Khát vọng

Mưa rả rích cả chục ngày nay, trận sau nối trận trước. Mưa giúp cây cối xanh tươi mơn mởn, cỏ dại cũng nhờ đó mà lấn lướt. Mưa nhiều, nước dư dả tràn từ bờ cao xuống ruộng thấp. Thửa ruộng nhà Khăn, lúa mới bén rễ. Rễ mới ra cắm vào bùn non nhiều dưỡng chất từ phân chuồng ủ mục, để khô dưới sàn nhà. Trước hôm cấy, vợ chồng Khăn đã cõng từng bao tải phân lên tãi đều khắp ruộng trên ruộng dưới. Ngắm những lá lúa non nớt xanh dịu đung đưa trong gió nhẹ, Khăn thấy vui vui.
Chiều nay mưa tạnh, Khăn tranh thủ ra thăm lúa. Cô không quên mang theo cả bình phun cùng thuốc trừ sâu ngô. Ruộng ngô nhà cô ở quả đồi bên kia đang ra cờ. Thời tiết mưa nhiều, ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển. Nếu không phun thuốc kịp, chỉ chậm vài ngày thì nguy cơ mất mùa riêng là rất cao. Vừa làm, Khăn vừa miên man trong đầu những việc sắp phải hoàn thành. Mưa hối thúc nương lúa, nương ngô, vồng khoai, luống đỗ tươi tốt, xanh mướt mát. Đất no nước, con suối Nậm Hon căng ứ nước dềnh lên mấp mé bờ. Qua mùa mưa, sang thu nhà Khăn sẽ lại đầy ắp những thóc, ngô, khoai… Lại còn nương chè Tân Cương phía sau nhà chỉ đôi ba ngày nữa là thu hái được. Công việc bộn bề. Khăn phải làm hết. Việc này chưa xong, việc khác đã đến, không chút ngơi tay. Tuy bận rộn nhưng bù lại cuộc sống no đủ không đến nỗi thiếu đói như ngày Khăn còn bé. Ông bà, bố mẹ cũng quần quật cả ngày trên nương, trên ruộng mà đói vẫn hoàn đói.
Cuộc sống giờ thay đổi nhiều quá. Đám trẻ không tha thiết với ruộng nương. Đứa nào đứa nấy thi nhau học rồi ra phố làm việc. Thằng Ún, cái Đi thì làm việc nhà nước còn đa phần đi làm công nhân tận Bắc Ninh, có đứa làm mãi tít trong Bình Dương. Thằng Xeng – đứa con trai duy nhất của vợ chồng Khăn, làm trên thành phố. Nó bán hàng cho siêu thị. Tháng về đôi lần thăm bố mẹ chốc lát rồi lại đi ngay. Chúng nó theo nhau ra phố kiếm sống chứ ở bản có thiếu gì việc đâu. Cũng đúng thôi, tuổi trẻ phải bay nhảy. Ở bản, chân lấm tay bùn, đi đây đi đó còn học hỏi điều hay lẽ phải. Tuổi trẻ bay đi tìm những khung trời mới còn nương lúa, ruộng ngô chỉ còn người trung tuổi như Khăn làm. Ngay cả cánh đàn ông trung niên, hết mùa cấy gặt cũng ra thành phố, đi theo ông chủ công trình làm phụ hồ, thợ xây,… Vất vả chút ít nhưng có đồng ra đồng vào. Gom lại với vợ ở nhà thì mỗi năm vợ chồng Khăn cũng để dành ra được chút ít sau này dưỡng già. Tiền thì ai cũng thích. Nhưng vợ chồng, con cái cứ phải xa nhau thế này Khăn không ưng bụng. Lúc nào thằng Xeng về phải giục nó lấy vợ, sinh con rồi vợ chồng ở lại bản cùng bố mẹ làm ăn. Vợ chồng Khăn cũng đã sắp năm chục tuổi rồi. Cái chân không còn chắc khỏe như thời trẻ. Gùi, địu ngô lúa nhiều thấy đau vai, mỏi gối.
