Hạnh phúc nở muộn

Dung là người phụ nữ khắc khổ, cả xóm này ai cũng nói thế. Sự khắc khổ của cô thể hiện trong đôi mắt có đuôi cụp, nhìn buồn xa xăm; trong nụ cười méo xệch, nhăn nhúm; trong thân hình khô, gầy, xiêu vẹo mỗi khi cô dồn sức đẩy xe rác trong đêm hiu hắt ánh đèn đường.

Mà số Dung kể cũng khổ thật. Khi thời gian trăng mật mặn nồng của năm đầu hôn nhân chưa kết thúc, khi một mầm sống bắt đầu cựa mình trong cô thì sự nghiệt ngã của số phận bất chợt đến. Tai nạn đã cướp đi người cô thương yêu nhất. Cô vẫn nhớ như in vào một ngày tháng tư, trong lúc đang lựa những bông hoa loa kèn đỏ đẹp nhất vườn nhà thì như sét đánh ngang tai, chồng cô bị xe ô tô mất phanh tông phải. Dung thất thần ôm lấy thân thể anh còn ấm nóng mà khóc như điên dại, khiến cả xóm làng ai cũng xót thương. Anh ra đi để cô với đứa con đỏ hỏn khi chưa kịp có ý niệm gì về người bố, để cô với nỗi cô đơn, chơ vơ và ngơ ngác trước cuộc đời dài rộng. Cô ở vậy chăm con và tự hứa trước vong linh anh sẽ nuôi dạy con nên người. Cả xóm này ai cũng nể phục và thương Dung. Cô cần mẫn, cặm cụi với công việc dọn vệ sinh môi trường mỗi tối và buôn bán thêm sạp rau cỏ để có thu nhập nuôi con, không khi nào người ta thấy cô kêu than về số phận của mình. Nhiều người thương quý cái nết mà tìm đến làm quen mong nên duyên vợ chồng. Có những kẻ thấy cô ở vậy nên ve vãn, tán tỉnh với ý đồ không nghiêm túc. Cô từ chối thẳng thắn. Cứ vậy, cuộc sống của hai mẹ con trôi đi nhẹ nhàng theo năm tháng.

* * *

Chiều nay, Thanh tươi rói khoe với mẹ điểm 10 toán vì trúng tủ bài thầy Hưng hướng dẫn ngày hôm qua. Cô bé tinh nghịch ngắt những cành loa kèn đầu mùa rồi nũng nịu kéo tay mẹ cùng sang nhà thầy.

– Mẹ đi cùng với con sang nhà thầy Hưng đi. Con muốn tặng thầy bó hoa này để cảm ơn thầy mẹ ạ! Thầy cũng thích hoa loa kèn giống mẹ đấy. Mấy ngày nay, sang nhà thầy, con đều thấy một lọ hoa đặt ở bàn uống nước. Thầy biết con được 10 điểm và thấy bó hoa rực rỡ này sẽ vui lắm!

Thanh nhí nhảnh như con mèo con quẩn quanh bên mẹ. Thương con vì thiếu đi tình cảm của bố từ tấm bé nên mặc dù nghiêm khắc trong nuôi dạy, thẳm sâu bên trong, cô vẫn có xu hướng thỏa hiệp với những mong muốn và nguyện vọng của con. Cô ít học, làm công nhân vệ sinh môi trường, cả ngày lại loay hoay lấy hàng, bán hàng tất bật nên cô cũng không thể bao quát hết việc học của con. Thanh là đứa bé hiểu chuyện, thương mẹ nên chăm ngoan, nghe lời và luôn đứng tốp đầu của lớp. Những bài toán khó nhằn, nâng cao, Thanh đều nhờ thầy Hưng trợ giúp. Sau mỗi lần được thầy Hưng hướng dẫn, Dung thấy sự vui tươi, phấn khích ở Thanh, như thể cô bé vừa chinh phục được một giới hạn của bản thân.

– Con chào thầy Hưng! Thầy ơi, hôm nay con được điểm 10 từ bài tập hôm qua thầy hướng dẫn đấy ạ. Cô giáo đưa ra bài tập tương tự chỉ khác số thôi, con liền xung phong lên bảng, giải bài trong một tích tắc. Được 10 điểm, còn được cô khen ngợi thông minh, chăm chỉ. Nhờ có thầy giúp con đấy. Con có bó hoa loa kèn tặng thầy để cắm lọ đây ạ!

