Gùi mùa vàng về bản

Sau cả một mùa mưa dài đằng đẵng, tôi trở về Dào San. Bây giờ là mùa thu, vùng non cao này đón tôi bằng những ruộng bậc thang đang thơm ngát hương lúa chín. Dưới ánh chiều cuối ngày, tôi thích thú giữa khung cảnh thú vị. Có những ruộng ở bậc thang phía dưới đã ngả màu vàng, nhưng phía trên này, mấy tầng ruộng lúa vẫn còn xanh. Đó là vì năm nay mùa nước đổ không đều nên ô ruộng nào có nước trước, được cấy trước thì giờ đã kịp chín, ô nào cấy sau thì lúa vẫn đang trổ đòng. Sẽ có những bậc thang được gặt trước, rồi lần lượt gặt cho đến hết các tầng lúa này.

Sáng sớm hôm ấy, khi mặt trời còn say ngủ, trong bản đã rậm rịch những bước chân, những tiếng nói cười. Mọi người đi gặt từ sáng sớm. Ở quê tôi, một nhà gặt thì cả bản cùng đi giúp. Cứ luân phiên như thế để việc gặt hái được khẩn trương, thuận lợi như mong muốn. Mỗi cô, bác, mỗi ông, bà trong bộ váy, áo thổ cẩm dày dặn chống nắng, đội chiếc mũ, đi đôi ủng cao, tay cầm cái liềm sắc lẹm, chuẩn bị mang một mùa vàng về bản.

Tôi nhớ ngày xưa, khi còn nhỏ, tôi hay đứng trên cao gọi mẹ, tìm mẹ ở ruộng bậc thang bên kia. Trong bao cái bóng nhấp nhô, cúi gù người để cắt lúa, tôi vẫn nhìn ra mẹ. Mẹ mặc một cái áo xanh quen thuộc của phụ nữ Mông quê tôi nhưng mẹ thường đội một cái mũ nửa xanh nửa trắng vành rộng mà mẹ tiết kiệm may từ đống vải cũ thừa. Tôi thấy mẹ và mọi người ở một tư thế cúi cắt rồi chỉ ngẩng lên xếp lúa thành bó, rồi cứ như vậy, đi hết từng ô ruộng đã chín vàng. Hết buổi cũng là khi những ôm lúa vàng óng được xếp gọn gàng, chạy dọc theo bờ uốn lượn của những thửa ruộng bậc thang. Nhìn từ trên cao, hình ảnh đó in sâu vào trong tâm trí tôi, đẹp đẽ đến lạ kì. Mẹ như cái chấm nhỏ giữa ruộng nương rộng lớn, đầy sắc màu của hi vọng về sự no đủ.

Nhà tôi cùng bao nhà thường xem thời tiết trước khi gặt, để khi gặt xong thì kịp phơi tại ruộng một hai ngày, rồi đập lúa và phơi thóc ở ngay một khoảnh ruộng bằng phẳng gần đó. Chỉ có những bó lúa để giống cho mùa sau thì tôi thấy mẹ nâng niu, cho riêng vào gùi mang về phơi ở cái noong trước sân nhà. Mẹ thường dặn chúng tôi là bó lúa giống này quan trọng lắm, nếu để hỏng là cả nhà không có gì ăn vào mùa sau. Cho nên chúng tôi ở nhà, làm gì thì làm cũng phải coi những bó lúa giống cho cẩn thận, không để bị mưa ướt, cứ hết nắng là mấy anh em khiêng vào trong nhà. Cứ phơi như thế cả tuần cho khô hẳn. Tôi thích những bó lúa làm giống, hạt căng tròn, chắc mẩy, vàng óng, đến sợi rơm cũng to đều, bóng đẹp. Những bó lúa giống cho chúng tôi sống trong sự thuận hoà với thiên nhiên, luôn biết chuẩn bị cho mùa sau, vụ sau, chuẩn bị cho tương lai của mình.

