Mẹ, cô Mùa có về ăn Tết không?” – đứa con gái tuổi trăng rằm hỏi chị Na như vậy. “Mẹ cũng không biết, nay ba mươi rồi mà vẫn chưa thấy mặt đâu chắc gì đã về”. Chị Na vừa vo gạo để đồ xôi gấc cúng giao thừa vừa trả lời con.
Lòng chị bỗng chùng xuống. Hình như ở làng này, mỗi mùa xuân đến là mái tóc người đàn bà lại trắng thêm nhiều sợi. Quanh năm lo làm lụng nuôi con, Tết lại sấp ngửa bán mua, sắm sanh. Cả Tết quanh quẩn nấu ăn rửa bát. Vậy mà từ lâu rồi, Mùa đã tuyên bố Tết là phải đi chơi ngắm cảnh với người yêu, phải sống cho mình, không nên ăn uống nhiều. Mùa đi trước thời đại, trở thành người kỳ dị trong mắt dân làng. Suốt tết, Mùa đi theo gánh tuồng cụ Hạo, rong chơi khắp mấy xã. Nghe ai dèm pha Mùa bảo, trước khi nói xấu ai các vị xem lại mình trước đã. Mùa giỏi kiếm tiền, gánh tuồng diễn ở đâu Mùa bán muối và diêm ở đó, hết Tết là Mùa có một khoản tiền kha khá. Mùa lại gọi Na – cô bạn thân ra góc điếm cho quà. Lần cuối Mùa cho Na một cái khăn lụa tơ tằm rất đẹp. Nhìn Mùa má ửng hồng, mắt long lanh ôm lấy Na kể đang yêu anh Nghĩa – cháu trai cụ Hạo mà Na lại lo. Sống mạnh mẽ và hiện đại như Mùa ở thời mà thiên hạ đói cơm rách áo, dò xét bao bọc trong định kiến này sẽ lành ít dữ nhiều. Nhiều lúc, tất cả phụ nữ ở làng ngồi gẫu chuyện, ai cũng muốn mình được là Mùa, dám sống như Mùa, thầm bái phục Mùa, giành bằng được hạnh phúc cho mình…
Bao ký ức chất chứa trong lòng chị Na có dịp trỗi dậy, sinh sôi. Chỉ lúc nào thật rảnh rỗi, đàn bà như chị mới nghĩ riêng tư chút ít.
Như lúc này, thằng con lớn đang học đại học theo bố vào thắp hương nhà thờ họ, hai mẹ con chị ở nhà mới có thể nói chuyện dông dài. Bàn thờ đã sắp xong, mọi đồ ăn thức uống cho ba ngày Tết đã sẵn. Chỉ tiếc bữa cơm tất niên ban tối vắng cô Mùa. Dễ phải gần chục Tết rồi, từ ngày bà mất, Mùa không về. Thi thoảng Na nhận được mấy dòng thư và quà bánh.
“Mẹ nghĩ gì thế? Nhớ cô Mùa chứ gì? Sao ngày xưa bà nội lại không cho cô Mùa lấy người yêu ở làng? Sao cô Mùa lại bỏ quê đi?”.
Na không trả lời con mà trút gạo vào cái rá lớn. Tiếng gạo rơi loạt xoạt hệt như tiếng muối rơi xuống cái nong tre hồi ấy. Muối trong trận đòn bà nội Oanh phạt Mùa. “Cái con Oanh này, có thể cô Mùa sẽ về đấy, chiều chủ tịch xã gặp mẹ, nói chuyện là cô tài trợ xây trường mầm non mới cho xã mà. Thấy bảo giờ cô giàu lắm, giám đốc doanh nghiệp cơ đấy”. Na nói lảng.