Thanh nhí nhảnh, hồn nhiên đưa bó hoa đặt vào tay Hưng, trong khi anh bối rối vì hai mẹ con cô bé đáng yêu này.

– Cảm ơn thầy ạ! Lâu nay, tôi biết cháu thường xuyên sang làm phiền thầy. Tôi ít học nên không có kiến thức để dạy cháu. Hôm nay, con bé về khoe thành tích học tập rồi nằng nặc đòi sang đây tặng thầy bó hoa này. Cháu bảo thầy thích hoa loa kèn!

Dung ngại ngùng, gượng gạo vì lần đầu sang nhà một người đàn ông lạ như vậy.

– Không có gì đâu! Hai mẹ con khách sáo quá! Mời hai mẹ con vào đây chơi và uống nước đã!

Nói rồi Hưng vào nhà, lấy lọ hoa ra cắm những bông hoa loa kèn đầu mùa rực đỏ, thơm ngát. Anh pha trà mời hai mẹ con Dung uống nước.

Họ vui vẻ nói mọi chuyện, từ chuyện học hành của Thanh đến chuyện làng xóm. Mặc dù lần đầu nói chuyện thân mật với một người đàn ông lạ nhưng sự đồng cảnh ngộ của Hưng đã khiến Dung dễ dàng phá vỡ đi được rào cản của một người phụ nữ đơn thân, góa bụa.

Hưng là một thầy giáo dạy cấp hai hiền lành, tốt bụng. Cả xóm ai cũng quý vì anh luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Những đứa trẻ trong xóm nghèo này đều gọi anh là thầy Hưng. Cứ mỗi cuối tuần anh lại mở lớp dạy miễn phí môn toán cho bọn trẻ. Hưng ân cần, chu đáo và nhiệt tình, dạy dễ hiểu nên bọn trẻ rất hào hứng khi đến với anh. Phụ huynh ai nấy đều tôn trọng anh, nhà hễ có thứ gì ngon, quý họ đều mang đến biếu anh, như cân gạo nếp hay nải chuối tiêu, quả bưởi đầu mùa,… Hưng sống một thân, một mình. Anh mồ côi bố mẹ từ tấm bé, bao năm sống trong trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh. Lớn lên, anh đi nghĩa vụ quân sự. Khi ra quân, anh thi đỗ trường cao đẳng sư phạm trên thành phố. Mặc cảm vì hoàn cảnh nên anh chẳng dám nghĩ đến chuyện yêu đương, lập gia đình.

 

***

–  Mẹ ơi, Thầy Hưng bị cảm rồi! Con sang hỏi bài thì thấy nhà vắng vẻ, gọi mãi thầy mới thưa, bộ dạng tiều tụy lắm. Mẹ nấu giúp con một bát cháo để mang sang cho thầy đi mẹ.

Con bé Thanh hoảng hốt chạy từ ngoài cổng vào trong bếp khi Dung đang nấu bữa trưa.

– Vậy hả con? Thầy bị lâu chưa? Để mẹ nấu nồi cháo tía tô với hành, tác dụng giải cảm rất tốt, chờ mẹ.

Nói rồi Dung săm sắn ra vườn hái nắm tía tô và mấy cọng hành để nấu bát cháo đúng kiểu dành cho người ốm.

Sau một loáng là hai mẹ con có bát cháo ấm, nóng, thơm lừng mùi tía tô mang sang cho Hưng. Cửa nhà im lìm, sân nhà lá rơi đầy, chỉ có những bông loa kèn hồn nhiên nở trong ánh nắng chói chang những ngày đầu hạ, Hưng trong bộ dạng phờ phạc bước ra. Bát cháo hành ấm áp tình người làm cho Hưng vô cùng bất ngờ. Chẳng để mẹ nhắc nhở, Thanh vội vàng cầm chổi quét sạch sẽ khoảng sân vườn đầy lá rụng. Dung dọn dẹp cửa nhà gọn gàng, tươm tất. Nhà của một người đàn ông đơn thân, thiếu bàn tay của người phụ nữ nên không tránh khỏi sự bộn bề.

– Cảm ơn hai mẹ con. Phiền hai mẹ con quá! Có bát cháo của Dung, tôi thấy người khỏe hơn nhiều rồi đấy. Bình thường tôi ốm thì tự chăm, tự khỏi thôi. Lần này, có Dung và bé Thanh nhà cửa tươm tất, gọn gàng. Nhưng mà cũng ngại quá!

– Thầy đừng nói vậy. Hàng xóm láng giềng chỉ khó khăn mới cần đến nhau. Có công có việc gì thì tôi lại nhờ sự trợ giúp của thầy mà.

