Tối thứ 7 sau khi kết thúc buổi dạy học thêm tiếng anh, như thường lệ, Kết lại chờ Thơm ở cổng trung tâm, hai người sẽ đi ăn tối, dạo ngắm phố phường hoặc ngồi nhâm nhi tách trà bên quán cafe ngay sát hồ. Nhưng sao hôm nay, Kết thấy cô trầm ngâm, không mấy vui vẻ; cùng đi dưới tán cây Phong Linh đổ bóng hoa dưới ánh đèn đường hay đi qua cung đường Đội 2, nơi ánh trăng đang rót ánh vàng sóng sánh xuống những đọt chè xuân thơm ngát…cô vẫn không nói một lời nào với Kết; mọi khi những khoảnh khắc ấy sẽ được Thơm thốt lên đầy phấn khích và rồi kể cho Kết nghe những câu chuyện không đầu không cuối về công việc dạy học của cô, những trò nhỏ ngỗ nghịch hay chuyện bà bán bún riêu đầu ngõ nhận ra cô giáo dạy tiếng anh cho con họ và không lấy tiền bát bún,…Những lúc ấy, Kết thấy cuộc sống thật dễ chịu biết nhường nào; anh biết ơn cuộc sống và duyên phận đã cho anh gặp Thơm bởi hoàn cảnh và cuộc sống của anh vốn đã éo le vô cùng. Thơm như một sự bù đắp những thiếu thốn, thiệt thòi về tình cảm mà anh phải đối mặt trong cuộc sống này. Việc Thơm im lặng không một lời hồi đáp dù cho Kết có trêu đùa, gợi chuyện khiến cho Kết mơ hồ nghĩ về câu chuyện bấy lâu Thơm vẫn gặng hỏi, băn khoăn, đau đáu. Và im lặng chính là sự chán chường, mệt mỏi của Thơm?
– Chúng ta vào quán cafe bên hồ, e muốn nói với anh chuyện này!
Linh cảm chuyện chẳng lành, Kết nắm chặt tay Thơm nhưng sao bày tay cô buông lơi như vậy?
– Anh Kết! Anh có ý định nghiêm túc với em không? Chúng ta đã yêu nhau 3 năm mà chưa bao giờ e thấy anh đề cập đến chuyện đưa em về nhà ra mắt gia đình? Và chuyện kết hôn nữa? Năm nay em đã 28 tuổi rồi, để năm sau là kim lâu sẽ không thể cưới được, sang năm nữa đã là 30, các cụ chả bảo “trai ba mươi tuôi đang xoan, gái ba mươi tuôi đã toan về già” đó sao!
– Tình cảm em dành cho anh bao năm qua có lẽ anh hiểu rất rõ. Nhưng anh ạ! Tình yêu phải có đích đến, chúng ta không thể yêu nhau cho vui để năm tháng ấy trôi qua như một kỷ niệm được! Nên câu chuyện không có hồi kết em xin phép dừng tại đây.
Thơm rưng rưng nước mắt khi thốt ra những điều tận đáy lòng như vậy và cô không để cho Kết được nói hay giải thích bất cứ điều gì. Nói rồi cô đứng dậy bước vội ra khỏi quán, hòa vào dòng người đông đúc cuối tuần ngoài kia, nơi có những đôi tình nhân đang dập dìu, sánh đôi… Biết nói sao cho Thơm hiểu và phải bắt đầu thế nào để Thơm không bị sốc khi biết về những điều Kết giấu bấy lâu nay? Kết vô cùng bối rối trước quyết định đột ngột đó của Thơm, mặc dù đã đôi lần Thơm đề cập đến chuyện về thăm gia đình, ra mắt, Kết chỉ dí dỏ trêu đùa cô: chỉ sợ gặp gia đình anh nghèo quá em chê anh rồi bỏ anh thì sao?
* * *
Ngôi nhà cấp IV nhỏ bé với khoảng sân vời vợi nắng có chú mèo lười đang trễ nải ngủ ngoài sân, bên mảnh vườn bà Cảnh tưới nước, bắt sâu cho lứa cải bắp, rau thơm vào độ thu hoạch. Thấy con trai về, bà mừng rỡ, ú ớ ra hiệu cho Kết vào rửa tay chân, mặt mũi. Cất ba lo, Kết xách ô doa đi tưới những luống rau bà Cảnh mới trồng, rồi tỉ mẩn rẽ từng tàu xà lách cùng với đủ loại rau thơm chuẩn bị cho bữa tối. Bà Cảnh săm sắn đi theo từng bước chân con trai vì sợ Kết sẽ bị vấy bẩn bởi bùn đất hôi hám, quê mùa. Hai mẹ con vừa làm, vừa cười rộn vang một góc vườn.