Cái Oanh không chịu, nó luôn thắc mắc về cô Mùa – em ruột của bố nhiều năm nay. Ai cũng nói cô đẹp gái, hát hay, chỉ vì cái tội yêu đương mà đời phiêu bạt. Oanh không hiểu thực hư ra sao. Bà nội ngày còn sống nhớ thương con gái lắm nhưng chỉ nói, “làm con phải biết thương cha mẹ, chứ bỏ đi là không có ra gì, bà đánh chết cũng phải ở nhà, cháu là con gái đừng có chỉ vì yêu ai mà bỏ quê, sao mắt mũi con bé này lại giống con Mùa thế”. “Vậy mẹ có biết hát ống không? Sao lại hát vào cái ống tre nhỉ, mỗi người còn cầm một ống, dây thì dài, đứng rõ là xa”. “Ai chẳng biết hát vài câu. Ngày xưa thời phong kiến, nam nữ thụ thụ bất thân, không đứng gần nhau nói chuyện đâu, nên nếu có tình cảm với nhau phải hát qua cái ống đó. Đi làm đồng thì mang ống đi. Đồng trên đồng dưới hát đi hát lại mà thành vợ chồng”. “Mẹ hát thử vài câu đi”. “Thì đấy, hai người hai cái ống, đứng cách xa mấy chục mét, có tình ý rồi mới nhận lời hát đôi. Hát là: “Hỡi cô cắt cỏ áo xanh/ Muốn ăn cơm trắng theo anh về nhà”. Đồng ý lấy thì hát: “Nhà anh em chẳng lạ gì/ chẳng mê cơm trắng mà vì anh thôi”. Chỉ chờ thế, anh kia hát luôn: “Sẵn lòng một tấm tình son/ Em về ta sẽ sinh con, làm nhà…”. Cô gái sẽ nói dỗi: “Người đâu ăn nói hay chưa/ Ngõ về chưa tỏ, ai vừa lòng ai”… “Thế là cô gái đồng ý rồi hả mẹ?”. “Chứ sao, ý là trách người nam kia chưa biết ngõ nhà mình, sao dám lấy. Chàng trai sẽ về bảo bố mẹ đi đánh tiếng thăm nhà cô gái, cho hai người lấy nhau làm vợ chồng”. “Eo ơi. Lại thế à. Thế là lấy nhau á? Chắc bố mẹ cũng thế chứ gì?”.
Na khẽ “ừ” một tiếng, hai má bỗng nóng lên. Dường như cái ngõ cuối làng đầy rơm năm ấy vẫn đâu đây. Sau nhiều ngày hẹn hò hát ống với nhau, Na đã nhận lời lấy chồng. Na đã áp má mình vào ngực trần của chồng Na, rồi ôm nhau lăn dài trên thảm rơm…
Mùa thì khác. Sau mỗi lần đứng hát trong đám con gái ở cổng làng, Mùa đều biến mất. Mùa và anh chàng đẹp trai nhất làng trốn lên núi Chúa. Có khi nửa đêm Mùa mới lẻn về. Chồng Na giận lắm. Mẹ Mùa vác gậy khắp làng tìm con. Có hôm đám trẻ con mách, cô Mùa chú Nghĩa đang hôn nhau ở bờ giếng Lấng.
…Trăng đầu tháng xanh non bủa vây khắp sân điếm. Đám hát đã tàn. Không ai nhìn thấy Mùa. Cạnh điếm có một cái giếng nước trong vắt quanh năm. Giếng thiêng, mang cái tên kì lạ và liên quan đến ái tình của trai gái vùng này. Các cụ trong làng kể, đêm ba mươi Tết phải canh giữ giếng thật nghiêm đến canh ba, nếu chẳng may có cái sào hay cây que gì cắm xuống lòng giếng thì năm đó, thể nào làng cũng có một cô gái “không chồng mà chửa”.
Mùa bị nhốt vào căn nhà chứa đồ, loay hoay tìm cách để thoát ra, áp tai vào tường. Có tiếng nói phía ngoài: “Mùa ơi, anh đây, anh biết em trong đó”. Mùa bật dậy nói khẽ “anh cứu em đi”. Chờ cho chó bớt sủa, bố mẹ mỏi đã thiếp ngủ thì Mùa được cứu ra qua mái nhà. Hai người lại dắt tay nhau chạy một mạch lên núi Chúa. Mùa hái hoa, những cánh hoa men đẫm trăng thơm nức cài lên tóc rồi dựa vào vai người yêu. Hai người thề nguyện sẽ yêu nhau suốt đời, từ mai sẽ không hát ống làm gì thành giả dối, anh sẽ yêu Mùa theo cách mà trái tim chỉ lối.
