Gốc quê bản

Tôi được sinh ra ở bản nhưng sống và lớn lên tại thị trấn. Ngày ấy, tuy được gọi là thị trấn song khu chúng tôi ở thực ra vẫn là bản: bản Khổng Tở. Vì còn nhỏ nên tôi chẳng thể nhớ nổi bản Khổng Tở lúc đó có bao nhiêu nóc nhà. Chỉ nhớ, sống tại đấy chủ yếu là người Thái nên vẫn giữ nguyên cái nết thơm thảo chân chất của dân bản Thái. Mọi người sẵn lòng giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Nhà ở gần nhau là anh em. Có bát canh rêu đá cũng đem chia. Có món cá suối ngon cũng mang biếu. Có đọt măng tươi vừa hái trên rừng về cũng đưa san sẻ.

Không chỉ rộng lòng thơm thảo, mọi nếp sinh hoạt khác ở Khổng Tở cũng vẫn đậm chất quê bản. Thức chấm dùng trong bữa ăn thường ngày vẫn là thú phú dí (đậu phụ nhự) hoặc tương thố nàu (tương hôi). Vào dịp tết Nguyên đán, dân bản Khổng Tở vẫn giữ tục ra suối “lấy nước trước rồng”. Trai gái bản Khổng Tở vẫn rủ nhau tung còn trao tín vật. Người bản Khổng Tở vẫn quần tụ cùng chơi tọt én cáy (đánh yến), mák lẹk (chọi quả lẹ). Chiêng trống vẫn được dân bản Khổng Tở tấu vang rộn rã: “moóng moóng mơi. Tùm tùm mơi”… Và lũ bé trai chúng tôi vẫn được bố mẹ sắm cho mặc xúng xính áo chàm mới.

Áo chàm mới bao giờ cũng phai màu. Nô nghịch nhiều mồ hôi ứa là trên da sẽ xuất hiện những vệt xanh mờ bởi chàm phai. Song mặc kệ điều đó, lũ trẻ chúng tôi được mặc áo mới là thích. Áo mới còn ngai ngái mùi chàm chẳng làm chúng tôi khó chịu. Chúng tôi hãnh diện vì có áo mới. Chúng tôi đi học mang theo cả áo chàm tới trường. Trong tiết học thầy cô dạy chúng tôi bằng tiếng phổ thông, nhưng giờ ra chơi chúng tôi lại trò chuyện trêu đùa nhau bằng tiếng Thái. Và nhiều khi chúng tôi còn nói pha cả hai thứ tiếng mà không để ý.

Nhà bác ruột tôi cũng ở bản Khổng Tử. Tôi thường xuyên chơi ở nhà bác cùng các anh chị. Bá dâu thương tôi như con. Mỗi khi tôi nghịch Bá chỉ vừa mắng vừa cười. Bá thường lấy xôi trộn với nạc cá, nặn thành từng miếng tròn dẹt, phết mỡ bên ngoài rồi đem nướng cho chúng tôi ăn. Bá dâu tôi là một người giữ đậm sệt gốc quê bản tới mức thủ cựu. Kỳ lạ khó tin. Tiếng là sống nơi thị trấn nhưng bá chưa từng một lần mặc thử quần ống. Hằng ngày bá vẫn quấn váy, vấn khăn vuông và nhai trầu nhuộm răng đen. Nghe hiểu được tiếng phổ thông nhưng bá tuyệt nhiên không thốt ra miệng. Bá chỉ dùng tiếng Thái trong giao tiếp. Bá không ăn mỡ bơ. Bá dửng dưng như con ốc trốn trong vỏ cứng trước nhiều thứ đổi mới. Mọi người không hiểu sao bá lại bảo thủ đến vậy. Bởi bá vốn thông minh và có trí nhớ tốt. Bá thuộc rất nhiều truyện cổ, truyện thơ Thái và thường xuyên kể cho con cháu nghe. Những truyện cổ, truyện thơ đó vô cùng hấp dẫn chúng tôi. Đứa trẻ con nào cũng quý bá, chờ mong được bá kể rót vào tai những câu chuyện cổ tích không bao giờ nhàm chán…

Bá dâu của tôi nay đã thác thiêng về miền mây trắng. Thanh thản ở trên đó chắc bá đang mỉm cười và tiếp tục hát kể những truyện cổ, truyện thơ Thái.

Cứ ngỡ, nếu chuyển ra phố sống đủ lâu thì con người ta sẽ quên hết chất quê bản. Nhưng không phải vậy, chất quê bản bám rễ rất sâu và theo con người ta đến trọn đời. Như tôi nay vẫn rất thích ăn đậu phụ nhự, măng đắng, rêu suối… và dùng từ tượng thanh “moóng mơi” để tả tiếng chiêng chứ không phải “binh boong”. Có điều, tôi không biết chắc mình còn giữ được bao nhiêu phần trăm chất quê bản.

Vương Hà


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.