Bà Cảnh bị câm điếc từ thuở bé, ông bà ngoại kể về trận đánh khốc liệt năm xưa khi Trung Quốc tấn công khu vực Tây Bắc; Lai Châu là một trong những cứ điểm gánh chịu hậu quả nặng nề của trận đánh năm ấy. Chỉ sau một trận dội bom liên hoàn, vì còn quá non do bị đẻ thiếu tháng, ngưỡng âm thanh vượt quá giới hạn chịu đựng nên di chứng nặng nề là bà bị hỏng lớp màng nhĩ dẫn đến câm điếc từ khi có đỏ hỏn mới lọt lòng mẹ. Rồi cứ thế bà Cảnh lớn lên với mảnh ruộng, vườn rau và gánh bánh cuốn của ông bà ngoại. Đến tuổi cập kê, bà Cảnh đem lòng yêu một người đàn ông mồ côi nơi bản bên, chỉ chờ ngày lành, tháng tốt cho hai người về chung một nhà. Những tưởng hạnh phúc mỉm cười với hai con người có số phận không may mắn đó thì trớ trêu thay, người đàn ông ấy đã ra đi vĩnh viễn trong một tai nạn khi ông cùng thanh niên trong bản đi đào vàng và lời hứa về một đám cưới mãi mãi không thể thực hiện được. Bà Cảnh đau đớn, tuyệt nhiên khép mình từ đó; chỉ có cái bụng lùm lùm ngày một lớn lên và hình hài của đứa trẻ y lột bố nó chính là nguồn sống và lẽ sống bất diệt để bà tồn tại, vượt qua mọi éo le của số phận và cuộc đời. “Ừ thì câm điếc cũng là con người, có tình cảm yêu thương nam nữ chứ!”, ông ngoại luôn nói với Kết khi còn sống như vậy để Kết khỏi giận mẹ vì đã không cho anh một mái ấm đủ đầy. Kết cứ thế hồn nhiên lớn lên cùng ông bà ngoại và người mẹ câm điếc, chẳng mảy may với những chọc ghẹo người đời. Khi Kết học cấp 3 cũng là lúc ông bà ngoại vĩnh viễn rời xa hai mẹ con. Hai con người ấy cứ thế rau cháo nuôi nhau qua ngày. Ngày Kết nhập học đại học, anh nắm lấy đôi tay gầy guộc của mẹ mà rưng rưng nước mắt ra hiệu cho mẹ yên tâm, anh sẽ kiếm việc làm thêm để trang trải và cố gắng học hành chăm chỉ để ổn định cuộc sống, còn nuôi mẹ nữa chứ. Có lẽ đây là lí do Kết chưa sẵn sàng đưa Thơm về với gia đình anh. Anh lo lắng liệu cô sẽ đón nhận điều đó không? Trong khi gia đình Thơm nền tảng và rất cơ bản, bố mẹ cô đều là cán bộ nhà nước nghỉ hưu, liệu họ có thể chấp nhận con gái họ làm dâu một gia đình có hoàn cảnh éo le như thế? Anh muốn thêm thời gian để tìm cơ hội thuận lợi cho Thơm tiếp cận dần những thông tin ấy.
Bữa cơm tối hôm đó của hai mẹ con thật đầm ấm, vui vẻ. Kết thắp nén nhang lên bàn thờ ông bà ngoại, anh lầm rầm khấn điều gì đó rồi quay trở lại nhìn khuôn mặt khắc khổ, làn da nhăn nheo rám nắng, nụ cười hồn hậu của mẹ. Kết diễn tả bằng hành động để mẹ hiểu:
– Mẹ ơi! Con sẽ đưa một nàng dâu về cho mẹ nhé! Gia đình ta sẽ thêm một người nữa, mẹ có đồng ý không?
Bà Cảnh buông chén nước với đôi mắt đong đầy ngấn lệ. Có lẽ đây là điều bà đã mong mỏi từ rất lâu, dẫu câm điếc, không hiểu sâu xa chuyện của người đời nhưng bà hiểu quy luật tất yếu là trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng nhưng bà mơ hồ hiểu những cái khó của con trai bà trong chuyện tình cảm hôn nhân. Bà cầm tay Kết, rồi rẽ những cọng tóc xòa trước mặt, nhìn con bằng tận cùng tình cảm yêu thương của người mẹ, rồi bà xoa đầu Kết như một đứa trẻ, mắt lã chã rơi. Hạnh phúc tột cùng và đau đớn tột cùng thì người đàn bà ấy chỉ biết thể hiện bằng ánh mắt. Ánh mắt rạng ngời khi được sống trong tình yêu của bố Kết, hay tận cùng đau đớn khi những người bà yêu thương vĩnh viễn rời xa nhân thế; và giờ đây ánh mắt ấy ở một cung bậc cảm xúc khác, phải rồi, đâu ai cứ bất hạnh mãi thế, đủ nắng thì hoa sẽ nở mà thôi.
* * *
Chờ đợi Thơm như mọi khi trước trung tâm tiếng anh nơi cô dạy thêm. Đã hơn một tháng trôi qua, liệu Thơm có tiếp chuyện mình hay không? Kết đứng ngồi không yên chờ đợi từng giây phút. Vãn dáng người mảnh mai cùng mái tóc dài thướt tha của người con gái anh yêu, Thơm kia rồi! Kết xuất hiện trước mặt đã khiến Thơm vô cùng bất ngờ nhưng cô đã cố tình lảng tránh ánh mắt chan chứa, đong đầy của Kết.
