Ngày hè cũng là lúc tôi nhớ thật nhiều về miền quê bà ngoại tôi đang sống. Hẳn ai có ngoại cũng trông ngóng những ngày nghỉ mùa hè với ký ức không thể quên về nguồn cội. Tôi cũng thế! Khi chúng tôi đã trưởng thành, vẫn như thông lệ, mỗi dịp hè là bố mẹ cùng các con, các cháu về thăm bà ngoại. Sân nhà ngoại rộng là thế mà mỗi dịp con, cháu, chắt trở về lại trở nên ồn ào với những câu chuyện và giọng cười nói vui vẻ. Bà ngoại tôi đã lên chức cụ, ngắm các chắt ra vườn hái quả bằng vẻ mặt phúc hậu. Những hình ảnh này trở nên thân quen với đại gia đình tôi và là động lực để sau mỗi chuyến đi, chúng tôi trở về với cuộc sống mưu sinh đời thường. Mỗi khi gọi điện qua mạng xã hội cho bà ngoại, lại thấy hình ảnh bà cười hiền và bảo: “Khi nào các cháu lại đưa chắt về thăm bà thế? Bà đợi nhé! Quất hồng bì và ổi, nhãn đã chín cả rồi!”.
Mỗi chuyến về thăm bà đem lại cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi vẫn thường nghĩ con người ta giàu có hơn nhau chính bởi những kỷ niệm làm đẹp cho tâm hồn. Chúng tôi thật sự hạnh phúc vì hơn ba chục năm qua được trải qua niềm vui khi trông chờ ngày quây quần bên ngoại. Những tầng ký ức thật dày, sống động tưởng như mới ngày hôm qua. Khoảng sân nhà bà ngoại luôn lấp lóa trước mắt. Những tán cây rợp dày trong vườn. Các con thỏ chạy lạo xạo qua lá khô. Tiếng bác tôi lầm bầm: “Cây rợp lắm rồi mà bà không cho cắt bớt tán, bảo sợ con cháu về không có quả sạch ăn. Cứ sợ bà lọ mọ ra vườn cắt rau thì ngã mất, thì lại bảo nuôi thỏ lớn để con cháu về còn quay thịt cho chúng nó thưởng thức”. Bà tôi cũng điển hình như bao người bà khác trên mảnh đất này. Cả đời nghĩ đến con, cháu và lấy đó là lẽ sống, niềm vui của mình.
Những câu chuyện mẹ tôi kể về bà luôn là nỗi vất vả khi ông mất, bà gồng gánh nuôi sáu người con cho đến khi tạo dựng hạnh phúc cho từng người. Sự mạnh mẽ, tình thương của bà trải đều cho ba cậu con trai và ba cô con gái. Để sau này mỗi người lại dạy bảo các con, các cháu mình, kể cho chúng nghe về bà ngoại với niềm yêu thương, tự hào không giấu diếm. Ngày hè gặp nhau ở nhà ngoại cũng là lúc bố mẹ và các bác, các dì, các cậu có dịp hàn huyên bao câu chuyện xưa cũ. Còn chúng tôi thì ngồi xung quanh bà, nghe bà kể các điển tích, điển cố trong sách cổ. Mỗi câu chuyện gắn với một lời răn dạy làm người của bà. Rằng sau đó chúng tôi luôn nhủ mình sẽ là người tốt trong cõi nhân gian vô thường này.
Kỷ niệm với bà thật nhiều. Đó là lần đầu tiên tôi đưa chồng sắp cưới ra mắt bà ngoại. Trong khi cô cháu gái nằm nghỉ ngơi thì nghe thấy bà hát cho anh ấy nghe những bài hát tiền chiến – gắn với thời tuổi trẻ của bà. Là lần đầu tiên tôi đưa chắt về thăm cụ. Dẫu cụ đã có rất nhiều chắt rồi nhưng mỗi đứa lại được cụ quan tâm theo cách rất riêng, khiến chúng cũng nhớ và yêu cụ chẳng khác gì chúng tôi. Nhớ đến bà ngoại, nghĩ về bà ngoại đối với tôi khi trưởng thành chính là nghĩ đến những gì bình yên, dịu dàng nhất. Như là nhớ dáng bà tuy đã ngoài chín mươi tuổi nhưng vẫn cố gắng trở dậy thật sớm lụi cụi nấu cơm cho chúng tôi ăn. Như là lúc bà lật đật ra vườn, hái chùm quả quất hồng bì đã rám vàng trong ánh mắt háo hức của bọn trẻ… Bà luôn là miền xúc cảm trong veo như vậy. Đã vài năm rồi tôi không sắp xếp thời gian trở về quê ngoại, nhưng trong miền nhớ của tôi vẫn in hằn từng góc sân rêu và từng câu chuyện bà kể…
Một mùa hè lại đến. Chúng tôi trở về ngõ xưa cùng với bố mẹ, gia đình các anh, chị và các cháu, chắt. Ngoài thềm vắng như còn dáng bà ngoại hiền từ chờ đợi. Tôi cùng mẹ ra vườn hái chùm quất hồng bì dâng lên ngày giỗ đầu của bà. Nắng lấp lóa xiên qua vòm lá, hương hoa nhài thoang thoảng. Kỷ niệm lại dâng đầy trong lòng con, cháu. Vườn bà vẫn là nơi để tâm hồn mỗi người nương náu trong mỗi dịp hè sang…
PHÙNG YẾN