Hun Hút Đường Mây

Trời mưa tầm tã suốt đêm. Tiếng mưa rả rích rơi vào cái hun hút của đêm. Ngoài trời không một gợn sáng, không phân biệt được đâu là trời, đâu là đất.  Không gian đặc quánh lại, như một cái hố sâu khổng lồ, mà bất cứ vật gì rơi vào cũng mất hút, không một tiếng vang. Thế mà giữa đêm, tiếng khóc ri rỉ thì lại như tan ra, khua khoắng mãi, không chìm xuống được.

Tiếng khóc thoát ra từ những lỗ thủng, khe hở của mái nhà tranh nhà họ Mùa nơi cuối bản, rồi bay lên, lơ lửng mãi. Sí Dì (thầy cúng) nói rồi, cuối bản là phần đuôi con rồng, thế đất không đẹp. Ở đây sẽ gặp nhiều chuyện không may. Rồng quẫy đuôi lúc nào là nhà văng đi lúc đó, không mất nhà thì cũng có người chết. Thật chẳng sai, nhà họ Mùa ở đây, quanh năm lúc nào cũng hun hút gió.  Vào mùa đông thì đây là ngôi nhà rét nhất bản. Như thể gió ở đâu cũng phải chạy hết về đó, lòng vòng uốn lượn trong ngôi nhà rồi mới bay về trời. Xung quanh trống trải. Căn nhà trống trải. Nhà họ Mùa nghèo nhất nhì bản thì ai cũng biết rồi. Bao đời, họ vẫn ở đó. Cũng biết vạt đất này cheo leo, chênh vênh, đầu thừa đuôi thẹo, nuôi trồng vất vả quá. Nhưng đâu có phải muốn chọn được chỗ đất đẹp để ở là chọn được đâu. Nên cái nghèo thì cứ ở lại mãi, rồi lại dẫn tới cái khổ thế này.

Chị Hoa học cùng với Dìn từ nhỏ. Cả Hoa và Dìn đều họ Mùa. Vì ông nội của Hoa và ông nội của Dìn là anh em. Do có họ hàng nên từ nhỏ nhà Hoa với nhà Dìn thân nhau lắm, bọn trẻ con cũng chơi chung, hay có dịp gặp nhau. Năm mười hai tuổi, Dìn được gọi đi học lớp sáu ở trường nội trú huyện. Ông Súa – bố Dìn chẳng thích đâu, bảo con gái học làm gì nhiều, ở nhà lấy chồng. Mẹ Dìn thì vẫn vậy, chỉ hái ngô, luộc sắn cho anh em nhà Dìn ăn, nấu cám cho lợn, cắt cỏ cho bò ăn, chứ chẳng nói gì bao giờ. Nhưng Dìn muốn học lắm, muốn được như chị Sao đầu bản. Chị làm đoàn thanh niên, nói gì cũng phải. Trong bản, từ người già đến trẻ con, ai cũng yêu quý chị. Chị bảo phải học thì mới khá lên được. Dìn chẳng biết khá lên như thế nào, chỉ mong nhà sẽ không còn hun hút, trống trải. Nhà Dìn sau này sẽ là một ngôi nhà gỗ chắc chắn, không phải dột mỗi mùa mưa về, không phải lạnh những mùa đông dài dằng dặc trên núi cao. Thế thì Dìn phải đi học thôi. Mấy anh chị trên trường huyện về nghỉ hè, kể học ở đấy vui lắm. Nên Dìn càng thích. Dìn nói với bố là học ở đó được nhà nước nuôi, có chỗ ăn, chỗ ở nên nhà mình nghèo vẫn học được, bố không phải đóng tiền học. Ông Súa thấy nói không mất tiền thì cũng xuôi xuôi cái bụng, dù vẫn lo lắng, mày đi học thì bao giờ mới lấy được chồng, rồi ở nhà ai làm việc. Ông Súa lo thế cũng phải. Ở bản của Dìn, mười tám, hai mươi mà chưa lấy chồng là quá tuổi rồi, rồi sợ không ai lấy, mất giá, mất một khoản tiền với con lợn, đôi gà…  Dìn lại bảo bố: ở nhà đã có anh Sùng giúp bố làm nương rồi. Mấy nữa anh ấy lấy vợ về thì có người làm rồi. Bố lo cái bụng làm gì. Đúng lúc đó, may cho Dìn là anh Sùng vừa đi làm nương về. Anh cũng bảo cái chữ nó không ở trong đầu tao nên tao không đi học. Cái Dìn nhập được cái chữ trong người nên bố cứ cho nó đi học đi. Ruộng nương con làm được.

