Không còn giông gió

1.

– Từ chợ cá này đến nhà anh còn chưa đầy chục cây số. Mà em nhớ chưa? Anh đã dặn về phong tục làng anh rồi nhé! Con gái ra mắt nhà nội là đến cửa phải bỏ dép bên ngoài, đi chân đất lội xuống ao rồi vào nhà. Nhé!

Chàng trai cao ráo, vạm vỡ ngồi cạnh Hương nói giọng nghiêm túc. Mà trong đuôi mắt nghiêm nghị của Trần, Hương tìm mãi cũng chẳng thấy tí sự cợt đùa nào. Bỗng một tia sáng lóe lên trong quầng mắt đen, Trần tiếp lời:

– Đến cổng làng còn phải đi bộ tầm một cây số mới về đến nhà cơ.

Tiếng chuông điện thoại “tell me to your heart” vang lên trong máy. Hương mở chiếc điện thoại gập – vốn là mốt lắm trong thời gian đó. Vang lên trong tiếng loa, vẫn là bài hát nhạc chuông của Hương. Trần nhìn Hương không nói câu gì. Tiếng nhạc vẫn vang lên, Hương hiểu, người bên đó cũng đang cùng cô lắng nghe bài hát ấy. Kỷ niệm chông chênh với tình yêu ngọt ngào mà mong manh đang dội về. Nhưng phút giây ấy Hương không cho phép mình yếu đuối một chút nào. Hương đã lựa chọn. Và đây là lần ra mắt nhà chồng sắp cưới. Hương gập điện thoại. Nhìn thẳng và bảo Trần:

– Em tin anh. Cả chuyện đi bộ vào cổng làng. Cả chuyện ra mắt phải đi chân đất lội xuống ao.

Trong lòng Hương lúc ấy chỉ nhủ thầm, nhất định sẽ phải đổi nhạc chuông điện thoại. Không nghe những giai điệu lạc lòng đến như thế.

Về cổng làng, bố Quảng mang xe máy ra đón hai đứa. Người đàn ông ngoài năm mươi tuổi phong độ khiến Hương giật mình vì không ngờ bố chồng còn trẻ như thế. Đến sân nhà, tiếng mẹ Trần vang từ trong nhà ra:

– Trần đưa bạn ra giếng kéo nước rửa tay cho mát rồi vào ăn cơm nhé!

Nước giếng mát lịm, Hương không quên nhéo Trần thật mạnh vào tay, “cái tội” định lừa trêu Hương ra ao sau nhà ư? Bước vào căn nhà ba gian đã cũ, Hương thấy bố mẹ Trần ngồi dưới chiếu, mẹ đang lúi húi bón bát cháo to đùng cho đứa nhỏ mười mấy tháng. Hương đã nghe Trần kể là mẹ đưa cháu về chăm sóc vì gia đình cậu em trai bận việc. Trần bảo với mẹ:

– Về nhà đột xuất mới bắt được quả tang bà để cháu lem nhem thế này nhé?

Mẹ Trần dáng cao, khỏe, da ngăm đen, vẻ chân chất của những người mẹ hiền dịu ở quê, vẫy Hương:

– Cháu ngồi xuống ăn cơm. Ông bà ở nhà khỏe không hả cháu?

Bữa cơm canh cá giản dị mà rất ngon của bà hấp dẫn Hương từ dạo đó. Lần này về nhà Trần, Hương cũng đã chuẩn bị trước mọi tinh thần. Với Hương, cuộc sống kinh tế không quá quan trọng. Thời điểm tuổi trẻ tuy còn non nớt, Hương vẫn chỉ coi trọng sự nghiêm túc và chân thành của chàng trai ấy. Đó cũng là lý do tình yêu mộng mơ, lãng mạn không có hồi kết của cô chấm dứt tuyệt đối, cho thấy sự dứt khoát trong tính cách của Hương – phần mà Hoàn chưa từng nhìn thấy khi anh chỉ muốn chúng ta cứ yêu, đừng nói chuyện tương lai. Yêu là cùng nhau thả chiếc đèn trời màu hồng em thích cùng ước mơ lên trời cao, là thưởng thức vị trà xanh, cà phê đắng ngọt như bọn trẻ cấp ba ở các quán mới mẻ. Nhưng Hương trưởng thành rồi. Và đối với Hương, yêu là phải có trách nhiệm, là về một mái nhà gắn kết chứ không phải chỉ lông bông vui chơi chỗ này, chốn nọ…

Lần thứ hai Hương gặp lại mẹ chồng chính là trong ngày cưới. Trước ngày cưới, bọn bạn nghịch phá bảo Hương:

– Thấy bảo nếu ngày cưới, lúc mẹ chồng đưa nón che cho con dâu, nếu nhanh chân dẫm được lên chân mẹ chồng lúc đó thì sau này sẽ không bị mẹ chồng bắt nạt đâu. Mày phải cố lên nhé!

