Giấc trưa

Thời tôi còn nhỏ, mẹ hay dặn dò tôi phải biết tận dụng thời gian nỗ lực học tập, làm những điều có ích cho gia đình và xã hội. Mẹ dẫn câu ca dao: “Đời người ngắn tựa gang tay/ Những ai ngủ ngày, còn có nửa gang”; và đọc câu tục ngữ: “Chè hâm lại, gái ngủ trưa” để phê phán những người con gái lười biếng, không biết quý trọng thời gian. Tôi thấm thía, khắc ghi lời mẹ dặn.

Nhưng, hai chục năm trở lại đây, tôi không làm được như thế!

Số trời run rủi tôi gặp được nàng thơ. Và tôi mê nàng như điếu đổ. Tôi như kẻ mộng du mê man đi tìm nàng ấy, càng tìm càng khám phá ra ở nàng biết bao điều tốt đẹp tôi hằng mơ… Có điều, tôi không thể tìm thấy nàng vào ban ngày, dù khu nhà vườn tôi ở rất nên thơ, yên tĩnh. Nàng chỉ nhẹ nhàng lướt đến bên tôi vào những khoảnh khắc huyền diệu giữa đêm khuya thanh vắng một mình. Và tôi thấy cuộc đời này có thêm bao ý nghĩa…

Thức đêm nhiều thì phải ngủ bù vào giấc trưa. Mỗi buổi trưa, tôi chỉ cần chợp mắt mười lăm phút là những uể oải tan biến. Vì thế, tôi rất quý giấc trưa ngắn ngủi. Chồng tôi trân trọng giấc nghỉ trưa của vợ, ý tứ không bao giờ gây ra tiếng động, dù là rất nhỏ, để tôi được ngon giấc. Thế mà hai hôm nay, tôi mất trắng hai giấc trưa liền…

Buổi trưa hôm kia, chồng tôi đi vắng. Tôi vừa chợp mắt, bỗng nghe tiếng chó sủa, bèn ra mở cửa. Một người phụ nữ dân tộc Giáy ngoài bốn mươi tuổi mặc quần áo ướt, tay ôm con gà khập khễnh chạy vào hiên nhà tôi, ngọng nghịu nói:

– Cán bộ ơi, mua cho em con gà này đi!

Tôi nhớ ngày còn nhỏ có lần nghe mẹ nói: “Gà trắng chân chì, mua chi giống ấy”. Tôi hỏi mẹ tại sao thì mẹ giải thích: gà loại đó mùi tanh, ăn không ngon như các loại thịt gà khác.

Hai mắt vẫn díp lại, tôi trả lời:

– Không mua đâu!

Tôi toan đóng cửa ngủ tiếp thì bỗng chị ấy cất giọng cầu khẩn:

– Chị mua giúp em với. Mai khai giảng năm học mới rồi, em bán gà lấy tiền để mua cho con trai em bộ quần áo.

– Con trai chị vào học lớp mấy?

– Cháu học lớp hai, chị ạ!

Nghe giọng nói đượm buồn, tôi ngẩng lên nhìn chị: một khuôn mặt rỗ, lại thêm hai chân bên dài bên ngắn, tôi chợt hiểu: vì sao bằng tuổi này, chị mới có đứa con nhỏ như thế.

Tôi hạ giọng:

– Thôi để tôi mua. Vậy chị bán bao nhiêu con gà này?

– Con gà này một cân bảy, em xin chị hai trăm năm mươi ngàn.

Tôi nhốt gà rồi lục ví, đưa chị ta ba trăm ngàn:

– Chị cứ cầm cả đi!

Chị phụ nữ mừng quýnh, lắp bắp:

– Em… cám… ơn… cán bộ.

Rồi cầm tiền cho vào chiếc túi thổ cẩm đeo bên mình. Nhìn bộ quần áo ướt sũng dán vào da thịt chị, tôi hỏi:

– Nhà chị ở đâu?

– Em ở xã Nùng Nàng.

– Trời! Xã ở cách đây những mấy cây số. Chị mặc thế này về đến nhà nước ngấm vào người thì bị cảm mất. Tôi cho chị bộ quần áo, chị vào nhà tắm thay rồi cầm áo mưa của tôi mà về nhé!

Chị ngước mắt nhìn tôi, bối rối:

– Em không lấy của cán bộ đâu.

Tôi nhỏ nhẹ nói:

– Bộ quần áo này chị vừa mua và áo đi mưa con gái chị mới cho thêm một chiếc nên chị cho em luôn chiếc này. Em tranh thủ qua chợ, mua áo mới cho con trai nhé!