Có lẽ bát cháo ấm nóng và bàn tay chăm sóc của Dung như một luồng gió mát lành, tươi mới đối với Hưng. Phàm là đàn ông thì sự mạnh mẽ không cho phép họ được bộc lộ những yếu đuối thẳm sâu trong mình và Hưng cũng thế. Nhưng khi người ta ốm, một mình đồng nghĩa với sự cô đơn và tủi thân bủa vây nên sự xuất hiện của một bàn tay chăm sóc với anh có giá trị động viên vô cùng to lớn. Lần đầu tiên anh có cảm giác về sự quan tâm của một người phụ nữ. Hai con người cô đơn ấy, trong một hoàn cảnh đẩy đưa của cuộc sống đã có chung sự đồng điệu và sẻ chia. Anh mồ côi từ tấm bé, mọi thứ trong cuộc sống đều phải tự mình sắp xếp. Bát cháo giản dị và mộc mạc kia chứa đựng biết bao ân tình. Còn Dung, sau bao năm vắng bóng một người đàn ông, lòng trắc ẩn trước hoàn cảnh éo le của Hưng đã thôi thúc thiên chức người phụ nữ trong cô. Con người vốn là vậy, thường hướng tới những sự đủ đầy nên chỉ một chi tiết nhỏ mà diễn ra vào đúng thời điểm sẽ đủ sức đánh thức một một vùng cảm xúc vốn đã ngủ quên hay nuôi dưỡng, bù đắp cho sự thiếu thốn để hướng tới những vuông tròn. Những ngày sau đó, sự kết nối giữa Hưng và mẹ con Dung diễn ra dễ dàng hơn. Hưng thỉnh thoảng chạy sang sửa cho hai mẹ con cái bóng điện, đường nước hay bất cứ một việc gì đòi hỏi kỹ năng, kỹ thuật của một người đàn ông. Dung đã dần bỏ qua được những nỗi mặc cảm, e dè và cởi mở hơn với Hưng. Có bát canh ngon hay đĩa cá kho đượm vị, Dung lại sai Thanh mang sang cho Hưng. Thấy sự chớm nở đầy hứa hẹn của hai người, trong xóm ai cũng hoan hỉ, tác hợp.

 

* * *

Dung dậy từ sáng sớm để sửa soạn, chuẩn bị cho ngày giỗ của chồng. Thấy dưới bếp, xong nồi loảng xoảng, Thanh cũng lồm cồm bò dậy.

– Trời vẫn sớm, con ngủ tiếp đi, hôm nay giỗ bố đấy. Mẹ chuẩn bị mọi thứ để trưa cúng giỗ cho bố con ạ!

Dung nhẹ nhàng vuốt tóc Thanh, nhìn con trìu mến.

– Vậy trời sáng mẹ con mình mời thầy Hưng tham dự cùng cho ấm cúng mẹ nhé!

Thanh vừa dụi mắt, ngái ngủ vừa nói.

– Mẹ mời thầy từ hôm qua rồi!

Dung nhìn con âu yếm, mỉm cười.

Mâm cỗ đã được bày biện đầy đủ, chu toàn. Nhìn tấm ảnh trên ban thờ, Dung rưng rưng hoài niệm về những ngày xa vắng ấy. Thấm thoắt mà mười năm đã trôi đi với hai mẹ con. Mỗi năm, đến ngày giỗ, với Dung là thời khắc vô cùng thiêng liêng, cô mường tượng ra thật gần hình ảnh của chồng, ánh mắt thân thương, nụ cười hồn hậu của anh. Cô có một niềm tin bất diệt về sự dõi theo của anh nơi suối vàng.

Từ ngoài ngõ, Hưng trên tay cầm một bó loa kèn đỏ rực đưa bé Thanh dâng lên bàn cúng giỗ cho cha. Một không gian ấm cúng, đủ đầy đã diễn ra trong ngôi nhà mà bấy lâu nay chỉ có hai mẹ con. Họ cười nói vui vẻ. Những tưởng tình yêu, hạnh phúc đôi lứa đã đóng sập lại với Dung. Nhưng hạnh phúc như chồi non, lộc biếc, như bông hoa khoe sắc, hội tụ đủ duyên sẽ bung nở cho đời, cho người. Phàm đã là con người, há chẳng phải khát khao, mưu cầu hạnh phúc là nhu cầu chính đáng đó sao? Và Dung cũng vậy.

NGUYỄN HỒNG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.