Mặt trời khuất sau rặng núi. Tảng mây xám lờ lững, nặng nề trôi. Vài hạt mưa lách tách rơi xuống. Khăn vội vàng thu dọn dụng cụ, tất tả leo qua từng bậc tả luy lên đường cái, đi về nhà. Con chim cuốc ra ngoài kiếm ăn, nhìn thấy Khăn, nó thoắt chạy qua đường chui vào bụi sim rậm rạp, mất hút. Phía chân trời, cầu vồng bảy sắc hiện lên trong ráng chiều.
Khăn về đến nhà thì trời sập tối. Trong nhà nhạc nổi lên phừng phừng. Dưới sàn, chiếc xe máy của Pèng dựng cạnh cái cột nhà. Chỗ chân cột, con Mun thấy chủ về cố giằng sợi xích lao về phía Khăn gâu gâu sủa đòi gỡ xích. Cái đuôi nó ngoáy tít, lưỡi liếm tay Khăn. Khi chiếc xích rơi tuột xuống đất leng keng, con Mun lao thẳng ra ngõ, đuôi vẫn rối rít ngoáy. Nó đi tìm bạn!
Đêm nay trời không mưa. Trăng sáng vằng vặc. Bản làng đã chìm sâu vào giấc ngủ. Chỉ có tiếng con ếch già dưới ao kêu ồm ộp. Con ếch kêu một chặp lại nghỉ lấy hơi. Lúc nó nghỉ, bọn cóc, nhái, giun, dế… mới đua nhau lên tiếng. Cứ như thể chúng hiểu rằng, chúng lên tiếng cùng lão ếch thì đồng loại của chúng không nghe được gì. Khăn không sao chợp được mắt. Có cái gì đó khiến ruột gan cô xót như bỏ muối. Ánh trăng rọi vào buồng cô, rọi qua khe ván bưng vách sáng cả căn buồng nhỏ hẹp. Pèng đã ngủ từ lâu. Nhìn chồng say giấc, cô cũng thèm được chợp mắt một chút. Mọi ngày ngả lưng xuống giường là Khăn ngủ mà sao hôm nay khó ngủ đến lạ. Nửa đêm. Chiếc điện thoại của Pèng réo vang nhà. Đầu bên kia là giọng nói của một thanh niên trẻ măng. Thanh niên báo cho vợ chồng Khăn phải ra ngay bệnh viện tỉnh, thằng Xeng đang cấp cứu ở đó. Nó bị xuất huyết dạ dày. Khăn cuống cuồng lay gọi chồng dậy, chuẩn bị mấy thứ cần thiết. Chiếc xe vụt đi trong đêm.
Đêm nay là đêm thứ hai Khăn thức trắng trông con. Thằng Xeng phải truyền máu. Phòng bệnh chật kín bệnh nhân. Cả phòng có sáu giường đủ cho sáu bệnh nhân nằm. Bác sỹ bảo bệnh nhân không phải nằm ghép giường là tốt rồi. Cả sáu giường bệnh và người nhà đi chăm sóc bệnh nhân không ai ngủ được. Không phải họ đau đớn đến không ngủ được mà vì sự ồn ào của người bệnh nằm ở giường số bốn. Đó là một ông lão hơn sáu chục tuổi. Mái tóc màu muối tiêu lơ phơ, rối bù, cứng ngoắc. Người gầy gò, chỉ còn da bọc xương. Dáng tiều tụy, khắc khổ. Ông tên là Lò Văn Hặc, từ trên Sìn Hồ xuống chữa bệnh. Ban ngày ông đi lang thang trong khu bệnh viện. Bà vợ nhìn trẻ hơn ông đến chục tuổi lẽo đẽo theo sát cả ngày đêm trông nom ông như người mẹ trông đứa con dại mới chập chững bước đi. Đã ba ngày đêm rồi ông chưa chợp mắt. Ngày đi đi lại lại ngoài hành lang, gặp ai không quen biết ông cũng níu lại. Ông chào mọi người bằng đồng chí. Ông hỏi: “Giặc chạy hết chưa? Cao điểm ai còn, ai mất? Đạn dược, vũ khí có đủ không?” Nhưng đêm đến các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cần sự yên tĩnh, họ cài cửa và tắt điện. Bà bắt ông nằm trên giường bệnh của ông. Đôi chân ông không nghe theo sự chỉ bảo của bà. Ông muốn đi. Không được đi thì ông chửi. Ông chửi bà ác. Bà cùm kẹp ông. Chửi chán ông vung tay tát bà bôm bốp. Có khi đang ngồi yên ông vùng dậy, hô:
– Pằng! Pằng! Pằng! Giặc chết hết rồi! Anh em ơi! Xung phong!