Thế rồi Dìn đi học. Chị Mai cũng đi học cùng. Năm ấy nhà họ Mùa mở mày mở mặt vì có hai cô cháu gái nghèo mà được đi học trường huyện. Rồi một ngày, đang học lớp bảy, thì Dìn nghe cô giáo bảo Hoa bỏ học về nhà. Dìn cũng chưa biết đầu đuôi thế nào, vì chị Hoa có nói năng, có kể gì đâu. Dìn cũng sốt ruột lắm, nhưng cô giáo động viên nên đang kì thi, Dìn ở lại trường, không về thăm nhà với chị Hoa nữa. Bố mẹ Dìn lâu lắm cũng không xuống phố thăm Dìn. Nhưng Dìn chẳng buồn đâu, vì ở nhà bố mẹ nhiều việc ruộng nương, ngô sắn, lợn gà, Dìn đi học đã chẳng có người làm. Dìn nhớ có vườn dưa mèo trồng chỗ khe đá lởm chởm. Đi không cẩn thận là đá chọc vào chân chảy máu. Thế mà chỉ cần không coi là lợn nhà khác đã sang ăn hết. Rồi còn lấy dưa ra trung tâm xã bán. Hái muộn thì quả to quá, người Kinh không thích mua. Mang về thì gùi nặng lắm, gánh sao lên được cái dốc kia khi trời đã muộn mà bụng thì đói meo… Đấy, cứ nghĩ vậy thôi là Dìn thấy bố mẹ vất vả quá rồi. Dìn ở lại nghe lời thầy cô, cố gắng học hành. Ở trường vui lắm. Thế mà có đứa vẫn bỏ về đi lấy chồng từ năm mười hai, mười ba tuổi. Thế rồi, cả đời bạn ấy sẽ ở trên núi, sinh những đứa con, và chẳng nhớ nổi mặt các bạn học cùng lớp nữa. Hồi đầu thì các bạn trong lớp còn nhắc, sau rồi cũng quên đi.

Hết lớp bảy, Dìn về nghỉ hè. Bản Ý Dì của Dìn vẫn thế. Xa hun hút, quanh co, đất đá. Vừa đi, Dìn phải căng mắt ra nhìn, vì bên kia là thung sâu, bên này là vách đá. Mây chờn vờn, quấn lấy chân, như đùa giỡn. Mùa hè mưa nhiều nên đường trơn trượt, Dìn ngã mấy lần, quần áo bẩn hết. Ở phố huyện sạch sẽ, sáng sủa là thế. Chỉ cần về bản ba ngày là lại đâu vào đấy ngay. Leo hết con dốc cuối cùng thì cũng đến một đỉnh cao bằng bằng. Dìn đi mãi về cuối bản. Nhà Dìn vẫn thế, chẳng có thay đổi gì. Dìn bước qua cái cổng được xếp bằng mấy viên đá chẳng lấy gì làm vuông vức. Nhà vẫn tối um, vì giờ là chiều rồi. Chứ bình thường mà giữa trưa thì trong nhà Dìn còn có cả tia nắng chiếu vào qua các khe hở. Cũng khá muộn mà mẹ đi nương chưa về. Chỉ có bố mới đi dắt con bò  về buộc vào cái cột nơi đầu nhà. Bố bảo Dìn vẫn còn ít mèn mén trong bếp, lấy ăn cho đỡ đói. Lâu quá Dìn đi học không ăn món này. Ở trường nhiều món ăn ngon. Thế mà ở nhà mọi người vẫn ăn mèn mén, nghĩ khổ quá, bao giờ cho hết khổ. Đợi mãi thì mẹ với anh Sùng cũng về. Nhìn từ xa xuống con dốc là Dìn đã nhận ra rồi. Nhưng theo sau còn ai nữa mà Dìn chưa nhận ra. Mãi khi mọi người bước vào nhà, phải đốt bếp củi lên thì Dìn mới nhận ra chị Hoa. Thì cũng vẫn thân thiết với nhau như xưa thôi. Hoa đưa cho Dìn mấy quả dâu da hái được trong rừng. Hai chị em ăn rồi nấu cơm bữa tối với mẹ. Hôm nay có rau bí, quả bí luộc. Gì chứ bí nếp nương thì nhà Dìn có cả vạt. Đến lợn còn chán chẳng muốn ăn. Nhà Dìn chỉ trồng được những loại cây mà hợp với đất cằn sỏi đá. Không cần chăm bón, chỉ cần nắng và mưa là lên át cả cỏ dại. Ăn xong rồi mệt quá nên Dìn lăn ra ngủ, chẳng kịp hỏi han ai điều gì. Dìn ngủ quên trong đống chăn thổ cẩm có lẫn mùi ngô nơi đầu hè.

