Tôi tên Oải Hương, bà tôi bảo đó là tên một loài thảo mộc quý giữa mùa hè. Nhưng mọi người thường chẳng ai gọi tôi bằng cái tên khai sinh ấy. Giống như những đứa trẻ con ở đây, tôi cũng được đặt một cái tên ở nhà “xấu xí” cho dễ nuôi. Người ta gọi tôi là Giun Đất bởi lúc nào cũng thấy tôi lầm lũi, chui lủi nghịch ngợm một mình ở trong vườn. Tôi không thích cái tên có phần tanh hôi ấy tẹo nào. Khi tôi phụng phịu nói với bà điều ấy, bà cười rồi đặt cho tôi là Hoa Bỏng. Khi ấy là mùa đông, hoa bỏng trong vườn vẫn đỏ dịu dàng. Tôi gật đầu đồng ý cái tên bà đặt vì ít ra nó cũng là tên một loài hoa, dù tôi chẳng có ấn tượng gì với loài hoa vẫn nở âm thầm quanh năm ở góc vườn. Với tôi hoa nở phải có mùa, phải có hương thơm quyến rũ, phải thật e ấp kiêu sa, phải thu hút mọi ánh nhìn. Hoa thế mới là hoa chứ… Bà nghe xong chỉ cười, bà bảo tôi cũng giống như loài cây bỏng.
Tôi bị bệnh mù màu bẩm sinh, dĩ nhiên tự bản thân tôi không biết về điều đó. Bà là người đầu tiên phát hiện ra tôi rối loạn sắc giác. Ấy là khi bà sai tôi ra chợ lựa mua giấy gói màu đỏ về gói oản cho nhà chùa thì tôi đã mang về toàn giấy gói màu xanh. Ấy là khi tất cả những bông hoa trong bài tập vẽ về nhà tôi đều tô màu đen, ông mặt trời màu tím còn môi cười màu vàng suộm. Tôi cứ thắc mắc hoài tại sao tất cả các cây sáp màu đều có màu sắc gần giống hệt nhau mà người ta phải làm nhiều đến mười hai cây sáp trong một hộp. Tôi không thấy môi bà ăn trầu màu đỏ, không biết chiếc áo màu gụ bà mặc thực chất sẽ như thế nào. Càng không biết các loài hoa có màu sắc thực ra sao. Tất cả thế giới muôn màu muôn vẻ ấy tôi chỉ được biết qua lời kể của bà. Thế giới của tôi theo như bà nói là nhìn trăm hồng nghìn tía cũng chỉ thấy đen trắng mà thôi. Tôi hỏi bà:
– Vậy thế giới của bà thì thế nào?
Bà vừa xoa đầu tôi vừa thở dài bảo:
– Tội nghiệp đứa cháu bé bỏng của bà. Ông trời thế là tước đi của cháu sự lung linh kỳ diệu từ đôi mắt. Cái cửa sổ tâm hồn của cháu tôi vì thế mà khuyết thiếu đi nhiều. Sau này cháu nhất định phải nhìn vạn vật xung quanh bằng trái tim nhiều hơn những người bình thường khác để bù đắp cho đôi mắt. Cháu nhớ chưa?
Thế nên khi tôi nói với bà rằng trong thế giới của tôi tất cả các loài hoa màu sắc đều giống nhau chỉ có mùi thơm là khác. Thì bà nhìn tôi cười và bảo:
– Thế là cháu đã biết nhìn vạn vật bằng trái tim rồi đấy.
Nhưng lúc ấy tôi bắt đầu thắc mắc về cái tên Hoa Bỏng của mình. Tôi hỏi bà:
– Bà ơi! Tại sao bà lấy một loài hoa chẳng có mùi hương gì để đặt tên cho cháu.
– Ờ thì… Có những thứ chẳng có mùi hương ngào ngạt cũng chẳng có màu sắc rực rỡ nhưng lại rất có ích cho đời. Cây bỏng trông thế nhưng lại chữa lành các vết bỏng, xoa dịu cơn đau. Mà cháu biết không, loài bỏng rất dễ thích nghi với nhiều loại đất đai khí hậu. Nên dù khô cằn, khắc nghiệt nó vẫn sống và phát triển. Chỉ cần một mẩu lá thôi cũng có thể mọc lên nhiều mầm con xanh tốt. Cháu của bà sau này cũng phải lớn lên như thế…
– Vậy hoa bỏng màu gì hả bà?
– Màu đỏ.
– Màu đỏ thì nhìn như thế nào hả bà?
Bà ngừng têm trầu, khẽ đặt bàn tay nhăn nheo của bà lên ngực trái tôi và cười bào:
– À… Màu đỏ là màu ấm áp của trái tim cháu ạ.
– Màu ấm áp của trái tim? A! Thế thì cháu biết rồi, ông mặt trời cũng màu đỏ phải không bà?