Những ngày thu hoạch, bố mẹ thường đi từ sáng cho đến khi mặt trời xuống núi mới trở về nhà. Bữa trưa, bố mẹ cùng các cô bác ăn tạm cơm nguội mang theo ngay trên ruộng, dưới một bóng râm nhỏ bé trên ruộng. Công việc nhà nông luôn phải tranh thủ thời tiết, hi vọng kịp gặt hái tránh những cơn mưa. Ở xứ này, mùa gặt hái nhưng mưa có thể đến bất chợt lúc nào, chỉ khi mùa đông đến thì mùa khô mới bắt đầu.

Những bó lúa được phơi một hai nắng sẽ cần những người đàn ông khoẻ mạnh đập lúa vào cái bồ bằng gỗ. Rồi những hạt thóc đó được mang đi phơi tiếp. Công cuộc phơi lúa ở vùng rẻo cao này cũng đặc biệt lắm. Ở đồng bằng, người nông dân có thể phơi trên đường, ở sân nhà bằng phẳng, sạch sẽ… Thì ở vùng cao, gần ruộng mới có những khoảnh đất rộng, chứ sân nhà bên sườn núi thường nhỏ hẹp, và chỉ đủ phơi một ít thóc giống. Cho nên người dân quê tôi vẫn hay phơi lúa, thóc ngay trên ruộng. Bây giờ, cuộc sống tiến bộ hơn, mọi người mua những tấm bạt, những cái cót lớn để phơi thóc lúa chứ không phơi trực tiếp trên ruộng như ngày xưa, bị rơi vãi đi rất nhiều. Lúc thu thóc cũng đỡ vất vả hơn. Tôi cứ nhớ ngày xưa, phơi lúa trên ruộng, khiến lúa bị rơi rụng nhiều. Mẹ cứ tiếc nên lại đi mót lúa. Chúng tôi cũng vì thương mẹ mà đi mót sau chân mẹ. Cả buổi cũng được đầy cái túi thổ cẩm, đeo lệch cả người. Những chú chim sà xuống trên những thửa ruộng, không biết sợ người, chí chách gọi nhau đến nhặt những hạt lúa mà chúng tôi để sót lại. Mùa lúa chín, cảm giác như các loài chim, loài côn trùng đều vui nhộn. Ngoài ruộng đầy chuồn chuồn, cào cào, chúng tôi không bao giờ hết trò chơi nếu được bố mẹ cho theo ra đồng. Có khi còn đuổi bắt được cả con chuột đồng béo tròn vì ăn thóc lúa suốt từ đầu vụ. Dù bố mẹ tôi còn phải lo cái ăn, cái mặc cho chúng tôi qua bốn mùa, nhưng khi ấy, tôi chỉ biết tuổi thơ của mình thật giàu có và vui nhộn. Ngày nào qua đi cũng vui, nhất là những ngày hè, những ngày mùa gặt lúa.

Giữa mỗi ruộng bậc thang ở quê tôi hay có những cái lán nương được dựng đơn sơ bằng gỗ, có mái che bằng gianh. Bên trong có một cái chõng tre, bên trên có thể dải một chiếc chiếu lanh do chính những người phụ nữ Mông tự làm. Lán đơn sơ nhưng rất mát mẻ, ở đây có thể đón gió, có thể thấy hương thơm của lúa, thấy những thanh âm của núi rừng. Những cái lán này không chỉ là nơi dừng chân, nghỉ mát, nghỉ trưa của bà con ngày làm đất, ngày cày cấy, ngày thu hoạch. Mà còn là nơi coi lúa mùa phơi lúa.

Lúa phơi vài nắng thì mọi người lấy những lu cở đựng lúa rồi nâng lên, đổ chầm chậm từ trên cao xuống thấp cho rơi vào cót phơi thóc. Nếu có ít người thì người phơi đứng xuôi theo chiều gió, cho gió thổi những hạt lép ra xa, còn hạt thóc mẩy thì đổ xuống thành đống dưới chân. Khi không có gió thì một người đứng cầm cái quạt lớn tạo ra gió để loại bỏ những hạt lép. Việc phơi lúa nặng nhọc là thế, vậy mà ở quê tôi, những người phụ nữ vẫn có thể cần mẫn tự làm qua năm tháng. Nhà tôi cũng vậy, bố thường đi làm xa, hoặc những năm về gần, bố đau ốm suốt, nên mẹ làm công việc đó là chủ yếu. Mẹ làm như một thói quen và chẳng than vãn bao giờ. Khi lớn lên, khi đủ sức làm việc phơi thóc đó, tôi mới thương mẹ đã vất vả thế nào. Từ đó, cứ đến mua thu hoạch, dù đi làm xa nhưng tôi luôn trở về nhà giúp mẹ, để tuổi già của mẹ đỡ vất vả. Cũng từ đó, tôi hiểu, tại sao bản tôi vào mùa gặt lại đông hơn những mùa khác. Ai cũng trở về đề tập trung cho mùa gặt hái may mắn, năng suất. Dường như tất cả dồn hết cả sự tập trung vào mấy ngày ngắn ngủi này.

