Giữ vững bình yên nơi rẻo cao Pa Tần

Đầu xuân Quý Mão, chúng tôi có dịp lên thăm những người con của bản làng biên giới Pa Tần, huyện Sìn Hồ đang ngày đêm canh trời, giữ đất. Các anh là những chiến sĩ quân hàm xanh bộ đội Đồn Biên phòng (ĐBP) Pa Tần, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lai Châu.

Trung tá Nguyễn Tiến Đoàn – Chính trị viên ĐBP Pa Tần đón chúng tôi trên điểm cao phần phật gió trời và sương muối, cũng là vị trí đứng chân của trụ sở ĐBP Pa Tần. Trong cái bắt tay chắc nịch, anh cho biết: ĐBP Pa Tần được Bộ Chỉ huy BĐBP phòng tỉnh giao nhiệm vụ quản lý địa bàn xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ. Địa phương có 14 bản trong đó 5 bản vùng thấp, 9 bản vùng với hơn 4.500 nhân khẩu, nơi tập trung sinh sống của 4 dân tộc (Kinh, Thái, Mông, Mảng), đường biên giới thuộc Đồn quản lý dài 12,973km, với 6 cột mốc, từ mốc 53 đến mốc 56/2. Địa hình rộng, dân cư sinh sống không tập trung, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn nhất là mùa mưa nên việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng thế trận biên phòng toàn dân còn gặp nhiều khó khăn. Được biết, Chính trị viên Đoàn quê Bắc Ninh, tết này là 24 mùa xuân anh khoác màu áo xanh biên phòng, nhưng có lẽ với anh vùng biên giới Lai Châu từ lâu đã thành quê hương thứ hai rồi.

Biết chúng tôi nóng lòng muốn xuống cơ sở để nắm bắt thực tế, Trung tá Nguyễn Tiến Đoàn quay sang bên cạnh giới thiệu: “Đây là Đại úy Sùng A Hùng – Chính trị viên phó, tuổi cậu ấy năm nay mới ngoài “băm”, nhưng quãng đường tuần tra và thời gian bám, nắm cơ sở, trực tiếp cùng các chiến sĩ “3 bám, 4 cùng” với bà con vùng cao, thì anh em trong toàn quân phải nể đấy! Hôm nay cậu ấy sẽ trực tiếp đưa đoàn xuống bản…”.

BĐBP Pa Tần tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với người dân biên giới.

Dáng vẻ nhanh nhẹn hoạt bát, giọng nói pha chút bản địa, đại úy Sùng A Hùng quê ở xã Dào San (huyện Phong Thổ). Ngay từ nhỏ chàng trai bản Mông đã có ước mơ trở thành chiến sĩ bộ đội biên phòng. Được hỏi cơ duyên nào anh chọn ngôi sao xanh biên giới, anh cười hồn nhiên chia sẻ câu chuyện về hình tượng người chiến sĩ biên phòng trong bài thơ “Ngựa biên phòng” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn được cô giáo giảng thời học tiểu học ở bản. Tối về, cả khi lên giường ngủ, hình ảnh người chiến sĩ biên phòng cưỡi ngựa tuần tra lúc nào cũng thường trực trong đầu. Và ấn tượng ấy càng đặc biệt hơn, khi tận mắt cậu bé Hùng chứng kiến cảnh các chú bộ đội biên phòng về bản giúp bà con phát triển kinh tế trong đó có nhà mình. 35 tuổi đời, nhưng Hùng đã có hơn 10 năm khoách áo lính biên phòng, bàn chân anh đã đi khắp các rẻo cao Tây Bắc, từ chàng tân binh tốt nghiệp Học viện Biên phòng ngày nào nhận nhiệm vụ về ĐBP Nậm Kè (tỉnh Điện Biên), sang Huổi Luông (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), rồi lại ngược Dào San. Nay thì anh cắm chốt tại biên giới Pa Tần, cứ 3 tháng có dịp công tác, anh cũng chỉ tranh thủ ghé thăm nhà chốc lát lại đi ngay.

Đại úy Hùng đưa chúng tôi về bản gặp các già bản Lý A Giàng (bản Lồng Thàng), Vàng A Thào (bản Nậm Tần Mông 1), những người được bà con nơi đây ví như “điểm tựa” của bản làng. Còn với BĐBP, họ là những “mốc giới sống”, là cánh tay đắc lực đồng hành cùng các anh trong công tác bảo vệ đường biên, cột mốc. Trò chuyện cùng, chúng tôi được biết đến nay già Giàng, già Thào đã có hơn 20 năm cùng với các chiến sỹ biên phòng băng rừng lội suối, là nhận tố quan trọng giúp các anh phân định địa giới rõ ràng, chuẩn xác. Năm nay, tuy tuổi cao, sức khỏe không còn tốt như trước, nhưng khi có dịp nói chuyện cùng bà con dân bản, nhất là lớp thanh niên, mắt các già lại ánh lên niềm tự hào và không quên căn dặn mọi người và con cháu rằng: “Để nơi đây, mỗi tấc đất, dải sông, đầu suối đều có tên, có tuổi, giang sơn, bờ cõi đất nước ta vững vàng, danh nghĩa như ngày nay, thì máu của biết bao thế hệ ông cha đã đổ xuống đất này. Chúng ta phải tự hào là người dân biên giới, mỗi công dân vùng biên phải thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ với quê hương, với Tổ quốc. Bà con mình phải là đôi tai, con mắt của bộ đội biên phòng trong công tác bảo vệ an ninh biên giới quốc gia…”. Chỉ mới đây thôi khi nước bạn Trung Quốc xây dựng và cải tạo lại hàng rào biên giới, để tránh không xảy ra nhưng sự cố không cần thiết, các già đã cùng các chiến sĩ tuần tra 24/2/4 và bám sát chặt chẽ những hoạt động trong quá trình nước bạn thi công xây dựng.

Chiến sĩ ĐBP Pa Tần giúp người dân thu hoạch vụ mùa.

Trong cái lạnh giá rét vùng biên, căn nhà xây kiên cố khang trang có ánh lửa bập bùng sáng lên từ gian bếp của gia đình chị Lò Thị Diêm, dân tộc Thái, bản Pa Tần 3 (xã Pa Tần) làm vơi đi cái lạnh. Trước đây, 6 người cả nhà chị Diêm sống trong căn nhà mái gianh, thưng ván ọp ẹp, ngày nắng còn đỡ, chứ mùa mùa mưa, dột ướt tứ tung. Nhiều năm qua, chị luôn mơ ước được một ngôi nhà khang trang để ở, nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn nên vẫn chưa thực hiện được. Tháng 7 vừa qua, BĐBP Pa Tần phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Pa Tần tổ chức khởi công xây dựng nhà “Mái ấm biên cương”. Nguồn xã hội hóa bằng tiền mặt, vật liệu xây dựng và trực tiếp các chiến sĩ BĐBP hỗ trợ ngày công giúp chị Diêm xây dựng nhà mới có diện tích hơn 40m2 với kinh phí trên 100 triệu đồng. Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, chị Diêm không khỏi xúc động: “Ngôi nhà mới là món quà rất lớn đối với gia đình tôi. Chúng tôi thật sự biết ơn các chiến sĩ BĐBP Pa Tần, các cấp chính quyền, đoàn thể đã giúp đỡ xây dựng căn nhà mới. Đây là cái tết vui nhất với gia đình tôi từ trước đến nay, mùa xuân này, còn hạnh phúc nào hơn khi cả nhà được đoàn tụ, sum vầy trong ngôi nhà khang trang, ấm cúng!”.

Hai em nhỏ Lò Việt My và Tao Đình Phúc, bản Nậm Tần Mông hiện học lớp 4, trường Tiểu học xã Pa Tần có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố My chết sớm, mẹ bị bệnh tâm thần, còn Phúc có  bố bị bệnh hiểm nghèo, quanh năm ở viện nhiều hơn ở nhà. Vốn chăm học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình các em có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng về phụ giúp gia đình. Biết rằng, bà con bản Nậm Tần Mông thương và đùm bọc 2 em, nhưng ngặt nỗi ai cũng nghèo, không thể cưu mang các em lâu dài được. Thật may mắn mô hình “Con nuôi của Đồn” và Chương trình “Nâng bước em đến trường” như “cánh tay” nối dài ước mơ học chữ của các em. Với mô hình này, mỗi em được hỗ trợ 500.000 đồng/ tháng, số tiền này được các chiến sĩ cùng thầy cô trao vào ngày thứ hai tiết chào cờ đầu tháng và chương trình sẽ hỗ trợ các em học xong cấp ba.

Chương trình “Nâng bước em đến trường” đã mang đến cho những ông “bố nuôi” biên phòng Pa Tần những đứa con cơ nhỡ của bản. Cũng từ đây, những người chiến sĩ BĐBP Pa Tần có thêm một mái ấm – mái ấm đấy được nhen lên từ những trái tim nồng hậu, sự yêu thương, bao dung của người lính. Được biết, ngoài My và Phúc, mới đây Đồn phối hợp với trường Tiểu học Pa Tần thực hiện Đề án “Chiến sĩ Quân đội nâng bước em đến trường” cho 10 học sinh trên địa bàn. Đồng hành cùng chương là mô hình “Tay kéo biên phòng”. Đều đặn, cứ thứ 5 hàng tuần, các chiến sĩ: Hoàng Tuấn Linh, Điêu Văn Vương, Lù Văn Thiết, Sí Văn Trường lại trực tiếp xuống trường Tiểu học, Trung học cơ sở Pa Tần để cắt tóc, trò chuyện trao đổi với các em về việc học, ước mơ trong tương lai: “Sự sẻ chia của các anh và toàn xã hội đã thực sự giúp những trẻ em nghèo vùng cao có cơ hội thắp sáng được ước mơ tìm con chữ. Cùng với các thầy các cô giáo ở trường, giờ đây các em đã có thêm những người cha biên phòng hàng ngày chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ…” – Cô giáo Nguyễn Thị Nga – Hiệu trưởng trường Tiểu học Pa Tần phấn khởi chia sẻ.

Ngoài công tác tuần tra bảo vệ an ninh biên giới Quốc gia, giúp dân phát triển kinh tế, tiếp sức cùng các tổ chức nhân lên những mô hình nhân ái ý nghĩa, thì các anh chính là lực lượng xung yếu phối hợp với các lực lượng trên tuyến đầu bóc gỡ và ngăn chặn kịp thời những vụ án trọng điểm là đầu mối gieo rắc những tai tệ nạn đang ngày ngày phá vỡ sự bình yên vốn có của bản làng vùng biên. Từ những buổi tuần tra khi làm nhiệm vụ, các anh đã đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ thành công nhiều tụ điểm ma túy, buôn bán hàng cấm. Điển hình như tháng 6 năm vừa qua, trực tiếp Thiếu úy Nguyễn Thế Thắng – Đội trưởng trinh sát ĐBP Pa Tần phối hợp với các lực lượng bóc gỡ thành công tụ điểm buôn bán ma túy do đối tượng Lý Văn Mẫu ở bản Mới – thị trấn huyện Phong Thổ cầm đầu, tang vật thu giữ 0,31g Hêrôin; 02 viên Hồng phiến (Methaphetamin). Trong năm qua, các chiến sĩ ĐBP Pa Tần đã phát hiện, xử lý, giải quyết 07 vụ/11 đối tượng trong đó: Bắt giữ, khởi tố 01 đối tượng về hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý. Hoàn chỉnh thủ tục tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Sìn Hồ và phối hợp điều tra 02 vụ/03 đối tượng (01 vụ/01 đối tượng có hành vi giết người; 01 vụ/02 đối tượng có hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản). Xử lý hành chính 01 vụ/02 đối tượng về hành vi trộm cắp tài sản, tang vật thu giữ 160kg sắt các loại, thu nộp ngân sách nhà nước 4.000.000 đồng. Phối hợp với lực lượng Công an bắt giữ 01 vụ/01 đối tượng về hành vi tổ chức mua bán dâm; 01 vụ/01 đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ, tang vật thu giữ 50kg pháo các loại..

Cùng với đó là thực hiện hiệu quả  Chỉ thị số 01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Đến nay, ĐBP Pa Tần duy trì thực hiện hiệu quả 02 tổ/10 hộ tự quản 12. 973km đường biên, 06 cột mốc và 14 tổ tự quản an ninh trật tự  bản. Tổ chức tuần tra biên giới được 30 lần/396 lượt người tham gia, trong đó có 132 lượt dân quân tham gia, qua tuần tra kiểm soát kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý các hoạt động vi phạm hiệp định, quy chế biên giới…

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Công Thành, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả phương châm “3 bám, 4 cùng” với đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực biên giới của các chiến sĩ BĐBP tỉnh Lai Châu, cho nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ ổn định. Từ đó, giúp đồng bào thay đổi nhận thức, xóa bỏ dần hủ tục, chung tay xây dựng cuộc sống bình yên, vươn lên phát triển kinh tế – xã hội…

HÀ MINH HƯNG

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.