Kỳ II: Khai thác nghệ thuật biểu diễn dân gian trong phát triển du lịch – chưa tương xứng với tiềm năng
Lai Châu là vùng đất tiềm năng phát triển du lịch. Thiên nhiên đa dạng hoang sơ, địa hình độc đáo và khí hậu mát mẻ. Nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được công nhận ở cấp tỉnh cấp quốc gia. Không gian văn hóa rộng lớn, bản sắc văn hóa đa dạng của 20 dân tộc là nguồn tài nguyên quý giá giúp nơi đây có tiềm năng phát triển du lịch.
Những năm gần đây, Lai Châu phát triển 11 điểm du lịch cộng đồng. Du khách được cung cấp các dịch vụ về ăn, ở tại bản làng và khám phá thiên nhiên kì vĩ, tìm hiểu giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc cũng như lịch sử hào hùng của các dân tộc thiểu số. Bên cạnh một số ít doanh nghiệp, tổ chức tham gia đầu tư phát triển du lịch trực tiếp, còn lại do người dân địa phương tự học hỏi, xây dựng, khai thác. Dịch vụ homestay ngoài phục vụ nhu cầu trải nghiệm sinh hoạt thường nhật cho du khách còn biểu diễn văn nghệ, cung ứng sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống, sản phẩm nông nghiệp thành quà tặng lưu niệm. Bản du lịch cộng đồng ngoài quang cảnh thiên nhiên thì bản sắc văn hoá (phong tục, tập quán sinh hoạt, lễ hội, trang phục, tiếng nói, kiến trúc nhà ở, tri thức dân gian, ứng xử cộng đồng và đặc biệt là các loại hình nghệ thuật, dân ca, dân vũ, dân nhạc…) chính là điểm hấp dẫn lớn nhất đối với du khách.
Như đã nói ở Kỳ I – Đặc sắc nghệ thuật biểu diễn dân gian (Tạp chí Văn nghệ Lai Châu số tháng 10/2021), các dân tộc ở Lai Châu có tài sản rất lớn về âm nhạc, các làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống. Nhiều địa phương khai thác vốn văn hoá truyền thống đặc sắc của mình vào du lịch. Đến với bản du lịch Sin Suối Hồ, du khách đắm mình trong không khí của miền non cao trong lành, mát mẻ; chinh phục, trải nghiệm tài nguyên rừng với thảm thực vật phong phú, ruộng bậc thang, thác Trái tim; thưởng thức trà thảo quả mật ong cùng với các món ăn miền rừng và đến với văn hoá chợ phiên, xem bài hát, điệu múa Mông truyền thống… Bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ), lại có các tiết mục văn nghệ của dân tộc Thái trắng; bản San Thàng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) âm vang các làn điệu dân tộc Giáy; bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) đặc sắc với các điệu múa dân tộc Lự hòa âm cùng sáo mẹ, sáo con… Trong đó, nghệ thuật múa xòe dân tộc Thái, Lễ Tủ cải của người Dao, Lễ hội Gầu Tào của người Mông đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghệ thuật múa xòe, then dân tộc Thái được UNESCO công nhận, hiện đang trình công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đội văn nghệ của bà con dân tộc Mông (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) với điệu múa Mông truyền thống.
Âm nhạc, nghệ thuật múa, từ đặc trưng thể loại luôn gây được chú ý của đám đông, tác động mạnh mẽ tới giác quan, cảm xúc của du khách. Những điệu dân vũ, những điệu múa truyền thống vừa lưu giữ giá trị văn hoá nghìn đời, thể hiện nếp sống, tâm hồn, tình cảm, cốt cách của người dân bản địa, vừa có chức năng giải trí, thẩm mĩ đối với du khách. Những điệu múa cùng với tiếng nhạc dân tộc du dương, vui nhộn luôn làm tăng tính hấp dẫn, thu hút của du lịch cộng đồng. Không gian diễn xướng giữa rừng, trên triền ruộng bậc thang, nơi lưng đồi thoai thoải…, chứ không phải trên sân khấu sang trọng, lung linh ngập tràn ánh sáng lại là một trải nghiệm thú vị, ấn tượng đối với du khách.