Hương nguýt Đào. Cô đã nghe “bài” này lâu rồi nhưng không tin. Hương luôn cho rằng nết ăn ở của mình mới là cách để mẹ chồng thương mình hơn. Mặc dù mẹ Hương lấy bố, do bố mồ côi cả cha lẫn mẹ nên mẹ không có kinh nghiệm về việc “làm dâu”. Mẹ chưa dạy cho Hương bài học nào nhưng cô tin rằng chỉ tình cảm của mình với chồng thì chưa đủ gắn kết, nếu có sự ủng hộ, yêu thương của mẹ chồng thì gia đình mình sẽ vững bền hơn. Buồn cười là ngày cưới, lúc mẹ Trần đang che nón rồi kéo tà váy cô dâu lòe xòe, xuýt xoa dặn Hương đi cẩn thận kẻo ngã vì giày cao gót quá, Hương vẫn cứ nghĩ đến câu mà Đào dạy là phải dẫm lên chân mẹ chồng. Tất nhiên là cuối cùng Hương không nỡ làm thế trong một bối cảnh nghiêm túc như thế này.

Nhà chồng Hương ai cũng có dáng vóc cao ráo, trái ngược với gia đình cô toàn người bé nhỏ. Đó cũng là lý do lúc Hương về ra mắt sau đám cưới, Trần tuyên bố với cả nhà:

– Con đã chọn rồi, mọi người đừng bàn tán gì nữa nhé.

Mẹ chồng cũng không thấy nói gì về Hương. Hương nhớ nhất hồi mới về, cô em dâu bảo:

– Mẹ nhà mình thương dâu lắm, vì ngày xưa mẹ ở quê, làm dâu bị xét nét rất khổ.

Hương hiểu điều Lý nói hơn qua những tháng năm làm con dâu của mẹ. Nhiều người hỏi Hương có nghe được giọng mẹ nói không vì ở quê giọng nói rất nặng. Riêng Hương thì tiếng mẹ nói rất dễ nghe, dễ hiểu. Mẹ không còn giống như mẹ chồng, trong tâm thức của Hương, bà là người mẹ quê điển hình cô từng đọc qua những trang văn. Hương không buồn khi thấy hoàn cảnh gia đình Trần ở quê, trong lòng còn nhen nhóm vui khi thấy mẹ chồng là người hiền hậu giống với mẹ cô. Hương nghe Trần kể ngày xưa ở quê nghèo, mẹ chỉ học hết lớp sáu, nhưng trong khoảng thời gian dài được làm con dâu của mẹ Trần, cách xử sự trong đời sống của bà luôn khiến Hương thán phục. Mỗi khi về quê, mẹ đều giao việc nhà cho hai chị em dâu, khiến các cô thêm gắn kết và yêu thương gia đình hơn. Nói chuyện với mẹ, dần dà Hương không còn giữ khoảng cách mà trở nên thân thiết như với mẹ mình. Gia đình Hương ở miền Bắc, nhà mẹ ở tận miền Trung nhưng có lúc đi công tác, Hương vẫn một mình ghé về thăm mẹ. Đêm nằm ngủ, mẹ kể những câu chuyện hồi Trần còn bé. Hương vô tư hỏi mẹ:

– Mẹ ơi, bố cứ đi buôn ở bên Lào từ khi trẻ đến giờ mà mẹ chăm lo gia đình một mình, mẹ không lo lắng ạ?

Giọng mẹ dịu dàng:

– Lo lắng gì hả con? Mẹ tin tưởng bố mà! Với ông bà nội già rồi, mẹ ở cạnh chăm sóc bố mới yên tâm đi làm. Còn ruộng vườn, lợn, gà nữa con ạ!

