Hương rừng chè cổ

Nếu không có dịch bệnh, có lẽ những ngày này ở Sà Dề Phìn vẫn rộn ràng dư âm không khí ngày xuân với những sắc màu cổ tích của văn hoá truyền thống. Và sau nhiều lần lỡ hẹn, tôi trở lại Sà Dề Phìn thăm rừng chè cổ, lặng lẽ đứng trên đỉnh Cát Chùa Sì với những dòng kí ức miên man…

Ánh nắng cuối chiều vương vãi khắp nương chè đang nẩy lộc xuân. Những áng mây rám đỏ từ phía Làng Mô, Tả Ngảo được gió dồn, ùn ùn đẩy ngược lên đỉnh núi. Nơi rừng chè cổ Sà Dề Phìn vẫn kiên nhẫn, bền bỉ đợi sương về ướp búp chè non để vị ngọt lan tận các giác quan của người khách mê trà.

Tôi nhớ già Dó, người cất giữ linh hồn và truyền thống của dân tộc Mông ở vùng này. Già chỉ cho tôi cách hái chè, cách hãm lá chè tươi với nước suối Vái Dê thế nào cho đậm vị chỉ vì một lí do. Sau này vào Sà Dề Phìn già không còn thì cũng biết cách mà thưởng thức. Cho đến bây giờ tôi vẫn là kẻ uống chè dạo chứ không hiểu gì về chè nhưng ấm chè xanh mà già đãi tôi ngày ấy vẫn cứ chát rám vị chè tươi rồi đượm ngọt ở cuống họng mỗi lần tôi nhớ đến già.

Tôi hướng dẫn học sinh thực hiện một dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Sau nhiều lần bàn bạc, cô trò tôi quyết định chọn dự án: Bảo tồn và phát huy Lễ hội Gẩu Tò (Gầu Tào) của dân tộc Mông ở huyện Sìn Hồ. Dù đã có cuốn “Văn hóa dân tộc Mông” của bác Mùa A Tủa – nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sìn Hồ ghi chép rất tỉ mỉ, chi tiết về văn hóa truyền thống của đồng bào Mông ở huyện nhưng tôi vẫn rất tò mà về người mà bác gọi là “Chủ tế”. Vì thế, tôi lại ngược núi về Sà Dề Phìn đến gặp già Dó. Không ngờ, vừa nghe qua mục đích của tôi, già lại vui đến như vậy! Già móm mém: “Đám trẻ chúng nó thích hiện đại, nhưng phải giữ được hồn cốt của dân tộc mình từ quá khứ mới có hiện tại, con à!”.

Khi dự án hoàn thành, tôi trở lại thăm già. Đó là ngày người đồng hành cùng già theo gió về trời. Già ngồi lặng lẽ trên đỉnh Cát Chùa Sì, thổi bài khèn tiễn bạn. Già chỉ cho tôi con đường ngược đỉnh thác Vái Dê để lên rừng chè cổ. Hàng nghìn cây chè vững chãi khoác vai nhau phủ thảm xanh quanh bản Sà Dề Phìn. Già nói với tôi về một thời thanh xuân gắn bó với rừng chè cổ. Nơi già gặp người bạn đời đang thoăn thoắt hái những búp chè còn ngủ trong sương. Biết bao bận, chàng thanh niên Dó cùng đám bạn theo chân sơn nữ xuống chợ, đợi ngày xuân, khi lúa mới đầy bồ, lợn gà đầy chuồng thì kéo về làm vợ. Giặc đến, già cũng như bao thế hệ người Mông ngày ấy, đi khắp các làng bản của Tây Bắc để giữ đất, giữ Mường. Quê hương bình yên, già lại trở về bên rừng chè cổ, gắn bó cuộc đời còn lại với việc gìn giữ bản sắc của dân tộc mình.

Tôi cùng già ngược suối chạm rừng chè cổ ở góc mặt trời lặn, nơi hạ cây nêu khi lễ hội Gầu Tào tàn cuộc. Trong ánh chiều buông, dáng người gầy gò, lòng khòng, hơi còng của già đi lẫn vào sương. Tôi chợt thấy nhói trong lồng ngực, nghĩ đến những cuộc đời đã khuất, lặng lẽ, ẩn hiện trong sương mai khi hội Gầu Tào khai cuộc và cũng đi về phía ấy trong ngày cuối cùng của Lễ hội đầy lưu luyến.

