Hai vợ chồng Cháng và Mẩy tranh thủ đêm qua có mưa xuân, sáng nay dậy sớm đi nương cuốc hố trồng cây. Năm nay nghe cán bộ Tú dưới phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện lên tận bản tuyên truyền về giống cây mới. Cây sâm Hoàng Sin Cô người dân ở bên Lào Cai trồng nhiều lắm. Cháng gọi điện hỏi người quen ở Bát Xát để có thêm thông tin. Hóa ra cây này bên đó người dân trồng với diện tích lớn được hơn năm năm rồi. Mỗi năm một nhà thu được mấy chục triệu, nhà nào trồng nhiều thu được cả trăm triệu. Đầu ra rất ổn định, có các công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Không những thế, cây lại dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với nương rẫy vùng núi cao. Cháng thấy rất có tiềm năng kinh tế nên đăng ký trồng một mảnh nương hơn ba nghìn mét vuông. Mảnh nương này mấy năm trước Cháng đi làm công nhân xa, Mẩy ở nhà không làm được nên bỏ hoang. Từ trước Tết hai vợ chồng đã phát dọn cỏ, gom đốt thực bì gọn gàng. Bây giờ chỉ cuốc hố là trồng được cây.
Lần đầu tiên trồng sâm Hoàng Sin Cô nên phải rất cẩn thận, thực hiện kỹ thuật cho đúng. Cháng ngắm nghía, đo ướm cho hàng cách hàng, cây cách cây đúng hướng dẫn. Kẻo sai kỹ thuật cán bộ Tú hướng dẫn nhỡ củ nhỏ hoặc cây không ra củ thì tốn công vô ích. Như ngày trước mới trồng ngô lai, bố mẹ Cháng cứ tham gieo một gốc từ ba đến năm hạt, đến khi bắp nhỏ lại trách cán bộ cấp giống không tốt. Khi ý kiến lên xã, cán bộ xuống xem giải thích mãi bố mẹ mới hiểu bắp ngô nhỏ là do trồng dày quá. Những vụ sau gia đình trồng đúng khoảng cách cây ngô cho bắp to, dài cả gang tay chắc mẩy. Sau khi đo ướm khoảng cách đâu vào đấy Cháng bắt đầu cuốc hố. Mẩy theo sau bón lót phân, đặt giống rồi lấp đất.
Chẳng mấy chốc mặt trời đã đứng bóng. Hai vợ chồng vào gốc cây sa mộc nghỉ ăn cơm trưa. Gió xuân mát lành thổi từ khe núi lau khô mồ hôi lấm tấm trên trán. Buổi sáng, Mẩy dậy sớm nấu cơm cho cả nhà, bọc một gói bằng lá chuối mang theo ăn trưa. Thức ăn có rau cải luộc, một ít thịt và gói muối ớt. Mỗi người một cái thìa xúc ăn không cần bát đũa. Vừa ăn, vừa cười nói vui vẻ. Trong mắt họ trên thế giới dù có bao nhiêu người thì lúc này chỉ còn anh và em. Ăn cơm xong Cháng ôm vợ vào lòng, hai người ngả lưng lên thảm cỏ nghỉ ngơi. Trên cao những tia nắng lung linh thỉnh thoảng lọt qua kẽ lá lấp lánh như những ngôi sao. Mẩy quý cây sa mộc này bởi đây là nơi hai người đã có rất nhiều kỷ niệm những lần trú mưa, tránh nắng khi đi làm nương. Trong vòng tay Cháng mùi mồ hôi vợ nồng nàn, thân thuộc.
Đang nằm định chợp mắt một chút thì Mẩy rủ: “Hai vợ chồng mình đi lấy măng đi? Mùa này có măng bói rồi đấy”. Cháng hồ hởi: “Ừ nhỉ, thế mà anh không nghĩ ra”. Hai vợ chồng đi xuống rừng vầu dưới thung lũng tìm đào măng. Bên ngoài nương nắng gắt, nhưng khi bước vào rừng vầu không khí mát rượi. Những cây vầu cao vút, tán lá dầy hấp thụ gần hết ánh nắng mặt trời nên dưới gốc cỏ, cây bụi cũng khó mà mọc được. Những chiếc lá vầu rụng xuống qua nhiều năm đã hoai mục tạo thành lớp mùn xốp hút ẩm nuôi những ngọn măng non. Măng đầu mùa rất ít, phải tìm thật kỹ, nhìn thật tinh mắt mới thấy vết nứt nhỏ trên đất hoặc có chỗ đất bị đùn cao hơn bên cạnh như giun đùn là chỗ đó có ngọn măng còn đang ủ dưới đất. Mới sang xuân chưa có nhiều mưa nên ngọn măng còn nhỏ, nằm hơi sâu dưới đất. Nhưng lại đặc toàn củ và rất non ngọt. Hai vợ chồng tỉ mẩn lật từng đám lá hoai mục, nhìn kỹ từng vết đất tìm kiếm kiên trì. Mỗi khi tìm được một củ măng, Cháng sẽ cuốc đất sâu cho cây măng lộ hết ra rồi mới lấy dao cắt sát gốc. Quá giờ trưa, mặt trời chếch hướng tây cũng được một nửa lu cở măng rồi. Phải quay lại nương tiếp tục trồng cây cho xong mai còn làm việc khác.