Lai Châu nổi tiếng với nhiều lễ hội đặc sắc như: Lễ hội té nước (dân tộc Lào); Lễ cúng rừng, mừng cơm mới (dân tộc Lự); lễ hội Gầu Tào (dân tộc Mông); lễ hội Xòe Chiêng, Nàng Han, Then Kin Pang, Kin Lẩu Khẩu Mẩu (dân tộc Thái); Lễ Tủ Cải, Nhảy lửa (dân tộc Dao); Lễ hội Tú Tỉ (dân tộc Giáy)… Tại Lễ hội Đền Lê Lợi và Lễ hội Tú Tỉ (thành phố Lai Châu) trong dịp đầu năm mới, dân ca, dân vũ góp mặt vào thu hút du lịch hiệu quả khi du khách được xem các điệu múa nghi lễ, múa hát truyền thống: múa quạt, múa nón, múa khăn, múa xòe kết hợp cùng các nhạc cụ: kèn pí kẻo, sáo, trống, chiêng của các đội văn nghệ dân tộc Giáy biểu diễn. Điểm chung trong các chương trình văn nghệ là bức tranh văn hóa tinh thần đa màu sắc của các dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương nhờ việc bảo tồn, phát huy những bản sắc văn hóa của dân tộc gắn với phát triển du lịch đã thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả dân nhạc, dân ca, dân vũ vào mục tiêu du lịch, phát triển kinh tế, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá truyền thống là một bài toán không dễ có lời giải.
Thế mạnh văn hoá chỉ phát huy được khi nghệ nhân, diễn viên các dân tộc có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời với việc lãnh đạo địa phương quan tâm, tạo mọi điều kiện để các đội văn nghệ được thường xuyên giao lưu, học hỏi, nhân rộng phong trào văn nghệ tại cơ sở. Quan tâm đến bảo tồn các điệu múa, bài hát, dân ca truyền thống ở bản du lịch cộng đồng sẽ đồng thời thực hiện “mục tiêu kép”: phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và nhiệm vụ phát triển du lịch – kinh tế. Một tín hiệu đáng mừng là 11 điểm du lịch cộng đồng tại Lai Châu đều có đội văn nghệ quần chúng. Khi có các sự kiện du lịch hoặc theo nhu cầu của du khách, đội văn nghệ sẽ biểu diễn những bài múa, nhạc cụ, bài hát truyền thống đã được luyện tập từ trước đó. “Diễn viên” là chính những người dân sinh sống tại bản, còn nguyên nét mộc mạc, hoang sơ của núi rừng. Đến bản du lịch, du khách còn được tiếp xúc, giao lưu với các nghệ nhân – người lưu giữ vốn văn hóa, truyền dạy dân ca, dân vũ cho các đội văn nghệ.
Chị Lê Thị Ngọc Châm – Phó Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho chúng tôi biết: Nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của đội văn nghệ quần chúng phù hợp với yêu cầu phát triển của hoạt động văn hóa, văn nghệ trong tình hình mới, tỉnh ta đã có những chính sách quan tâm nhất định. Các đội văn nghệ nói chung, bao gồm các đội văn nghệ tại các bản du lịch cộng đồng nói riêng được hỗ trợ theo quy định của tỉnh. Giai đoạn 2016 – 2020, kinh phí hoạt động của đội văn nghệ được hỗ trợ chi trả theo quy định tại Quyết định số 241-QĐ/TU ngày 30/9/2016 của Tỉnh ủy Lai Châu về việc ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016 – 2020”. Thực hiện Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 – 2020”, các đội văn nghệ cũng đã được hỗ trợ một lần ban đầu gồm: đạo cụ, dụng cụ, trang phục…
Múa nhảy lửa của dân tộc Dao Đầu Bằng (huyện Tam Đường) thu hút được sự quan tâm của nhiều khách du lịch.