Sáng hôm sau, đánh thức Dìn là tiếng lạch cạch dưới bếp. Hoá ra là chị Hoa đang nấu cám lợn.

– Sao chị dậy sớm thế ? Mặt trời còn chưa lên.

– Ừ, chị quen rồi. Để còn đi làm nương sớm cho khỏi nắng. À, lấy ngô này ăn đi, chị mới bẻ ở trước sân, ăn ngọt đấy.

Rồi một hôm, hai hôm, ba hôm, Dìn vẫn thấy chị Hoa ở lại nhà. Dìn hỏi anh Sùng, anh chỉ cười, mày đi học lấy cái chữ đi, việc nhà cứ như vậy thôi. Dìn đành hỏi mẹ, sao chị Hoa sang chơi lâu thế. Thì lần này, mẹ không im lặng nữa. Mẹ bảo Hoa là vợ anh Sùng mà, mày đi học nên lúc làm lễ cưới không gọi mày về, chỉ gọi cái Hoa về ở hẳn thôi. Dìn ngớ người :

– Mẹ bảo gì cơ? Sao chị Hoa lại là vợ của anh Sùng được. Chúng ta đều là người nhà họ Mùa mà.

Mẹ chẳng nói nữa. Đúng lúc đấy bố bước chân vào nên bảo Dìn:

– Họ thì càng tốt chứ sao. Đỡ mất lễ vật cưới xin sang nhà người khác. Nhà mình có tiền đâu mà cưới được vợ về làm.

– Nhưng …

Dìn chưa kịp nói hết câu thì ông Súa tiếp :

– Mà chúng nó tự yêu nhau mà, cản trở lại ăn lá ngón tự tử, thì dòng họ này buồn lắm. Đầy nhà bị như vậy rồi đấy

– Nhưng cô giáo con bảo phải họ cách xa ba đời mới được lấy nhau đấy.

– Mày đi học nhiều về để cãi lí à? Giờ mày có nói thì chúng nó cũng là vợ chồng rồi. Có cháu cho tao rồi – Ông Súa to giọng.

Dìn chỉ còn biết lặng im. Rồi từ lúc Hoa về, Dìn cứ chằm chằm vào cái bụng của chị. Ừ, to thật rồi, thế mà Dìn không nhận ra, cứ tưởng chị về nhà béo lên. Cứ tưởng chị chỉ sang nhà mình chơi như khi còn bé. Ôi! Hoá ra chị họ bỏ học là để về lấy anh trai mình.

Dìn ở hết ba tháng hè thì chị Hoa sinh con. Rồi không biết vì sao mà đứa bé vừa sinh ra đã không sống được.

Dìn trở lại trường trong tiếng khóc âm thầm của mẹ, của Hoa. Hè lớp tám, Dìn lại trở về nhà. Nhà vẫn thế, chỉ là lại thiếu đi một con bê vì bán đi mua thuốc cho bố. Bố già rồi, mà hôm đi rừng bị thân cây rừng đổ vào lưng. Nhưng cũng vui vì anh Sùng, chị Hoa đã sinh một em bé khác. Em bé khóc to, chứ không lặng im như đứa bé lần trước. Nhưng da cứ trắng bợt như người Tây, chứ không đen nhẻm như những đứa bé trong bản. Sau này lên lớp, Dìn hỏi cô mới biết cháu Dìn bị bệnh bạch tạng. Qua ba tuổi, trẻ con thường bắt đầu hết ốm, đi nương với mẹ được rồi. Thế mà cu Sình lại ốm dặt dẹo hơn. Người như cái lá héo.

Dìn vẫn đi học, năm nay Dìn vào cấp ba nội trú tỉnh học. Thầy cô ai cũng động viên và yêu quý Dìn lắm. Dìn càng thích học hơn. Dìn có ước mơ trở thành bác sĩ. Dìn sẽ về chữa bệnh cho bà con trong bản. Mà trước hết là khám cho bố mẹ, họ hàng của Dìn. Thấy bố đau mà thương quá. Bố cứ khọm lại, chẳng đi lại được thoải mái. Mỗi năm cứ hè với Tết là Dìn về thăm nhà. Thấy sự già nua, khắc khổ trên gương mặt bố mẹ, Dìn chỉ muốn học thật nhanh để về đi làm. Dìn cũng mong anh chị Sùng Hoa sẽ ăn nên làm ra, trồng trọt, chăn nuôi được mùa. Chị Hoa từ hồi về nhà họ Mùa, cứ mải mang thai những đứa con, sinh đẻ, chỉ mong con khoẻ mạnh mà không được. Dìn cũng muốn làm gì đó cho anh chị, các cháu. Nhưng khó quá ! Đúng đến khi cu Sình sang tuổi thứ tư thì nó đã vĩnh viễn không được làm người nữa. Thầy cúng được mời tới để đuổi con ma ra khỏi nhà họ Mùa. Thầy bảo phải cúng thật nhiều lễ vào, phải chuyển vùng đất mới để ở. Nhưng nhà họ Mùa lấy đâu ra nhiều tiền để sắm sửa nhiều lễ thế.

Chỉ có Dìn là biết lí do tại sao những đứa trẻ do anh chị Sùng Hoa sinh ra lại mất sớm. Đó là do hôn nhân trong cùng dòng họ nên mới ra nông nỗi này. Cô giáo của Dìn gọi là hôn nhân cận huyết. Anh chị có sinh đến mười đứa con thì cũng vẫn ốm đau hay chết yểu vậy thôi. Khoa học đã chứng minh rồi. Chứ không phải do đất ở hay ma rừng gì cả. Như nhà chị Sao đó, nhà chị ấy cũng ở cuối bản bên cạnh mà giờ chị lấy chồng sinh con. Nhà chị đẹp lắm, anh chị đều làm cán bộ ở xã. Chị sinh một em trai, một em gái xinh đẹp, khoẻ mạnh, còn biết hát tiếng Kinh hay lắm. Có lần Dìn còn đi xem các em biểu diễn ở nhà văn hoá rồi. Nhưng mà Dìn biết nói thế nào để cho anh Sùng với chị Hoa hiểu, cho gia đình, cho họ Mùa đều hiểu về chuyện khoa học ấy. Họ sẽ chẳng nghe lời Dìn đâu. Cái gì mà gen lặn với gen trội, cái gì mà huyết thống… Họ không hiểu nên chẳng tin đâu. Rồi họ lại bảo Dìn học được vài chữ thì nói chuyện đâu đâu.

Chỉ có tiếng khóc của người mẹ mất con cứ ri rỉ suốt đêm. Nghe ai oán, não lòng quá. Trong tiếng khóc ấy có cả nỗi hoang mang không hiểu chuyện gì đang xảy ra, và ngày mai sẽ thế nào. Chị Hoa gầy mòn đi, chị chẳng nói chẳng rằng, nhìn thấy Dìn mà cứ vô cảm như không. Mắt chị lờ đờ, trũng xuống. Chị chỉ biết khóc hờ trong đêm. Tiếng khóc chui qua khe cửa buồng chị, qua mái tranh không kín trên đầu, chui ra ngoài không gian, vảng vất đi mãi trong không trung. Ai nghe cũng thở dài, ngao ngán. Cứ thế này rồi đến con mẹ cũng chết mất thôi. Dìn thương chị Hoa xinh gái, học giỏi mà giờ về thành một người phụ nữ khốn khổ thế này. Rồi có người độc miệng lại rủa chị phải vía ma rừng, hại chồng, hại con. Anh Sùng thì trở nên cộc cằn. Có lúc anh đi vào rừng mãi không thấy về. Bố mẹ Dìn thì chỉ ngồi đó lặng im, nhìn nhau thở dài, tay tẽ dở mấy bắp ngô răng ngựa nơi góc nhà.

Dìn nghĩ rồi, chỉ có một cách… Dìn biết mọi người sẽ chưa tin mình đâu. Nhưng mà Dìn vẫn phải nói. Dìn sẽ nhờ chị Sao với các chú bộ đội biên phòng giúp đỡ. Chứ không thể biết mà khoanh tay đứng nhìn người thân của mình đau khổ mãi như  này được. Dìn sợ phải nghe những tiếng khóc thương chơi vơi giữa đêm lắm rồi. Cứ như thế này thì họ Mùa sao khá lên được, quê Dìn sao đổi thay được. Dìn đi học lấy cái chữ để về giúp dân, giúp bản cơ mà.

Nghĩ vậy rồi Dìn thiếp đi. Trong giấc mơ, Dìn thấy chị Hoa đến ở một vùng đất khác. Nơi ấy đầy hoa tam giác mạch đang rung rinh trong gió. Chị bế trên tay một đứa trẻ xinh đẹp, giơ lên cao.

Hai mẹ con cùng cười giòn tan.

Ánh nắng xuyên qua từng sợi tóc.

 Giang Lê

 

 

 

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.