Rồi ông cười sằng sặc một mình:
– Thắng rồi! Quân ta thắng rồi!
Hô hét chán, mệt ông nằm xuống giường nghỉ chốc lát rồi lại giật đùng đùng hô hét, rồi lại chỉ thẳng mặt bà quát:
– Mày ác hơn thằng giặc, quân ta thắng to rồi mà mày giam giữ tao. Mày không cho tao đánh trận cuối. Mày giấu súng của tao ở đâu? Trả tao súng để tao bắn chúng nó. Tao phải đuổi chúng nó về tận nhà chúng nó. Tao bảo vệ quê hương. Cái thân tao có hy sinh để quê hương yên bình thì đáng lắm. Mày thả tao ra cho tao đi đánh giặc! Tao phải đuổi sạch quân cướp nước! Đuổi sạch!
Ông cứ lảm nhảm hết câu này sang câu khác. Tất cả các câu ông nói chỉ quanh một chủ đề “đánh giặc”.
Mấy đêm không được ngủ vì sự ồn ào của ông lão nhưng không ai thấy khó chịu. Mọi người không chỉ cảm thông mà còn thương hai ông bà. Một người bệnh, nói mà không biết mình nói gì, làm mà không hiểu mình làm gì. Một người nhẫn nhịn chịu đựng và cũng hết mình chăm sóc người chồng ốm yếu của mình.
Giường bệnh số 03 là giường của một người đàn ông béo lùn, da đỏ au. Ông nhập viện cấp cứu khi huyết áp lên tới 180/90. Ông đã nhập viện được năm ngày. Sức khỏe ông hiện tại khá ổn. Hai ngày nay ông ngồi dậy trò chuyện với mọi người trong phòng bệnh. Ông tên Chiến. Tính tình vui vẻ, cởi mở. Ông kể cho cả phòng bệnh nghe về cuộc đời ông Lò Văn Hặc.
Ông Hặc vốn là người cùng xã, khác bản với ông Chiến. Anh thanh niên Lò Văn Hặc bước vào tuổi đôi mươi đúng vào những năm cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ trước. Sau khi xung phong đi đánh giặc, anh thanh niên Lò Văn Hặc nhập ngũ vào trung đoàn 254, bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn, đóng quân ở Mường Khương. Trong một trận đánh ác liệt, anh Hặc cùng đồng đội được lệnh lên giữ chốt trên cao điểm. Tổ của anh chiến đấu vô cùng anh dũng. Giặc chết la liệt. Cao điểm của ta được giữ vững. Đồng đội của anh hy sinh gần hết. Khi đơn vị lên ứng cứu thì anh Hặc đã lịm đi vì kiệt sức. Lúc bị thương ngã xuống, đầu anh đập vào tảng đá. Máu chảy đầm đìa khắp người. Anh được cáng về tuyến sau trị thương.
Chiến tranh kết thúc. Sức khỏe bình phục, anh về địa phương tăng gia sản xuất. Lấy vợ người cùng bản. Vợ anh ba bận sinh nở nhưng hai đứa trẻ không ở lại. Chỉ có đứa thứ ba không chê anh nghèo. Vợ chồng anh quý đứa con gái như ngọc ngà châu báu. Nó bụ bẫm, xinh đẹp, ngoan ngoãn. Mười ba tuổi nó bị kẻ xấu dụ dỗ nói là đưa đi làm ăn, việc nhẹ lương cao, có nhiều tiền gửi về cho bố mẹ. Tin lời ngon ngọt của kẻ gian trá, nó đi biền biệt không về. Hai vợ chồng anh Hặc khốn khổ bỏ hết việc rừng ruộng, nương rẫy đi tìm con khắp thâm sơn cùng cốc. Ai mách thoáng nhìn thấy nó ở đâu là vợ chồng anh lại tất tả lên đường. Năm năm trời tin tức về đứa con cưng vẫn biệt vô âm tín. Bà vợ thương con, lo lắng cho con cùng với việc đi nhiều, ăn nghỉ thất thường mà xuống sức trầm trọng, rồi lâm bệnh nặng. Bà ấy qua đời ở tuổi bốn ba.
Sau ngày vợ mất, con không tìm thấy, ông Hặc sống một mình, lặng lẽ trong căn nhà nhỏ. Nhẽ đời, khi tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng đuối. Ông chán nản, quẫn chí, lấy rượu làm bạn. Cả ngày ông ngồi riết bên mâm cơm chỉ có chai rượu, đồ nhắm là vài quả chuối xanh ngoài vườn chấm muối ớt. Rượu là niềm vui sống. Ông sống triền miên trong những cơn say. Với ông, thời gian không có sự phân biệt ngày và đêm. Say ít thì ông hát. Ông ngồi bên chai rượu, mắt nhắm hờ, đầu gật gù, người đung đưa. Ông hát bằng cái giọng khàn đục. Hát đấy rồi ông lại khóc đấy. Khóc như đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi trong rừng vào đêm tối không trăng sao. Khóc đến khi nào mệt lả ông lăn ra sàn nhà ngủ. Ngủ dậy lại uống.
Triền miên như thế đến năm ông vừa đủ sáu mươi tuổi thì ông gần như mất trí nhớ. Ngoài việc uống rượu ông còn đi lang thang, gặp ai cũng níu lại hỏi thăm về cao điểm, về đồng đội. Ai cho gì ăn lấy. Thỉnh thoảng có chút tỉnh táo, ông lại thèm rượu. Đôi chân không ý thức dẫn ông đến quán rượu. Vài tiếng trong ngày không được chén rượu thì tay ông không cầm nổi đôi đũa thế mà lúc ấy có ai rót mời chén rượu. Ông đón lấy đưa lên miệng, không để sánh ra ngoài giọt nào. Chén rượu chạm môi, ông ngửa cổ nốc một hơi hết sạch. Mắt ông cứ nhìn chằm chặp người ta như van lơn. Đôi mắt thèm thuồng nhìn cái chai sóng sánh những giọt ngọc bên trong mà nuốt nước bọt đánh ực. Trong bản nhà ai có cỗ cũng mời ông đến. Ông khề khà từ sáng tới khuya, từ khuya tới sáng, gia chủ không lấy đó làm phiền hà. Mọi người đều vui vẻ với niềm vui tình làng nghĩa xóm. Nhà ai có cỗ, ông ở đó từ đầu đến cuối. Có khi họ giữ ông ở vài ngày.
Cả bản ai cũng nghĩ ông Hặc sẽ sống như vậy đến khi mường trời gọi tên thì đi. Ai mà biết được, sáu mươi tuổi, bệnh tật đầy mình, rượu say triền miên. Của cải không có gì ngoài căn nhà dột nát, chiếc giường tre ọp ẹp với những chăn chiếu nhàu nhĩ, hôi hám ông lại có được vợ mới.
Không đám cưới! Cùng cảnh góa bụa, bà nấu ăn một mình thấy khó nuốt. Thương ông, bà nấu dư một chút mang đến mời ông. Rồi bà quét dọn nhà cửa, giặt giũ giúp ông. Bà thấy ông hiền lành, đáng thương. Lâu dần thành quen cửa, quen nhà, quen hơi, quen tiếng. Hai năm gần đây, bệnh ông trở nặng. Trái gió trở trời lại phải nằm viện điều trị. Năm ngoái sau vài lần đưa ông đi viện. Bà lo ông còn yếu người nên ở lại cùng nhà với ông. Người trong bản gọi bà là bà Hặc. Lúc đầu hai cô con gái bà Hặc có phản đối kịch liệt, sau thấy mẹ có vất vả hơn chút nhưng bù lại mẹ vui nên các cô cũng bằng lòng để mẹ sang ở chăm ông. Các cô cũng bận rộn lo công việc nhà chồng, không có thời gian bên mẹ. Để mẹ lủi thủi một mình mẹ buồn mà sinh bệnh thì các cô không đành lòng.
– Thế đấy, mỗi người chọn cho mình một niềm vui sống. Sống đơn giản khi ta nghĩ giản đơn. Hạnh phúc đâu cứ phải giàu sang phú quý, đâu cứ phải nhà cao cửa rộng, làm ông nọ bà kia mới hạnh phúc. Hạnh phúc lớn nhất, ấm áp nhất đọng lại trong mỗi chúng ta cái tình người, nó đánh bay mọi toan tính về hẹp hòi về bạc tiền, vật chất. Thật đúng là thương nhau củ ấu cũng tròn.
Câu nói của ông Chiến kết thúc câu chuyện về ông Hặc, cả phòng bệnh lặng đi. Khăn đưa vạt áo lên khẽ lau nước mắt.
Đêm nay ông Hặc không đòi đi lang thang như mấy đêm trước. Thuốc và phác đồ điều trị của bác sỹ đã có hiệu lực. Ông đã chịu nằm im trên giường bệnh và thiu thiu ngủ. Căn phòng đêm nay yên ắng không còn tiếng la hét, quát tháo “Pằng! Pằng!…”. Bà Hặc nằm cạnh ông, bà cũng như mọi người đã ngủ từ lâu, chỉ còn tiếng thở đều đều, nhẹ nhàng. Bố Xeng đã về bản từ hôm qua, khi thằng Xeng qua cơn nguy. Bố Xeng về nhờ mấy bà chị em họ đi thu hái chè giúp. Chè để quá lứa, dài thêm một lá thì bán mất giá. Chè già, dài, hạ xuống chỉ còn một nửa giá mà nhà máy cũng không thích mua. Thời điểm này chè rộ, cả vùng xanh tốt. Không nhanh tay, hái đúng lứa rất có thể sẽ phải cắt ủ phân. Nhà máy chè cũng có năm vào thời điểm này không kịp sao, phải đổ bỏ cả vài tấn chè tươi.
Thằng Xeng mất máu nhiều. Nhìn da nó xanh như lá lúa non trên thửa ruộng Khăn đi thăm hôm nào. Thương con đứt ruột. Nó là đứa ngoan ngoãn, biết thương yêu bố mẹ. Không hút thuốc, không uống rượu, không lêu lổng chơi bời. Chỉ là quá chăm chỉ với công việc ở siêu thị. Đêm về lại thức khuya tự học tiếng Trung. Nó học tiếng Trung với một ước mơ, một ước mơ khi đã thạo tiếng nó đưa các thương nhân sang nước bạn buôn bán. Khát vọng trở thành một doanh nhân trẻ, làm giàu cho gia đình, quê hương khiến nó cắm đầu vào học mà không màng đến sức khỏe. Nghĩ đến việc sau này con trở thành một doanh nhân thành đạt, Khăn vui nhưng trong suy nghĩ cô nửa muốn con về sống cuộc sống yên bình cùng cha mẹ trong bản mường. Nửa lại ước muốn con được sống với đam mê, với những ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ. Mỗi thời đại khác nhau, đam mê và khát vọng của tuổi trẻ cũng khác nhau. Nhưng tất cả đều đẹp đẽ. Tuổi trẻ của ông lão Hặc là khát vọng hòa bình, còn tuổi trẻ của Xeng là làm giàu cho bản mường. Dù khó khăn đến đâu, nếu ta quyết tâm thì ta sẽ giành được thắng lợi. Khăn tin điều đó, như tin tưởng hạt giống lúa, ngô khi tra xuống đồi nương sẽ cho mùa màng bội thu những trái vàng quả ngọt.
Khăn thiếp đi cùng con trong giấc mơ về một ngôi nhà vàng ươm màu ngô thóc .

THANH TÁM


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.