Bên cạnh việc được hỗ trợ kinh phí, các Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện cũng hỗ trợ các bản du lịch cộng đồng về chuyên môn nghệ thuật như: định hướng lựa chọn tiết mục văn nghệ truyền thống đặc sắc của dân tộc, hỗ trợ biên đạo, biểu diễn, sáng tạo… Song công tác này chưa được quan tâm duy trì, chưa phát huy được tối đa vai trò của các nghệ nhân dân gian. Các đội văn nghệ chủ yếu là học hỏi, luyện tập, theo hướng dẫn của đội trưởng hoặc nghệ nhân uy tín trong bản, xã vì mục đích giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc, chưa thật sự gắn nội dung này với phát triển du lịch – một lĩnh vực còn mới trong tư duy của đa số người dân bản địa.
Hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng, đặc biệt là ở các bản du lịch đã được quan tâm bằng những hình thức nhất định. Tuy nhiên, mức hỗ trợ còn mang tính khuyến khích, động viên, duy trì. Bà Lò Thị Phào – đội văn nghệ bản Vàng Pheo (huyện Phong Thổ) tâm sự với chúng tôi: “Đội văn nghệ được hỗ trợ 2 triệu đồng/năm nên chúng tôi phải mượn loa, đài được cấp cho nhà văn hóa xã, bản để tập luyện, biểu diễn. Các bài múa sử dụng trang phục, đạo cụ, nhạc cụ có sẵn của cá nhân trong Đội. Phấn son, váy áo có khi phải mua thêm nhưng vì vui nên vẫn nhiệt tình tham gia. Thi thoảng, đội văn nghệ chúng tôi cũng tự đóng quỹ để được tham gia giao lưu với các đội văn nghệ quần chúng tỉnh bạn”.
Được biết, hỗ trợ kinh phí cho các đội văn nghệ làng bản của giai đoạn 2016 – 2020 đến nay đã kết thúc. Từ đầu năm 2021 đến nay chưa có nguồn hỗ trợ mới, nhưng các đội văn nghệ vẫn duy trì hoạt động. Điều đó thể hiện tình yêu của bà con với giá trị văn hoá của dân tộc mình. Nhưng để phát triển dân ca, dân vũ, dân nhạc mang tính quy mô, chuyên nghiệp hơn, phục vụ đắc lực cho du lịch thì cần có những chính sách quan tâm, hỗ trợ đặc biệt hơn nữa. Thực tế cho thấy, giai đoạn vừa qua, việc đầu tư cho hoạt động bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian gắn với phát triển du lịch còn chưa tương xứng với tiềm năng, dàn trải và chủ yếu là ghép với các nguồn kinh phí khác. Thực tế cho thấy, để bảo tồn các giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của mỗi dân tộc đã khó; khai thác hiệu quả, chuyên nghiệp gắn với du lịch cộng đồng càng là nhiệm vụ lớn đòi hỏi sự nhập cuộc của các cơ quan chức năng cùng với sự quyết tâm, đồng lòng của người dân bản địa.
Du lịch cộng đồng đã có những tác động đáng kể trong việc thay đổi diện mạo của địa phương, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc ở Lai Châu. Tuy nhiên, số lượng 11 điểm du lịch cộng đồng tại tỉnh chưa phải là con số lớn, một số điểm bản doanh thu thấp, chưa thực sự thu hút được khách du lịch. Du lịch chưa trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hình thức du lịch cộng đồng hiện tại mới đem lại nguồn thu nhập tăng thêm cho các gia đình, tạo điều kiện việc làm cho người dân địa phương. Trong khi đó, văn hóa bản địa đa dạng, phong phú là tài nguyên lớn chưa đầu tư và khai thác xứng tầm để kích cầu du lịch văn hoá.
Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã có chủ trương về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tại Nghị Quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021. Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030” được ban hành (kèm theo Quyết định số 562 /QĐ-UBND ngày 17/5/2021) thể hiện sự quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Trong đó, việc bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn (bao gồm ca, múa nhạc dân gian) trong mối quan hệ với phát triển cộng đồng cũng được quan tâm.
Việc bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch hiện nay nên được xem là vấn đề cấp thiết, góp phần củng cố vững chắc nền tảng tinh thần xã hội; thực hiện “hai nhiệm vụ lớn” vừa bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp, vừa phát triển kinh tế, giúp người dân thay đổi tư duy, tích cực làm giàu, tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng, xã hội, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh Lai Châu trong thời gian tới.
YẾN -GIANG