Thu hoạch là khâu cuối cùng của cả một mùa vụ, nhưng rất cần khẩn trương, cần cả sự cố gắng và may mắn, không thì thành quả của cả một vụ lúa có thể bị mất đi, bị ảnh hưởng xấu bởi mấy ngày này. Ở vùng đồng bằng, một năm người nông dân có thể cấy hái nhiều lần. Nhưng ở vùng núi cao này, ruộng bậc thang phải phụ thuộc vào nước. Mà một năm chỉ có một mùa mưa, cho nên một năm chỉ có một vụ lúa. Số lúa có được sẽ giúp nuôi cả nhà trong một năm dài. Chỉ cần mất mùa, chỉ cần thu hoạch lúa không đảm bảo, để ướt, để nảy mầm là cả năm cả nhà chỉ ăn ngô, ăn sắn và rau rừng. Nắng tháng tám, tháng chín rát mặt. Nhưng chưa khi nào người ta lại mong chờ nắng nhiều đến thế. Người đến cháy đen dưới nắng cũng được, miễn là lúa thóc khô, nhễ nhại mồ hôi dưới nắng cũng được chứ không được để thóc dính mưa.

Có lẽ cảm giác vui sướng nhất là khi thóc được phơi khô, đóng thành từng bao rồi chở về bản. Những bao thóc được cẩn thận xếp gọn nơi góc nhà khô ráo hoặc đổ vào bồ đựng thóc. Ngày nhỏ, tôi thường thích thú đếm những bao thóc. Nếu được nhiều bao thì tôi nhảy cẫng lên hò reo và cả nhà cũng vui vì điều đó. Cả ngôi nhà thơm mùi lúa mới. Những bữa cơm mới dẻo thơm là công sức của bao người, bao ngày, mà vất vả nhất là bố mẹ tôi. Trước khi chúng tôi được ăn những bữa cơm gạo mới, bố tôi thường làm lễ cúng cơm mới trước đó, dâng lên, tỏ lòng biết ơn thành kính đối với tổ tiên, trời đất và lại cầu mong một mùa mới mưa thuận gió hoà.

Tôi chưa bao giờ quên những kỉ niệm về tuổi thơ dữ dội ở vùng núi cao này. Nhưng tôi nhớ nhất là những buổi chạy thóc. Thóc thu xong, được loại bỏ phần nào những hạt lép, thì được trải dài trên các cót, các bạt phơi dọc theo lối đi gần ruộng. Nhiều quá thì phơi cả ở sân nhà. Cứ ở đâu phơi lúa là ở đó phải có người canh lúa. Tôi được mẹ giao canh gà, canh chim, và đặc biệt là canh trời mưa. Dù có mải chơi tù lu hay leo cây trước cổng thì cứ thấy trời mất nắng hay có mây đen là đứa nào đứa nấy, theo phản xạ tự nhiên đứng lên, chạy ngay đi gọi người lớn nếu có người lớn ở nhà. Nếu không có người lớn thì mấy đứa vừa làm vừa túi bụi bảo nhau đậy bạt dần lại, rồi khi vài hạt mưa lác đác rơi xuống là cả bọn phải khênh hết cả cái cót, cái bạt vào giữa nhà. Có lẽ chính vì thế mà trẻ con người Mông chúng tôi, đứa nào tay chân cũng cứng cỏi, khoẻ mạnh từ bé, đứa nào cũng biết giúp đỡ bố mẹ, tự lập lớn lên và có ý thức từ những việc rất nhỏ. Chỉ cần một lần làm ướt thóc thì thấy tội lỗi lắm. Mẹ sẽ không mắng mà mẹ sẽ khóc. Chúng tôi đứa nào cũng sợ nhà không còn gì ăn mà phải tự có trách nhiệm với nhiệm vụ cao cả được giao phó.