Như lời già kể, rừng chè cổ có từ thời Pháp, sau này được một người Nhật phát hiện nên mới có nhiều người biết đến. Nhưng dù chẳng có ai biết đến thì người Mông ở đây vẫn giữ rừng chè cổ như báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho họ. Đời ông truyền đời cha. Đời cha truyền đời con. Đời trước nhắc đời sau phải giữ rừng, giữ đất nên người dân ở Sà Dề Phìn cứ gắn bó sâu nặng với từng cành lá sum suê bốn mùa của rừng chè. Nhờ có rừng chè cổ mà trong lu cở của bà con xuống huyện ngày chợ phiên lúc nào cũng đầy ăm ắp. Rau rừng, cây thuốc của rừng thì có theo mùa nhưng chè mùa nào cũng có. Người ta bẻ cành chè dài khoảng một khuỷu tay, cột chặt thành từng bó. Lá xếp trên lá, chè chồng lên chè, thế mà thơm ngan ngát một góc chợ. Người sành chè xanh chỉ cần nhìn là biết ngay lá chè cổ Sà Dề Phìn. Lá xanh sẫm, lá già thì dày và giòn, lá non hay bánh tẻ thì màu lá cũng sẫm hơn so với chè ở nơi khác. Cành nhỏ hay to kiểu gì cũng có rêu mốc màu thời gian như là quà riêng của núi theo chân người thích chè về nhà. Mùa xuân, người ta còn hái chè búp, sao thủ công hoặc bán lại cho nhà máy chè ở thành phố để kiếm thêm thu nhập. Nhìn những búp chè non nhỏ nhắn như hình kim tự tháp ngủ ngon trong lu cở mà như thấy cả bóng dáng sơn nữ Mông vịn tay hái chè trong sương sớm. Dù ở đâu thì chè cổ ở Sà Dề Phìn vẫn giữ được được vị riêng của nó nếu như ai đó đã lỡ yêu. Thế nên, đi xa là nhớ, là tha thiết trở về bởi trong giấc mơ cũng thấy từng gốc chè cổ gọi tên mình.

Lần ấy chia tay già Dó, tôi hứa sẽ trở lại thăm già mỗi khi rảnh rỗi để cùng già nói chuyện về văn hóa của đồng bào mình. Nỗi niềm của già là muốn có một người kế cận trở thành “chủ tế” trong tương lai, là người có thể thấu cảm với cuộc sống, với văn hóa của người dân mình. Già đặt vào tay tôi bát nước chè xanh thơm mùi gừng tươi: “Già chỉ có một mong muốn là giữ được Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Sìn Hồ để đám trẻ nó còn biết cuội nguồn. Mới tổ chức được mấy lần, chưa đủ để phục dựng hết cái riêng của dân tộc mình thì dịch bệnh, đành hoãn hết con ạ. Mới đó cũng ba năm rồi. Ba năm dịch bệnh covid-19 hoành hành, nhà nước đã có hướng dẫn nhân dân cách thích ứng với đại dịch nhưng đồng bào mình còn nghèo, cứ cẩn trọng vẫn hơn…”. Già đếm thời gian theo mùa hội xuân, đếm tuổi mình theo mùa quả chè đậu trên cây, mùa con chim rừng gọi bạn về làm tổ. Ước vọng của người chủ tế cứ thế mà gửi vào mây trời gió núi mênh mang…

Cuối xuân, đọt chè cứng cáp dần cứ theo nắng mà vươn lên đón mặt trời. Rừng chè cổ vẫn âm thầm bám rẽ sâu vào lòng đất để giữ mạch sống cho những nương chè mới trồng xung quanh để mỗi lần trở lại Sà Dề Phìn tôi lại ngất ngây tận hưởng hương chè thơm ngát được hãm bằng nước suối Vái Dê, được sống với miền cổ tích, những hoài niệm mà già Dó đã viết lên trong trái tim tôi.

CHÂM VÕ


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.