Hương quả quyết:

– Không được mẹ ạ! Quan điểm của con “Thuyền theo lái, gái theo chồng”. Bố ở đâu mẹ phải ở đó chứ, mẹ còn chăm bố ăn uống hàng ngày. Với lại đàn bà giữ tiền sẽ đảm bảo hơn và có tích cóp.

Câu chuyện dừng lại ở đó, mẹ không bàn thêm gì với Hương. Hương trở về nhà và quên chuyện mình đã nói. Nhưng thật bất ngờ vì mẹ nhờ ông bà nội chăm lo ruộng vườn, lợn, gà và đi buôn với bố. Bất ngờ hơn khi mẹ của Trầnvới bản tính tỉ mỉ và chăm chỉ, khéo léo cũng vun vén được số vốn khá lớn sau vài năm đi buôn chứ không bị thất thoát như bố. Ngày mẹ xây lại ngôi nhà ở quê, tết về, các con đứa nào cũng mừng vui khôn cùng.

 

2.

Bà Trần nhìn Hương yếu đuối lẩy bẩy sau cuộc “vượt cạn” hai bé sinh đôi mà thương xót. Đã lâu người ta chẳng ai gọi tên bà, hồi trẻ thì gọi là bà Quảng – theo tên của chồng. Đến giờ lại gọi là bà Trần – theo tên cậu con cả. Họ dường như đã quên tên cúng cơm của cô Xuân – nhan sắc ưa nhìn thời trẻ như thế nào. Nhớ đến tình yêu với ông Quảng, cô Xuân cũng nghĩ ngay đến những nỗi đau của mình. Giờ đây, con cháu đầy đàn vui vầy. Cô không khỏi đau đớn nhớ cái ngày mình mới mang bầu, mỗi ngày mẹ chồng đều sai làm quần quật ngoài ruộng. Cái ao to trước cổng chứng kiến bàn tay chai sần của thai phụ cùng bố mẹ chồng cuốc từng tí một để làm thành. Cuộc đời có khác gì con trâu cày không? Nước mắt như lặn vào trong bởi đời cô Xuân cũng cực khổ từ nhỏ, con nhà lao động, lại đông con và vùng đất thì đói nghèo, “Chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Anh Quảng có tư tưởng thoát ly nên từ khi lấy cô Xuân về, anh cũng cứ đi biền biệt, lần nào về cũng chỉ vài ngày rồi lại lấy cớ này kia đi buôn bán khắp xa gần. Bao lần cô Xuân nuốt nước mắt vào trong, nghe anh nói với đám bạn nhậu:

– Vợ nhà này thì nhàn rồi, ở nhà dưỡng thai sướng. Mình đi làm mới khổ cực chứ!

Đi nhiều nhưng chẳng khi nào thấy anh Quảng mang được tiền về. Ở nhà lần nào anh về là tiền bán lúa, bán cá đều mang ra mua đồ nhậu về đãi bạn. Cô Xuân vì mê vẻ đào hoa của anh, lại nín nhịn đã quen, mẹ dặn “Một điều nhịn là chín điều lành”. “Giận chồng cũng đừng về với mẹ, xóm làng người ta cười chê, còn mấy đứa em của mày chưa lấy được chồng đây này”. Cô lại vác cái thai to tướng về nhà. Nhưng trời không thương. Một đêm mưa gió, sấm chớp đùng đoàng, ễnh ương kêu ran bờ ao. Mẹ chồng trong buồng trong dấm dẳng:

– Rồi đến vỡ ao mất thôi. Có dâu mà bố mẹ chồng cũng vẫn phải lo, phải khổ.

Cô Xuân không nghĩ được gì nhiều, buộc tạm cái áo mưa rách và đội cái nón mê nhào ra ao. Cú trượt ngã ngoài ao đau điếng khiến mắt cô vương nước, gương mặt tái dại. Duy nhất chỉ một lần đó thôi, mà đau đớn cõi lòng cô chưa khi mời được thầy thuốc đến nhà, họ chỉ lắc đầu. Cái lắc đầu đem hết tuổi thanh xuân của cô đổ cùng cơn mưa khi đứa con không giữ được, chỉ còn người phụ nữ gầy nhỏm, đôi mắt trũng sâu cùng nỗi buồn không dứt nổi.