Bố mẹ thường coi những cái bạt lớn phơi thóc ở ngoài ruộng. Có những khi bố đi xa vắng nhà, tôi được mẹ tin tưởng giao cho việc coi thóc ở nán lương. Có khi giữa trưa mọi người đang ăn vội bữa cơm mà ai đó hô “có mưa” là ngay lập tức mọi người bỏ bát, bỏ đũa, chạy ra. Mỗi người một chân, một tay, thu cho thật nhanh, cho bằng kịp khỏi cơn mưa giông sắp kéo đến. Tiết trời ở xứ này từ thuở hồng hoang chắc vẫn vậy, nên người già đều đã ghi nhớ, truyền lại kinh nghiệm cho cháu con sau này. Đến độ mẹ tôi chỉ cần thoáng một cơn gió, ngửi thấy một làn hương, nhìn một chớp đông là đã biết sắp có mưa. Trong cơn chạy thóc, chẳng ai kịp đội khăn, đội mũ, cứ vậy mà chạy ra, mặt ai nấy nhễ nhại mồ hôi. Nhưng chỉ cần cứu kịp thóc là ai nấy cũng vui mừng. Lại ngồi thảnh thơi trong cơn mưa ăn nốt bữa cơm còn dang dở. Dẫu bữa cơm tạm ở lán chẳng có gì, nhưng những câu chuyện về mùa vụ đã xua đi tất cả. Chỉ có khi nào, chạy thóc không kịp là nhìn mẹ buồn lắm. Trong đôi mắt của mẹ có sự hụt hẫng, có bao lo toan. Mẹ chỉ lo không có tiền nuôi chúng tôi ăn học, không có tiền chữa bệnh cho bố. Thóc vàng đẹp thế thôi mà dính một cơn mưa là xỉn màu, xấu mã, bán đi cũng mất giá. Có những năm mưa mùa thu kéo dài, không phơi lại được nắng nào, cả mấy bao thóc mọc mầm phải đổ cho gia súc ăn…          Tuổi thơ tôi lớn lên như thế. Tiếc thương từng hạt gạo, từng giọt mồ hôi. Thương từng ước vọng của mẹ, trân quý từng hạt gạo bé nhỏ, mà trong tôi, đó chính là những hạt vàng.

Hình ảnh gùi lúa, gùi thóc về bản, về nhà trong ráng chiều, nó là cái gì đó thật thiêng liêng, hùng vĩ. Những bước chân in dấu trên biên giới, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ. Qua bao đời, người nông dân khơi nguồn mạch sống, chinh phục thiên nhiên, dung dưỡng con người cùng với bao văn hoá ẩn chứa trong từng hạt gạo. Ở đây, có một nền văn hoá lúa nương, nhịp sống ấy tạo nên tính cách con người, tâm hồn con người xứ núi. Tạo nên cả vị đậm đà của những hạt gạo. Những hạt gạo chứa đựng trong mình cả những chắt chiu của đất núi, cả khí trời rộng lớn bao la đại ngàn, cả những nhọc nhằn lo toan của mẹ và đôi khi là những lần ướt mưa. Nhưng sự sống vẫn sinh sôi, cuộc sống ở xứ núi này vẫn muôn màu. Và tôi đi xa vẫn luôn muốn quay trở lại. Để mỗi lần đứng trước những khuôn ruộng bậc thang lại thấy sự kì vĩ, thấy sự khâm phục, thấy cả sự biết ơn về những giọt mồ hôi, những hạt gạo đã nuôi mình lớn.

Tôi quay trở về, mang theo cả những máy, những xe có thể giúp gặt nhanh hơn, chở nhanh hơn để những người nông dân, những người mẹ núi như mẹ tôi ngày xưa đỡ vất vả, nhọc nhằn. Vẫn là gùi mùa vàng về bản, nhưng không phải trên những đôi chân trần. Ngày sắp tắt nắng mà niềm vui, niềm hi vọng cứ dâng cao như ngọn núi.

GIANG THANH


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.