Mà đúng là chuyện lạ đã xảy ra, Mùa và anh Nghĩa không giống các cặp đôi khác. Hai người thường bên nhau đi khắp làng, cùng nhau làm đủ việc. Sáng ba mươi Tết, Mùa bán bánh đa đỏ thì Nghĩa ngồi quạt bánh, lâu lâu lại lau mồ hôi cho nhau rất tình tứ. Người làng xúm đến mua bánh và cũng để xem hai người. Lũ trẻ chạy vòng quanh hát: “Ve vẻ vè ve/ Cô Mùa chú Nghĩa/ Ăn cơm bằng đĩa/ Đẻ một đàn con”… Mùa phì cười chia bánh đa cho trẻ con và bảo: “cứ hát đi, cô còn đẻ cả một tiểu đội”. Nói xong cô lại lườm chú Nghĩa. Hết hàng, Nghĩa cõng Mùa trên lưng đi theo đám trẻ con hò reo. Chiều ấy, có người mách bà nội Oanh là cô Mùa và chú Nghĩa trải lá thông khô nằm bên nhau trên núi. Bà gọi mấy người đi bắt cô về. Thay bằng bữa cơm tất niên thì ông bà trói cô Mùa vào gốc cau, đánh đít. Na và Nghĩa chạy đến xin ông bà đừng đánh Mùa. Mùa tay ôm gốc cau, chân đứng vào nia. Bát muối để bên. Mùa bị đánh ba roi đau và xát muối vào mông vì tội lẳng lơ yêu đương không biết lễ nghĩa gì. Mùa vừa khóc vừa gào lên: “Bố mẹ đánh chết con, con cũng yêu anh Nghĩa. Con có làm gì sai đâu”. Nghĩa quỳ lạy, xin sẽ cưới Mùa. Cả làng đến xem nhìn thấy mông Mùa bị tím. Bà chỉ vào hai người mắng: “Anh, chị cút đi”.
Đêm ấy, đúng giao thừa, không hiểu ai đã cắm cái cọc cây đu xuống giếng thiêng. Các cụ im lặng lắc đầu và đồn đoán, lo âu. Không ai biết Mùa và Nghĩa đã lên xe đạp ra khỏi làng.
Sớm hôm sau, cả làng đổ ra xem giếng, cọc rơi xuống giếng lần này chắc chắn ứng với cô Mùa đây. Thật kỳ lạ. Từ bên thành giếng sát mặt nước xuất hiện một khóm hoa trắng muốt, ướt đẫm sương. Hoa trắng đẹp lạ thường in bóng xuống lòng giếng. Sao lạ lùng, bao ngày không ai thấy cây lá gì, sao lại nở chùm hoa đẹp thế trên đám rêu xanh. Càng gần trưa đám hoa càng lan rộng, nở thành một vòng rung rinh khắp lòng giếng. Người già nhất làng bảo đó là hoa ưu đàm của nhà Phật sẽ mang phúc lành cho dân làng. Các cụ họp lại mang đồ đến giếng tế Thần, Phật. Không ai bảo ai, những người có mặt khi ấy đều nghĩ đó là hoa giải oan cho cô Mùa xinh đẹp.
Từ đó, giếng thiêng được gọi trệch ra thành giếng Lấng. Chuyện canh giếng cũng kết thúc. Không còn cô gái nào lỡ dở mà liên
quan đến giếng nữa. Chuyện hát ống trở thành huyền thoại. Bây giờ, thời buổi phồn vinh người làng lại khôi phục hát ống để làm kỷ niệm, để biểu diễn trên sân khấu.