***
Vừa cuốc hố trồng cây, Cháng thỉnh thoảng lại quay sang nhìn vợ như trông sợ vợ đi đâu mất. Một cảm giác lo sợ mà mấy năm nay anh vẫn chưa hoàn toàn nguôi ngoai. Đó là lúc anh nằm điều trị covid-19 tại Bình Dương không có người thân bên cạnh. Chỉ vì mong muốn ra ngoài kiếm nhiều tiền để về lo cho vợ con đỡ khổ nên năm đó Cháng quyết định tha hương vào tận miền Nam làm công nhân. Chẳng may đúng thời điểm đó nơi anh làm việc bùng phát dịch covid-19. Anh không may nhiễm bệnh nặng được đưa vào bệnh viện dã chiến điều trị. Những lúc tức ngực, khó thở, toàn thân đau nhức, tưởng như kiệt sức anh nhớ Mẩy da diết. Anh sợ mình sẽ chết ở đó mà không được gặp vợ con, bố mẹ lần cuối. Cái cảm giác tủi cực không có gia đình bên cạnh lúc ốm đau càng làm cho tinh thần Cháng suy sụp và tuyệt vọng. Nó còn ám ảnh Cháng đến tận bây giờ. May mắn được các bác sĩ tận tình cứu chữa. Cháng dần bình phục và được trợ giúp của những chuyến xe từ thiện về đến quê nhà.
Hai vợ chồng cứ vừa làm vừa nói chuyện chẳng mấy mà trồng xong nương sâm Hoàng Sin Cô. Mặt trời đã chạm ngọn cây trên dãy núi Sùng Phài trong ánh hoàng hôn rực rỡ. Hai vợ chồng thu dọn đồ đạc ngược dốc về nhà. Trên tán cây gần xa, những đàn chim thiên di sau mùa đông giá đã quay về chuẩn bị cho mùa sinh sản mới. Chúng dáo dác gọi nhau tìm chốn ngủ sau ngày dài mỏi cánh tìm kiếm thức ăn. Phóng tầm mắt nhìn những khung cảnh thân thuộc xung quanh, núi cao, thung lũng sâu, trập trùng rừng, nhấp nhô đá tai mèo. Có lúc Cháng đã than thân tại sao số phận mình lại sinh ra ở một nơi khó khăn, vất vả như thế này. Nhưng sau khi đi ra bên ngoài vất vả kiếm đồng tiền Cháng mới thấu hiểu hai tiếng quê hương. Đời ông, đời cha làm lụng chăm chỉ đâu có chết đói, vẫn cứ sinh ra anh chị em Cháng, nuôi lớn trưởng thành. Núi vẫn ấp ôm, thung khe vẫn che chở, suối vẫn vỗ về một cuộc sống bình yên. Cháng nhớ câu thơ ngày đi học cô giáo dạy: “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh. Sống trong thung không chê thung nghèo đói. Sống như sông như suối. Lên thác xuống ghềnh. Không lo cực nhọc”. Giờ mới thấy thấm thía. Cứ ở quê hương chăm chỉ làm lụng, mở rộng sản xuất lo gì đói nghèo?
***
Bữa cơm tối dọn ra có đĩa thịt lợn treo gác bếp để từ tết và rổ măng luộc. Bọn trẻ háu đói ngấu nghiến ăn măng chấm muối ớt mà chẳng màng đến thịt. Ăn măng đầu mùa là ngon nhất. Cả trẻ con và người lớn đều thích. Trong tiếng nói cười rộn rã bên bếp lửa. Bữa ăn đơn sơ mà ấm áp khi có đủ đầy các thành viên gia đình. Bọn nhỏ sau một ngày đi học bấu víu hít hà hơi bố mẹ. Bất giác Cháng nghĩ, đúng rồi, đây chính là cảm giác mà mình thèm muốn nhất lúc nằm trên giường bệnh nơi xứ người. Cảm giác hạnh phúc khi được ở bên gia đình thân yêu.
TRƯƠNG HUY