Bà ôm tôi vào lòng, vỗ về tôi bằng mùi trầu không còn nồng trong hơi thở. Tận lúc ấy tôi mới biết rằng màu môi bà màu đỏ. Với tôi sắc màu đầu tiên tôi tự cảm nhận bằng trái tim mình thật là kỳ diệu. Kỳ diệu hơn hết thảy mọi thứ tôi từng khám phá. Kỳ diệu hơn mọi bài giảng trên trường lớp của thầy cô. Sau này mỗi lần muốn cảm nhận lại sự kỳ diệu đó, tôi vẫn thường ngồi trong góc vườn im ắng. Nhắm mắt và tưởng tượng có một luồng ánh sáng mát rượi đang từ từ tiến về phía mình, chảy tràn trên mái tóc ngấm vào từng thớ thịt. Sau đó, trong thế giới tưởng tượng ấy bao giờ cũng thấy từng cánh hoa bỏng nở bung ra thành bụi, thành vườn, thành một rừng hoa màu đỏ lấp lánh dưới ánh mặt trời…
* * *
Lớn lên một chút bà còn phát hiện ra tôi không biết phân biệt phương hướng. Tôi thường bị lạc đường dù nhiều khi chỉ là con đường quen thuộc từ nhà vào quê ngoại hay con đường tắt xuyên thị xã đến trường. Đã rất nhiều lần bà phải đi tìm tôi trong đêm tối khi thấy con cháu người ta đều đã về nhà lúc mặt trời tắt bóng. Tôi không bao giờ khóc khi đi lạc, càng không bao giờ thấy sợ hãi, trái lại tôi còn khá thích thú với những con đường mới lạ. Tôi thích nhìn ngắm cảnh vật hai bên đường, ngắm đứa trẻ con bằng tuổi tôi với nụ cười tươi mới. Có nhiều loài hoa dại tôi chưa bao giờ thấy, tôi tập cảm nhận nó bằng trái tim. Thi thoảng tôi dừng lại bên vệ đường nghe ngóng một vài câu chuyện, chúng làm tôi thích thú. Cho đến khi bà tìm thấy tôi mừng mừng tủi tủi. Vừa mắng mỏ vừa vỗ về xuýt xoa thương đứa cháu tí tuổi đã thiếu may mắn khi phải sống xa bố mẹ.
Bố mẹ tôi đều làm việc trong ngành công an. Vì đặc thù công việc không có thời gian chăm sóc con cái nên gửi tôi về sống với nội. Thi thoảng bố mẹ về thăm hai bà cháu, trong sự ngỡ ngàng có chút gì đó xót xa khi thấy tôi khôn lớn. Lên cấp II, mẹ nói sẽ đưa tôi về thành phố để tìm cách chữa bệnh mù màu nhưng tôi không chịu. Tôi sống với bà quen rồi, nhịp sống trầm lắng nơi thị xã cũng rất hợp với tính cách của tôi. Bà cũng muốn giữ tôi lại vì biết bệnh mù màu y học vẫn không có phương pháp chữa khỏi. Mà thành phố đường xá đông đúc, bà vừa lo tôi lạc đường vừa lo tôi gặp nguy hiểm khi không biết phân biệt đèn tín hiệu giao thông. Tôi bảo bà:
– Cháu có thể cảm nhận được màu sắc bằng trái tim mà bà, tuy không phải lúc nào cũng chính xác. Nhưng cháu thích sống gần bà hơn, để bà còn dạy cháu nhiều điều hơn nữa.
Bà xoa đầu tôi, dùng hai bàn tay sờ nắn từng đường nét trên khuôn mặt tôi rồi âu yếm bảo:
– Cha bố chị chứ, ở thành phố chả văn minh, hiện đại hơn gấp mười đây ấy à. Bà thì có biết gì hay ho đâu nào, toàn thứ cũ kĩ quê mùa chỉ sợ sau này cháu lại chán bà mà đòi về thành phố thôi. Rồi cháu cũng phải lớn mà, phải xuống thành phố học Đại học rồi cháu bà sẽ còn đi xa hơn nữa…
Tôi phụng phịu:
– Cháu chả thích! Chả thích!
Bà cười!
Khi ấy tôi mười một tuổi, đã bắt đầu gặp khó khăn trong các buổi tập đội hình đội ngũ. Tôi không phân biệt được bên phải, bên trái nên vẫn thường bị cô giáo nhắc nhở vì một mình quay một hướng. Tôi bắt đầu lớn để cảm thấy xấu hổ khi liên tục lạc lõng giữa bạn bè. Cô giáo thì cho rằng tôi không tập trung nghe hiệu lệnh nên la mắng, còn bạn bè thì chế giễu vì “có mỗi thế mà cũng không làm được”. Không đủ bình tĩnh, tôi ngồi sụp xuống đất và ôm mặt òa khóc, lần đầu tiên tôi cảm thấy chán ghét bản thân mình. Hôm đó bà đã phải mất cả buổi tối để vỗ về tôi bằng những câu chuyện cổ tích nhiệm màu. Trong lúc rúc sâu vào lòng bà để hít hà mùi trầu không, tôi đã hỏi bà:
– Làm thế nào để cháu có thể phân biệt được bên trái, bên phải hả bà?
