Lai Châu Của Tôi

Năm 1965 thế kỷ 20, sau khi nhận bằng tốt nghiệp Trường Sĩ quan Biên phòng, tôi được phân công công tác lên tỉnh Lai Châu – một mảnh đất nơi ven trời phía Tây Bắc của tổ quốc. Vậy là hai tiếng Lai Châu tôi được nghe, được biết từ đây. Hai tiếng “Lai Châu” thật là lạ, mường tượng xa xôi lắm, chẳng biết ở phương trời nào của đất nước.

Làm người lính Biên phòng ở Lai Châu, tôi đã được đi khắp dải biên cương Việt – Lào, Việt – Trung dài gần 670 cây số. Những nơi tôi đã qua đó là những bản mường, những đèo cao dốc đứng, rừng dài, suối sâu, ghềnh thác. Những người tôi đã gặp đó là bà con, anh em thuộc 25 dân tộc của tỉnh Lai Châu. Dẫu những năm tháng gặp biết bao khó khăn, gian khổ, vất vả hiểm nguy nhưng bức tranh đất nước, con người Lai Châu đã làm tôi yêu mến, chiêm ngưỡng bởi sự thấu hiểu, một cảm xúc thấm sâu vào nhận thức và tình cảm đối với người lính Biên Phòng. Lai Châu hùng vĩ có dẫy Hoàng Liên Sơn cao vút, núi tiếp núi như lũy như thành, những đỉnh cao ngất trời quanh năm mây mù che lấp như ngọn Phan Si Păng cao 3143 mét, Pu Ta Leng 3096 mét, Bạch Mộc Lương Tử 3046 mét, Pu Xi Lung 3076 mét còn lại bao nhiêu đỉnh có độ cao từ 1.000 mét đến 2.000 mét trở lên không thể kể hết. Những cánh rừng bao la chạy từ biên giới Việt – Lào tới đầu nguồn sông Đà Việt – Trung nơi con chim tìm về làm tổ sinh sôi và rừng đã cho ta bao lâm, thổ sản quý giá.

Cũng trên dải biên cương này có 3061 sông suối, trong đó có dòng sông một thời vang chiến tích đó là sông Đà, Nậm Na, Nậm Rốm nay mang dòng diện sáng rực trời Tây Bắc mà đồng bào các dân tộc nơi đây gọi là: Mặt trời ban đêm của núi rừng. Những bản làng bao đời nay bám mình trên vách đá từ xa nhìn tới, từ dưới nhìn lên ta cảm tưởng như những chòi canh, vọng gác nơi địa đầu Tổ Quốc.

Đất và người Lai Châu hôm nay gồm 20 dân tộc anh em có phong tục, tập quán, bản sắc, tiếng nói khác nhau. Nhưng có truyền thống đoàn kết cùng nhau để xây dựng và gìn giữ viên ngọc quý của miền Tây Bắc. Một Lai Châu như vậy thử hỏi có họa sĩ tài ba nào có thể vẽ được tất cả vào một bức tranh mang tên Lai Châu của tôi.Một tháng sau nữa lại đến đó là ngày thứ 110 năm thành lập tỉnh Lai Châu (28/6/1909 – 28/6/2019). Sáng nay tôi ngồi trong một quán trà, vị trà Kim Tuyên sản xuất tại Lai Châu nước xanh sánh đậm với hương thơm khó tả. Trước mặt quán là Hồ Thủy Sơn mặt nước mùa này trong vắt, nhìn như một tấm gương phản chiếu rước cả hình dẫy núi Nùng Nàng cao ngất xuống lòng hồ sao mà đẹp và nên thơ đến vậy. Cũng cách chỗ tôi ngồi chừng vài ba trăm mét về phía Bắc là Quảng Trường nhân dân lộng lẫy, một không gian thoáng đãng có tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Lai Châu. Một buổi sáng yên bình, trên trời thi thoảng có những áng mây trắng như bông từ phía đỉnh Mộc Lương Tử bay về lãng đãng trôi trên các nhà cao tầng đó là khu hợp khối cơ quan đầu não của Tỉnh.

Nhâm nhin chén trà buổi sáng xong. Tôi rảo bước đi dưới bóng những hàng cây ven đường phố tới bến xe khách tỉnh. Ở đây từ 4h30 đến 8h sáng tất cả các xe khách từ các tuyến của hàng chục tỉnh thành ngoại tỉnh cập bến, hành khách đổ xuống tỏa về Thành phố và chuyển xe về các địa phương thuộc các huyện Biên giới như Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ. Thành phố bây giờ có nhiều siêu thị, nhà nghỉ tầm cỡ và các cửa hàng lớn san sát. Chợ Thành phố đông vui bởi màu sắc các dân tộc. Người từ các huyện vùng cao cách Thành phố bốn, năm chục cây số cũng xuống chợ buôn bán. Ngoài các sản vật bản địa còn hàng hóa không thiếu thứ gì so với chợ miền xuôi. Chỉ mới vậy thôi! Đã tạo nên một Lai Châu tràn đầy sức sống. So với cách đây vài chục năm là tỉnh nghèo nhất toàn quốc. Một tỉnh “đặc biệt khó khăn”, tỉnh “chậm phát triển”. Vậy mà qua 15 năm tách tỉnh (2004 – 2019) Lai Châu có những bước tiến đã thoát ra khỏi tình trạng nói trên mà đang từng ngày thay đổi về đời sống vật chất tinh thần đối với đồng bào các dân tộc, trăm phần trăm các xã Biên giới vùng cao đã có đường ô tô tới trung tâm, hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm khá đầy đủ, đến nay đã có gần một phần ba trong tổng số xã của tỉnh đạt nông thôn mới. Lai Châu rồi đây và các năm tới có thể mất đi một số dốc đèo hút gió mây bay, những mái nhà tường đất vách phên tre, những cối giã gạo ven suối, những ngọn đèn thắp dầu leo lét,… Nhưng không thể mất đi một Lai Châu huyền thoại, nơi đã in những dấu ấn và mốc son trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Nơi đất trời đã ban cho Lai Châu một thiên nhiên hùng vĩ nơi có dòng Đà Giang chẩy về đất Việt, dãy Hoàng Liên Sơn có các đỉnh Pu Ta Leng, Bạch Mộc Lương Tử, Pu Si Lung, đèo Ô Quý Hồ,… Những ruộng bậc thang cũng như tên bản, tên mường của 20 dân tộc nơi đây vẫn trường tồn phát triển. Đất nước, con người Lai Châu của tôi sẽ là tầm vóc, giầu đẹ, thiêng liêng và mãi còn với các thế hệ nối tiếp và bầu bạn anh em trong nước và quốc tế ngày càng thân thiết đến với Lai Châu./.

Thanh Luận


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.