.
Nghĩa là:
Vác nỏ (săn bắn) không nuôi được khách
Vác chài mới nuôi được gia đình.
Chính vì vậy, đa số con trai đều phải thông thạo nghề chài lưới, chèo thuyền mới đảm bảo cuộc sống cho gia đình cũng như bảo đảm an toàn tính mạng con người lúc tham gia lưu thông trên sông nước.
Xuất phát từ thực tế cuộc sống nêu trên, nhiều vùng dân tộc Thái Lai Châu từ lâu đời đã có Lễ hội quăng chài đánh cá và Lễ hội đua thuyền đầu năm mới, để tôn vinh những người khỏe mạnh, dày dạn trên sông nước và tạ ơn thần sông ban tôm cá cũng như đường đi lại, thông thương cho con người.
Lễ hội được tiến hành vào ngày mồng ba tết, được chia làm hai phần: Buổi sáng tổ chức lễ hội thi quăng chài đánh cá năm mới, tiếng Thái gọi là “Pạp he pi máư”. Buổi chiều lễ hội đua thuyền. Trình tự lễ hội như sau: Mo mường dâng lễ vật cho thần đất, thần sông cầu khấn. Đại ý: xin phép cho dân quăng chài bắt cá đầu năm và xin tổ chức đua thuyền hội vui năm mới. Xin thần linh phù hộ năm mới cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy đồng, cá lên sông suối. Dịch bệnh không đến bản mường, cho muôn dân mạnh khỏe, trẻ nhỏ sinh xôi, người già thượng thọ. Thầy Mo cúng xong, hội quăng chài cho đoàn thuyền giăng hàng ngang cùng một lúc quăng chài xuống sông trong tiếng chiêng trống vang rền cùng tiếng reo hò cổ vũ khen ngợi những người kéo được nhiều cá. Kết thúc buổi “Pạp he”, từng thuyền mang cá đến cho thầy Mo để dâng lên và cảm tạ thần sông đã ban cho cá năm mới.
Buổi chiều, lễ hội đua thuyền tổ chức trình tự như sau, mở đầu thầy Mo làm lễ cúng tương tự như buổi sáng tiếp theo làm lễ hạ thủy con thuyền. Lời cúng có ý như sau: Khen chiếc thuyền tốt, chọn được giờ lành hạ thủy chiếc thuyền xuống nước và xin thần sông phù hộ cho thuyền xuôi ngược quăng chài kiếm cá, chuyên chở hàng hóa không gặp nạn trên sóng to thác ghềnh và xin thần linh cho dân vui chơi đua thuyền ngày xuân năm mới. Thầy Mo cầu khấn thần linh xong, lễ hội đua thuyền được tiến hành vui vẻ trong tiếng trống chiêng rộn rã và tiếng hò reo cổ vũ của khán giả.
Lễ hội đua thuyền tỉnh Lai Châu hiện nay đã được khôi phục ở huyện Nậm Nhùn và Phong Thổ, có tiếng vang, thu hút được nhiều du khách yêu lễ hội truyền thống này. Nhưng còn ở xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ là địa điểm có truyền thống Lễ hội “Pạp he”(*) và đua thuyền lâu đời chưa được khôi phục. Hy vọng trong tương lai các cấp lãnh đạo sẽ quan tâm đến địa danh này.
ĐIÊU VĂN THUYỂN
* Lễ hội “Pạp he”: Lễ hội khai xuân