Bà cười bảo:
– Ngày xưa bà cũng hệt như cháu bây giờ vậy. Chỉ có điều hồi ấy chiến tranh liên miên bà không được học hành đến nơi đến chốn, càng không được tập đội hình đội ngũ. Nhưng thời loạn lạc, khi bà tham gia du kích thì nhiều lần lạc trong rừng vì không biết xác định phương hướng. Cuối cùng cháu biết bà đã nghĩ ra cách gì không?
– Có phải bà không dám đi một mình, lúc nào đi bên cạnh bà cũng có một người khác dẫn đường đúng không ạ?
Bà lắc đầu cười:
– Trong cuộc sống không thể để mình sống phụ thuộc vào người khác được. Nhất là thời kì kháng chiến, tự bản thân mỗi người phải mạnh mẽ, kiên cường vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Bà đã nghĩ ra một cách rất đơn giản lại thuận tiện, chính xác. Ấy là cứ lúc nào muốn xác định phải trái là bà chỉ cần dùng hai đầu ngón tay ở hai bàn tay miết vào hai bên đùi. Nếu tay nào viết chữ thuận ấy là bên phải, tay nào không thuận ấy là bên trái. Cháu thử làm theo bà xem nào…
Bà cầm hai bàn tay tôi miết nhẹ nhàng, tôi nhắm mắt và cảm nhận thấy sức sống từ bàn tay gầy guộc của bà truyền vào tôi. Trái tim tôi khẽ lâng lên từng đợt sóng mơ hồ. Những xúc cảm nhẹ nhàng không chỉ thấm đẫm vào tâm hồn tôi trong một khoảnh khắc mà đã tưới tắm, nuôi dưỡng tôi cả một quãng đời niên thiếu rất dài. Bà đã dạy tôi bù đắp những thiếu khuyết bẩm sinh và cảm nhận cuộc sống bằng trái tim mình. Bà dạy tôi biết cách yêu hết thảy mọi thứ xung quanh mình bằng ham muốn được gần gũi và khám phá. Tôi đã lớn lên như thế…
* * *
Thị xã nhỏ năm xưa giờ lên thành phố. Những con đường tôi từng đi lạc giờ mất dấu khi nhà cửa san sát mọc lên. Đường thành phố mở rộng, nhiều cột đèn giao thông nhấp nháy. Sau bốn năm du học tại Thụy Sỹ tôi trở về làm một đầu bếp giỏi làm việc trong khách sạn lớn nhất thành phố. Công việc nấu ăn mang lại cho tôi nhiều hứng thú khi mỗi một món ăn tôi đều nghĩ sẽ nấu nó cho bà. Dù bà của tôi đã đi theo ông từ những năm tôi còn học ở xứ người. Tôi ước gì bà còn sống đến bây giờ dù mắt bà có mờ, tay có run, chân có chậm. Thì tôi sẽ đến bên, dắt bà vào một căn phòng, nơi mà tôi đã tự tay nấu cho bà một bữa tiệc nhiều mùi vị và màu sắc. Những sắc màu bà đã dạy tôi cảm nhận bằng cả trái tim…
Ngôi nhà xưa bố mẹ vẫn giữ lại như một món quà hồi môn dành cho tôi chỉ có điều theo năm tháng giờ đã phải tu sửa đi nhiều. Trong khu vườn tuổi thơ vẫn bốn mùa hương hoa khoe sắc, lặng lẽ những chùm hoa bỏng nở bằng màu của trái tim ấm nóng. Sau mỗi ngày làm việc tôi đều trở về nhà, ngồi lặng im ở góc vườn, nhắm chặt mắt để đón luồng ánh sáng chiếu rọi trong tâm thức đang lan tỏa thấm đẫm tâm hồn tôi, trái tim tôi. Tôi tưởng như đang cảm thấy bà trở về, dùng hai bàn tay gầy guộc của bà nắm lấy bàn tay bé nhỏ của tôi miết từng chữ một. Nhờ bà mà tôi đã không lạc phương hướng trong cuộc đời dài rộng. Nhờ bà tôi luôn cảm thấy có một nguồn năng lượng kì diệu cháy trong tim mình. Nhờ bà mà tôi tìm thấy mình trong mỗi ngày nỗ lực sống không mệt mỏi…
Tôi nằm xuống, ngủ một giấc thật bình yên. Trong giấc mơ tôi thấy mình bay lên giữa một bầu trời nhiều sắc màu quấn quện. Tôi nghe thấy có rất nhiều tiếng gọi, người gọi tôi là Oải Hương, người gọi là Giun đất, lại có người gọi tôi là người tình bé nhỏ, rồi cả tiếng ai đó gọi thân thương từ cõi xa xăm… Bà đứng đó nhìn tôi cười hiền hậu, bà bảo “Hoa Bỏng của bà ơi! Lại đây bà tết tóc cho nào”. Tôi ùa vào lòng bà, hít hà mùi trầu không đang tỏa ra từ đôi môi bà màu đỏ. Bà cháu tôi cùng dắt tay nhau đi dạo trên những cung đường thành phố…
Vũ Thị Huyền Trang