Cũng một đêm mưa gió như thế, nước ngoài bàu duyềnh lên như có điềm báo. Quảng về. Trên tay anh là cái bọc nhỏ và tiếng khóc rền rĩ của đứa bé vài tháng tuổi có gương mặt vuông vắn và đôi mắt sáng. Anh quỳ xin lỗi Xuân. Bố anh bỏ vào thắp hương trên bàn thờ. Mẹ thì than khẽ: “Cũng tại cô từ ngày đó không có nổi đứa con. Chồng nó chán…”. Xuân lẩy bẩy ôm đứa trẻ, vuốt sợi tóc lòa xòa trên trán nó. Trong lòng trào dâng xúc cảm mãnh liệt y như lúc cô cầm trên tay tờ giấy khám xác minh đời này, cô không thể có được đứa con do chính mình đứt ruột đẻ ra. Cô âu yếm gọi đứa bé là Trần vì vẫn nhớ cuốn tiểu thuyết cô từng đọc ngày còn xuân thì. Đó là một chàng trai mạnh mẽ, chung tình biết bao. Cô từng nghĩ sau này lập gia đình, sẽ có một người chồng thương vợ đến như vậy. Đời cô không có nổi rồi… Hy vọng chàng trai này lớn lên sẽ biết thương vợ con… Trần lớn lên bên Xuân, trở thành niềm vui để cô sống bên bố mẹ chồng, còn chồng lại biền biệt. Cho đến ngày Trần được bốn tuổi thì người phụ nữ kiều diễm đó xuất hiện vào giữa một buổi trưa hè oi bức, cũng lại dắt đứa trẻ hai tuổi và bảo Xuân: “Nó là con của anh Quảng…”. Lời nói thoảng như gió, đứa trẻ con mới bập bẹ nói và biết đi lẫm chẫm hằn vào tim Xuân niềm thương cảm. Ánh mắt thơ ngây, gương mặt tròn và những sợi tóc loe hoe, nó đã biết ôm mặt Xuân mà nựng: “Mẹ thương! Mẹ thương”.

Nhà quê mà. Miệng lưỡi ra vào đắng đót. Hàng xóm tối ngày thì thầm thì thụt. Nhưng Xuân chẳng còn cảm giác gì bởi cô không còn buồn bã và tủi thân, cô đơn nữa. Hai đứa trẻ lớn dần và biết thương mẹ. Trần chịu khó đi lấy củi trên đồi về cho mẹ nấu. Thằng Sinh thì vừa khéo tay như con gái, vừa tối ngày thủ thỉ bên Xuân, cô quên đi phận mình cùng những lời cay nghiệt của mẹ chồng và thói gia trưởng của bố chồng. Cô cũng không còn suy nghĩ nhiều đến người chồng đẹp trai, cao ráo, có cũng như không. Cô tự cho rằng số phận bù đắp lại cho cô tình yêu của các con. Cô tin cuộc đời luôn không để ai phải thua thiệt, và cô cũng vậy…

 

3.

Tiếng ễnh uôm kêu mưa ngoài rãnh nước trước cửa khiến mẹ Trần giật mình. Thể nào rồi sấm sét cũng bị ngắt điều hòa thôi! “Nắng nóng gió Lào”. Làm sao ba mẹ con nó chịu được? Trước lúc Hương sinh, bà đã lo lắng về cái nóng ở đây. Càng quạt càng oi bức. Tắm cũng phải tranh thủ từ sáng, chứ đến chiều, nước trên năng lượng mặt trời như muốn sôi, xối nước ra chỉ thấy luồng khí nóng bốc lên. Bao năm bà gắn bó với mảnh đất này, trải qua bao nhiêu mùa hè đổ lửa cũng không sao, nhưng nghĩ đến bọn trẻ thương lắm, nên chẳng ngại ngần tiết kiệm nữa mà lắp điều hòa luôn. Thế mà giờ vẫn bị mất điện giữa đêm. Không khí trong phòng ứ nghẹn lại, hai đứa trẻ con bắt đầu o oe khóc vì nóng. Hương bảo mẹ:

– Hay con mở cửa sổ cho thoáng, vừa mưa xong mát lắm.

Bà Trần gạt ngay:

– Mẹ con mình thì chịu được gió máy chứ hai đứa này nó bị cảm đấy.