– Thơm cho anh gặp em một lát thôi! Anh có chuyện vô cùng quan trọng muốn nói với em!
– Anh về đi! Em nghĩ chúng ta không có gì để nói với nhau cả!
Nói rồi Thơm vội vã đi thật nhanh để trốn chạy khỏi ánh mắt của Kết. Nhưng bàn tay ấm áp của Kết đã kịp nắm chặt lấy bàn tay Thơm.
– Làm vợ anh nhé! Hãy đi với anh đến nơi này, em sẽ hiểu tại sao bấy lâu nay, anh lại chưa đủ can đảm để nói những lời này với em!
Con đường từ lối chợ của thị trấn băng qua những cánh đồng mênh mang mùa nước đổ, bên này đường là con suối dài êm đềm, thướt tha trôi. Thơm xòa tay xuống tận hưởng dòng nước mát như trút đi tất cả mọi muộn phiền đè nén trong lòng thời gian qua. Kết chỉ về ngôi nhà nép đằng sau rặng râm bụt đang độ nở hoa; ngoài hiên, chú mèo mướp đang quẩn quanh bên cạnh bà Cảnh.Thấy con dẫn bạn gái về nhà, bà Cảnh mừng rỡ ú ớ chào và ra hiệu mời Thơm vào nhà uống nước.
Ngôi nhà nhỏ bé, ấm cúng treo đầy ảnh ông bà ngoại và hai mẹ con Kết; những tấm ảnh khi Kết còn bé xíu rồi từng chặng đường anh lớn lên. Thơm ngắm nghía từng tấm ảnh, từng món đồ mặc dù cũ kĩ những lưu giữ đầy kỷ niệm trong ngôi nhà nhỏ. Kết đưa cô ra vườn rau ngắm những luống rau non mơn mởn đang độ thu hoạch. Rồi kể cho cô nghe về hoàn cảnh của mình, những cái khó và sự e dè của mình.
– Thơm! Anh vô cùng tự ti về hoàn cảnh của mình. Từ bé anh đã không có bố, mẹ anh bị câm điếc. Anh biết sự hạn chế của mình. Anh chưa dám thổ lộ những điều đó với em, rồi cứ lần nữa mãi để em phải giận anh1 Anh xin lỗi!
– Anh thật là ngốc nghếch! Điều đó có quan trọng với một tình yêu ư? Anh biết không? Bố em mồ côi cha mẹ từ tấm bé, mẹ và bố đem lòng yêu nhau, vượt qua mọi rào cản để có em như bây giờ. Hai người yêu nhau là cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách và chia sẻ mọi ngọt bùi trong cuộc sống này. Chúng ta đâu có quyền chọn lựa hoàn cảnh, em thấy mẹ anh thật vĩ đại vì bà đã vượt qua mọi định kiến và éo le của số phận để có anh và nuôi anh lớn khôn. Nên anh hãy cởi bỏ những suy nghĩ đó đi nhé! Vậy mà làm em cứ nghĩ anh không nghiêm túc trong chuyện tình cảm!
* * *
Bữa tối hôm ấy, đã từ rất lâu, ngôi nhà nhỏ mới có sự hiện diện của hơn hai người; tiếng cười rộn vang và niềm hạnh phúc đang ngập tràn trong từng ánh mắt. Bà Cảnh vào trong buồng lấy đôi vòng tàu bọc lụa đỏ đặt vào đôi bàn tay Thơm.
– Đó là kỷ vật bố tặng mẹ để chuẩn bị cho ngày cưới của hai người nhưng nó đã vĩnh viễn nằm dưới đáy hòm. Thỉnh thoảng anh lại thấy mẹ lôi nó ra ngắm mà không đeo, có lẽ vì sợ đeo sẽ không thể quên đi được hình bóng bố. Mẹ tặng em là vì mẹ muốn em làm con dâu của mẹ đấy. Để anh đeo cho em nào!
Thơm rưng rưng xúc động, cô hiểu mình đã bước về thế giới của hai con người này với tư cách của một người thân – ruột thịt, chứ không chỉ là một người vợ, một cô con dâu tương lai và khi Kết đeo đôi vòng bà Cảnh tặng, cô đã nguyện cuộc đời này sẽ gắn bó, sẻ chia vui buồn, hạnh phúc với hai mẹ con Kết.
Cuộc đời là hành trình tìm kiếm và nỗ lực vun đắp, dựng xây hạnh phúc. Dấu bất hạnh, khổ đau hay may mắn, xui rủi thì trong thẳm sâu tâm thức mỗi con người đều có một động lực thôi thúc sống và góp nhặt từng chút hạnh phúc. Trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc của bà Cảnh, Kết hay Thơm thì tình yêu chính là chất xúc tác để mọi thứ thăng hoa, để hạnh phúc tròn đầy.
NGUYỄN HỒNG