Khi con mới chào đời, mỗi lần cho con bú hay bế bồng con, mẹ lại nhẹ nhàng nâng niu đôi bàn tay xinh xinh mềm mại của con, ru con những lời của mây của gió, của sông của suối và lời của đại ngàn bao la, của thảo nguyên mênh mông xa vắng, lời của cái cò, cái vạc, cái nông… từ trong ca dao cổ tích. Con thụ động đón nhận cử chỉ âu yếm ấy như một lẽ tự nhiên, như đón nhận dòng sữa ngọt ngào, thơm lành mát rượi từ bầu vú no tròn mẹ tiếp cho con. Đôi mắt tròn xoe, trong veo, ngơ ngác dần hình thành phản xạ có điều kiện. Đôi tay xinh xinh như hai chiếc lá không chỉ biết quờ quạng tìm bầu sữa ngọt ngào của mẹ mỗi khi con đói mà dần dần còn biết lần tìm hơi ấm tình thương từ đôi bàn tay bao dung mỗi khi con khát tình của mẹ…
Lần đầu tiên con chập chững tập đi, cha nắm tay con thật chặt để con không sợ hãi, hai chân đứng vững, mắt nhìn về phía trước, thẳng bước, tự tin đi những bước đầu tiên trong đời. Đôi tay to lớn của cha như điểm tựa vững chãi trong đôi mắt trẻ thơ của con để sau này lớn lên nhớ đến, con lại nghẹn ngào trong cảm xúc thiêng liêng, hạnh phúc vô bờ.
Khi con cắp sách đến trường, cô giáo cầm tay con, kiên trì dạy con tập viết những chữ cái ngay thẳng đầu tiên. Con mím môi mím lợi, gò mình trên bàn, cố làm sao viết được chữ “O” thật tròn… “Không phải làm như thế!”. Cô nhẹ nhàng nhắc nhủ, uốn nắn cho con tư thế ngồi thẳng lưng kẻo lớn lên bị cong vẹo cột sống, ân cần bảo ban con đừng căng thẳng thế, lần đầu tiên thấy viết chữ thật khó, cứ viết nhiều sẽ dần quen đi thôi!
Cái nắm tay của cha của mẹ, của thầy của cô trong những mốc tuổi ấu thơ đầu đời của con là tiền đề để sau này con mạnh dạn tự tin đón nhận và chủ động bắt tay bạn bè hồn nhiên và thân thương trìu mến…
Bước qua tuổi hoa niên, con dần biết đến những cái bắt tay.
Bắt tay – ấy là biểu hiện của tình thân ái, là niềm tin ta trao gửi cho nhau.
Bắt tay không gợn chút mảy may so đo, tính toán.
Bắt tay đơn thuần là tình cảm vô tư, trong sáng người và người trao nhận ở nhau.
Cái bắt tay ngày chia xa bạn học phổ thông có vương chút bịn rịn, ngậm ngùi của những người đồng trang đồng lứa. Cùng cuốn sổ lưu bút, cái bắt tay thân mật giã từ bạn bè mỗi người một ngả cũng là giã từ tuổi thần tiên cắp sách đến trường để chập chững những bước đầu tiên vào đời mới quý giá làm sao!
Lần đầu tiên con tim biết rung động trước một người khác giới, cái chạm tay của bạn trai bỏng rát khiến con như bị điện giật, rụt vội làm bạn trai tẽn tò, hụt hẫng. Rồi sau khi làm lành với nhau, lần thứ hai bạn trai cầm tay, con e dè ngượng ngập, nửa như muốn rụt lại vì giữ ý, nửa như muốn níu kéo lâu hơn để tận hưởng cảm giác hạnh phúc đến nghẹt thở, con tim đập dồn như tiếng trống ngày hội… Nghe lòng rưng rưng nhớ đến câu thơ của Thế Lữ: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên…”.
Trên bước đường công tác, trước mỗi thành công, trước mọi thất bại con luôn có những người thân, bè bạn ở bên nắm tay con thật chặt, chẳng cần thốt lên lời mà như có một sợi dây vô hình thân thương gần gũi, tiếp cho con sức mạnh để con ngẩng cao đầu, vươn lên phía trước…
Một ngày buồn nào đó, con phải vào bệnh viện. Bác sĩ, y tá, hộ lý, gia đình, bè bạn lại đến bên con, tay trong tay thân thương trìu mến, con bỗng thấy cuộc đời này có thêm bao ý nghĩa, Tấm thân bé nhỏ của con không phải chỉ là của riêng con nữa. Con giữ gìn, nâng niu, chăm sóc tấm thân con trước hết là vì con và sau đó cũng vì cha mẹ và tất cả những người quý yêu con.
Hạnh phúc của đời người là được cho đi và nhận lại. Con đã nhận được biết bao tình cảm thiêng liêng cao quý của mọi người từ những cái nắm tay, những cái bắt tay chân tình, giản dị. Đôi bàn tay con hãy nâng niu, chăm sóc mẹ cha, anh chị em, bè bạn, các cụ già và các em thơ nhé!
Cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển văn minh nhưng cũng kéo theo nhiều hành vi lệch chuẩn.Nơi công sở, bên cạnh những cái bắt tay ấm nồng thân thiện, con sẽ dễ dàng nhận ra những cái bắt tay xã giao khô cứng cùng nụ cười không có hồn thường trực trên môi của những kẻ cơ hội. Bằng trực giác nhạy bén của phụ nữ, con dễ dàng nhận ra đâu là cái bắt tay chân tình giản dị, đâu là cái bắt tay hững hờ, giá lạnh. Và nữa, thấy con trẻ trung xinh đẹp, có thể sẽ có một ông sếp máu dê nào đó lợi dụng cái bắt tay cọ cọ vào gan bàn tay con, như một phép thử phản ứng của con để rồi toan tính “được đằng chân, lân đằng đầu”. Phải tránh xa ngay loại người này con nhé!
Trong các cuộc liên hoan giao lưu, tổng kết hay tiệc cưới, người ta cũng thích bắt tay nhau lắm! Sau mỗi tiếng “dô! dô!” đồng loạt đầy phấn khích, họ lại bắt tay nhau hàng loạt để tiếp tục nâng ly, cạn ly. Dẫu chỉ là để tăng thêm phần vui vẻ nhưng cũng mất vệ sinh lắm! Những đôi tay búp măng vừa bóc tôm hùm, xé thịt gà đưa lên miệng, còn nhờn nhẫy mỡ mà vì phép lịch sự khi người ta chìa tay ra mà phải cố chìa tay lại để bắt tay họ… sao mà gượng gạo, mất tự tin đến thế!
Ôi, khi tay chạm tay có bao điều muốn nói…
Bùi Thị Sơn