Mùa và Nghĩa bặt tăm gần chục năm mới về khi mẹ Mùa mất. Na và gia đình chỉ biết rất đại khái là hai người đang ở đảo Phú Quốc. Nghĩa đi bộ đội đóng quân ở đó, còn Mùa làm nước mắm. Hai con của Mùa sinh đôi. Dân làng và họ hàng hai bên được nhận quà nước mắm sau khi hai người đã âm thầm đi từ bao giờ. Lúc ôm nhau khóc, Na chỉ nghe thấy Mùa nói khẽ: “Em không giận gì bố mẹ, nhớ anh chị nhưng em xa lắm không về được. Sẽ có lúc em mang anh Nghĩa về tạ tội với tổ tiên”. Tay Mùa chai sạm nhưng khuôn mặt thì vẫn đẹp. “Mẹ, ông nội con về kìa”- tiếng Oanh làm chị Na bừng tỉnh.
Nhìn ra, bố chồng Na đã 94 tuổi đang chống gậy vào cổng. Ông về cúng giao thừa đây. Mà sao nhìn ông năm nay vui khác thường, ai tặng ông cái khăn đẹp nhỉ. Na chợt nghĩ đến Mùa. Ôi chao, sau ông nội, chồng con chị nói cười rổn rảng, rất đông người đi sau. Cuối cùng là cái ô tô sang trọng tiến vào. Na dụi mắt chạy ra. Bố chồng chị nói to: “Cuối cùng con gái rượu của ta cũng về đấy, mang theo rể và hai thằng cháu đẹp như tranh. Vào đây, vào đây. Con Na dọn chỗ để ăn cơm nào”.
Mọi người ùa vào. Mùa lao đến ôm lấy Na. Nghĩa dắt hai cậu bé sinh đôi chừng mười ba tuổi đi vào. Mừng mừng tủi tủi, ai cũng nước mắt nghẹn ngào. “Em về nhà nội lúc chiều muộn rồi, phải bí mật tối mới về nhà mình. Chị đã tin em chưa, em đã nói hạnh phúc hay không là do mình mà lị, tặng chị cái
này nhá”- Mùa vừa nói vừa đeo vào cổ Na cái dây chuyền vàng lấp lánh. Con Oanh nhảy lên reo hò, gõ mâm gõ bát. Tính hệt Mùa. Nó kéo hai thằng em dẫn đi xem khắp nhà. Mọi người ríu rít vui sướng. Dân làng lục tục kéo đến đầy sân. May nhà Na sân rộng. Bánh kẹo được bày ra các chiếu lớn mời bà con họ hàng làng xóm. Mùa xúc động không nói thành lời. Chồng Na thông báo thay vợ chồng em là mời tất cả dân làng đến mồng bốn Tết ra nhà văn hóa làng dự lễ động thổ xây trường mầm non của xã. Tài trợ xây trường là vợ chồng Mùa Nghĩa, đồng thời cũng dự luôn đám cưới của Mùa. Tiếng vỗ tay không ngớt. Mùa ngồi dựa vào vai cha mình gật gật đầu. “Cô Mùa đẹp thật đấy, ngưỡng mộ tình yêu của cô chú lắm” – cái Oanh thì thầm vào tai mẹ rồi chạy ra ngõ hét lên. “Chú Nghĩa đeo lon đại tá đấy mẹ” – con trai Na khoe giọng thích thú. Na và mọi người đều biết rồi, chú Nghĩa làm trong quân đội, cô Mùa là chủ một thương hiệu nước mắm lớn. “Mai em và chị ra giếng Lấng hát ống nhé” – Mùa trêu. Na biết Mùa đang nhớ chuyện xưa. Mọi người cũng lao xao kể lại chuyện giếng nở hoa hồi ấy.
Chưa khi nào Na và Mùa lại thấy vui và hạnh phúc thế này. Hai người bạn, hai chị em ngồi bên nhau giữa gia đình, chòm xóm. Xa xa, trên núi Chúa, có ánh lửa bập bùng đón giao thừa trên ngôi đền Cao. Tiếng hát ống đâu đó vẳng đến… Cành hoa đào gia đình Mùa mang từ đảo về chợt cùng lúc nở bừng những bông hoa sáng rực trên ban thờ.
Giao thừa. Hình như dư âm về mối tình có hậu của cô Mùa làm lay động cỏ cây. Năm mới tràn sang cùng tiếng cây tách vỏ, nảy mầm…
Nguyễn Thị Mai Phương
>>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu