Cầu Hang Tôm bây giờ cách cây cầu cũ khoảng năm sáu trăm mét về phía thượng lưu. Cầu được xây dựng lại, nhưng vẫn đặt tên theo cây cầu cũ, vẫn để nối liền hai mảnh đất Điện Biên và Lai Châu. Trước đây cầu chỉ đơn thuần là bắc qua dòng sông Đà nối liền quốc lộ 12 thì giờ đây gắn với cả một sự kiện về công nghiệp trị thủy hùng vĩ (Thủy điện Sơn La) đưa nguồn điện lớn chảy đi muôn nơi trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tổ quốc. Cầu được xây xong cũng là để khắc ghi một kỳ tích mới của những người thợ cầu trên dòng Đà giang hung dữ.
Cầu Hang Tôm là điểm nhấn của thị xã Mường Lay. Có lẽ ai đến Mường Lay cũng ghé qua đây. Nhìn qua thấy cầu có vẻ na ná như những cây cầu ở đâu đó nhưng nếu hiểu hoàn cảnh, lịch sử thì mới biết Hang Tôm là cây cầu vô cùng khác biệt. Khác từ không gian mà cầu thuộc về – hoang sơ mà kì vĩ. Hai bên là vách đá dựng đứng, lặng thinh. Dòng sông Đà chảy qua dưới chân cầu mỗi mùa một sắc. Mùa hè thì dữ tợn, nước dâng cao giận dữ như người đàn ông say xỉn mặt đỏ ngầu. Mùa đông nước lại trong xanh, phẳng lặng. Nước lũ rút đi để lại cả một triền sông đầy phù sa màu mỡ. Người dân dưới chân núi, bên bờ sông thả trâu, bắt tôm tép dưới chân cầu. Cầu có tên là Hang Tôm cũng bởi ở đây nhiều tôm lắm, thịt ngọt lừ, giòn giã không nơi nào có được. Mấy chiếc thuyền độc mộc nhỏ, có lúc ngủ yên trên bến sông, lúc khác lại chậm rãi trôi đi trên dòng nước hiền lành, thơ mộng. Đứng giữa cầu, nhìn về phía thượng nguồn, dòng sông Đà như trôi quanh co giữa hai vách núi dựng đứng. Sự hùng vĩ của Mã Pì Lèng có lẽ cũng chỉ so sánh được với nơi đây. Núi đá vẫn hoang sơ như thời của cây cầu Hang Tôm cũ, vẫn soi bóng cả trầm ngâm xuống dòng nước sâu xanh thẳm. Quang cảnh hoàng tráng có thể làm choáng ngợp bất cứ ai, nhất là người lần đầu tiên bước đến. Nhưng cái nơi tưởng như sơn cùng thủy tận ấy còn hấp dẫn người ta bởi nét hữu tình – non nước ấp ôm nhau, son sắt qua năm tháng, mặc kệ mọi sự đổi dời. Tôi qua đoạn đường có cây cầu này dễ đến mười năm. Mỗi năm vài lần. Vậy mà những bức ảnh cũ và mới tôi lưu lại dường như quang cảnh đôi bờ không có gì thay đổi, vẫn vách núi ấy, thậm chí dường như vẫn ngọn gió ấy. Chỉ có tôi là già đi, chỉ có dáng hình cây cầu đã khác.
Cầu Hang Tôm xưa là cầu cáp treo. Sử sách có ghi đây là cầu dây văng đầu tiên trên dòng Đà Giang, lớn nhất Ðông Dương lúc bấy giờ với biệt danh “Ðông Dương đệ nhất cầu”. Sau này, cầu Hang Tôm vẫn là cây cầu cáp treo lớn nhất Việt Nam cho đến khi cầu Mỹ Thuận ra đời. Những năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam đang ác liệt, miền Bắc cũng tích cực xây dựng, củng cố, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Để mở đường từ cửa khẩu Ma Lù Thàng (Phong Thổ, Lai Châu) về Điện Biên (tức quốc lộ 12 bây giờ), cần một cây cầu nối đôi bờ sông Đà tại Mường Lay. Và cầu Hang Tôm ra đời, khánh thành đưa vào sử dụng từ 1973. Giữa đất trời hun hút gió đại ngàn, núi non hoang sơ, cầu Hang Tôm cheo leo mà mềm mại với những dây cáp treo, như một khuông nhạc trữ tình vắt ngang đôi bờ. Cầu nối những mạch nguồn của tổ quốc trong chiến đấu, trong giao thông sinh hoạt thường ngày. Từ khi có cầu, người dân nơi đây không còn phải liều mình bơi thuyền qua dòng Đà Giang khái tính.