Thấy tôi đổi cách xưng hô, gọi chị bằng “em” và tự xưng là “chị” rất tự nhiên, thân tình, chị cảm động lí nhí:

– Em cám ơn cán bộ.

Rồi chị bước thấp bước cao vào nhà tắm thay bộ quần áo tôi đưa. Lát sau chị trở ra, khuôn mặt rạng rỡ. Bộ quần áo màu xanh sẫm vừa như in. Các cụ bảo: “người đẹp vì lụa” quả chẳng sai, nếu không bị thọt, dáng người chị cũng khỏe mạnh lắm! Và các nét trên gương mặt chị cũng thật cân đối. “Chắc ngày nhỏ chị ấy bị bệnh thủy đậu nên mới để lại di chứng rỗ mặt” – Tôi thầm nghĩ.

Chị khoác áo mưa, đến cổng vẫn còn quay lại cám ơn tôi lần nữa.

Trời vẫn mưa nặng hạt nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Dẫu mất giấc ngủ trưa nhưng tôi đã làm được một việc nho nhỏ giúp đỡ người phụ nữ nghèo khổ. Cứ hình dung cháu bé cùng tuổi với cháu ngoại mình, mai có bộ quần áo mới bước vào lớp hai, tôi vui lắm! Cháu tôi sinh năm  Nhâm Thìn nên cả nhà gọi yêu cháu là “em Rồng”. Tất cả các cháu Rồng trên toàn quốc năm nay cùng bước vào lớp hai. Thú vị thật!

Sáng hôm sau, vừa khai giảng năm học mới về, mẹ con nhà bé Rồng tung tăng dắt nhau vào thăm ông bà ngoại. Bé Rồng xúng xính trong bộ quần xanh áo trắng mới tinh, sà vào lòng bà ngoại khoe:

– Cháu vừa đi khai giảng về, bà ơi!

Cái miệng bé chúm chím, đôi mắt đen ngời sáng, sao mà đáng yêu thế! Tôi hình dung ra ở Nùng Nàng hôm nay cũng có một bé Rồng khôi ngô tuấn tú xúng xính trong bộ quần áo mới đi khai giảng năm học mới về… Hai mẹ con bé Rồng ăn cơm trưa cùng ông bà ngoại vì bố cháu đi công tác ở huyện Tam Đường chưa về. Suốt bữa ăn, cháu cứ luôn miệng khoe với bà chuyện cô giáo và bạn bè mới.

Đợi mẹ con Rồng về, tôi tranh thủ chợp mắt một chút. Ai dè vừa thiu thiu ngủ thì có tiếng chó sủa ngoài ngõ. Không muốn chồng thức giấc nên tôi nhẹ nhàng ra cổng. Không ngờ, lại gặp chị người Giáy hôm qua tay xách túi thổ cẩm to đùng, tươi cười bước vào:

– Em chào chị ạ!

– Hôm nay em lại bán gì nữa đây?

Tôi hỏi, giọng không vui phần vì buồn ngủ quá, phần vì sợ chị ấy không hiểu giấc ngủ trưa cần thiết với tôi như thế nào. Biết tôi dễ tính, ngày nào chị cũng đem các thứ xuống bán thì tôi biết làm sao?

– Em không bán gì đâu, chị à. Sáng nay trời nắng, em tranh thủ giặt áo mưa và bộ quần áo để mang trả cho chị. Với lại, em đem cho chị ít quả ổi của nhà trồng rồi em phải về đi nương ngay. Nhà chỉ có một mẹ một con nên nhiều việc phải làm lắm ạ!

Nghe chị nói thế, tôi đỏ bừng mặt xấu hổ vì mình lúc nãy nghĩ sai cho chị. Người phụ nữ tuy nghèo nhưng giàu lòng tự trọng và ân tình lắm. Tôi rưng rưng nói với chị:

– Em cho ổi thì chị nhận nhưng đừng trả lại quần áo và áo mưa nhé! Làm thế chị buồn đấy!

Chị nhìn tôi không chớp mắt:

– Vâng, thế thì em xin chị, em về đây ạ!

Tôi đứng tần ngần ở cổng, dõi theo mãi bóng dáng khập khễnh của chị giữa tiết mùa thu mát mẻ, thầm nghĩ: “Nàng thơ đâu chỉ là những gì cao xa vời vợi, lung linh huyền ảo giữa đêm khuya thanh vắng. Nàng thơ rất thật, rất gần bên ta, mang vẻ đẹp thuần phác của những con người bình thường nhưng chẳng hề tầm thường chút nào…”.

Bùi Thị Sơn


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.