Rồi bà ra đầu hè lấy cái mo cau quạt khẽ khàng cho hai đứa ngủ. Dưới bàn tay mát nhẹ đấy, Hương cũng ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy hỏi mẹ mấy giờ, mẹ bảo đã ba giờ rồi! Hương giật nảy mình, quạt liền hai tiếng thì mỏi tay lắm chứ. Hương liền bảo mẹ:

– Mẹ để con quạt thay cho mẹ nhé?

Bà lại nói:

– Con đang trong cữ. Phải kiêng khem không sau này khổ. Như mẹ đã từng… Mẹ quạt cho cháu ngủ được, đừng lo.

Phải đến bốn giờ sáng điện mới lên, Hương nằm bên các con ngủ say, thở đều mà xót mẹ chồng quá. Thuở nhỏ ở cùng mẹ đẻ, cô được bao bọc ấm êm nên ít có những kỷ niệm vất vả. Đến lúc làm con dâu mẹ Trần, Hương biết nhiều câu chuyện thời trẻ của bà. Hóa ra, khi lớn lên, cả Trần, cả Sinh đều biết được gốc tích của mình. Nhưng vẫn một lòng hiếu thuận như vậy. Với bà, chúng nợ công dưỡng dục, còn cao lớn hơn công sinh thành nhiều lắm…

Câu chuyện bà Trần chăm sóc hai cháu sinh đôi còn rất nhiều vất vả kể từ ngày các cháu còn đỏ hỏn. Đêm Hương chỉ ôm được bé út, bé lớn từ lúc sinh ra đến lúc lớn, một tay bà ôm ngủ, cho uống sữa, ăn bột… Bà chăm sóc các cháu và chứng kiến từng khoảng thời gian cháu lớn lên, từ khi biết lật, biết bò rồi biết đi và có thể đi học trường mầm non tư thục.

Bạn bè Hương nhiều người nói:

– Thu nhập mỗi năm của hai vợ chồng cậu dư được có vài chục triệu, lại về quê vài chuyến như thì chẳng còn đồng nào để dành cả.

Hương thường chỉ cười. Mỗi năm đưa các cháu về thăm nhà nội vài lần, mỗi chuyến đi một trải nghiệm đáng nhớ với cả nhà Hương. Đúng như Trần từng nói:

– Cho các con về thăm ông bà là để chúng biết cội nguồn. Sau này vợ chồng mình nghỉ hưu, các con dù có đi làm ăn xa đến đâu cũng sẽ nhớ về với bố mẹ. Nhà nào cũng phải có gốc gác thì thành công mới có nghĩa. Tiền nhiều khi không mua được tình cảm yêu thương của gia đình, quê nhà đâu.

Mỗi lần Hương về, mẹ Trần thường bảo:

– Cảm ơn con vì đã đưa bọn trẻ về với bố mẹ. Nhớ chúng nó quá mà xa nên mỗi năm bà cũng chỉ lên thăm được một lần thôi!

Hương bảo mẹ:

– Con phải cảm ơn mẹ nhiều. Vì có mẹ con mới có một người chồng nghĩa tình. Lại có hai cục cưng đáng yêu này nữa! Con luôn coi mẹ như mẹ đẻ của mình, mẹ ạ!

Chuyến về thăm mẹ lần này cũng đột xuất như khi Trần thông báo với Hương tin bố anh phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối. Mặc dù suốt chuyến đi, hai đứa nhóc sinh đôi cười nói vui vẻ, Hương vẫn cảm thấy trong lòng bất an. Chỉ đến khi xe chuyển bánh đến cổng làng, Trần mới khẽ bảo chú Sinh đang lái xe:

– Lúc xe mình qua thủ đô một chút, mẹ gọi cho anh, nói rằng bố Quảng đã mất rồi! Mọi người bình tĩnh nhé!

Xe dừng trước cửa nhà. Bà Trần tất tả đưa các cháu vào nhà. Cũng điệu bộ ấy, bà lo lắng ngược xuôi tang ma cho ông Quảng. Hương ngồi nghe các em gái của ông khen ngợi mẹ chồng mà thầm thương bà vô hạn. Đến cửa phòng bà Trần, cô sững người nhìn hình ảnh mẹ ôm chiếc áo sơ mi xanh trứng sáo bố Quảng thích mặc nhất. Trong lòng mẹ nghĩ gì, Hương không rõ. Nhưng đúng là tình yêu đong đầy của bà vẫn còn đó, ở nơi xa kia, bố có biết hay không?

VŨ NGUYÊN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.