Đứng trên cầu, con người trở nên thật nhỏ bé giữa thiên nhiên. Bao lần đứng đây, tôi thấy mình chỉ là một chấm nhỏ xíu giữa bức tranh sơn thủy có núi non cao vút, sông sâu thác dữ, mây trắng vờn bay trên đầu và trên tận cao xa có cánh chim cô độc cũng mải miết bay qua.
Sau gần 40 năm, cây cầu Hang Tôm huyền thoại đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình.Giờ đây, chúng tôi đi trên cây cầu Hang Tôm mới với xi măng, cốt thép mới mẻ, vững chắc và hiện đại. Ngay khi cầu mới được khánh thành thì cũng là lúc cây cầu cũ bị tháo dỡ đi cùng bao niềm tiếc nuối. Dù biết thời đại mới, cầu Hang Tôm cần một sứ mệnh lịch sử mới cho xứng tầm, nhưng những giá trị xưa cũ, những ấn tượng, kỉ niệm thì không thể ngày một ngày hai mà xóa nhòa. Khi nước lòng hồ Thủy điện dâng lên, toàn bộ cầu Hang Tôm cũ chìm sâu xuống lòng hồ và chỉ còn lại dấu vết là hai mố cầu, chân cầu và còn lưu lại trong ký ức của những người đã từng biết về nó. Cùng với đó là những làng bản gần đó cũng chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện. Nhà có thể di dời nhưng không thể mang theo cả một miền văn hóa- tâm linh như phù sa lắng đọng trên dưới 1000 năm bên bờ bãi sông Đà. Vẻ đẹp đó đã hi sinh vì tương lai đất nước ánh lên từ những ánh sáng điện lung linh sắc màu. Một phần con đường quốc lộ 12 xưa chạy về cầu Hang Tôm cũ cũng chìm dưới 20m nước. Để xử lí, quốc lộ này đã được nâng lên cao trình mới, chạy ngang lưng dãy núi đối diện thị xã Mường Lay rồi lao qua sông Đà trên những nhịp cầu của cầu Hang Tôm mới.
Sau này, thế hệ trẻ có lẽ chỉ còn biết tới cây cầu dây văng Hang Tôm qua phim, ảnh, tài liệu… Nhưng cái họ có được là những con đường dài tương lai phía trước. Tôi cùng bao người đều ý thức được điều đó. Chỉ là tiếc cây cầu cũ, nhớ dáng vẻ xưa quen thuộc. Cây cầu cũ kĩ từng lặng thing giữa đại ngàn Tây Bắc nhưng đã chứng nhân cho cả một thời kì lịch sử và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Tôi cảm thấy đã hoàn thành tâm niệm khi đưa được ông nội và bố về thăm lại cầu Hang Tôm dây văng trước khi nó lặng yên ngàn năm trong hồ thủy điện sông Đà. Ngày xưa, ông nội chiến đấu chống Pháp cũng qua đây. Bố đi lính tại mặt trận Lào cũng qua đây. Ông kể ngày xưa đường đi heo hút, cây cối sum suê um tùm lắm. Cây cầu như là điểm sáng, như là cứu tinh, như là đồng minh với mình trong những ngày tháng gian khổ đó. Đôi mắt mờ nhòa của ông nhìn vào quá khứ bằng thứ ánh sáng từ trái tim. Ánh một giọt nước mắt thương nhớ và bất chợt ánh một vì sao mai đầy hi vọng. Ông và bố – những thế hệ của người lính cụ Hồ vẫn luôn tin vào ngày mai tươi đẹp. Và lúc nào cũng dặn tôi luôn cố gắng khắc phục khó khăn, làm tốt công việc được giao phó nơi tỉnh mới . “Khi nào đi qua cây cầu thì nhớ chụp ảnh về cho bố xem” là câu nói mà bố nhắc nhiều, như thể vì xa không thể đến nhưng vẫn luôn nhớ về….
Những câu chuyện của cha ông nhuốm tôi bằng những tình cảm linh thiêng và đặc biệt. Cứ như vậy, Hang Tôm xưa và nay không chỉ là một “kì quan” hùng vĩ của miền Tây Bắc mà còn như một người bạn đáng kính trong tôi. Hang Tôm nối những bờ vui, cùng Tây Bắc chiến đấu, chiến thắng, dựng xây, đổi mới và phát triển. Đường tương lai dài mãi. Hang Tôm là tình yêu, là niềm tự hào của Tây Bắc và của riêng tôi./.
Thùy Giang