Huỳnh Nguyên và những sáng tác nhân văn

 

Nhắc đến tác giả Huỳnh Nguyên, nhiều bạn đọc và giới văn nghệ sỹ trong, ngoài tỉnh Lai Châu đều tỏ lòng quý mến. Trong mỗi truyện ngắn, bài thơ và các thể loại “dài hơi” như trường ca và tiểu thuyết, tác giả Huỳnh Nguyên đều thể hiện tấc lòng gắn bó với mảnh đất miền biên ải Tổ quốc – Lai Châu. Bút danh Huỳnh Nguyên gắn bó với ông đến nỗi, ít người biết tên thật của nhà văn, nhà thơ là Nguyễn Thanh Tịnh.

Sinh ra ở Sài Gòn năm 1940, đến năm 1955, chàng thanh niên tên gọi Thanh Tịnh về thủ đô Hà Nội sinh sống. Đầu những năm 1960, anh Tịnh theo lời thơ “Tiếng hát con tàu” của nhà thơ Chế Lan Viên hưởng ứng phong trào vận động thanh niên miền xuôi lên xây dựng kinh tế ở miền núi Tây Bắc. Những câu thơ của Chế Lan Viên như nói lên nỗi lòng của ông ngày ấy: Tây Bắc ơi! Có riêng gì Tây Bắc/ Khi lòng ta đã hoá những con tàu/ Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu!”. 

Thầy giáo Nguyễn Thanh Tịnh đã gắn bó với mảnh đất Lai Châu như thế! Và văn thơ đến với anh cũng tự nhiên như việc chia sẻ cảm xúc với miền đất này. Theo thời gian, số lượng sách in của nhà giáo bút danh Huỳnh Nguyên ngày càng dày dặn, ông lần lượt được kết nạp là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và trở thành cây bút “gạo cội” trong tỉnh.

Tuy đã sáng tác hàng trăm bài thơ, hàng chục truyện ngắn và có cả tác phẩm ghi chép, bút ký, truyện thiếu nhi nhưng mỗi lần tác giả Huỳnh Nguyên tham gia một trại viết trở về: Khi thì là Trại sáng tác Tam Đảo, Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc); lúc lại là Nhà sáng tác Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa)… ông hoàn thành những bản thảo dày dặn. Cách tích cóp kiến thức, sáng tạo tác phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng bài viết của ông khiến cây bút trẻ như chúng tôi phải khâm phục, học hỏi. Ở các sáng tác của Huỳnh Nguyên không chỉ thấy lấp lánh tri thức của một nhà giáo, còn tỏa ra phong cách riêng biệt của cây bút miền núi và đậm chất nhân văn.

Ở các tập thơ của Huỳnh Nguyên: “Lửa hoàng hôn” do Nhà xuất bản Văn học in năm 2002”; “Đất núi”, “Khúc hát sông Đà”, “Vầng trăng Pu Xam Cáp” do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc in năm 1999, 2000 và 2010; “Không nói lời yêu” do  Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc in năm 2008; “Xuân thì” do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc in năm 2013, có thể thấy hình ảnh và nhân vật trữ tình được nhà thơ tuyển chọn khá “đắc địa”. Tác giả dành tình cảm trân trọng, thiêng liêng nhất để viết về Hồ Chí Minh – Vị cha già kính yêu của dân tộc: “Thời gian, tấm ảnh ngả màu rồi/ Đôi mắt Bác tỏa nhìn vẫn sáng/ Cha nâng niu tấm ảnh màu nắng/ Bản mường đón Bác mỗi ban mai” – (Tấm ảnh Bác Hồ). Hay dâng đầy xúc cảm về Tổ quốc trong bài thơ “Đá ra Trường Sa”: “Đá lên tàu vượt biển khơi xa/ Bỗng thiết tha bởi tình yêu nước/ Đất mẹ Âu Cơ sáng ngời biển biếc/ Thiêng liêng giữa triệu trái tim người”.

