GIÓ KỂ CHUYỆN THAN UYÊN – ĐẤT VÀ NGƯỜI

Cái rét cuối xuân cùng về xứ gió những ngày chớm đầu mùa hạ. Cả Than Uyên lộng gió. Hình như có bao nhiêu gió từ Hoàng Liên Sơn,  Khau Co đều nhận cả rồi dồn hết xuống thung lũng này. Gió tràn xuống chân núi, dồn xuống các chân đồi thấp Phúc Than,  rồi gấp gáp ào ào qua cánh đồng Mường Than, tràn lên sóng sánh đuổi theo nhau mãi về phía chân đồi. Nơi ấy là bản làng. Chiều về, lửa đang hồng trong những bếp than. Mế nướng cơm lam, nướng sắn và thổi nồi xôi dẻo, cả làn khói tỏa bay trong gió cũng mang đi hương thơm nức của mùa vàng.

Gió à… cứ thổi đi, cứ hát đi.  Và ta. Ta đi trên con đường rộng thênh thang, hít hà mùi lúa thơm ngan ngát. Lúa sắp vào đòng, hương ngọt ngào đặc sánh ta tưởng như có thể khum tay đựng mà uống ngay được. Nhìn mãi theo sóng lúa rập rờn, ta nhìn về những con đường ngang dọc chi chít phía dãy núi Hoàng Liên Sơn, ta chợt nghĩ về những con đường, những phận người đời đời kiếp kiếp nối tiếp nhau ở nơi này, mở rộng cánh đồng Mường Than, chặn suối Nà Khằm làm thủy lợi rồi lại chặn sông Nậm Mu làm thủy điện,  để giờ đây đem ánh sáng tỏa khắp mọi miền…

Ta chợt nghĩ về Mường Kim, Ta Gia… nghĩ về Thẩm Đán Chỉê,  Thẩm Póong,  Thẩm Phé… Ai đã từng ở đó, mà để lại dấu tích về sự sống của mảnh đất này từ thời nguyên thủy trong những hang núi đá vôi? Trầm tích thời gian trong lớp lớp nền đáy hang kể ta nghe câu chuyện về xứ sở này từ thời mở đất. Đó là đất lành.  Đó là nơi tụ hội của bao nhiêu sông suối làm nên những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu. Hương lúa nếp Khẩu Hốc được kết tụ tự bao giờ mà dẻo thơm bao nhiêu đời cóong khẩu. Những vạt nương vàng rực như thêu nắng kể ta nghe về triệu triệu giọt mồ hôi…

Gió thổi qua chân núi Sam Sẩu. Ta nghe gió kể về sân bay Mường Than- trong thế kỷ XX đã bao nhiêu chuyến bay hạ cánh chở theo bao nhiêu tên giặc Pháp và bom đạn đến giày xéo xứ sở này… Ta nghĩ về bản Lướt, về con đường nhỏ ven sườn núi mà ngày ngày xe ngựa nườm nượp đi qua… Ta nghe đâu đây gót giày đinh quân giặc gõ cồm cộp trên con đường nhỏ đá sỏi gồ ghề… Ta ngửi thấy mùi khói súng khét lẹt và nghe thấy những tiếng khóc oán hờn…Tiếng khóc của cành cây,  ngọn cỏ,  tiếng khóc của dòng suối, của cánh đồng… Tất cả oằn mình dưới xích xiềng quân giặc.

Gió thổi mãi… Gió kể ta nghe về những con người trẻ trung và sôi nổi, về niềm tin rực cháy trong trái tim của họ, về lý tưởng mà họ đang đi theo. Bản Lướt nuôi giấu những trái tim nồng nàn ấy, và ngọn lửa từ bản Lướt lan ra cháy cả Mường Kim,  cháy cả Than Uyên và cùng với đoàn quân chủ lực của chiến dịch Tây Bắc 1952 đã thiêu đốt giặc thù… Than Uyên giải phóng… Gió hát về khúc ca lao động sản xuất, tiễu phỉ diệt thù,  làm đường, xây trường  học, bệnh viện… Những cánh đồng như mở rộng mãi đến chân rừng.  Những con suối reo ca… Nậm Bốn xanh trong,  Nậm Phang,  Nậm Mít… cũng rộn ràng những khúc nhạc gọi mùa về nhuộm vàng bản làng, thôn xóm…

Ta hít căng lồng ngực hơi gió, ta uống nước khe suối, ăn cơm gạo ruộng,  gạo nương,  ta ăn sắn khoai Than Uyên mà lớn lên và trưởng thành… Đường ngày xưa không to như đường ta đang đi.  Cánh đồng ngày xưa không rộng dài,  không xanh mướt như bây giờ ta đang thấy. Những mái nhà sàn ngày xưa bé nhỏ,  lụp xụp thì bây giờ cao rộng, vững vàng.  Mẹ ta,  chị ta xưa gầy gò váy đụp áo vá,  bây giờ khỏe mạnh xinh đẹp với áo cóm màu tươi, váy lụa đen dài…

Câu chuyện của gió cho ta nghe thấy trái tim ta đang đập từng nhịp rộn ràng nồng ấm, dường như tim ta đang hát lên khúc ca về lòng tự hào và tình yêu xứ sở… Bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu con người đã sinh ra,  lớn lên và rồi lại hòa lẫn vào lòng đất này để làm nên một Than Uyên bây giờ.

Gió Khau Co ngàn năm còn thổi mãi… Gió giằng giật những vườn cây, những ruộng lúa, gió hất tung những mái nhà, những nơi gió qua chẳng một chiếc lá nào còn có thể ở lại trên cây…

Gió ạ,  gió cứ phô diễn sức mạnh của mình như ngàn đời nay vẫn thế, nhưng chắc chắn gió chẳng thể nào khuất phục được trái tim của con người Than Uyên yêu thương gắn bó với bản làng, với núi rừng và kiên cường chiến đấu, lao động, dựng xây…

Than Uyên đang lớn lên và chuyển mình cùng đất nước đến những tầm cao mới. Áo cóm vẫn còn đây, chiếc váy lanh vẫn mãi còn đây… trong ấm áp sắc màu thổ cẩm và hương lúa đồng Mường Than cùng nhịp trống hội xòe chiêng rộn rã cũng sẽ cùng ta đi tới mãi mai này…

Đinh Hồng Nhung


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.