Hội Văn học Nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức hội thảo “Văn học nghệ thuật với đời sống văn hóa xã hội miền núi và dân tộc”

Ngày 24/12, Hội Văn học Nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức Hội thảo chủ đề: “Văn học nghệ thuật với đời sống văn hóa xã hội miền núi và dân tộc” tại thị trấn Sapa (tỉnh Lào Cai).

Dự và chỉ đạo Hội thảo có: Nhà văn Tùng Điển – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; nhạc sĩ Nông Quốc Bình – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nhà văn Cao Duy Sơn – Tổng biên tập tạp chí Văn hoá các dân tộc, Mã Anh Lâm – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lào Cai, Đoàn Hữu Nam – Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số Việt Nam, nhà thơ Mai Liễu tại Lào Cai chủ trì Hội thảo.

Tham gia hội thảo có sự tham gia của đại biểu các Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang….

Miền núi và dân tộc là một đề tài rất rộng và từ lâu được các văn nghệ sỹ quan tâm, sáng tạo. Song đó cũng là đề tài luôn nóng bỏng, thiết thực, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kì mới đã chỉ rõ: Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam…

Nhạc sĩ Nông Quốc Bình – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Văn Thắng.  

Hơn 30 ý kiến tham luận tại Hội thảo tập trung chỉ rõ những thành tựu và đặc biệt là những khó khăn của văn học nghệ thuật thiểu số trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các đại biểu trăn trở về hướng phát triển văn học nghệ thuật thiểu số trong giai đoạn hiện nay: vấn đề bảo tồn ngôn ngữ, văn hoá phong tục, phát triển văn học nghệ thuật gắn với du lịch; phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ tác giả trẻ là người dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại Hội thảo, nhà văn Tùng Điển – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho rằng: Các vấn đề về văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số như bảo tồn, phát huy ngôn ngữ, văn hoá dân tộc… là vấn đề lớn, cần quy tụ được sức mạnh của các cấp, bộ, ngành để giải quyết. Trước mắt, nên xây dựng các đề án, trình các cấp có thẩm quyền và có lộ trình thực hiện phù hợp.

Thời gian tới, để tiếp tục xây dựng một nền văn học nghệ thuật độc đáo mang tính xã hội truyền thống, văn hoá truyền thống, Hội Văn học Nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp: Xây dựng đội ngũ; đề xuất đưa một số tác phẩm văn học thiểu số tiêu biểu vào chương trình sách giáo khoa; các văn nghệ sỹ cần bám sát, đi sâu vào khai thác vẻ đẹp vùng đất, tính cách, mối quan hệ con người với con người, con người với thiên nhiên nơi mình đang sống…

Thuỳ Giang


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.