Điểm đặc biệt trong thơ Huỳnh Nguyên là những địa danh của Lai Châu lồng khéo léo trong các tít thơ, gợi hình tượng đẹp về quê hương như các bài: “Sông Đà rạo rực mùa xuân”, “Bên dòng suối Bản Giang”, “Người làm vườn trên đỉnh Dào San”, “Nậm Na và anh”…

Trong các tập truyện dày dặn của nhà văn Huỳnh Nguyên, có truyện  “Trở lại Mường xưa”, nội dung kể về người cựu chiến binh trở lại mảnh đất đang đổi mới. Nơi ấy, đồng đội và con cháu anh đang xây dựng đời sống ngày càng tươi đẹp hơn. Câu chuyện là kết tinh tình yêu nước, tình yêu, tình đồng chí, đoàn kết dân tộc của thầy giáo Thanh Tịnh. Hay như truyện ngắn “Chuyện cây đa đôi”, truyện thiếu nhi “Chuyện của Páo Lử”, bút ký “Năm mươi mùa thu làm theo lời Bác” của tác giả Huỳnh Nguyên đều là những câu chuyện, tình huống nhân văn và gợi lên cảnh sắc, đạo đức con người vùng biên giới. Khiến người đọc thêm hiểu, thêm yêu vùng quê Tây Bắc – quê hương thứ hai của tác giả.

Các tiểu thuyết gắn liền với suốt quãng đời thanh xuân tươi đẹp, ý nghĩa nhất của ông: “Tình sử một vùng đất” do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc in năm 2001 và “Lửa Pu Ta Leng” do Nhà xuất bản văn học in năm 2012, “Đại bàng núi” do Nhà Xuất bản Hội nhà văn xuất bản năm 2015. Đây đều là những tác phẩm “dài hơi”, được ông hoàn thiện trong khoảng thời gian dài. Ở tuổi mà những chiêm nghiệm đã có thể truyền tải qua ngôn ngữ và vốn sống phong phú, tác giả Huỳnh Nguyên viết truyện cũng tự nhiên như “hơi thở” cuộc sống. Trong truyện của ông có bề dày thời gian lịch sử và không gian rộng, tuyến nhân vật chính định hình rõ tính cách và nhân vật phụ cũng được khắc họa nổi bật. Điểm nhấn trong toàn bộ tiểu thuyết vẫn là tính nhân văn và lồng ghép về thiên nhiên Tây Bắc, thu hút sự tập trung của bạn đọc. Nếu như kết thúc tiểu thuyết “Tình sử một vùng đất” là hình ảnh xã San Thàng (thành phố Lai Châu) đổi mới, không còn cảnh tên bay đạn lạc, dân tộc Giáy đoàn kết phát huy bản sắc các dân tộc, phiên chợ yên vui và con người thân thiết, ấm lòng thì “Lửa Pu Ta Leng” ngợi ca tấm lòng của nghề giáo vùng cao. Kết chuyện khiến người đọc phải day dứt, suy ngẫm về những hy sinh của các thầy giáo, để “Cái chữ Cụ Hồ” bừng sáng nơi rẻo cao. Các lớp đàn em luôn ghi nhớ, tôn vinh sự thầm lặng của thế hệ cha anh. “Đại Bàng núi” tiếp tục mạch truyện về phong trào cách mạng ở vùng biên và những ngày sau giải phóng của những người dân vùng cao thật thà, chân chất.

Sức lao động sáng tạo mạnh mẽ của tác giả Huỳnh Nguyên đã được đền đáp khi ông đạt Giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương về tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho tập truyện ký “Mùa thu đã đi qua” năm 2009; Giải thưởng của UBND tỉnh Lai Châu năm 2012, năm 2017; Giải thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho tiểu thuyết “Lửa Pu Ta Leng” năm 2013…

tác giả Huỳnh Nguyên chia sẻ: “Tôi có nhiều cảm xúc với con người, mảnh đất Lai Châu và đã in 12 tập sách thuộc thể loại: tiểu thuyết, truyện ký, thơ về đề tài này. Với mong muốn sẽ tiếp tục sáng tác tác phẩm bằng những hình tượng thơ trữ tình, nói lên tình cảm của tôi với nơi mình gắn bó cả đời, tập sách tôi in đầu năm 2021 là cuộc “thử sức” ở một địa hạt hoàn toàn mới: Trường ca. “Tiếng vọng non ngàn” với 8 chương được viết với mạch cảm xúc trân trọng, yêu thương miền quê mình đang gắn bó – Lai Châu – nơi trọn cuộc đời tôi đã gắn bó với nghề “gieo chữ”. Chỉ có thể loại trường ca mới có dung lượng lớn, giúp tôi viết về một khoảng thời gian dài, trong một không gian rộng, kể về đất và người Lai Châu qua các thời kỳ lịch sử.

Tác giả Huỳnh Nguyên đã có những đóng góp đáng kể trong văn học nghệ thuật của Lai Châu nói riêng, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung. Huỳnh Nguyên viết nhiều và viết đều, cách nghĩ, cách viết của ông luôn mộc mạc, giản dị, dễ hiểu, chân thành, trong sáng như chính con người ông.

VŨ NGUYÊN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.